Trích từ Dân Chúa

Nguyễn Thế Doanh – Điển hình của những nghịch lý

Đặng Tự Do

VietCatholic News (Thứ Bảy 05/01/2008)

Trong bài “Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ” [1], một nhà trí thức tranh đấu tại Việt Nam, tiến sĩ Hà Sĩ Phu, khi đề cập đến hệ thống xã hội tại Việt Nam đã nhận xét rằng hệ thống ấy “chứa đựng quá nhiều 'nghịch lý', nếu chưa muốn nói là cấu thành bởi toàn những 'nghịch lý'" Ông giải thích:

"- Hệ thống 'dân chủ gấp triệu lần' lại vướng mắc chính vấn đề dân chủ.

- Hệ thống tiêu biểu cho Sự thật (có các nhà xuất bản Sự thật, và chúng ta thường nói chỉ chúng ta mới có dũng cảm nói sự thật) thì đang phải cố chữa cho được bệnh nói dối.

- Hệ thống tiêu biểu cho triết học duy vật thì lại là điển hình của bệnh duy ý chí.

- Hệ thống ưu việt (tức là tốt vượt hẳn lên), tiêu biểu cho sự giải phóng Con người thì lại không ưu việt về Quyền Con người, luôn bị chỉ trích về Quyền Con người.

- Hệ thống tiêu biểu cho sự đề cao những giá trị tinh thần thì lại 'xuống cấp những giá trị đạo đức', đang cần làm lành mạnh trở lại những quan hệ xã hội và gia đình.

- Hệ thống tiêu biểu cho tính 'nhân loại', tính 'tập thể' thì lại xuất hiện rất nhiều ví dụ về tệ sùng bái cá nhân, tập trung quyền lực vào tay một người, lấy một người trùm lên tất cả. …”

Danh sách những nghịch lý mà nhà trí thức này đề cập đến còn dài, chúng tôi chỉ xin trích một vài đoạn.

80103Doanh.jpg

Khi đọc xong bài phỏng vấn của BBC dành cho Nguyễn Thế Doanh, Trưởng Ban Tôn Giáo Nhà Nước [2], tôi “rợn tóc gáy” nhận ra một điều là những gì nhà trí thức này viết vào năm 1988, 20 năm sau vẫn còn y như vậy. Các Mác từng nói: “Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội” [3]. Nhưng có lẽ các học trò của Mác tại Việt Nam đang đưa ra những dấu chỉ phản chứng cho khẳng định này của Mác. Trong khi Việt Nam đang có những thay đổi về bộ mặt kinh tế, xã hội, nhà nước này, thông qua điển hình là quan chức Nguyễn Thế Doanh, đã cho thế giới thấy, họ không hề thay đổi chút nào về cái “ý thức xã hội” mà Mác đã đề cập. Hay nói dễ hiểu hơn, theo như chữ nghĩa của nhà trí thức Hà thành, họ không có khả năng “phục thiện”.

Hệ thống "dân chủ gấp triệu lần" ấy tuyên bố một câu xanh rờn như sau: “Không có chuyện đòi lại, trả lại". Doanh giải thích: “Từ khi có Luật đất đai, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý và nhà nước, căn cứ vào nhu cầu sử dụng thực sự của nhân dân và quỹ đất, cấp đất cho nhân dân, các tổ chức để sử dụng ổn định, lâu dài.”. Nói cách khác, cái "dân chủ gấp triệu lần" dân chủ ấy là thế này: nhà nước cưỡng chiếm đất đai của anh, quản lý nó và chỉ ban phát lại cho anh sau khi xem xét qua một cơ chế xin-cho, sau khi anh ngoan ngoãn phục tùng, anh cúi đầu chịu mọi điều kiện dù cay đắng đến cỡ nào đi nữa. Như thế, người dân được làm chủ cái gì khi chính những gì thân thiết nhất, cần thiết nhất trong đời sống hàng ngày, những gì của chính mình, do mồ hôi xương máu mình tạo ra giờ đây phải van xin để có lại được?

Từ “cưỡng chiếm” nói ở trên, thực ra, không nói lên được hết ý nghĩa của thực tế khách quan. Nó còn quá lịch sự và khách sáo. Thực tế đã diễn ra trong xã hội Việt Nam từ sau năm 1954 ở miền Bắc và từ sau năm 1975 ở miền Nam liên quan đến vấn đề tài sản của các tôn giáo và các cá nhân nói cho thật đúng là thế này: nhà nước “cướp” của họ. Chữ “cướp” đó mới thực sự phản ánh thực tại khách quan. Người dân Việt của tôi trải qua bao nhiêu đời khốn khổ với bọn vua chúa quan quyền phong kiến đã để lại cho con cháu lời thở dài đầy bi thương phẫn uất này:

“Con ơi nhớ lấy lời này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.

