Trích từ Dân Chúa

Mỗi người vẫn tiếp tục phải vác thập giá của mình

Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT

Tin mừng hôm nay thuật rằng sau khi đưa các môn đệ lên núi, thì Chúa biến hình đổi dạng trước mắt các ông. Dung nhan Chúa chói lọi như mặt trời và y phục trở nên trắng tinh như ánh sáng. Các môn đệ nhận ra dung nhan chân thực của Chúa Giêsu, nhận ra tư cách làm Con Thiên Chúa vinh quang và huy hoàng của Ngài. Đó là một Chúa Giêsu khác hẳn một vị thầy thường ngày vẫn lang thang đây đó để rao giảng và cứu giúp.

Các môn đệ cảm thấy sung sướng và hạnh phúc ngất ngây. Các ông muốn sống mãi với tình trạng vinh quang của Chúa, các ông muốn sống mãi với kinh nghiệm hạnh phúc của mình. Các ông không muốn xuống núi. Các ông đã muốn dựng lều ở đó. Một thoáng thiên đàng xuất hiện trước mắt các ông và các ông muốn sống mãi trong cảnh thiên đàng ấy.

Đây cũng là kinh nghiệm rất con người, một kinh nghiệm thường thấy nơi con người. Ông Xuân Diệu trong một bài thơ đã viết rằng:

“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mãi.
Tôi muốn gói gió lại
Cho hương đừng bay đi”.

Ông Xuân Diệu muốn sống mãi với cái hương sắc hạnh phúc của mình.

Hồi còn ở trung học, tôi có được học truyện Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Tôi thấy Chí Phèo cũng biết vậy. Sau khi gặp gỡ Thị Nở, được Thị Nở cho ăn cháo hành, sau khi hồi sinh ước muốn làm người lương thiện, Chí Phèo nói với Thị Nở: “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ!

Câu nói ấy có khác gì câu nói của thánh Phêrô nói với Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay: “Thưa thầy, chúng con ở đây hay quá! Chúng con xin dựng tại đây 3 lều”.

Chúng ta cũng vậy thôi. Chúng ta vừa trải qua những ngày hội lớn của đức tin ở Toà Khâm Sứ, chứng tỏ sự trưởng thành của giáo dân trong Giáo Phận Hà Nội chúng ta; chúng ta cũng vừa trải qua một cái tết vui tươi và bình an. Tất cả đã khép lại rồi. Nhưng chúng ta dường như ai cũng muốn niềm vui của những ngày ấy được tiếp tục kéo dài. Ước mong sống mãi trong cảnh hạnh phúc, ước mong kéo dài sự huy hoàng là ước mong của mọi người.

Tuy nhiên, ý các môn đệ không phải là ý Chúa. Ý của chúng ta cũng không phải là lẽ đương nhiên. Phải sớm chấm dứt và phải trở về với đời thường như thế mới là tốt và cuộc sống mới tồn tại và phát triển. Phải xuống núi để đi trọn kiếp người và cuộc đời cùng Chúa. Phải thế thôi, vì chính Chúa hôm nay sau phút giây vinh quang, huy hoàng cũng phải xuống núi để đi trọn con đường thập giá của mình. Nếu chưa sống trọn cuộc đời này làm sao có thể hưởng trọn thiên đàng? Nếu chưa đi qua cái chết làm sao có thể chiến thắng khải hoàn trọn vẹn? “Đây là con yêu dấu của Ta (...) Các ngươi hãy vâng nghe lời người”. Một thoáng thiên đàng giờ đây đã biến mất, một thoáng thiên đàng giờ đây đã kết thúc. Chỉ còn vang vọng lệnh truyền “Hãy vâng nghe lời người!

Hãy vâng nghe lời người!” Đấy là điều cần phải lắng đọng trong tâm tư chúng ta, những người theo Chúa, trong hoàn cảnh hiện tại của mình là tín hữu của Giáo phận Hà Nội và của Giáo xứ Thái Hà này, nơi hơn đâu hết và hơn lúc nào hết đang cần sự hiệp nhất nên một giữa các thành phần dân Chúa với các vị chủ chăn.

