Trích từ Dân Chúa

Một bước khởi đầu?

Lữ Giang

Khóa họp vòng thứ II của Nhóm Làm Việc Chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh đã diễn ra tại Vatican trong hai ngày 23 và 24.6.2010. Khóa họp được đặt dưới sự đồng chủ tọa của 2 vị là Đức Ông Ettore Balestrero, Thứ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, Trưởng đoàn Tòa Thánh, và Ông Nguyễn Quốc Cường, Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam. Hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có việc tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Phiên họp đã đem lại một kết quả cụ thể được nhiều người chú ý: Hôm 26.6.2010 Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ra thông báo cho biết:

“Hai bên cũng đã có những cuộc thảo luận đào sâu và toàn diện về các quan hệ ngoại giao song phương. Để đào sâu quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, cũng như các mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Giáo Hội địa phương, đã có sự đồng ý rằng trong bước đầu, một Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh cho Việt Nam sẽ được Đức Thánh Cha chỉ định.”

(Zenit.org ngày 27.6.2010)

Qua bản thông báo này, một số câu hỏi đã đặt ra:

(1) Vị đại diện của Tòa Thánh cho Việt Nam (Representative of the Holy See for Vietnam) được nói trong bản thông báo sẽ là ai và có những nhiệm vụ gì?

(2) Vị đại diện sẽ là một Sứ Thần Tòa Thánh (Apostolic Nuncio), tức một đại diện về ngoại giao, hay chỉ là một Khâm Sứ Toà Thánh (Apostolic Delegate) có nhiệm vụ liên lạc giữa Tòa Thánh và Giáo Hội địa phương mà thôi?

(3) Đại diện không thường trú nghĩa là gì? Tại sao lại cử đại diện không thường trú?

Như chúng ta đã biết, quy chế bang giao quốc tế được ấn định do “Công Ứớc Vienna về Quan Hệ Ngoại Giao” (Vienna Convention on Diplomatic Relations) ngày 4.8.1961. Do đó, ngoài các quy định của Giáo Luật, Tòa Thánh cũng phải áp dụng công ước này. Nhưng tổ chức về ngoại giao của Tòa Thánh khá phức tạp, vì ngoài quan hệ giữa quốc gia với quốc gia, còn có quan hệ giữa Tòa Thánh và các giáo hội địa phương. Vậy trước hết, chúng tôi xin trình bày qua khái niệm tổng quát về đại diện ngoại giao, đặc biệt là đại diện của Tòa Thánh, trước khi nói về chức vị “Đại Diện không thường trú” sẽ được Đức Thánh Cha chỉ định và bước đi mới giữa Toà Thánh và Việt Nam,

ĐẠI DIỆN NGOẠI GIAO

Nói một cách tổng quát, đại diện ngoại giao (diplomatic representative) là một viên chức ngoại giao cao cấp của một quốc gia, hoặc được phái đến làm việc tại một quốc gia khác hay tại các tổ chức quốc tế, hoặc được gởi đi tham dự các hội nghị.

Đại diện ngoại giao gồm nhiều chức vị khác nhau, nhưng có hai nhân vật quan trọng nhất, đó là Đại Sứ (Ambassador) và Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền (Ambassador extraordinary and plenipotentiary hay Ambassador at large). Đại Sứ là một viên chức ngoại giao được quốc gia này gởi đến một quốc gia khác để thực hiện một sứ mệnh hay làm đại diện thường trực cho quốc gia đó. Đại Sứ được chính quyền sở tại công nhân sau khi trình ủy nhiệm thư. Còn Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền là một viên chức ngoại giao được trao những nhiệm vụ đặc biệt, có toàn quyền để thương lượng và ký kết các thỏa ước thay cho chính quyền của đương sự, hoặc tham dự các hội nghị quốc tế.

