Trích từ Dân Chúa

JB. Nguyễn Hữu Vinh - Ký giả của Lòng tin

Tú Nạc

Sau biến cố Đồng Chiêm, Thánh Giá bị đập phá; giáo dân bị hành hung đến đổ máu, các “computer” hình như chưa kịp nguội thì hôm nay lại xảy ra sự kiện “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” của một đám “bạn dân” với một ký giả Công Giáo – J.B Nguyễn Hữu Vinh, “vũ khí” của ông chỉ là cây bút và chiếc máy chụp hình để minh họa. Quả là “họa vô đơn chí” đối với Xứ đạo Đồng chiêm. Thương cảm thay, một ký giả của lòng tin!

Việc làm của ông duy chỉ với mục đích là loan truyền Tin Mừng của Thiên Chúa, vinh danh Người và đem yêu thương đến cho mọi người để cùng với ông, với mọi Ki-tô hữu giữ mãi một niềm tin vào Đấng Tối Cao – Thiên Chúa. Không một mảy may vị lợi, vật chất đối với ông, thiết nghĩ không phải là cứu cánh.

Ký giả Nguyẽn Hữu Vinh

Chúng ta dường như đã đọc được những vần thơ của Emily Dickinson từ hành động của ông.

That is great.
Jesus is great
and I love Him with all my heart
because He died for me on the Crucifix…

Phải, Ông đã yêu Thánh Giá bằng tất cả tim mình thể hiện qua hành đông đến với Đồng Chiêm để tuyên xưng Danh Chúa cho những ai thuộc con cái Người trong lúc tình hình nóng bỏng, một tinh thần quả cảm!

Những người cầm bút Công Giáo có cái nhìn như thế nào trước hình ảnh ký giả Gio-an Bao-ti-xi-ta bị hành hung bởi những con người mang tâm địa dã man?

Hãy lên tiếng đòi công lý cho ông, cũng có nghĩa cho chính chúng ta, trước những hành vi vô đạo đức - không hời hợt, phô trương chữ nghĩa để trình diễn lòng thương hại – hiệp thông theo phong trào.

Kính thưa những vị chủ mưu và trực tiếp phá phách Thánh Giá, đánh Giáo dân và ký giả J.B Nguyễn Hữu Vinh tại Đồng Chiêm,

Chúng ta, con người phải hành động như thế nào để thể hiện giá trị hành vi đạo đức?

Hành động của thú vật thường bị bản năng và khoái lạc thúc đẩy. Con người thì trái lại, thường do dự phân vân trước khi hành động. Con người chỉ có hành động tự do sau khi đã tự vấn những gì phải làm; sau khi trải qua một sự suy nghĩ, kiểm nghiệm các hành động và cân nhắc hành động nào là đáng thi hành nhất theo lý trí NGƯỜI. Chính sự phân biệt một cách có ý thức giữa các hành động: thiện - ác, chính – tà, nên làm và không nên làm đã đặt ra vấn đề đạo đức. Mục đích của đạo đức là nhắm vào những giá trị của hành vi. Chúng ta có lương tâm và lý trí nên chúng ta phải nhận biết những hành động tùy thuộc lý trí chúng ta, và mọi hành động không đặt vào giá trị ngang bằng theo cảm tính. Đứng trước hành vi của mình hay người khác, con người có ý thức thường biết phê phán giá trị của những hành vi đó, thí dụ: dối trá là xấu, đánh người trái phép là dã man, đập phá tượng Chúa là vi phạm sự Thánh liêng của đời sống tâm linh là vô cùng xúc phạm mà lương tâm sẽ không tha thứ, hay hy sinh vì tổ quốc là cao thượng …

Chúng ta phải hiểu thế nào là hành vi đạo đức?

Hành vi đạo đức là một hành vi tự ý, một hành vi tự ý có suy nghĩ, có xét đoán và quyết định tự do. Ở đây, hành vi của con người không có sự phó thác cho động lực của khoái lạc và dục vọng mà con người phải suy nghĩ phân biệt trước những hành động, so sánh và sau đó chọn lựa hành động nào là hành động xứng đáng, thuộc hành động của NGƯỜI. Trong nhiều trường hợp, Chúng ta phải đâu là giá trị hay trong hai giá trị thì giá trị nào cao hơn để không hành xử một cách vô đạo đức đầy thú tính.

