Trích từ Dân Chúa

LM Bùi Thượng Lưu: 'Đường lối của Tòa thánh là đối thoại'

BBC

'Đường lối của Tòa thánh là đối thoại'

BBC 9/6/2008 -- Trong nửa năm vừa qua, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã có nhiều hoạt động làm dư luận chú ý, đơn cử là cuộc nguyện cầu để đòi lại Tòa Khâm sứ Hà Nội, và gần đây là yêu cầu chính quyền trả lại Thánh địa La Vang cho Giáo phận Huế.

Những chỉ dấu này cho thấy sự độc lập hơn của Giáo hội Công giáo cũng như quan hệ có vẻ thoải mái hơn giữa Vatican và Việt Nam.


Download (5 Mb)


Chương trình phỏng vấn hàng tuần lần này có khách mời là Linh mục Stephanô Bùi Thượng Lưu, từ Thông tấn xã Công giáo Việt Nam tại Đức.

Tin từ Vatican cho biết vào đầu tháng Sáu, một phái đoàn của Tòa thánh sẽ sang thăm Việt Nam.

Linh mục Lưu cho biết dự kiến sau điểm đến đầu tiên ở Hà Nội, phái đoàn Vatican sẽ tới Thánh địa La Vang ở Huế và sẽ thăm giáo phận Đà Lạt.

Được biết phái đoàn Tòa thánh cũng sẽ trao đổi với Hội đồng Giám mục về yêu cầu chính quyền Hà Nội trả lại Giáo Hoàng Học viện Đà Lạt.

Nhưng theo Linh mục Lưu, “Việc đòi lại đất chỉ là bề nổi. Điều ẩn hiện đằng sau mà Giáo hội đòi hỏi là việc nhà cầm quyền cũng như dân tộc ghi nhận đóng góp của Giáo hội cho đất nước".

LM Bùi Thượng Lưu: Một mục đích quan trọng [của chuyến đi] là xác định lại quyền hành của Hội đồng Giám mục, là cơ quan chính thức để Tòa thánh nói chuyện về các vấn đề liên quan Giáo hội.

Nhìn lại lịch sử, chính quyền cộng sản muốn hạn chế bằng cách này, cách khác, quyền hành của Giáo hội. Đảng đã lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo với tham vọng đó. Nhưng Hội đồng Giám mục Việt Nam, với ơn Thánh của Chúa và với sự khôn ngoan, đã vượt qua được mọi trở ngại. Hiện nay tôi nghĩ vai trò của Ủy ban Đoàn kết và các tổ chức tương tự ở các giáo phận kể như đã sang trang.

BBC: Nhìn lại sáu tháng qua, từ các sự kiện Tòa Khâm sứ, đất thánh La Vang, liệu có thể cho rằng đó là sự tái khẳng định uy quyền của Hội đồng Giám mục?

Đó cũng là một trong những mục đích của Hội đồng Giám mục. Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là bề nổi. Bề chìm, Giáo hội mong muốn được nhìn nhận như một cơ quan đóng góp vào tiến trình lịch sử và xây dựng đất nước. Không đơn thuần chỉ đòi trả lại đất, mà là đòi lại đất để phục vụ cho lĩnh vực đạo và đời. Việc đòi lại đất chỉ là bề nổi. Điều ẩn hiện đằng sau mà Giáo hội đòi hỏi là việc nhà cầm quyền cũng như dân tộc ghi nhận đóng góp của Giáo hội cho đất nước.

Giáo hội mong muốn chính phủ nhìn nhận phải có tự do tôn giáo để phát triển. Giáo hội cần có quyền, ví dụ, in sách thánh, mở trường, bệnh viện.

BBC: Quanh việc mở trường, bệnh viện, sự thương thuyết với nhà nước có tiến triển gì không?

Chẳng hạn trong giáo dục, Giáo hội chỉ được hoạt động ở cấp mầm non. Nhiều sơ, nhà dòng chỉ có thể mở các lớp học mầm non, tức là từ một đến năm tuổi. Tại các lớp mầm non như vậy, không chỉ có các trẻ em nghèo theo học. Nhiều nhà dòng đón tiếp không chỉ các em công giáo, mà cả con em của các cán bộ vì họ thấy con cái vào đây được giáo dục tốt. Qua những bước đầu tiên như vậy, những người đã nhiệt tâm cho giáo dục và những người có thiện chí trong chính quyền cũng phải thấy rằng Giáo hội có thể đóng góp rất tốt cho giáo dục.