Điều 5 khoản 1 của Công Ước Vienna có quy định rằng sau khi thông báo cho quốc gia tiếp nhận, quốc gia gởi một đại diện ngoại giao đi có thể chỉ định viên chức này đại diện tại hơn một quốc gia, trừ khi có sự phản đối của quốc gia tiếp nhận. Nói một cách khác, quốc gia có thể cử một đại diện làm đại diện tại nhiều quốc gia khác nhau. Vì thế chúng ta mới thấy có danh từ “Resident Representative” (Đại diện Thường Trú) và “Non-Resident Representative” (Đại Diện Không Thường Trú).

Đại Sứ Thường Trú (Resident Ambassador) là một đại sứ cư ngụ tại ngay quốc gia đương sự đã trình ủy nhiệm thư. Còn Đại Sứ Không Thường Trú (Non-Resident Ambassador) không cư ngụ tại quốc gia trình ủy nhiệm thư mà cư ngụ tại một quốc gia lân cận. Như vậy một đại sứ thường trú có thể cùng một lúc làm đại sứ không thường trú tại một hay nhiều quốc gia khác. Nắm vững nguyên tắc này, chúng ta có thể hiểu về vai trò đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam.

SỨ THẦN TÒA THÁNH

Chương 5 của Bộ Giáo Luật, từ điều 362 đến 366, nói về các phái viên của Đức Giáo Hoàng (Legates of the Roman Pontiff). Về phương diện ngoại giao, những điều khoản này cũng phù hợp với “Công Ứớc Vienna về Quan Hệ Ngoại Giao” năm 1961. Giáo luật chỉ ấn định rõ hơn về nhiệm vụ của phái viên Tòa Thánh mà thôi.

Phái viên của Tòa Thánh khi được cử đi làm nhiệm vụ ngoại giao không được gọi là Đại Sứ mà được chính thức gọi là Apostolic Nuncio, nhưng nhiều khi còn được gọi là Papal Nuncio hay Nuncio, được dịch ra tiến Việt là Sứ Thân Tòa Thánh. Danh từ này cũng được chính thức dùng trong Công Ước Vienna 1961 (điều 14).

Chữ Nuncio phát xuất từ tiếng Latin là Nuntius có nghĩa là phái viên, sứ giả, người được sai đi (envoy). Vị được bổ nhiệm làm Sứ Thần Toà Thánh thường là một giám mục hay tổng giám mục toà hiệu (titular).

Công ước Vienna coi Sứ Thần Toà Thánh có vai trò và chức năng gióng như Đại Sứ của các quốc gia khác. Tập tục cho phép quốc gia tiếp nhận coi Sứ Thần Toà Thánh như là Niên Trưởng Ngoại Giao Đoàn (Dean of the Diplomatic Corps).

Hiện nay, Tòa Thánh đã có quan hệ ngoại giao với 180 quốc gia, trong đó có 74 quôc gia có đại diện không thường trú (non-resident)

Ngoài nhiệm vụ ngoại giao như một đại sứ, Sứ Thần Tòa Thánh còn có nhiệm vụ liên lạc giữa Tòa Thánh và các giáo phận tại địa phương nơi được bổ nhiệm đến. Điều 364 Bộ Giáo Luật quy định:

“Nhiệm vụ chính yếu của phái viên Tòa Thánh là lo liệu để cho dây hợp nhất giữa Tòa Thánh với các Giáo Hội địa phương mỗi ngày được thêm bền chặt và đắc lực hơn...”

Điều 365 còn quy định thêm rằng phái viên của Đức Giáo Hoàng kiêm nhiệm việc đại diện ngài bên cạnh các quốc gia, ngoài việc phải tuân theo theo các quy tắc của luật quốc tế còn có nhiệm vụ “cổ vỏ và duy trì mọi liên lạc giữa Tòa Thánh và chính quyền”. Khi giải quyết những vấn đề này, tuỳ theo hoàn cảnh đòi hỏi, phái viên của Đức Giáo Hoàng nên tham khảo ý kiến và lời bàn của các Giám Mục trong khu vực và thông báo cho các ngài biết những diễn tiến của tình hình.

