Trích từ Dân Chúa
VietCatholic
VietCatholic News (Thứ Ba 26/02/2008 20:00)
Từ ngày 1/02/2008, với thư của Đức TGM Ngô Quang Kiệt gửi giáo dân Hà nội, trong đó Ngài loan báo rằng: “Sau những căng thẳng, đã có đối thoại giữa Tòa Tổng Giám mục và Hội đồng Giám mục Việt nam với các vị lãnh đạo cao cấp của Nhà Nước để đi đến một giải pháp tốt đẹp. Giải pháp này sẽ thực hiện qua những bước cụ thể trong tôn trọng lẫn nhau theo ý kiến của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh...”, thì giáo dân Hà nội đã rước Thánh giá về Tòa Giám Mục và đưa cất lều bạt về nhà, chờ đợi cho một giải pháp tốt tốt đẹp cho cả đôi bên. Trong thư Ngài cũng không quên nhắn nhủ cộng đoàn dân Chúa “tiếp tục cầu nguyện”.
Khi bức thư này được loan ra, thì nhiều người đã tỏ vẻ hồ nghi ngay về thiện chí của chính quyền và cũng nhắc nhở Tòa Giám Mục rằng chớ có cả tin kẻo sẽ bị lừa.
Đang khi đó một số người khác, nhất là những “ngôn sứ giả” cả từ chục năm nay lên tiếng oang oang tố cáo Giáo hội đủ điều, cũng như hăng say chửi bới Cộng sản. Họ là những người từ bao năm nay tuy có thiện chí tố cáo tội ác của cộng sản, nhưng vì cung cách "hành xử trật đường" chỉ biết chửi mà mà thiếu chiến thuật hành động, lại hành động "ngoài giáo hội", nên họ không bao giờ gây được chút ảnh hưởng nào với giáo dân hoặc với Giáo hội, cũng như không làm cho Cộng Sản khiếp đảm. Tuy nhiên khi bức thư của ĐHY Bertone về vụ Tòa Khâm Sứ được đưa ra, họ liền chớp lấy cơ hội, tố cáo là Vatican đã làm áp lực TGM Hà nội, can thiệp vào nội bộ Giáo hội Việt Nam và làm mất đi cơ hội đối đầu của giáo dân đòi công lý với chính quyền Cộng sản!
Nhân tiện đây, chúng tôi cũng muốn mở một dấu ngoặc nói thêm vài lời về các “ngôn sứ giả” này. Sở dĩ từ trước tới nay họ không có ảnh hưởng hay làm nên cơm cháo gì, vì họ không phải là tiếng nói chân chính của Giáo hội, nên họ không được giáo dân nghe theo. Thêm nữa, họ cũng chưa từng bao giờ vận động được, ngay dù một nhóm giáo dân có tầm cỡ lớn lao nào ủng hộ họ cả. Khi nhìn vào biến cố giáo dân cầu nguyện ở Hà nội, họ thấy sửng sốt, tại sao giáo dân lại can đảm và đoàn kết đến thế, họ cũng nhận ra là dù một vị linh mục vô danh nào đó ở một xứ vùng quê như Hà đông chẳng hạn cũng có ảnh hưởng gấp trăm hoặc gấp ngàn lần ảnh hưởng của họ, vì khi các vị này lên tiếng một lời là có cả từng ngàn người nghe theo ngay. Cả một cao trào đứng lên đòi công lý đã bùng nổ ra, từ Hà nội lan tới Saigòn, ra cả hải ngoại... họ mới ngả ngửa ra rằng: hàng giáo phẩm, giáo sĩ và giáo dân Việt Nam không "hèn nhát" như họ từng kết án từ trước đến nay! Họ cũng dễ nhận ra ngay là người Công giáo Việt Nam đâu có “sợ sệt” gì, sở dỉ từ trước đến giờ họ không hành động là bởi vì thời giờ chưa tới, một khi được các vị chủ chăn chân chính kêu gọi đứng lên, thì hàng, hàng vạn người như một sẽ đứng lên. Đấy mới là sức mạnh của sự đoàn kết và sức mạnh của niềm tin “chiên ta thì nghe tiếng ta”.