Vấn đề đạo đức là sự đòi hỏi nơi con người chúng ta một thứ ý thức biết suy nghĩ về các giá trị và hành động một cách vô vụ lợi. Ý thức phải cố gắng nhận thức những giá trị tương quan với hành động và thứ bậc của nó: giá trị nào là giá trị cao nhất phải được đặt lên hàng đầu trong đời sống của chúng ta. Và muốn đạt được giá trị thì hành vi của con người phải tuân theo những qui luật đạo đức.

Chúng ta không nên hoài nghi phủ nhận giá trị tuyệt đối của các qui tắc đạo đức và cho rằng chúng chỉ là những thành kiến biến đổi theo xã hội và thời đại.

Chân lý của đạo đức là gì?

Một số triết gia hoài nghi phủ nhận giá trị tuyệt đối của đạo đức và cho rằng chúng chỉ là thành kiến biến đổi theo xã hội và thời đại. Pascal đã phát biểu tính tương đối của đạo đức qua câu: “Buồn cười thay một chân lý mà một con sông làm giới hạn; chân lý nằm phía bên này dãy Pyrénées, bên kia là sai lầm” (plaisant justice qu’une rivière borne! Vérité en deca des Pyrénées. Erreur au delà). Cả Durkheim cũng cho rằng; “Mỗi xã hội có nền luân lý riêng” (chaque société a sa moral).

Dưới lăng kính sử học và xã hội học dã thừa nhận ý kiến trên: các qui tắc đạo đức thay đổi theo xã hội và thời đại. Theo Aristote, chế độ nô lệ ngày xưa được xem là công bằng, nhưng ngày nay thì không; hoặc có những bộ lạc ăn thịt kẻ thù và ngay cả cha mẹ không một chút hối hận. Trong khi những tu sỹ ở Tích Lan hay Miến Điện không dám giết ngay đến cả một con vi trùng.

Như vậy có phải là một chân lý để phủ nhận các chân lý giá trị (vérités morals) đạo đức không?

Trên hết, người ta có thể quan sát rằng nếu cách thi hành các quan niệm đạo đức khác nhau thì giữa loài người vẫn có một sự giống nhau căn bản: đó là đều có những ý tưởng và tình cảm đạo đức. Mọi người có quan niệm về bổn phận khác nhau, nhưng tất cả đều phải thừa nhận là có bổn phận và bổn phận vươn lên trên khoái lạc.Mọi người đều có thể nhận biết hành động nào cao quí, hành động nào là đê hèn, tất cả đều phân biệt được đâu là thiện, đau là ác; và tất cả đều có thể ăn năn, hối hận vì một tội ác đã làm và cảm thấy một lạc thú tinh thần khi thực hiện một việc thiện, … chính vì thế phải công nhận là có chân lý đạo đức. Chân lý đạo đức chính là cốt lõi ý tưởng và tình cảm đạo đức đồng nhất và phổ quát nơi mọi người: dù không gian hay thời gian nào, sự đê hèn, bỉ ổi không thể được xem có đạo đức hơn sự can đảm. Sự công bình có thể được quan niệm khác nhau tùy theo xã hội hay thời đại. Nhưng người công bình thì ở đau cũng có và được mọi người kính phục hơn những kẻ bất công.

Vậy, chúng ta có thể thấy rằng dưới những hình thể biến đổi của phong hóa luân lý theo xã hội và thời đại, vẫn có những gì phổ quát và trường cửu: đó là những chân lý đạo đức.

Đạo đức là gì?

Căn ngữ đạo đức là MORES theo tiếng Latinh, là cách xử thế hay hành động hướng về điều thiện. Do đó có thể định nghĩa theo Foulquié: “Đạo đức học là một hệ thống lý thuyết có nhiệm vụ điều khiển con người thi hành điều thiện”, hoặc: “Đạo đức học là một hệ thống gồm những qui luật giúp ta hoạt động và phê phán giá trị các hành vi theo tiêu chuẩn thiện – ác” – Lalande.

Như trên chúng ta đã đề cập: hành vi của con người khác hành động của thú vật. Sống là phải hành động, dù là hành động xấu xa hay cao thượng, vì đó là định luật chung của mọi loài. Nhưng loài người hơn cầm thú ở lý trí và tự do nên không chỉ hoạt động như thú vật, trái lại phải hướng hành động đến những gì cao thượng và đẹp đẽ mà đạo đức học gọi là Chí Thiện (Souverain Bien). Chí thiện là lý tưởng, là cứu cánh hạnh phúc thực sự của đời sống nhân loại.

