Trích từ Dân Chúa

Một đề nghị: Thử đi tìm một giải pháp

Lm Jos Đinh Công Phúc

LTS: Sau đây là ý kiến và đề nghị của một độc giả cho những khó khăn mà Giáo Hội Việt Nam đang phải trải qua:

Hy vọng sẽ không bao giời bị dập tắt cho dẫu rằng chúng ta phải trải qua muôn vàn gian khó, cho dù đó là sự chết. Đây không chỉ đơn thuần là kinh nghiệm của Giáo hội – một Giáo hội lữ hành, một Giáo hội chiến đấu với sự chết và tai họa, một Giáo hội chiến đấu cho sự thật và công lý, etc – nhưng là kinh nghiệm của chính Đấng đã thiết lập Giáo hội. Ngài đã đón nhận triều thiên vinh quang bởi chính cái Chết và sự Phục sinh của Ngài. Qua gian khổ đến vinh quang – đã trở nên như một qui luật của sự sống. Điều này cũng là một phần không thể thiếu trong đời sống của Giáo hội. Mặc dù vậy, câu hỏi được đặt ra: đâu là câu trả lời rõ ràng và chính thức của Giáo hội trong hoàn cảnh hiện tại của mình tại Việt Nam hôm nay?

Trong những ngày qua, người Công giáo Việt Nam đã và đang sống không chỉ trong những thất vọng, mà nguy hiểm hơn, trong sự “chia rẽ,” trong những “uất ức, ngờ vực, nhất là lòng tin vào Giáo hội Công Giáo Việt Nam, vào Tòa Thánh Vatican.”[1] Tôi đã theo dõi và đọc hầu hết những ý kiến, cũng như những bình luận của nhiều tác giả trên ba trang web: Dcct.net, VietCatholic.net, nuvuongcongly.net. Qua những gì tôi đã đọc, suy nghĩ và cảm nhận – một cách hoàn toàn cá nhân tôi muốn nói rằng – vết thương của Giáo hội Việt Nam không chỉ là những sự thay đổi vừa và đang xảy ra. Vết thương sâu hơn đang manh nha giết chết hình ảnh của Giáo hội, sự hiện diện của Đấng Cứu thế là sự Nghi Ngờ, Mập Mờ, và cả sự chia rẽ (rất có thể) – qua nhiều ý kiến và bình luận. Hệ quả của việc thiếu vắng những lời xác quyết chính thức về đường hướng, sự lựa chọn cách sống, sự hiện diện để loan báo Tin mừng của Giáo hội trong hoàn cảnh cụ thể, và những ý kiến – là sự thất vọng, là sự nghi ngờ - chua chát hơn nữa có những người đã đầy bức xúc đã nói sẽ xa lìa Đạo Công Giáo![2] Trong hoàn cảnh thực tế này, tôi xin được góp một ý kiến cá nhân nhỏ, như là sự cố gắng của chính bản thân mình trên con đường đi tìm chân lý. Đây chỉ là một ý kiến tham khảo, vì thế không có tham vọng đi sâu vào chi tiết. Tôi cũng không muốn đi ngược lại những ý kiến đã luận bàn. Đúng ra tôi muốn cùng tất cả những anh em của tôi đi tìm một con đường.

1. Cần một thái độ tôn trọng và ôn hòa trong truyền thông

Ai trong chúng ta cũng cảm thấy bối rối và khó xử trước những vấn đề của cuộc sống, những sự kiện đang xảy ra – dù cho chính cá nhân hay trong tập thể. Những bối rối và khó khăn sẽ tăng lên gấp bội khi mà những ý kiến được đưa ra quá nhiều, không rõ ràng, cùng với những quyết đoán theo cá nhân chủ nghĩa. Nhiều thầy rối ma là thế! Hệ quả là ngờ vực, chán nản, thất vọng. Đức tin bị lung lay. Niềm tin vào nhau bị thay thế bằng thù ghét, hiềm kích. Rất nhiều người đã nói đến việc bỏ đạo, bỏ rước lễ, không tin vào những người lãnh đạo là thế.