Cũng chính vì lý do các "ngôn sứ giả" này không phải là tiếng nói của Giáo hội Công giáo Việt nam, lại nữa họ cũng không phải là đại diện cho Giáo hội Việt nam, nên từ trước tới nay Giáo hội Công giáo Việt Nam đã không lên tiếng về các lời chỉ trích của các "ngôn sứ giả"này. Tuy nhiên, các người tự xưng mình là "ngôn sứ" -dù họ là linh mục chăng nữa- thì Giáo hội cũng không cản trở họ khi họ thi hành quyền công dân của mình, họ có quyền nói lên tiếng nói và lập trường của họ. Tuy nhiên họ không thể bắt buộc Giáo hội phải chấp nhận tiếng nói của họ như là tiếng nói của Giáo hội hay bắt Giáo hội phải bênh vực họ khi họ phát biểu trật đường và không đi trong khuân khổ và lập trường của Giáo hội. Không những hàng giáo phẩm hoặc Giáo Hội Việt Nam không lên tiếng mà bất cứ tổ chức nào hiệp thông đích thực với Giáo hội Việt nam cũng không đồng tình với lập luận riêng của họ. Lập trường của VietCatholic cũng vậy, không muốn "mất giờ" đi vào cuộc bút chiến với các "ngôn sứ giả" nêu trên.
Trở lại vần đề tiến trình vụ giải quyết đất Tòa Khâm Sứ: Thực tế là ngay trước khi Tòa Giám Mục Hà nội nhận được lá thư với những lời khuyên của ĐHY Bertone thì đã có những bàn thảo trong nội bộ: có nên tiếp tục cho giáo dân đội mưa và chịu giá lạnh với một thời tiết khắc nghiệt vào cuối tháng Giêng vừa qua hay không? Nhìn từ khía cạnh nhân đạo và với việc báo chí ngoại quốc đặc biệt quan tâm tới giáo dân cầu nguyện trong giá lạnh, việc khuyên giáo dân về nhà là một cử chỉ rất “nhân đạo” dưới con mắt của mọi người trên toàn thế giới, bằng không việc cầu nguyện tranh đấu cho công lý của giáo dân Hà nội sẽ trở thành “vô nhân đạo” dưới con mắt người Tây phương, và nhất là đối với anh chị em Công giáo Việt Nam ở khắp nơi, không thề nào mà không thấy sự thương tâm cắn xé tâm can khi nhìn thấy anh em đồng đạo mình phải trải qua những gian nan như vậy.
Đức TGM Hà nội không hề bị áp lực nào từ phía Vatican, bởi vì trước khi có thư của ĐHY Bertone thì đã có những cuộc điện đàm tham khảo giữa Vatican và Tòa Giám Mục Hà Nội, cũng như một số ý kiến của các Giám Mục Việt Nam, xa hơn là các nhân vật ảnh hưởng đạo đời, không những chỉ trong nước mà nhiều nơi ở hải ngoại, ngay cà ý kiến đóng góp của các cấp ngoại giao các quốc gia về vấn đề này với Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.
Bức thư mà ĐHY Bertone gửi cho TGM Hà nội và một thư khác gửi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Việt Nam là cơ hội cho cả hai bên tháo được cái nút khó mở, mỗi bên đứng trước một tình thế khác nhau hoàn toàn, một bên là vì nhân đạo, bên khác là vì thể diện. Hai bên đã có những cuộc trao đổi, với những đồng ý trên nguyên tắc chung chung hầu tỏ thiện chí. Đang khi đó chính quyền Việt Nam cũng bị những áp lực ghê gớm thừ nhiều phía: đại sứ Việt Nam ở Roma bị chính phủ Ý triệu hồi đòi giải thích, đại sứ Pháp và Hoa Kỳ ở Việt Nam, v.v... nêu ra với chính quyền Việt Nam những quan tâm của họ.