Nhưng muốn đạt tới lý tưởng Chí thiện thì con người phải tự đặt mình vào những qui luật đạo đức. Những qui luật đạo đức có tính cách bó buộc và sdai khiến vô điều kiện. Nhưng chúng ta không làm suy giảm nhân tính mà trái lại làm cho nó được phát triển theo tiêu chuẩn giá trị đạo đức. Hay nói một cách khác làm cho nó nảy nở những gì có giá trị cao quí tốt đẹp trong bản thân chúng ta.

Đạo đức là căn bản không thể thiếu cho đời sống nhân loại và đặt ra cho con người trong mọi lúc, bất cứ nơi nào hay thời nào để hướng hành động của con người đến cùng đích của những qui tắc hành động.

Hành vi của những người chủ truơng và trực tiếp những sự kiện xảy ra ở Giáo xứ Đồng Chiêm: đập phá Thánh Giá – một biểu tượng vô cùng thiêng liêng của người Công Giáo, dã man đánh Giáo dân đổ máu, hành hung ký giả J.B Nguyễn Hữu Vinh quả là những hành vi vô đạo đức.

Trước hình ảnh ký giả J.B Nguyễn Hữu Vinh bị hành hung, những người cầm bút Công Giáo có cái nhìn như thế nào?

Các triết gia Herbert Spencer và Nietzsche muồn đặt đạo đức học trên nền tảng sinh vật học. Họ cho rẳng người cũng là một sinh vật nên phải cùng chung một qui luật sống: cạnh tranh và đào thải, mạnh được yếu thua. Vậy sống đạo đức là sống theo luật cạnh tranh và đào thải đó.

Quan niệm trên, những người cầm bút Công Giáo không được phép chấp nhận, nói theo cách riêng. Nói chung, tất cả con người đều không thể chấp nhận. Luật cạnh tranh và đào thải không phải là qui luật đạo đức.Sinh vật học cho chúng ta ý niệm các sinh vật phải tranh đấu quyết liệt để sinh tồn. Phải chăng đó là lý do để chúng ta nhân định rằng loài người cũng giống như thú vật nghĩa là phải cạnh tranh, cấu xé nhau để sống. Hay ngược lại loài người phải hợp quần, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn – “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Vả chăng con người hơn loài vật ở chỗ có lý trí, có đời sống trí tuệ có lẽ nào không biết chế ngự những hành động theo bản năng thô bỉ để vươn tới những hành vi công bình và bác ái. Chúng ta phải hướng đến sự công bình và tìm chân lý.

Công bình là gì?

Công bình là không làm hịa người khác, tôn trọng quyền lợi của họ. Hoặc công bình là mắc nợ của ai cái gì thì phải trả cho họ cái đó. Ý niệm công bình đồng nhất trong mọi thời đại nhưng thi hành có khác nhau.

Ngày xưa luật pháp còn thô thiển, công bình được thực thi một cách máy móc. Thí dụ: “Sát nhân giã tử” (giết người thì phải đền mạng). Ngày nay, theo sự tiến triển của luật pháp, công bình phải được thực thi một cách sáng suốt. thí dụ: một kẻ giết người bị kết tội nặng nhẹ tùy theo tội ác.

Nền tảng của công bình là nhân vị. Mỗi người đều có quyền tự nhiên bất khả xâm phạm mà mọi người khác phải tôn trọng. công bình còn đi đôi với bình đẳng. Một xã hội công bình là một xã hội trong đó mọi người được bình đẳng trước pháp luật và quyền lợi của mọi người phải được tôn trọng.

Chúng ta, những người cầm bút (Công giáo) tránh sao được những cảm xúc bùi ngùi và bất mãn trước hình ảnh ký giả Gio-an Bao-ti-xi-ta bị hành hung đang trên đường làm Sáng Danh Chúa – đi tìm Chân Lý.

Mượn lời của Cụ Nguyễn Tuân – nhà văn, khuyên những người chủ trương và trực tiếp gây ra những hành vi mất đạo đức tại Giáo xứ Đồng Chiêm hãy từ bỏ những hành động gây tội ác hãy trở về giữ trọn cái thiên lương của mình.

Cầu chúc Ký giả J.B Nguyễn Hữu Vinh mau bình phục để tiếp tục “vác BÚT” theo chân Chúa.

Jos. Tú Nạc, NMS

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/jb-nguyen-huu-vinh-ky-gia-cua-long-tin/