Hạnh phúc và vinh quang của người tin Chúa là ở chỗ ấy. Dám lên núi và cũng dám xuống núi cùng Chúa. Cùng Chúa dám sống những giây phút thăng hoa. Cùng Chúa dám đối diện với những thủ thách gian nguy. Cùng Chúa dám đi trọn con đường thập giá của mình. Khi ấy, chúng ta sẽ được biến hình. Khi ấy chúng ta sẽ được sống trong hạnh phúc. Khi ấy chúng ta sẽ chiếu toả vinh quang của Thiên Chúa cho những người xung quanh.

Tôi nhớ đến bộ phim tài liệu đọat giải nhất của Liên hoan phim toàn quốc năm 1995. Đó là bộ phim Chuyện từ một góc công viên của đạo diễn Trần Văn Thuỷ. Bộ phim mở đầu bằng cảnh chụp hình ở công viên Lênin và kết thúc bằng một cảnh cầu nguyện đọc kinh trước hang đá Đức Mẹ ở nhà thờ Hàm Long, giáo xứ hàng xóm của Thái Hà chúng ta đây. Nội dung bộ phim nói về cuộc sống của gia đình anh Sơn, thuộc giáo xứ Hàm Long. Anh vốn là cựu binh thời chiến tranh 1954-1975. Do bị ảnh hưởng của chất độc màu vàng da cam, hai người con anh sinh ra đã bị tật nguyền. Người con gái lớn sống như một sinh vật. Mọi sinh họat duy trì sự sống đều phải cậy nhờ người khác. Người con trai còn lại bị mù loà. Để đảm bảo cuộc sống của cả gia đình, anh làm thợ chụp ảnh dạo ở công viên Lênin. Vợ anh làm nghề may tại nhà. Bố anh đưa cháu trai mù loà đi học. Mẹ anh bán nước chè trên vỉa hè.

Gia cảnh như thế người ta tưởng không có gì là lạ khi hạnh phúc và bình an vắng bóng. Thế nhưng không phải vậy. Gia đình anh rất hạnh phúc. Hạnh phúc trong tình yêu thương đùm bọc, chung thuỷ và hy sinh phục vụ nhau. Gia đình anh rất bình an. Người ta có thể thấy sự bình an tràn ngập ngôi nhà nhỏ bé của anh. Người ta có thể thấy sự bình an chiếu toả trên khuôn mặt mỗi con người trong gia đình ấy. Nhất là trên khuôn mặt người vợ của anh Sơn. Đạo diễn Trần Văn Thuỷ trong một dịp trò chuyện với chúng tôi về bộ phim tại tu viện DCCT Hà Nội đã chia sẻ rằng chính sự bình an toả rạng trên khuôn mặt và trong giọng nói của những người trong nhà này đã hấp dẫn ông, khiến ông hay đến thăm và cuối cùng đã quyết định làm một bộ phim tài liệu về gia đình này.

Bộ phim kết thúc bằng cảnh mẹ anh Sơn và người bạn đời của anh đọc kinh Lạy Cha, kính mừng cầu nguyện trước hang đá Đức Mẹ ở nhà thờ Hàm Long. Tôi thấy rằng, gia đình anh Sơn cho đến nay tiếp tục vẫn tiếp tục phải đương đầu với những khó khăn và thử thách của đời thường muôn mặt. Mỗi người vẫn tiếp tục phải vác thập giá của mình. Nhưng tôi tin rằng gia đình anh đang được biến hình trong Chúa khi can đảm và quảng đại vác thập giá cùng Chúa và bằng cuộc sống đời thường của mình, gia đình đang chiếu toả vẻ huy hoàng tốt đẹp của Chúa cho những người xung quanh.

Ai trong chúng ta cũng muốn đổi đời để được hạnh phúc. Cầu xin cho chúng ta biết góp phần xây dựng cuộc hạnh phúc ấy bằng cách can đảm cùng Chúa đón nhận những thập giá của đời thường hiện còn đang chất đầy trong cuộc đời chúng ta, trong Giáo phận Hà Nội và Giáo xứ Thái Hà chúng ta. Amen.

Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/moi-nguoi-van-tiep-tuc-phai-vac-thap-gia-cua-minh/