Vào ngày 30/01/2007, trên trang VietCatholic có viết rằng: “Trong 2 ngày qua 30-31/01/2008 đang có những nỗ lực và cũng có thể nói là những áp lực từ nhiều phía để UBND thành phố Hà nội và Tòa Tổng Giám Mục ngồi lại với nhau, tiến tới một giải pháp tốt đẹp cho vụ việc Tòa Khâm Sứ. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, phía chính quyền Hà nội cũng chỉ mong thoát ra được cái tròng ngày càng xiết chặt, nghĩa là làm sao còn giữ được chút “thể diện”, hay như có người nói trước đây là muốn “biểu hiện quyền uy”của mình”.
Khi đó chúng tôi đã biết đại khái về bản chất thỏa thuận giữa Tòa Giám Mục Hà nội và Chính quyền Hà nội, nhưng không tiện nêu ra, với mục đích để hai bên có khung cảnh thích hợp chứ không vì áp lực nào hầu đi tới một kết quả tốt đẹp cho cả hai bên.
Theo nguồn tin của chúng tôi khi đó, được biết rằng, chính quyền Hà nội và quận Hoàn Kiếm qua chỉ thị của Thủ tướng sẽ phải tìm cách thế “trao quyền sử dụng đất Tòa Khâm Sứ lại cho Tồng giáo phận Hà nội” muộn nhất là trong cuối tháng 3 năm 2008, vì sau đó vào tháng 4, 2008 sẽ có một phái đoàn ngoại giao Việt Nam gồm 4 người sang Vatican, được dẫn đầu bởi một Thứ trưởng ngoại giao về bàn về một nghị trình mà cả hai bên đều quan tâm chung.
Ngôn ngữ được dùng về vụ Tòa Khâm sứ là “trao quyền sử dụng” với chủ tâm để giữ thể diện, chứ không phải là “trả lại” Tòa Khâm Sứ. Vụ việc Tòa Khâm sứ sẽ tách rời khỏi vụ Thái Hà và Hà đông, và ngay cả đất thánh địa La vang hay Đại học Đà lạt cũng vậy, mỗi nơi sẽ do hoàn cảnh đặc thù của địa phương đó và giáo phận địa phương đó mà giải quyết, như vậy sẽ tránh đi được nỗi lo sợ của chính quyền là “đòi được Tòa Khâm sứ thì tất cả các nơi khác sẽ nổi lên đòi lại”.
Để tỏ thiện chí tối đa, giáo dân Hà nội và các thành phần Dân Chúa ở Việt Nam cũng như khắp nơi trên thế giới cũng cố gắng "tạm im lặng" hầu tạo cơ hội không tấn công hay chỉ trích chính quyền, để với mục đích tạo một “khung cảnh tương đối êm đềm cho những cuộc nói truyện dẫn tới kết quả tốt đẹp”. Tuy nhiên, Đức TGM Hà nội vẫn giữ lập trường là phải nhận lại được Tòa Khâm sứ mới thôi, cũng như cần có bảo đảm từ chính quyền muốn mở ra "lộ trình để giải quyết một cách công bằng và hợp lý" cho những khiếu kiện của người dân, nhất là những tranh chấp đất đai của Giáo hội Công giáo. Đó là mục đích chính yếu của các buổi cầu nguyện đòi cho “công lý” được thực thi. Điển hình là vào ngày mùng 3 Tết, Đức TGM Hà nội đã đến cầu nguyện với giáo dân Thái Hà có 7.000 người tham dự. Điều đó nói lên quyết tâm của đức TGM Hà nội và toàn giáo dân Hà nội.