Tôi tự hỏi rằng, có bao giờ những tác giả và những nhà bình luận cảm thấy vui và hãnh diện khi mà những ý kiến của mình đã gieo những mầm mống của sự nghi ngờ, sự phản đối, và thậm chí mất niềm và đức tin nơi những người đọc? Lịch sử sẽ lặp lại chính nó. Chuyện xưa có thể là chuyện của hôm nay. Nếu sự thật không được phản ánh đúng mức và dưới đầy đủ các khía cạnh của nó – tai họa là nghi ngờ, là sai lầm, là phản bội sẽ khôn lường – không chỉ dưới khía cạnh cá nhân, mà sự phá đổ cả một công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa (X. St, 3).

Đứng trước những tai họa có thể ập đến – vấn đề tìm hiểu sự thật, nói sự thật, và ôn hòa trong truyền thông – thực sự cần thiết cho Giáo hội Việt Nam trong hoàn cảnh hiện tại. Đây cũng là vấn đề khẩn thiết của truyền thông Công giáo nói chung. Cuộc hội thảo của những nhà truyền thông Công giáo tại Roma và những đòi hỏi của nó được đặt ra đã chứng minh điều đó.[3] Chính vì thế, chúng ta không thể bàng quang trước những hệ quả tai hại đang xảy ra cho người tín hữu Công giáo Việt Nam, những con người đơn sơ chất phát, trong những ngày vừa qua. Những lập trường cá nhân cần phải phân định rõ ràng, hài hòa, nên có tính xây dựng góp ý hơn là khẳng định để tránh gieo rắc những nghi ngờ và hiểu lầm tai hại có thể xảy ra. Đây là điều mà cuộc hội thảo tại Roma hôm 28/4 vừa qua đã đặt ra: Truyền thông Công giáo cần cổ võ cho Sứ Điệp Kitô Giáo một cách nhất quán; với tinh thần đối thoại hài hòa; kiên nhẫn tìm hiểu và giải thích rõ ràng không chỉ cho những tín hữu, mà cả xã hội; và để phục vụ và tôn trọng con người.[4]

Đây là đòi hỏi của tất cả những nhà báo, nhà phê bình nói chung, cách riêng cho những nhà lãnh đạo tôn giáo hiện tại ở Việt Nam. Vì thế vấn đề không còn phải là lên tiếng hay không lên tiếng, nhưng phải lên tiếng với một tinh thần trách nhiệm thực sự.

2. Cần một lập trường rõ ràng và dứt khoắt của HĐGM Việt Nam

Hơn lúc nào hết trong hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam, Giáo hội cần đưa ra và trình bày một cách rõ ràng lập trường của mình. Lập trường này cần được nghiên cứu nghiêm túc và đặt nền vững chắc, không chỉ nơi Thánh kinh, giáo huấn của Giáo hội, mà còn cả trên những thực tế, cũng như gia sản văn hóa và tôn giáo của người Việt Nam. Chúng ta không nghi ngờ gì HĐGM Việt Nam đã và đang chọn con đường Đối Thoại như là một đòi hỏi trong cách sống và loan báo Tin mừng tại Việt Nam. Chúng ta cũng không nghi ngờ đây là cách thế hữu hiệu nhất giúp Giáo hội có thể hiện diện một cách sung mãn và phát triển toàn diện trong hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam.

Đây không chỉ là một lựu chọn của HĐGM Việt Nam. Đây là lời kêu mời của chính Thiên Chúa – Ngài là Thiên Chúa của sự đối thoại, luôn đối thoại với thế giới và con người – Trước khi tạo dựng, trong công trình sáng tạo, suốt lịch sử cứu độ. Giáo hội của Thiên Chúa là Giáo hội đối thoại, cho sứ mạng cứu độ của Thiên Chúa, cho ơn cứu rỗi nhân loại được thực hiện. Giáo hội đã liên tục nhắc lại căn tính này của chính mình.[5] Vi thế, đây không chỉ đơn thuần là một lựa chọn, mà là một đòi hỏi có tính cách bắt buộc đối với Giáo hội, nhất là trong hoàn cảnh của Á Châu, và tại Việt Nam. HĐGM Á Châu và các nhà thần học Á Châu đã khẳng định chắc chắn rằng: Đối thoại là Kiểu Mẫu, của Giáo hội tại Á Châu trong và qua đó tất cả mọi khía cạnh của Giáo hội phải được thực hiện.[6]