Từ trước 1975, các trường ở Sài Gòn cũng như các trường ở mọi giáo phận đã đóng góp rất nhiều cho giáo dục ở thời đại đó. Trong tương lai, tôi nghĩ không chỉ Giáo hội Công giáo mà mọi tôn giáo khác có thể cùng với một chính quyền tốt hướng dẫn cho tuổi thơ, thanh thiếu niên. Thời điểm này, ai nấy đều thừa nhận giáo dục Việt Nam sa sút rất nhiều.

Chắc chắn Giáo hội không làm với mục đích chính trị hay để bày tỏ ảnh hưởng, mà Giáo hội muốn cùng dân tộc hướng dẫn cho tuổi trẻ đi theo con đường tốt. Cái lợi không phải là cho một tôn giáo nào; cái lợi đầu tiên là cho dân tộc, cho bạn trẻ.

BBC: Bên cạnh khoảng cách giữa Giáo hội và nhà nước, Cha có thấy cũng còn khoảng cách giữa người dân với Giáo hội không?

Những người cầm quyền vô thần chắc chắn muốn người dân không có niềm tin. Nhưng sau khi thuyết cộng sản đổ, thì quan niệm này cũng đổ theo. Trước sau, chính quyền rồi cũng phải công nhận vai trò của tôn giáo trong đời sống tâm linh của con người.

Có lẽ những người cầm vận mạng của đất nước cũng đã thành công phần nào khi reo giắc nghi ngờ.

Đã có thời và ngay cả bây giờ, họ dùng mọi phương tiện mình có để bóp méo mục đích của giáo hội. Nhưng có rất nhiều linh mục, tu sĩ đang dấn thân. Và Hội đồng Giám mục càng ngày càng có uy tín; giáo dân nhìn thấy rằng đó là những lãnh đạo thật sự. Bản thân tôi thấy đời sống các ngài rất nghèo. Như Tổng Giám mục (Hà Nội) Kiệt mới qua Đức, khi tôi vào phòng của ngài, nếu so với quan chức bên ngoài thì kể như là nghèo. Vì thế tôi nghĩ mục đích bóp méo của họ không đạt được. Ảnh hưởng của Hội đồng Giám mục ngày càng rõ nét, và hướng dẫn rất nhiều giáo dân sống tốt.

BBC: Có luồng ý kiến cho rằng hiện nay nhà cầm quyền cảm thấy quảng bá cho Phật giáo là một lựa chọn có lợi và an toàn hơn. Cha nghĩ sao?

Tôi kính trọng những sinh hoạt bên giáo hội bạn. Tôi nghĩ từ trước tới nay, nhà cầm quyền đã cố gắng can thiệp nhiều vào mọi giáo hội. Và họ vẫn còn ảnh hưởng nhiều ở các tôn giáo khác, trong đó có Phật giáo. Họ cố gắng cách này cách khác để bày tỏ cho thế giới biết bộ mặt tự do tôn giáo, nhưng các hậu ý đằng sau, lịch sử sau này rồi sẽ phơi bày.

Mọi chính thể đều phải tôn trọng tự do trong đời sống tâm linh dân tộc. Còn mọi sự can thiệp, lợi dụng tôn giáo, thì chắc chắn tôi và các tổ chức khác lên án điều đó.

BBC: Nhìn về tương lai, Cha nhìn nhận thế nào về khả năng có quan hệ ngoại giao chính thức giữa Tòa thánh và Việt Nam?

Đường lối chung của Tòa thánh là đối thoại và cố gắng làm cho chính phủ Việt Nam nhận ra Giáo hội muốn cùng với nhà nước để đóng góp cho dân tộc. Giáo hội không phải là một lực lượng đối lập, mà là lực lượng đóng góp nâng vực đời sống tinh thần của dân tộc, cùng các tôn giáo khác.

Kết quả thế nào là do thiện chí của cả đôi bên. Mỗi một lần phái đoàn Tòa thánh sang, lại có một số kết quả tốt. Nhà cầm quyền cũng chứng tỏ một số thiện chí, như chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007. Cho đến giờ tôi nghĩ hai bên vẫn tiếp tục đối thoại.

Những bước tiếp theo, tôi nghĩ, chắc chắn cũng sẽ liên quan vấn đề ngoại giao giữa Tòa thánh và Trung Quốc. Thành thử nếu chuyện tiến triển bên này hay bên kia, thì nó cũng làm tiến triển cả đôi bên. Tôi cầu chúc cho cuộc đối thoại giữa Tòa thánh và chính phủ Việt Nam mang lại nhiều kết quả cho dân tộc.

BBC

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/lm-bui-thuong-luu-duong-loi-cua-toa-thanh-la-doi-thoai/