Trích từ Dân Chúa

Lún và Sập

Thanh Tâm

Nhớ lại ngày còn bé ít bao giờ nghe được hai chữ “chờ lún” nhưng ngày nay hai chữ “chờ lún” cứ nhan nhãn khắp nơi.

Cây cầu Bình Triệu vừa làm xong chưa kịp khánh thành thì người đi đường thấy một tấm bảng thật lớn “Đường chờ lún !”. Cầu Mỹ Thuận cũng cùng chung số phận với cây cầu Bình Triệu là mang một tấm bảng tương tự để nhắc nhở tính mạng người đi đường. Và mới nhất, con đường “cao tốc” từ Sài Gòn đi Trung Lương (Mỹ Tho) thì độ lún ngoài sức tưởng tượng của người đi đường. Chuyện lún ở những nền đất yếu là chuyện bình thường nhưng những trường hợp lún trên đây nó không ở mức bình thường mà nó ở mức ngoại thường vì hình như những con đường ấy bị rút ruột, con đường ấy được làm một cách cẩu thả và chất liệu kém.

Thật ra những con đường bị lún ấy đã không kịp che mắt thiên hạ nên bị báo giới đưa tin. Nếu như nó che kịp mắt thiên hạ và “phù phép” một cách nhanh chóng thì chẳng ai có thể biết được. Với kiểu làm tạm bợ cho xong thì không sớm cũng muộn những con đường bề mặt coi là láng o đấy nhưng chỉ cần vài cơn mưa, vài chuyến xe công-tai-nơ đi qua thì sẽ biết chất lượng nó ra sao.

Ai một lần đi ngang con đường Nguyễn Văn Tạo (Nhà Bè), con đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7), con đường Rừng Sác (Cần Giờ) … sẽ “nghiệm” và “thu” được biết bao nhiêu hậu quả do cách lối thi công của nó. Những con đường, những công trình “chờ lún” gây biết bao hậu quả cho người sử dụng, người đi đường nhưng thật ra “chờ lún” vẫn còn “êm ái” và “nhẹ nhàng” hơn những con đường, những công trình sập đột ngột.

Sự cố cầu Cần Thơ gây ra tổn thất quá lớn ! Cầu Cần Thơ sập là vết thương lòng quá nặng cho người dân nghèo miền Tây sông nước. Biết bao nhiêu gia đình phải chia ly trong ngầm ngùi đau đớn. Sự cố cầu Cần Thơ tưởng chừng là lời cảnh báo cho chất lượng công trình, chất lượng con đường nhưng không, ngày 19 tháng 4 vừa qua dầm cầu Pháp Vân cũng đã sập. May mà cây cầu “cạn” Pháp Vân này không gây thiệt hại về người.

Điều hết sức bình thường người ta phải làm đó là tìm nguyên nhân dẫn đến sập cầu và sửa cầu. Đáng tiếc thay là những nguyên nhân người ta tìm thấy được thì hình như không bao giờ được thấy vì lẽ người ta đã phủi trách nhiệm cho xong chuyện. Nếu có chăng đi nữa thì chỉ chuyển công tác của người có trách nhiệm là xong.

Chuyện “chờ lún” hay chuyện “sập” thật khó để mà khắc phục, thật khó để mà sửa chữa. Đường lún hay cầu sập thì sửa được nhưng khi lòng người ta bị lún hay lòng người ta bị sập thì khó mà sửa được. Đường sẽ hết lún và cầu sẽ hết sập khi mà lòng người ta không lún và không sập.

Ngày hôm nay, thật sự phải tham gia giao thông, phải đi trên những cây cầu chứ không còn cách nào khác để chọn lựa. Đi qua những cây cầu cao vút với những cọng dây văng thật đẹp hay là vi vu trên con đường nhựa “láng cón” nhưng hình như cảm giác người ta không được an tâm. Người ta không an tâm vì lẽ chất lượng công trình chỉ có “chủ công trình” mới biết được mà thôi. Điều đáng tiếc thay là chủ công trình ấy cũng bị lún và bị sập thì làm sao những công trình đưa vào sử dụng tốt được.

Chuyện lún và sập không chỉ xảy ra ở các công trình vật chất nhưng ở những công trình tinh thần, những công trình bên trong của con người cũng xảy ra tương tự như vậy.

Ngày hôm nay, nền tảng gia đình, nền tảng của đời sống cộng đoàn nhìn bề ngoài ta cũng thấy như những cây cầu mới xây kia, như những con đường mới trải nhựa kia vì nó được thì công khá đẹp nhưng chất lượng bên trong nó làm sao ấy.

Đời sống gia đình, đời sống cộng đoàn xem ra bề ngoài có vẻ tốt, có vẻ đẹp ấy nhưng nó lún, nó sập bất cứ lúc nào không biết. Nguyên nhân thì ắt hẳn ai ai cũng biết đó là vì lòng người của những người trong gia đình, trong cộng đoàn nó bị lún rồi.

Trong gia đình, trong cộng đoàn có những người tự cho mình là hay hơn, tự cho mình là cao hơn, tự cho mình là giỏi hơn để rồi nền tảng của nó bị khập khiễng. Khi nền của gia đình, của cộng đoàn khập khiễng thì chẳng chóng thì chầy nó cũng sẽ lún và sẽ sập thôi.

Hậu quả của những con đường, những công trình, những cộng đoàn, những gia đình gây ra thì người đương thời phải gánh chịu nhưng đáng tiếc hơn nữa là đến đời con, đời cháu cũng sẽ phải lãnh nhận cái hậu quả bi đát này.

Chuyện lún, chuyện sập thì không có thể che đậy, bưng bít nữa. Nếu không dám nhìn vào sự thật, nếu không chịu sửa sai, nếu không chịu chấn chỉnh tận gốc thì hậu qủa thật khôn lường !

Thanh Tâm

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/lun-va-sap/