Giáo hội Công Giáo tại Việt Nam đã và đang chọn cách sồng này. Đã có những khẳng định của HĐGM Việt Nam về vấn đề này. Tiếc rằng HĐGM chưa trình bày một cách rõ ràng dứt khoắt để người Công giáo Việt Nam có thể hiểu tường tận đường hướng mục vụ và cách sống của Giáo hội cũng như căn tính của chính mình. Chính vì thế, những ý kiến trái ngược và sự nghi ngờ đối với cách sống và đường hướng mục vụ của HĐGM đã gây ra những hiểu lầm và phản đối đáng tiếc trên mạng lưới thông tin và trong lòng rất nhiều người Công Giáo Việt Nam.[7] Tôi thiết nghĩ sự hiểu lầm này nếu không được làm rõ ràng rất có thể sẽ là sức mạnh của sự dữ tàn phá Giáo hội gấp nhiều lần, hơn là những sự bách hại từ phía bên ngoài.

Trong hoàn cảnh này, HĐGM Việt Nam cần trình bày rõ ràng lập trường và cách lựu chọn sống của Giáo hội, để người Công giáo Việt Nam có thể hiểu thấu đáo lời mời gọi dấn thân của họ. HĐGM cũng cần vượt lên trên tất cả những sự lệ thuộc nếu có, từ bất cứ hướng nào đang gây ảnh hưởng lên Giáo hội tại Việt Nam. Để làm được điều đó, chúng ta cần lắng nghe.

3. Cần sự kiên trì và lắng nghe

Để có thể lắng nghe những ý kiến đóng góp tích cực cho sự phát triển và sứ mạng truyền giáo đích thực của Giáo hội, chúng ta cần những nền tảng vững chắc. Một trong những nền tảng căn bản của Giáo hội là Công giáo. Vì là Công Giáo, Giáo hội không chỉ phải phục vụ cho phần rỗi linh hồn, hoặc những quyền lợi căn bản của chính mình, của con cái mình. Giáo hội có sứ mạng hoàn vũ – mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại – trong mọi khía cạnh của con người – dù họ tin hay không tin, dù họ chấp nhận hay từ chối. Chính vì thế, chúng ta không nên chỉ dựa vào những đòi hỏi quyền lợi có tính cách cá nhân, mà cần nhìn xa và sâu sắc hơn trong sứ mạng toàn diện của Giáo hội. Điều này đòi hỏi chúng ta kiên trì và lắng nghe để tìm ra ý định đích thực của Thiên Chúa đang nói qua Giáo hội, qua xã hội, và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.[8]

Để chúng ta có thể lắng nghe được tiếng Chúa qua những gì đang xảy ra cho Giáo hội, cũng như cho người Công Giáo tại Việt Nam, chúng ta cần loại bỏ những nghi ngờ và hiềm kích. Những câu hỏi có tính cách tiêu cực và có thể gây nghi ngờ - nên cần được loại trừ, hoặc ít nhất phải được đặt ra với những sự thận trọng cần thiết – vì những hậu quả tiêu cực của nó. Tôi cũng rất thích đọc những bài có tính “giật gân” vừa qua trên những trang web. Nhưng thử hỏi những bài “phê bình” này đã mang lại được gì cho Giáo hội? Nó đã gây ra bao nhiêu nghi ngờ và hiềm kích trong lòng người Công giáo Việt Nam? Có chăng sự ảnh hưởng của nó đã mang lại sự thật cho Giáo hội, niềm tin cho người Công giáo? Etc.

