Trích từ Dân Chúa

Lá thư tập thể giáo dân Hà Nội gửi chính quyền các cấp đòi Tòa Khâm Sứ

Giáo dân Hà Nội

Kính thưa Quý vị Lãnh đạo Chính quyền các cấp,

Đất Tòa Khâm Sứ là tài sản của Tổng Giáo phận Hà nội từ hơn 100 năm nay. Khi Tòa Khâm Sứ được thiết lập, đã mượn tạm khu đất để xây dựng nơi ở và làm việc cho Đức Khâm Sứ. Khi Vị Khâm Sứ cuối cùng rời Hà nội đã gửi thư cám ơn Đức Cha Khuê vì Tổng Giáo phận Hà nội đã cho Tòa Khâm Sứ mượn. Tuy mượn đất nhưng hai bên vẫn liền lạc với nhau, không có tường rào ngăn cách. Và cả hai nhà đều có địa chỉ duy nhất mang số 40, phố Nhà Chung – Hà nội.

71223hanoi-cathedral.jpg

Nhà thờ Chánh toà Hà Nội

Tại gốc cây đa có hang đá Đức Mẹ với tượng Đức Mẹ nhìn thẳng vào tiền sảnh của Tòa Tổng Giám mục. Mỗi buổi tối mọi người trong Tòa Tổng Giám mục vẫn đến đọc kinh kính viếng Đức Mẹ cách dễ dàng vì cùng chung sân nhà.

Khi Đức Khâm Sứ rời Hà nội đã trả lại khu nhà và đất cho Tòa Tổng Giám mục. Các cô nhà dòng vẫn trồng rau trên sân Tòa Khâm Sứ. Nhưng một ngày kia, có những người đến xây tường ngăn Tòa Tổng Giám mục với Tòa Khâm Sứ. Các cô nhà dòng phản ứng quyết liệt. Xây đến đâu các cô phá đổ đến đấy. Sau cùng công an vào can thiệp tường mới được xây lên. Từ đó mới có ngăn cách. Và không biết từ bao giờ, xuất hiện số 42, phố Nhà Chung ngụy tạo.

Khu đất nằm ngay trong Tòa Khâm Sứ đã được một cơ quan (nay là Quận Hoàn Kiếm) dùng vào mục đích kinh doanh ngay từ ban đầu. Thọat tiên là mở vũ trường ca nhạc suốt đêm. Đức Cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh văn Căn, vì không chịu nổi tiếng nhạc sập sình suốt đêm, đã sinh bệnh. Thật là vừa hạ nhục tôn giáo khi cho mở tụ điểm ăn chơi trong khu vực tôn nghiêm. Đồng thời cố ý tra tấn những người ở trong Tòa Tổng Giám mục khi cho đàn nhạc lớn tiếng suốt đêm. Không dừng lại ở việc mở vũ trường, cơ quan này tiếp tục phát triển kinh doanh, cho xây thêm ở phía trước gần phố Quang Trung một dãy nhà để mở quán nhậu Nhất Ly, sau này cho phở Lý quốc Sư thuê lại.

Khi về Hà nội, Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm đình Tụng cùng với các linh mục trong Tổng Giáo phận Hà nội đã nhiều lần ký đơn xin lại khu đất. Đức cha Ngô quang Kiệt vẫn tiếp tục công việc này. Mỗi năm đều có làm đơn nhắc lại nhưng chưa bao giờ nhận được trả lời chính đáng.

Đến lượt Hội đồng Giám mục vào cuộc. Sau cuộc họp thường niên năm 2005, Hội đồng Giám mục đã làm một văn thư kiến nghị với Chủ tịch Nhà Nước và Thủ Tướng Chính phủ, Hội đồng Giám mục chính thức đề nghị 3 điểm thuộc thẩm quyền trực tiếp và là nhu cầu thực tế và bức thiết của Giáo hội : đó là Tòa Khâm sứ, Trung tâm Thánh Mẫu La vang và Giáo hoàng Học viện Đà lạt.