KHÂM SỨ TÒA THÁNH

Tại các quốc gia chưa có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, Tòa Thánh thường gởi đến đó một Khâm Sứ Toà Thánh (Apostolic Delegate) để liên lạc với Giáo Hội tại quốc gia đó. Vị Khâm Sứ cũng có một cấp bậc trong Giáo Hội ngang với Sứ Thần, nhưng không được hưởng quy chế ngoại giao. Tuy nhiên, một vài quốc gia cũng đã dành cho vị Khâm Sứ một số đặc quyền về ngoại giao. Nhiệm vụ của một khâm sứ đối với Giáo Hội địa phương cũng là nhiệm vụ nói ở điều 364 và 365 của Bộ Giáo Luật như đã trích dẫn trên.

Trong hiện tại, Tòa Thánh có một khâm sứ thường trú (resident) tại Jerusalem and Palestine, các khâm sứ không thường trú (non-resident) tại 8 quốc gia là Botswana, Brunei, Burma, Comoros, Laos, Malaysia, Mauritania, Somalia, và ba vùng lãnh thổ là Arabian Peninsula, Caribbean, Pacific Ocean.

Trong lịch sử, Tòa Thánh chưa bao giờ thiết lập bang giao với Việt Nam, nhưng Tòa Thánh đã gởi nhiều vị khâm sứ đến làm việc tại Việt Nam.

Niên Giám của Tòa Thánh vẫn còn ghi Việt Nam là một quốc gia có khâm sứ, mặc dầu trong thực tế chức vụ này đã bị khiếm khuyết từ lâu.

Năm 1925, ĐGH Piô XI đã lập Toà Khâm Sứ Đông Dương và Thái Lan. Ngày 25,5,1925, ĐGM Costantino Ayuti (1876-1928) quốc tịch Italia, được bổ nhiệm làm Khâm Sứ đầu tiên ở Đông Dương. Lúc đầu, Tòa Khâm Sứ được đặt tại Hà Nội, sau được dời vào kinh đô Huế. Các Khâm sứ kế vị là Giám mục Columban Dreyer (1928-1937) và Giám mục Antonin Drapier (1937-1950) đều đặt Toà Khâm sứ tại Huế.

Năm 1950 ĐGH Piô XII đặt Đức Giám Mục Jhon Dooley, người Ireland, làm Khâm Sứ Đông Dương. Ngài đặt Toà Khâm Sứ sứ cạnh Toà Giám Mục Hà Nội.

Sau khi Cộng Sản chiếm miền Bắc, đầu năm 1959, mặc dầu Đức Khâm Sứ John Dooley đang trải qua nhiều cơn bệnh nặng, nhà cầm quyền Hà Nội đã trục xuất ngài qua Nam Vang, Kampuchia. Linh mục O'Driscoll, một giáo sĩ người Ireland, đã tạm thời đảm trách nhiệm vụ Khâm Sứ, nhưng hai tuần sau Linh mục Driscoll cũng bị trục xuất luôn. Phái Bộ Tòa Thánh tại Hà Nội buộc phải đóng cưa kể từ ngày 15.9.1959.

Khi Tòa Khâm Sứ Hà Nội không còn, Tòa Thánh quyết định lập Tòa Khâm Sứ mới Sài Gòn. Giám mục Mario Brini được cử làm Khâm Sứ Đông Dương. Nhưng năm 1961, ngài được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Ai Cập và năm 1962, ĐGH Gioan XXIII bổ nhiệm Giám mục Salvatore Asta làm Khâm sứ thay thế. Nhưng năm 1964 ngài lại được cử đi làm Sứ thần tại Iran.

Ngày 17.6.1964, ĐGH Phaolô VI đã bổ nhiệm Giám mục Angelo Palmas làm Khâm Sứ tại Sài Gòn. Nhưng năm 1969 ngài lại đi nhận Sứ Thần tại Colombia.

Vị Khâm sứ Tòa Thánh tại miền Nam cuối cùng là Giám mục Henri Lemaitre. Sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, ngày 4.6.1975, Bộ Ngoại Giao Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đã mời Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre tới và yêu cầu ngài phải rời khỏi Việt Nam trong một thời gian càng sớm càng tốt. Ngày 19.12.1975, ngài đã rời Việt Nam và đi nhận chức Sứ Thần tại Uganda. Từ đó đến nay, Việt Nam không có Khâm Sứ.