Hệ thống "dân chủ gấp triệu lần" ấy cũng “cướp” không khác gì bọn vua quan phong kiến, có chăng là tinh vi và thâm độc hơn dưới những chiêu bài mà chữ nghĩa tự nó đã chửi cha lẫn nhau: “Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Đức Cố Hồng Y Trịnh Như Khuê khi sang Rôma nhận mũ Hồng Y vào năm 1976 đã tâm sự với các linh mục và tu sĩ Việt Nam tại Rôma: “Ngoài Bắc chúng tôi không hiến nhà cho Nhà Nước, họ dùng vũ lực để chiếm các cơ sở của chúng tôi, họ là quân ăn cướp!” [4]

Hệ thống tiêu biểu cho Sự thật với các nhà xuất bản Sự thật, và đảng thường nói chỉ có đảng mới có dũng cảm nói sự thật đã phát biểu như thế nào trong vụ Tòa Khâm Sứ? “Việc này vẫn chưa được một cơ quan nào đó có thẩm quyền ở địa phương báo cáo. Hà Nội cũng chưa có báo cáo cụ thể. Bản thân Tòa Giám Mục sau vụ việc này cũng chưa báo cáo cụ thể” [5] Đây quả là một lời dối trá quá trâng tráo.

Sau khi cướp được Tòa Khâm Sứ, nhà nước đã dùng nơi này vào những mục đích khác nhau, kể cả như một hình thức để tra tấn tinh thần các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tại Hà Nội. Trong thập niên 80 nhà nưóc đã xây Cung Văn Hóa trên đất Tòa Khâm Sứ, chủ yếu dùng làm sàn nhảy. Đêm nào họ cũng mở nhạc ầm ầm đến 2 giờ sáng, với chủ đích phá hoại bầu khí tĩnh mịch của nơi tu hành. Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn đã nhiều lần than phiền với chính quyền rằng ngài không thể ngủ được, nhưng chính quyền vẫn làm ngơ.

Năm 2000, Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng lại gởi đến các cấp chính quyền một đơn đòi trả lại khu đất Tòa Khâm Sứ, trong đơn có chữ ký của ngài và tất cả các linh mục trong Giáo Phận, nhưng Nhà Nước không trả lời. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam họp năm đó và những năm sau này vẫn liên tục đòi lại Tòa Khâm Sứ nhưng Nhà Nước vẫn không trả lời. Những lần Hội Đồng Giám Mục Việt Nam họp cái ban tôn giáo của Doanh vẫn lảng vảng đến để đánh hơi làm sao lại không biết.

Mới nhất, vào ngày 3/12/2007 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt lại gởi một văn thư yêu cầu các cấp chính quyền giải quyết vụ này. Chính quyền chẵng những không đáp ứng và còn làm tới. Tối 12/12/2007 họ đã cho chuyển tới các phương tiện để sửa đổi ngôi nhà Tòa Khâm Sứ và ngày 13/12/2007 họ bắt đầu dỡ mái Tòa Khâm Sứ. Khoảng sân rộng phía trước Toà Khâm Sứ, họ đã cho siêu thị điện máy Nguyễn Kim nằm ở phố Tràng Thi gần đó thuê làm bãi giữ xe.

Những cuộc biểu tình đông đảo của anh chị em giáo dân ở Hà Nội đang được thế giới biết đến. BBC là một ví dụ điển hình, chưa kể bao nhiêu thông tấn xã, báo chí, đài truyền hình trên thế giới đưa tin. Chính thủ tướng nhà nước Việt Nam cũng đã đến tận nơi để xem xét. Thế mà cái “hệ thống tiêu biểu cho Sự Thật” ấy vẫn còn dám chối leo lẻo là không “nhận được báo cáo” gì.

Khi quan chức quản lý tôn giáo ở Việt Nam tuyên bố không biết gì thì người ta chỉ có thể hiểu hoặc là quan chức này nói láo quá trâng tráo, hoặc là cả một hệ thống từ trên xuống dưới đang toa rập bưng bít, che đậy sự thật đến mức chính quan chức ấy cũng không biết gì!

