Trích từ Dân Chúa

Mừng Giáng Sinh Giữa Lương Dân

Giuse Nguyễn Thụ Nhân

Từ một điều đáng tiếc

Sau khi tôi học xong lớp nhất trường làng (lớp 5 ngày nay) thì trường không còn lớp để cho tôi học tiếp. Trường làng này do mấy cha coi sóc giáo xứ thành lập ngay sau khi di cư vào Nam. Cha mẹ lại nghèo nên dù có muốn cho tôi học tiếp nhưng cũng không biết làm thế nào. Nhưng rồi trong cái cảnh khốn khó như thế lại có một cơ may. Một người bà con trong gia đình tôi thấy hòan cảnh như thế đã đưa tôi đi cùng với con trai của ông lên tỉnh và gửi tôi trọ học tại một người quen của ông. Thế là tôi lại được đi học tiếp lên lớp trên, lúc bấy giờ gọi là lớp “đệ thất” (nay gọi là lớp 6). Và thời gian trôi qua tôi cứ học tiếp, học tiếp, trọ học tại nhiều nhà khác nhau, cho đến khi xong đại học.

Trong quá trình học hành đó, việc đạo nghĩa cũng giống như bao người công giáo khác. Đi lễ, đọc kinh, xưng tội rước lễ. .. Tuy nhiên, có một điều làm tôi áy náy mãi cho đến bây giờ. Câu chuyện đó xảy ra khi tôi trọ học tại một gia đình bên lương khi tôi học lớp “đệ tứ” (lớp 9 ngày nay).

Hôm đó cả gia đình này có dịp cúng giỗ. Sau khi mọi người cúng xong và bắt đầu nhập tiệc thì họ mời tôi “chung vui” với họ. Tôi lại ngay tình từ chối với lý do “Người công giáo không ăn đồ cúng”! Mọi người chưng hửng với bộ mặt kém vui. Từ đó trở đi họ tỏ ra thiếu thiện cảm với tôi và dĩ nhiên họ không bao giờ mời tôi nữa. Còn tôi, tôi cảm thấy hết sức áy náy nhưng trong lòng tôi lúc bấy giờ tôi vẫn tin là tôi đúng vì tôi làm “y chang” như lời dạy của mẹ tôi - một con chiên rất nhiệt thành và ngoan đạo. Mà mẹ tôi  đã “dạy” như thế thì tôi nào dám cãi? Cái “nhân sinh quan” của bà về đạo được hình thành nặng vẻ kỳ thị như thế không biết do đâu mà có. Mà cũng không thể trách bà được. Cả làng tôi ai cũng nghĩ như thế, cũng cho như thế là đúng! Ngòai ra, chúng tôi còn được dạy phải xa lánh chùa chiền, không được đi vào những nơi đầy rẫy “ma quỷ” như thế. Trí khôn tôi lúc bấy giờ đáng tiếc không đủ sức để nhận ra cái sai đó.

Đến những bài giảng ta nói ta nghe

Trong những lần đi lễ ngày còn bé, những bài giảng của các linh mục trong nhà thờ cũng không khác gì cách sống đạo khép kín. Những lời dạy ấy nói chung chỉ là làm thế nào để cho người công giáo sống xứng đáng như lời Chúa dạy. Thế cũng quả là tốt lắm rồi. Tôi không có gì để phiền trách các ngài. Cũng qua những bài giảng, các cha đôi khi cũng nhấn mạnh đến việc phải truyền giáo, phải loan báo Tin Mừng, phải “xưng đạo ra trước mặt thiên hạ”. Tuy nhiên phần lớn những bài giảng ấy thường không mang lại kết quả cụ thể bao nhiêu. Trong một báo cáo gần đây cho biết giáo dân công giáo Việt Nam  hiện nay khỏang 10 triệu người và sau khi “cân đong đo đếm” với tỷ lệ tăng dân số thì coi như vẫn “giậm chân tại chỗ”! Phần lớn việc tăng số giáo dân người Kinh là do những tân tòng theo đạo vì lý do hôn nhân. Tuy nhiên, những ràng buộc có tính chất tôn giáo trong hôn nhân không phải lúc nào cũng được. Thực tế đã cho thấy có được, có mất.

Có giáo dân cho rằng một trong những lý do “chậm phát triển” như vậy là do chúng ta chỉ  “hô hào suông” vì người giáo dân không biết phải loan báo Tin Mừng cụ thể như thế nào. Loan báo cho đối tượng nào? Loan báo khi nào? Bằng phương tiện gì? Điều này xem ra cũng có phần đúng. Bài hát “ Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt” tôi nghe từ nhỏ đến giờ mà vẫn còn hát vì đúng là thợ gặt hiện nay vẫn còn thiếu. Vấn đề này xem ra cũng chẳng có gì mới. Chúa Giêsu đã nói nhu thế cách đây hơn 2000 năm rồi!

Đã đến lúc cần phải đề ra một chiến lược về Truyền giáo vì mới mong gặt hái được kết quả tốt.

