Trích từ Dân Chúa

Lại Suy Nghĩ Từ Thái Hà

Mai Hạnh

1917

Những người sinh ra và lớn lên trong thế kỷ 20 đã có dịp sống và trải nghiệm về một sự biến đổi sân xa của xã hội.

Đầu thế kỷ 20, những người nghèo đã bị rơi vào trong tình trạng bị bức bách quá độ, họ là những nông dân đầu tắt mặt tối nhưng không đủ ăn, sống bám vào ruộng đồng, nhưng công cụ duy nhất là ruộng đồng cũng bị tước đoạt. Họ là những người công nhân nghèo khổ, ngày ngày bán sức khỏe hao gầy để kiếm miếng cơm ăn, họ bị bóc lột tận xương tận tủy, mãn thời lao động, họ trở về với thân xác tiều tụy và chết dần trong cảnh đói khổ bệnh tật triền miên.

Cùng lúc đó, một bộ phận giàu có, quyền lực và tài sản cấu kết với nhau, họ tha hồ vơ vét của nhân dân, bất chấp luôn thường đạo lý, lương tâm họ như chai mòn và lòng tham họ không đáy. Hầu hết của cải xã hội nằm trong tay họ.

Lý thuyết cộng sản và những người cộng sản đã tận dụng được thời cơ này, họ tập họp được những người nghèo, vùng lên để giành lấy quyền sống, giành lấy công bằng trong sự phân chia của cải và quyền lợi làm người.

1945

Tại Việt Nam. tồn tại một lớp người nghèo bị áp bức và bị bóc lột, nhất là ở những miền quê, chế độ đế quốc đô hộ tàn ác làm cho lòng căm phẫn lên đến tột cùng. Lòng dân chỉ muốn quật khởi để giải phóng áp bức, tìm độc lâp cho dân tộc, bất chấp ngọn cờ giương lên là của lý thuyết nào.

Cuộc cách mạng thành công, tuyệt đối lực lượng chiến đấu là người nghèo, người vô sản thật sự.

1975

Ở miền nam Việt Nam, Bỏ qua tất cả các dữ kiện mang tính bàn cờ quốc tế, cho dù những dữ kiện này là mấu chốt trong cuộc đổi thay chế độ tại Việt Nam.

Khi đi thăm các chiến trường tại miền nam Việt Nam, vị tướng độc nhãn Do Thái đã nói “Phải để cho nhuộm đỏ hết miền nam thì mới chiến thắng”. Vì lúc đó, có rất đông những người nghèo, những người dân vô tội, những người bán sức lao động không đủ sống đang quằn quại bên cạnh những người giàu có bạc ác lạnh lùng.

Đa phần những người dân miền quê hướng về hoặc có thiện cảm với cộng sản, giới thợ thuyền nghèo đói ở những thành phố lớn đặc biệt tại thủ đô Saigon lúc bấy giờ hướng về cộng sản, giới sinh viên học sinh cũng bị rơi vào trong tình trạng căm phẫn vì bất công và phân hóa xã hội.

Ngày ấy, hầu hết anh em xích lô, ba gác, hớt tóc, taxi, phu khuôn vác, … đều có liên lạc với cộng sản. Chính quyền Saigon đánh mất lòng tín nhiệm của người dân, chính quyền Saigon đã để cho một số những công chức cao cấp và tướng lãnh tham nhũng, buôn lậu, chuyển tiền ra nước ngoài, ăn chơi trác táng đồi trụy, …

2000

Bước sang thế kỷ mới.

Ở Việt Nam, vẫn còn đó những người nghèo, còn đó một bộ phận rất lớn nhân dân nghèo, bị bóc lột, bị chà đạp và bị bách hại.

Đã và đang hình thành một lớp nhà giàu mới, họ là những người có chức có quyền, quyền lực đã giúp họ thu tích tài sản, lòng tham không đáy cám dỗ họ đưa tay bóc lột nhân dân, bóc lột những người đã cùng họ chiến đấu và chiến thắng. Họ lấy chủ nghĩa ra để che đậy cho tội ác của họ, họ sẵn sàng kết án những ai chất vấn họ về những việc làm sai trái, họ dùng những phương tiện độc quyền của họ trấn áp nhân dân, bịt mồm bịt miệng nhân dân nghèo khổ.

Hãy hỏi những người đang sinh sống ở Cali, ở Sans Francisco, ở Houston (Hoa Kỳ), ở Melbourne, ở Adelaid, ở Sydney (Australia), ở Paris (Pháp), … xem những cán bộ cộng sản và con cái họ sinh sống ra sao. Họ sở hữu những ngôi nhà đắt tiền ở vùng đồi núi và duyên hải (vùng chỉ dành cho người giàu có), họ mua nhà trả tiền một lần không cần trả góp (trả góp là một lối mua rất thông thường của mọi người bình thường), họ sở hữu những chiếc xe hơi đắt tiền sang trọng mà ngay người bản xứ giàu có cũng không dám mua, họ ra vào những sòng bạc và những chốn ăn chơi, hãy đến Las Vegas để điểm mặt họ.

Tiền ở đâu họ có ?

Ai nhập những đống rác độc hại vào đất nước này ? Ai nhận tiền của người nước ngoài để rước họa vào đất nước ? Ai giành giật đất của dân nghèo bán cho bọn giàu sang làm sân Golf ? Ai cho phép và lặng thinh để người ta phá hoại môi trường sống ? Ai nhận tiền làm ngơ để người ta tha hồ tăng giá thuốc ? Ai lấn chiếm và cướp đất thờ tự ? …

Chuyện ở Thái Hà là chuyện phải đến, như chuyện của những người khiếu kiện khắp nơi. Người nghèo, người bị áp bức không còn gì để mất.

Giáo Hội Công giáo hoàn toàn không có ý định và không bao giờ bạo động, nhưng Giáo Hội Công giáo luôn đứng về phía người nghèo, người bị áp bức bao lâu Giáo Hội Công giáo còn muốn là Giáo Hội của Chúa Kitô.

25/8/2008

Mai Hạnh

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/lai-suy-nghi-tu-thai-ha/