NHÌN VÀO HƯỚNG ĐI

Thông báo ngày 26.6.2010 của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết “một Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh cho Việt Nam sẽ được Đức Thánh Cha chỉ định”. Thông cáo này đã đặt ra hai vấn đề cần được tìm hiểu:

Vấn đề thứ nhất: Đây chỉ là quyết định đơn phương của Tòa Thánh?

Thông báo không nói chính phủ Việt Nam cũng sẽ cử một đại diện tương tự như Toà Thánh sẽ làm. Điều này cho phép chúng ta suy đoán rằng đây chỉ là một quyết định đơn phương (unilateral) của Toà Thánh với sự đồng ý của chính quyền Việt Nam, chứ không phải là một quyết định song phương (bilateral).

Nếu đây chỉ là một quyết định đơn phương của Tòa Thánh thì vị đại diện sắp được đề cử sẽ là một Khâm Sứ Toà Thánh (Apostolic Delegate) có nhiệm vụ phụ trách về quan hệ giữa Tòa Thánh và Giáo Hội địa phương, chứ không phải là một Sứ Thần Tòa Thánh (Apostolic Nuncio) có nhiệm vụ ngoại giao. Nếu đúng như vậy thì đây cũng chỉ là sự tiếp nối một hoạt động đã có từ trước và đã bị gián đoạn kể từ ngày 19.12.1975, ngày Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre rời khỏi Việt Nam.

Vấn đề thứ hai: Tại sao Tòa Thánh không cử một đại diện thường trú (resident representative) mà chỉ cử một đại diện không thường trú (non-resident representative)?

Có thể nói đây là một quyết định có tính toán rất kỹ của Tòa Thánh.

Toà Thánh không có một cơ quan tình báo hải ngoại như CIA của Mỹ hay SVR của Liên Bang Nga, nhưng Tòa Thánh có một hệ thống thông tin và liên lạc để nắm vững tình hình tại những nơi có hoạt động của Giáo Hội.

Giáo Hội lại có mặt gần như khắp nơi trên thế giới. Tại những nơi này thỉnh thoảng lại xẩy ra những tranh chấp hay bất đồng hoặc trong Giáo Hội, hoặc giữa Giáo Hội với nhà cầm quyền, hoặc giữa Giáo Hội với những tổ chức khác. Vì phải liên tục giải quyết những tình trạng như thế, Giáo Hội có rất nhiều kinh nghiệm để chọn giải pháp thích hợp nhất.

Cái khó khăn mà Giáo Hội đang gặp phải ở Việt Nam hiện nay cũng là cái khó khăn mà Giáo Hội thường gặp ở các nước chậm tiến, nơi dân trí không cao và tình trạng chính trị thường bất ổn. Tại những nơi này, một số tín hữu thường muốn “chính trị hóa Giáo Hội”, biến Giáo Hội thành công cụ phục vụ cho những mục tiêu chính trị phiêu lưu của họ, trong khi đó Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã nhấn mạnh rằng vai trò đặc biệt của Giáo Hội trong việc cổ vỏ công lý, không phải bằng chính trị, nhưng bằng sự rao giảng Tin Mừng và cổ võ các nhân đức như bác ái và đức tin. (Zenit.org 13.11.2009).

Có lẽ vì đã nắm rất vững tình hình ở Việt Nam, nhất là tại Hà Nội, Giáo Hội đã nhận thấy rằng trong bước đầu đặt tại đây một đại diện không thường trú là thích hợp nhất. Vị đại diện này thường là vị đại diện của Giáo Hội tại một quốc gia lân cận, như Philippines hay Thái Lan chẳng hạn. Hiện nay có hai quốc gia tại Đông Nam Á gần Việt Nam cũng đang có đại diện không thường trú của Tòa Thánh, đó là Lào và Miến Điện.

Ngày 6.7.2010

Lữ Giang

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/mot-buoc-khoi-dau/