Một cách truyền giáo

Mới đây một giáo xứ đã có một sáng kiến khá hay. Đó là muốn truyền giáo thì trước hết ngừơi giáo dân phải được trang bị kiến thức và những hiểu biết căn bản về văn hóa của đối tượng được truyền giáo. Tìm hiểu xem họ theo tôn giáo nào? Họ có thường cúng không? Cúng gì? Cúng như thế nào? Họ có mê tín không? Mê tín cái gì? Thờ cúng ông bà tổ tiên thì họ làm như thế nào? Họ có “lên đồng” không? “Lên đồng” là gì? Khi “Lên đồng” họ làm gì? Tìm hiều cái đã. Tuyệt nhiên tránh thái độ phê phán mang nặng tính chủ quan của ta. Không phê phán đúng sai ngay. Đừng “bịt miệng” họ. Bước đầu tìm hiểu niềm tin của họ rồi sẽ tìm cách nói lên niềm tin của ta cho họ sau. Không nên vội vàng. “Dục tốc bất đạt”. Tôi cho rằng đây là một suy nghĩ khôn ngoan vì cần phải “biết mình biết người”.

Khi các thừa sai nước ngòai đến Việt Nam truyền giáo, thì các giáo sĩ làm gì trước hết? Xin thưa các giáo sĩ này đã khổ công nghiên cứu về ngôn ngữ và phong tục tập quán của người Việt chúng ta. Có người dám chắc lúc bấy giờ không có chuyện “không ăn đồ cúng” như giáo dân quan niệm sai lạc như về sau này. Còn bây giờ chúng ta muốn truyền giáo, thì truyền giáo cho ai?

Ở Việt Nam hiện nay, hai đối tượng được nhắm đến trước hết là lương dân và dân tộc ít người. Tại sao thế? Đơn giản là vì họ chưa có tôn giáo. Lương dân là những người sống lương thiện theo những tập tục của dân tộc  Việt Nam ta còn lưu truyền cho đến nay. Họ chủ yếu thờ cúng ông bà tổ tiên, nhớ ngày giỗ chạp của những người thân thuộc đã qua đời. Đây là một tập tục có từ thời Văn Lang – Âu Lạc, một phong tục tốt đẹp của dân ta. Họ không đi chùa vì thực sự họ không phải theo đạo Phật. Trong lý lịch họ khai là “không tôn giáo”. Đúng thế. Thờ cúng ông bà tổ tiên thì không phải là một tôn giáo đúng nghĩa của một tôn giáo. Thờ cúng ông bà tổ tiên chỉ nên coi là một tín ngưỡng dân gian mà thôi. Còn đối tượng là dân tộc ít người thì cũng tương tự như thế. Anh em dân tộc cũng chỉ sống theo những tập tục lâu đời của cha ông họ từ ngàn xưa để lại. Họ cúng Giàng (Yang) của họ trong những dịp lễ tết. Họ tổ chức cưới hỏi ma chay theo cách của họ. Họ giáo dục con cái  theo cách của họ. Còn ta trước hết phải tìm hiểu xem họ cúng Giàng như thế nào? Tại sao cúng? Khi ta biết được họ có cái văn hóa khác ta, thì tìm hiểu cái đã trước khi nói chuyện với họ về niềm tin của ta.

Mừng Giáng sinh giữa lương dân

Cứ đến dịp Giáng Sinh, nhiều nhà thờ trang trí hang đá, đèn nến, làm văn nghệ, sinh hoạt đòan thể… Song nếu không dùng dịp này để truyền giáo thì cũng “lãng phí”.

Trước hết, nhân dịp vui này, mỗi gia đình công giáo chúng ta hãy mời một gia đình lương dân cùng thăm hang đá, dự buổi canh thức, viếng thăm nhà thờ, dự lễ Giáng sinh, chung vui với ta trong những bữa tiệc Giáng sinh tại gia đình nhà mình nếu được. Mua bánh kẹo “giáng sinh” phân chia cho trẻ em hàng xóm có đạo cũng như không có đạo. Tổ chức thăm viếng hàng xóm lương dân láng giềng. thăm những người già, giúp trẻ mồ côi… Không thiếu gì việc có chứa đựng ý nghĩa truyền giáo.

Khi nói chuyện với những anh em luơng dân, nên tuyệt đối tôn trọng văn hóa của họ. Không tranh luận và cũng không nên bài bác theo kiểu “không ăn đồ cúng”. Chúng ta không thể lôi kéo họ về với ta ngay mà lợi dụng lúc này để giải thích những điều mà họ thắc mắc hay hiểu nhầm về ta. Thí dụ. họ sẽ đặt câu hỏi đại lọai như người công giáo không còn cúng ông bà tổ tiên có phải là bất hiếu không, theo đạo có nghĩa là bỏ ông bỏ bà có đúng không, người công giáo có được phép kết hôn với người khác tôn giáo không, có bắt buộc phải là có đạo mới được lấy nhau hay không, con cái sinh ra thì theo đạo nào, theo đạo thì có phải đến nhà thờ thường xuyên không, tại sao lại có “xưng tội”, xưng tội là gì, tại sao “ông cha” (linh mục) lại không được lấy vợ như “ông mục sư”…

Có rất nhiều vấn đề đặt ra cho chúng ta nếu chúng ta nhiệt thành làm công việc tông đồ giữa lương dân trong mùa Giáng sinh này. Việc truyền giáo cho lương dân ngày nay không phải là vấn đề dễ dàng mà là việc không ít khó khăn kể trong cả thời gian trước mắt và lâu dài.

Hiện nay, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có một ủy ban lo việc truyền giáo dưới tên mới là Ủy ban Loan báo Tin Mừng do một Đức Giám mục phụ trách. Chúng ta hy vọng Ủy ban này sẽ đổi mới cách làm việc và đạt được những kết quả tốt đẹp trên cách đồng truyền giáo trong nhiệm kỳ này. Mong lắm thay!

Giuse Nguyễn Thụ Nhân, 12.12.2007

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/mung-giang-sinh-giua-luong-dan/