4. Cần sự hòa giải và hiệp nhất thực sự

Giáo hội cần sự hòa giải và hiệp nhất thực sự. Với những gì đang diễn ra trên quê hương nói chung và cho người Công giáo nói riêng – Giáo hội cần có hành động cụ thể cho việc hòa giải và hiệp nhất. Một cuộc hội thảo đối với HĐGM cũng như cho những nhà báo Công giáo để làm sáng tỏ hơn bản chất và sứ mạng của Giáo hội trong hoàn cảnh hiện tại là cần thiết. Chúng ta không thể im lặng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và thông tin bùng nổ như hiện nay. Chúng ta càng không thể im lặng khi mà những nghi nghờ đã và đang xâm hại Đức tin của người Công giáo Việt Nam. Chúng ta cũng sẽ không thể có sự hòa giải và hiệp nhất thực sự, nếu như lập trường và chọn lựa Hiện Diện của Giáo hội tại Việt Nam không được trình bày và giới thiêu một cách rõ ràng và dứt khoắt cho người Công giáo Việt Nam.

Việc hòa giải và hiệp nhất phải được thực hiện dưới nhiều khía cạnh của Giáo hội. Trước nhất, cần có tiếng nói chính thức từ HĐGM Việt Nam để chứng tỏ sự hiệp nhất và đường hướng nhất quán của Giáo hội. Tiếng nói chung của HĐGM trong những vấn đề và hoàn cảnh cụ thể này, sẽ là sức mạnh xóa tan những nghi ngờ, hiềm kích đang lan tràn. HĐGM là tiếng nói chính thức của Giáo hội Việt Nam cũng cần những cuộc đối thoại công khai và thẳng thắn với những nhà lãnh đạo hiện tại của Việt Nam – trong tinh thần cởi mở, tôn trọng, hợp tác, etc – để có thể mang lại một tương lai Hy Vọng – không chỉ cho Giáo hội và người Công giáo, nhưng cho tất cả những con người mang dòng máu Việt và cho sự thịnh vượng của Quốc Gia.

Để xây dựng một tương lai hy vọng thực sự, chúng ta cần hòa giải và hiệp nhất trong mọi khía cạnh và lãnh vực của cuộc sống.

Trên đây là những ý kiến góp ý hoàn toàn có tính cá nhân của riêng tôi, với những mong ước cho một tương lai tốt đẹp hơn của chính bản thân và cho quê hương Viêt Nam. Tôi hy vọng những người đọc coi những góp ý này như là một sự tham khảo nếu cần thiết, và cho qua nếu như nó không mang lại được một tia hy vọng đích thực nào. Tôi cũng hy vọng những sự hiểu làm đã và đang xảy ra – đủ cho chúng ta không cần phải có thêm chúng nữa – nhưng sẽ là sức mạnh cho chúng ta loại bỏ chúng – để xây dựng sự hiệp nhất và một tương lai tốt đẹp hơn.

Chú thích:

[1] Nhận định về bài “Cảm giác về biến cố TGM Ngô Quang Kiệt.” http://dcctvn.net/VRN3m (29.04.2010).

[2] “Cảm giác về biến cố TGM Ngô Quang Kiệt.” In http://dcctvn.net/VRNs (29.04.2010).

[3] Xem Zenit.org. Xem, Vũ Tiến Tặng, VietCatholic News (28 Apr 2010 09:16).

[4] Xem Zenit.org (28/04/2010).

[5] Xem, Vatican II, Lumen Gentium, Ad Gentes, Nostra Aetate; Xem Paul VI, Ecclesiam Suam 72- 77; Xem John Paul II, Ecclesia in Asia; Xem, Dialogue and Proclamtion.

[6] Xem Peter C. Phan, In Our Own Tongues…17- 20.

[7] Xem nuvuongcongly.net; Xem Dcct.net.

[4] Xem Zetnit.org (28/04/2010) về cuộc hội thảo của Truyền thông Công giáo.

Lm Jos Đinh Công Phúc

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/mot-de-nghi-thu-di-tim-mot-giai-phap/