Trích từ Dân Chúa

Linh Địa Đức Bà

Hà Thạch

Những ngày vừa qua, địa danh được các giáo dân cả nước và ngay cả các báo đài Nhà nước nhắc tới nhiều nhất, đó là “Linh địa Đức Bà” - giáo xứ Thái Hà.

Thực ra, mảnh đất Thái Hà không phải bây giờ mới là mảnh đất thiêng. Không phải chỉ sau khi máu người giáo dân đổ vì công lý và hoà bình; cũng chẳng phải từ khi mảnh đất này chứng kiến những giáo dân bị xịt hơi cay - nhiều người bị thương, thì mảnh đất Thái Hà mới được gọi bằng cái tên trìu mến “Linh địa Đức Bà”.

80912ThaiHa.jpg

Năm 1928, vùng đất này khi ấy còn hoang sơ, một vùng đồng ruộng cò bay thẳng cánh. Đứng ở Thái Hà, người ta còn nhìn thấy cả dinh quan Tổng đốc Hoàng Cao Khải. Cũng năm này, các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế - dưới sự hướng dẫn của bản quyền địa phương, của Đức giám mục Hà Nội, đã quên góp tiền bạc, mua khu đất và đã cung hiến mảnh đất cho Đức Trinh nữ Maria - Mẹ Hằng Cứu Giúp, đồng thời dựng lên đó một ngôi đền kính Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Kể từ đó, mảnh đất giáo xứ Thái Hà trở thành mảnh đất thiêng, chốn hành hương của người Công giáo Miền Bắc. Mỗi năm có cả mấy trăm ngàn lượt người về đây để tôn vinh, ngợi khen và tạ ơn Đức Mẹ.

Tại đây, Đền Đức Mẹ trở thành “tế đàn” thay thế “Đàn Xã Tắc” - ở phía đối diện, đã bị vùi lấp bởi thời gian; trở thành nơi người dân mỗi ngày dâng lễ tế để cầu cho quốc thái dân an, cho gia đình hạnh phúc.

Kể từ đó, mảnh đất Thái Hà, trở thành nhà của Mẹ; trở thành nơi Mẹ gặp con cái mình. Mảnh đất đó đã trở thành linh địa, nơi thiêng liêng, chốn thánh, nơi Mẹ nương mình để ban ơn, để phù giúp, để chở che và Mẹ Maria trở thành “bà chủ” của vùng đất này.

Trước đây, khi ngôi Đền kính Mẹ tại Thái Hà còn chưa sửa lại, bốn bức tường của ngôi đền, là bốn bức tường lưu niệm – nơi gắn hàng ngàn tấm bảng tạ ơn Chúa và Đức Mẹ. Năm 2002, khi sửa lại ngôi đền, các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế - giáo xứ Thái Hà, đã đưa một số tấm bảng tạ ơn vào vùng núi Hoà Bình, số còn lại gắn lên bức tường phía sau hang đá. Nhiều tấm bảng được làm từ những năm 1930 của thế kỷ trước. Nhiều tấm bảng từ thời chiến tranh và cũng có rất nhiều bảng tạ ơn của năm 2008.

Nhìn những tấm bảng tạ ơn, người ta chợt thấy cái linh thiêng hiển hiện ở đây trên vùng đất này. Sự linh thiêng gắn với từng gốc cây, bức tường và mọi nẻo đường trên khu đất.

Nhìn những bảng tạ ơn, người ta cũng chợt thấy cả một hành trình lịch sử đã đi qua nơi này với những đau thương và mất mát, với những bắt bớ và giam cầm, với những tù tội và những bất công mà những tu sĩ, linh mục và người giáo dân Thái Hà phải gánh chịu trong suốt 80 năm qua, cách đặc biệt những năm từ 1954-1970. Đây là giai đoạn mà các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà phải trải qua những đàn áp, những bắt bớ hết sức bất công. Hai tu sĩ: thầy Marcel Nguyễn Tấn Văn và thầy Clêmenté Phạm Văn Đạt đều bị chết rũ tù, không án, cho tới nay vẫn chưa tìm thấy xác. Sinh thời, cha Giuse Vũ Ngọc Bích vẫn thường kể lại cho giáo dân những lần ngài bị chính quyền đầu độc nhưng Đức Mẹ đã cứu ngài qua khỏi. Người ta cô lập ngài. Ngài vẫn thường tự hào kể lại, có những giai đoạn ngài vừa là cha xứ, vừa là ông từ, vừa là chú giúp lễ, vừa là người giúp việc trong xứ, trong nhà.

Khó khăn là thế, nhưng Thái Hà vẫn tồn tại.

Khó khăn là thế, nhưng người dân Thái Hà vẫn luôn cảm thấy cánh tay Mẹ hiền nâng đỡ chở che; cảm nhận được rằng đằng sau những bắt bớ, những khó khăn, thì luôn có một dấu chỉ sự hiện diện của Chúa và Đức Mẹ trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

Khó khăn là thế, nhưng chưa bao giờ Mẹ bỏ rơi con cái mình. Những lúc khó khăn nhất là lúc Mẹ hiển linh trong những dấu chỉ rõ ràng nhất.

Cây thánh giá trên nóc tu viện – nay là bệnh viện Đống Đa, đã từng là nạn nhân của một thời tàn độc, nhưng cũng cây thánh giá ấy đã là dấu chỉ của một thời loạn ly và đã từng chứng kiến những người “coi trời bằng vung”, cố tình phạm thánh phải bị trừng trị.

Những ngày qua, nhiều người giáo dân Thái Hà đã cảm nghiệm một cách sâu sắc hơn bao giờ hết tình thương của Chúa và Đức Mẹ. Họ bảo với nhau rằng mảnh đất Thái Hà, giống như Giêrusalem xưa, đã được Chúa chọn làm nơi chỗ để Ngài ban ơn cho con người. Dù dòng đời thay đổi, dù chính quyền có ngăn cản cấm cách, thì Thái Hà vẫn mãi là linh địa, mảnh đất thánh thiêng. Nhà nước có thể một lần nữa tước đoạt khu đất, nhưng cái giá mà họ và con cái họ phải trả cũng sẽ rất oan nghiệt.

Cuộc sống là vậy, có vay có trả; có nhân có quả; gieo gì thì gặt nấy.

Còn “Linh địa Đức Bà” sẽ mãi là nhà của Đức Mẹ, nơi thánh, chỗ để dành riêng cho Thiên Chúa.

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2008
Lễ Đức Mẹ Sầu Bi

Hà Thạch

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/linh-dia-duc-ba/