Hội đồng Giám mục đặt trụ sở chính tại 40, phố Nhà Chung – Hà nội. Nhưng chỉ có số nhà mượn của Tòa Tổng Giám mục, thực chất Hội đồng Giám mục không có một cơ sở nào. Mọi sinh họat phải nhờ Tòa Tổng giám mục. Tòa Tổng Giám mục bản thân đã chật hẹp, cung ứng cơ sở cho mình còn chưa đủ, lại phải cáng đáng thêm sinh họat của Hội đồng Giám mục thì thật quá tải. Chính vì thế, Hội đồng Giám mục không muốn họp tại Hà nội. Bất đắc dĩ những kỳ đại hội phải họp tại đây, chen chúc trong khung cảnh chật chội, thiếu thốn phòng ốc, thiếu thốn mọi tiện nghi. Thật đáng buồn, một cơ quan đầu não của Giáo hội Công giáo tại thủ đô đất nước phải chịu cảnh thiếu thốn như thế. Chính vì thế cứ mỗi năm, Hội đồng Giám mục lại làm đơn nhắc lại việc này. Nhưng không bao giờ được trả lời.

Chúng tôi rất vui mừng khi Phật giáo được cấp đất, tại Đà lạt có 50 ha để xây Thiền Viện Trúc Lâm, tại Vĩnh Phúc có 50 ha đất trên núi để xây dựng Thiền viện Trúc lâm Tây thiên rất đẹp đẽ, tại Hà nội có 10 ha đất để xây dựng Viện Phật học Hà nội, tại Nam định có 10 ha để xây dựng Thiền Viện. Xin chúc mừng Phật giáo. Ước mong mọi tôn giáo đều được như thế.

Trong khi kiến nghị của Hội đồng Giám mục và của Tòa Tổng Giám mục không được đáp ứng, quận Hoàn Kiếm tiếp tục phát triển kinh doanh nhằm thu lợi nhuận. Đã phá dỡ phần sàn nhà bằng gỗ lim rất đẹp và rất quí đem bán. Đã mở thêm dịch vụ ngân hàng. Vào đầu tháng 12 Tòa Tổng Giám mục cho người sang phản đối việc làm sai trái này, yêu cầu ngưng việc kinh doanh buôn bán. Nhưng không có kết quả. Tiếp đến, Quản lý Tòa Tổng giám mục đã làm một văn thư gửi chính quyền khiếu nại về việc này. Vẫn không nhận được trả lời, trái lại, như một hành động khiêu khích và lấn át, bành trướng thêm việc kinh doanh bằng cách cho mở bãi giữ xe trong khuôn viên Tòa Khâm Sứ. Việc này khiến giáo dân vô cùng bức xúc. Đức Tổng giám mục đã phải lên tiếng. Nhưng không ai đếm xỉa gì đến tiếng kêu của giáo dân và Tòa Tổng Giám mục. Vì thế giáo dân quyết tâm cầu nguyện cho việc này trong ôn hòa, bất bạo động.

Chúng tôi đề nghị Chính quyền các cấp hãy trân trọng ý kiến của Hội đồng Giám mục và của Tòa Tổng Giám mục Hà nội. Hãy giao lại đất này cho Giáo hội vì đây là đất hương hỏa tổ tiên trong Giáo hội để lại. Hãy trân trọng tình cảm của giáo dân bao năm gắn bó với mảnh đất này. Hãy tôn trọng đất tôn giáo thiêng liêng, đừng để những kẻ lợi dụng kinh doanh buôn bán làm ô uế đất thiêng liêng. Hãy giao lại cho chúng tôi vì những người sử dụng đất này mấy chục năm qua khônglàm được điều gì ích lợi. Trong khi đó Giáo hội có nhu cầu thật bức thiết để phục vụ nhu cầu tâm linh của giáo dân trong cả nước. Hãy giao lại cho chúng tôi vì những người đang sử dụng chỉ làm hư hại tài sản, chúng tôi sẽ xây dựng lại đẹp đẽ xứng đáng với bộ mặt thủ đô và trình bày cho khách quốc tế đến thăm thấy vẻ đẹp của đất nước qua việc tự do tôn giáo được trân trọng.

Rất mong Lãnh đạo Chính quyền các cấp đáp ứng nguyện vọng chính đáng của chúng tôi.

Ký tên : TẬP THỂ GIÁO DÂN TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI

Giáo dân Hà Nội

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/la-thu-tap-the-giao-dan-ha-noi-gui-chinh-quyen-cac-cap-doi-toa-kham-su/