Tuy nhiên, trong vài tuần qua, một vài sự kiện “ngoại lai” đã làm cho nhiều người thiện chí nghi ngờ về quyết tâm của chính quyền Hà nội muốn thực tâm giải quyết vụ Tòa Khâm Sứ: đó là 2 cơ quan mang mầu sắc tôn giáo, nhưng là tổ chức tôn giáo quốc doanh do đảng Cộng Sản Việt nam lập ra cho hoạt động, từ trước tới nay vẫn làm việc dưới sự chỉ đạo của chính quyền và được chính quyền cung cấp phương tiện vật chất, đó là tờ báo “Công giáo và Dân tộc” và tổ chức “Giáo Hội Phật giáo Việt nam” (hay còn gọi là Phật giáo quốc doanh). Cả hai tổ chức này đã tung ra những đòi hỏi và đặt lại vấn đề Tòa Khâm Sứ hầu hy vọng kéo dài thời gian nhùng nhằng không muốn cho việc giải quyết vụ Tòa Khâm Sứ được mau chóng kết thúc.
Trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao vụ giải quyết Tòa Khâm sứ cho Ban Tôn giáo chính phủ, Bộ Công an, Bộ Xây dựng và UBNH thành phố Hà nội. Nguồn tin riêng của chúng tôi cho biết các thành phần trên đều đồng ý “trao quyền sử dụng” Tòa Khâm Sứ cho Tòa giám mục Hà nội theo nhu cầu đề nghị của Hội đồng Giám Mục Việt Nam, nhưng trừ ra "Chính quyền địa phương Quận Hoàn Kiếm" là vẫn còn cương quyết chống lại. Quận Hoàn Kiếm vẫn kiên trì đề nghị là "cấp cho Giáo hội một khu đất khác ở quận Hoàn Kiếm có thể rộng rải hơn" khu Tòa Khâm Sứ để khỏi phải phá hợp đồng xây dựng mà họ đã trót ký với cơ sở thương mại đầu tư, đàng khác "Quận lấy lý do làm như vậy sẽ tránh được tiền lệ đòi đất ở khắp nơi".
Không biết từ sáng kiến của ai, hai bài báo của linh mục Trương bá Cần trên tờ Công giáo và Dân tộc, thêm văn thư của hòa thượng Thích Trung Hậu, đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, đòi được tham khảo trong vụ đất Tòa Khâm sứ, khi được tung ra đã và còn đang gây một phản ứng chống đối chính quyền còn mãnh liệt hơn nữa, và làm mất đi niềm tin tưởng vào thiện chí của chính quyền - đã vốn ít oi thì nay lại xuống tới mức thấp nhất - làm chính quyền mất mặt thêm, và lại thêm lúng túng ra.
Có tin cho biết: trong nội bộ quan chức chính quyền Hà nội đang lủng củng vì truyện này, một đàng họ nói việc hòa thượng Thích Trung Hậu nộp đơn “đã bị chính quyền phê phán gay gắt”, đàng khác có thành phần trong chính quyền lại đổ tội “đó là âm mưu của Bắc Kinh hay của CIA” nhằm làm suy yếu sức đối kháng của chính quyền Việt Nam trước vụ Hoàng Sa và Trường Sa.
Lại cũng có tin LM Trương bá Cần "đã bị ban Tôn giáo vụ khiển trách" khi đưa ra quan điểm trên tờ Công giáo và Dân tộc là “đã vi phạm lệnh cấm của Ban Tuyên giáo chính phủ không được đăng báo đả kích về các cuộc cầu nguyện của giáo dân nữa”. Nguồn tin còn cho biết thêm là vào ngày mai 27 /2/2008 tại Hà nội sẽ có cuộc họp Đoàn Chủ tịch UBĐKCGVN để thảo luận, và chắc chắn là có cãi vã và tranh chấp lớn lao vì tự nhiên ai cũng nhắm mũi dùi vào tờ CGvDT để lên án gắt gao!
Nguồn tin được cung cấp nêu trên - từ trước tới nay nguồn tin này thường vẫn trung thực - tuy nhiên lần này chúng tôi có hơi hồ nghi về tính cách trung thực về diễn biến và sự kiện mà chúng tôi vừa trinh bầy ở trên. Chúng tôi coi đây là một đòn giải độc cho chính quyền, khi mà chính quyền đã ngây ngô tin dùng gia nô CGvDT cũng như GHPHVN quốc doanh trong việc gây chia rẽ và trốn trách trách nhiệm và có thể tung lá bài kéo dài thời gian hoặc muốn luốt lời hứa với Vatican và Tòa TGM Hà nội. Nay thấy lá bài hỏng không xài được và bất lợi, nên giả đò "đưa con vật ra tế thần" hầu xoa dịu sự chống đối!