Dangta.jpg

Một vị nào đó, vì lòng yêu mến và nâng đỡ Giáo Hội ở quê nhà, đã dịch những bài đăng trên VietCatholic và gởi cho một tờ báo Công Giáo địa phương. Vị chủ bút của tờ báo, một ký giả Mỹ quen biết với chúng tôi, khi phối kiểm đã hỏi chúng tôi về tấm hình bên cạnh và dòng chữ “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Ông lo ngại không biết người dịch những chữ ấy có dịch đúng không. Theo ông một đảng đã từng “bịt miệng” linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý giữa phiên tòa và tấm hình được truyền đi toàn thế giới cách nhục nhã như vậy sao còn dám vỗ ngực xưng mình “là đạo đức, là văn minh”. Chúng tôi đã trả lời cho vị ký giả này rằng tác giả của bài báo được gởi đến cho ông đã dịch rất đúng, rất sát từng chữ một. Nếu chúng tôi dịch, chúng tôi cũng dịch như thế. Có điều cần phải hiểu “văn minh” là loại “văn minh” gì? Văn minh đồ đá, hay đồ đồng? Văn minh tiền sử hay thượng cổ? Văn minh “lấy mạnh hiếp yếu” hay văn minh “cá lớn nuốt cá bé”? Văn minh “cướp ngày” hay văn minh “ăn cướp cơm chim”?

“Đảng ta” thường tự xưng là “hệ thống tiêu biểu cho triết học duy vật” nhưng thay vì tuân theo các quy luật khách quan của vận động xã hội lại chỉ thích hô khẩu hiệu. Cứ tưởng hô cho lớn, vẽ cho to, cho nhiều đem trưng cùng làng cùng nước là mình đây tự nhiên “đạo đức” và “văn minh” ra. Nếu muốn “đạo đức” và “văn minh” thì hãy có gan sửa sai, phục thiện. Đã lỡ ăn cướp của người ta thì can đảm nhận lỗi, trả lại thỏa đáng. Kiểu nói của quan chức Nguyễn Thế Doanh chỉ chứng tỏ cho thế giới thấy “đảng ta” chỉ muốn sửa chữa một sai lầm bằng cách phạm thêm hàng loạt những sai lầm khác để che đậy, bưng bít đi cái sai lầm cũ!

Danh sách những nghịch lý mà nhà trí thức Hà Sĩ Phu đã đề cập rất dài. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ngày nay người ta càng ngày lại càng phát hiện ra thêm nhiều nghịch lý nữa trong cái xã hội mà mọi ngôn từ đều bị bóp méo.

Chiều 26/12/2007, chính quyền quận Hoàn Kiếm gia tăng thái độ khiêu khích và thách thức Giáo Hội khi ngang nhiên cho nhân viên gắn bảng hiệu "Nhà Văn Hoá" và "Phòng Phòng Văn hoá Thông tin - Thể dục Thể thao Quận Hoàn Kiếm” lên tường Tòa Khâm Sứ. Chữ “Văn Hóa” đó làm tôi chợt nhớ lại là ở Việt Nam đâu đâu cái đuôi “Văn Hóa” ấy cũng được cố tình cài vào: Cung Văn Hóa, Nhà Văn Hóa, Khu Phố Văn Hóa … Có văn hóa không khi người ta cố tình mở nhạc ầm ầm đến 2 giờ sáng với chủ đích phá hoại bầu khí tĩnh mịch của nơi tu hành? Có văn hóa không khi người ta ngang nhiên cướp bóc của kẻ khác và an nhiên tự tại trước những tiếng kêu thấu trời đòi công lý?

Khi chúng tôi giải thích với một số linh mục Hoa Kỳ những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Nhiều vị không dấu được xúc động khi nhìn thấy những hình ảnh người giáo dân Hà Nội quỳ trên đường phố trong cái giá lạnh của đêm Giao Thừa để cầu xin cho tài sản bị cướp bóc của mình được trả lại, và dù trong cái cảnh bất công cùng cực ấy họ vẫn cầu xin để “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục..”.

Viết đến đây tôi nhận được một email của một linh mục Hoa Kỳ, và xin dùng lời này thay cho câu kết luận.

Xin cho tôi gởi đến Đức Tổng Giám Mục Giuse, các linh mục và anh chị em giáo dân những lời cầu chúc chúng ta đọc thấy trong bài đọc I trích Sách Tiên Tri Isaia của Chúa Nhật Hiển Linh cuối tuần này:

“Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi…
Bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân đã qua đi”
(Is 60:1-2)

[1] Hà Sĩ Phu - Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ

[2] BBC - Đài BBC: Có hướng giải quyết vụ Tòa Khâm Sứ?

[3] Bách Khoa Toàn Thư của cộng sản Việt Nam

[4] Lữ Giang – Con đường lựa chọn

[5] Xem 2 – Thượng dẫn

Đặng Tự Do

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/nguyen-the-doanh-dien-hinh-cua-nhung-nghich-ly/