Với thiện chí của mình, Đức TGM Hà nội vẫn còn đang chờ đợi việc chính quyền mau chóng thực thi những thỏa thuận đã hứa là chính quyền sẽ trả lại, hay cách nói “trao quyền sử dụng” Tòa Khâm Sứ cho Giáo hội cũng được.
Hàng giáo sĩ và giáo dân Hà nội vì đức vâng lời và cũng muốn chứng tỏ cho thế giới thấy sức mạnh của tinh thần đoàn kết “cha con một lòng, hàng vạn con tim là một” sẵn sàng hi sinh chính kiến cá nhân, để tuân thủ theo sự hướng dẫn của chủ chăn. Thế nhưng sự kiên nhẫn sẽ có giới hạn, thời gian để giải quyết trong trật tự đã được đặt ra, và kết quả phải đạt được trong công lý và tôn trọng lẫn nhau. Một khi giáo dân Hà nội thấy mình bị lừa dối thì chiến dịch cầu nguyện sẽ lại được tái phát động, và lần này chắc chắn các buổi cầu cầu nguyện sẽ lớn mạnh hơn, kiên trì hơn và sẽ kéo theo một số những ảnh hưởng giây chuyền về cả thời gian và không gian... Hàng rào, cổng và tường ngăn cách giữa Tòa giám mục và Tòa Khâm sứ cũng sẽ trở nên vô dụng.. sẽ bị mở tung ra! Các buổi cầu nguyện cho công lý không những chỉ tổ chức tại Hà nội mà còn lan rộng ra các giáo phận tại Việt nam khác nữa.
Trước đây, có người cũng đã đặt câu hỏi, tại sao chỉ có các vị giám mục ngoài Bắc là đã lên tiếng ủng hộ Đức TGM Hà nội mà không thấy các giám mục trong Nam, ngoài Trung, hay là tiếng nói của Hội đồng Giám Mục Việt nam lên tiếng về vụ việc này? Theo chúng tôi được biết, các vị giám mục Việt Nam cho rằng, vụ Tòa Khâm Sứ Hà nội, nên tạm để trong tầm mức địa phương Tổng giáo phận Hà nội (nghĩa là các giáo phận Miền Bắc) chung nhau giải quyết trước. Làm như vậy sẽ không làm cho chính quyền phải lo lắng mà sinh nghi ngờ một cuộc tổng nổi dậy đòi đất và đòi công lý lan tràn khắp nơi mà không đi đến kết quả thực tế. Sự lựa chọn này đáp ứng nhu cầu tình lý và trong những điều kiện hành động mà không gây rối loạn theo đúng chủ trương ôn hòa và bất bạo động của Giáo hội. Đàng khác nó cũng đã mạnh mẽ đủ đề nói lên khao khát chính đáng của giáo dân Công giáo Việt nam, và cũng đã có kế hoạch và đường lối làm cho đòi hỏi của Giáo hội Việt nam có tiếng vang trên thế giới, và được nền ngoại giao và báo chí quốc tế ủng hộ những đòi hỏi chính đáng của người công dân và người Công giáo Việt Nam.
Nguồn tin của chúng tôi cũng báo cho biết: Nếu trong hạn kỳ mà chính quyền Hà nội đã hứa mà không thực thi nghiêm chỉnh thì lần này cuộc đòi hỏi bằng các buổi cầu nguyện cho công lý sẽ không bị giới hạn trong điều kiện không gian, thời gian và khí hậu nữa.
Nguồn tin còn cho biết là thêm chi tiết như sau: hiện nay, các nhóm giáo dân, một số giáo xứ trong giáo phận Hà nội đang bàn nhau dự tính sẽ có các buổi cầu nguyện cho công lý trước Tòa Khâm Sứ trở lại, sẽ được bắt đầu lại từ Tuần Thánh năm nay, tức là từ ngày Chúa Nhật Lễ Lá ngày 16/3/2008 và sẽ kéo dài liên tục với số người đông hơn và cương quyết hơn nhiều.
Những ngọn nến của cả hàng 10 ngàn người đã được thắp lên từ ngày 18 tháng 12 năm 2007 đến ngày 1/2/2008 ở Hà nội vẫn chưa bao giờ tắt, những ngọn lửa đó còn đang bừng sáng và lửa thiêng được giữ vững tại Thái Hà và Hà đông, cũng như tại các giáo xứ Hà nội chỉ chờ ngày bừng sáng trở lại mà thôi. Người giáo dân đã vượt qua “nổi sợ” dù bị đe dọa đến mạng sống trong ngày 27/1/2008 khi mà chính quyền và quân đội định tảo thanh và “làm sạch” những ngưòi cầu nguyện ở Tòa Khâm sứ, cho thấy cả ngàn người đã không hề sợ bị đàn áp hay sợ chết.
Thời tiết giá buốt bất thường đột nhiên đến với Hà nội vào cuối tháng Giêng nên vì lý do “nhân đạo” mà các buổi cầu nguyện đã được tạm cho đình chỉ lại, với hy vọng thiện chí đôi bên sẽ thực thi lời hứa. Nhưng vào Tuần Thánh giữa tháng Ba sắp tới tới, không còn tiết giá mùa đông nữa, sẽ là khởi đầu lại cho một cuộc hành trình đức tin đòi công lý quyết liệt hơn.
Khởi đi từ bài “Ca lên đi” trong ngày nhạc hội Mừng Chúa Giáng Sinh với chủ đề “Kinh Hòa Bình” đòi “Công Lý”: tượng Đức Mẹ Sầu Bi và Thánh giá Chúa được dựng lên tại khung viên Tòa Khâm Sứ, thì sắp tới đây, giáo dân Hà nội cương quyết sẽ đi lại con đường Thập giá và thương khó Chúa đã đi trong Tuần Thánh, để đốt lên “Ánh Lửa Phục Sinh” tiếp tục soi vào một thế giới đen tối, lỗi lầm, thất hứa và thiếu công lý. Ánh Lửa Phục Sinh sẽ bùng sáng trở lại để công lý, nhân quyền, tự do và chân lý được thể hiện.
Tuần Thánh là tuần mà tất cả mọi người Công giáo khắp nơi, suốt cả tuần lễ, sẽ tụ tập bên nhau, cầu nguyện, suy niệm và tưởng nhớ đến sự chết và những chặng đường chông gai khổ nhục của Chúa trong chương trình cứu độ hầu giải án tội lỗi cho nhân thế và giải phóng con người khỏi gông cùm trói buộc mọi cách, hoàn lại cho con người quyền làm con Thiên Chúa. Đó chính là con đường mà các tín hữu Công giáo mỗi năm đều mỗi suy niệm làm giá trị cho cuộc sống của mình.
Lần này đây không những giáo phận Hà nội cầu nguyện mà cả toàn các giáo phận Việt nam cũng cầu nguyện, cả thế giới đều cầu nguyện và thắp lên “Ánh Lửa Phục Sinh”. Ánh lửa thắp lên lần này sẽ không tắt nữa!
Ánh sáng và ngọn lửa của sự thật của Đức Kitô, công lý cho con người, và quyền tự do nhân phẩm giá trị thiêng thiêng của mỗi một người là động lực thúc đẩy không những chỉ người tín hữu Công giáo phải dấn thân, mà cũng là lời mời gọi mọi thành phần thuộc mọi tôn giáo Việt Nam cùng đứng lên tranh đấu cho công lý và cho sự thật vậy.
URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/khoi-di-tu-tuan-thanh-anh-lua-phuc-sinh-se-co-the-lai-bung-sang-tro-lai-noi-toa-kham-su-ha-noi/