Trích từ Dân Chúa

Hiệp Thông

Lại thế Lãng

Thời gian gần đây từ ngũ hiệp thông được nói đến khá nhiều. Đối với người Công giáo thì chẳng có ai xa lạ với ý nghĩa của từ ngữ này. Trước thánh lễ linh mục thường mời gọi cộng đoàn cùng hiệp thông để dâng lên Chúa lời cảm tạ hay lời nguyện xin. Trong các buổi đọc kinh cầu nguyện mọi người hiện diện đều được yêu cầu hiệp ý (hiệp thông) để cầu nguyện theo một ý chỉ nào đó. Hiệp thông theo cách hiểu của người Công giáo là hợp một ý, một lòng với nhau trong công việc thiêng liêng.

Lúc còn bé tôi thường đi lễ buổi sáng với bà nội. Đến nhà thờ bà tôi luôn luôn nhắc tôi phải làm những việc sau: chấm nước thánh làm dấu thánh gía, bái gối rồi tiến đến hàng ghế dành cho mình và qùy trên bàn qùy. Sau cùng là nhìn thẳng lên bàn thờ nói với Chúa: Con xin hợp ý cùng Hội thánh và các kẻ làm nên trong thánh lễ hôm nay. Bà tôi gỉai thích rằng cần phải hợp ý với mọi người để lỡ mình có chia lòng chia trí hay là vì lý do gì đó mà không nhận được ơn ích từ thánh lễ thì mình cũng được hưởng nhờ ơn ích từ những kẻ làm nên.

Hình như tự điển ở ngoài đời không có từ ngữ hiệp thông. Tôi nghĩ như vậy là vì tôi đã tìm trên online qua hai bộ tự điển: Tự điển tiếng Việt và Bách khoa toàn thư đều không có từ ngữ hiệp thông. Có lẽ vì không hiểu được ý nghĩa của từ ngữ hiệp thông theo cách hiểu của người Công giáo cho nên những vị cầm quyên ở Hà Nội có vẻ tức tối đối với những lá thư hiệp thông được các nơi gửi đến các linh mục và giáo dân ở Thái Hà hoặc tỏ ra bực dọc đối với những đoàn hành hương từ các nơi đổ về hiệp thông với Thái Hà.

Cũng vì không hiểu theo cách của người Công giáo mà nhà cầm quyền đã nghĩ sai về những lá thư hiệp thông khi coi những lá thư đó như là những bản văn kích động và coi những người đến hiệp thông cầu nguyện là cấu kết với giáo dân Thái Hà vi phạm luật pháp. Sự hiểu lầm tai hại khiến họ cứ khăng khăng cho rằng giáo sỹ và giáo dân đã bị xúi dục từ những “thế lực bên ngoài” để “gây rối trật tự công cộng”.

Trong chuyến hành hương đến Thái Hà hôm 10/9 hai Đức cha Phaolô Cao Đình Thuyên, Giám mục giáo phận Vinh và Đức cha Giuse nguyễn Chí Linh, Giám mục gíao phận Thanh Hóa đã hiệp dâng thánh lễ tại đây. Trong phần chia sẻ với cộng đoàn, hai vị Giám mục đã nói rõ ý nghĩa của từ ngữ hiệp thông và vì sao các ngài đến hiệp thông với Thái Hà.

Đức giám mục giáo phận Thanh Hóa cũng là Phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho rằng “Thật ra hiệp thông là hiệp thông trong Thánh Thần. Hiệp thông có nghiã là chia sẻ với nhau niềm vui nỗi sầu.Chỉ biết rằng người đồng đạo của chúng tôi ở Thái Hà có những người đang bị tạm giữ. Có những người đang bị hỏi thăm và những tình huống phức tạp như thế phải được kể như là những tình huống đang ở trong tình trạng thử thách. Về hiệp thông có nghĩa là về chia sẻ nỗi đau của Giáo xứ Thái Hà. Về hiệp thông còn có nghĩa là về chung lời cầu nguyện với Giáo xứ Thái Hà”.

Về phần Đức Giám mục gíao phận Vinh, ngài nói rằng “Vì nằm trong một thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô cho nên nhất cử nhất động các hành động của người Công giáo đều có liên hệ với nhau cả. Không cần ai bảo ai. Mỗi tín hữu xác tín đây là nhiệm vụ. Vì người ta không hiểu cái mầu nhiệm hiệp thông này cho đến nơi đến chốn cho nên người ta hay nói âm mưu này âm mưu khác, người này kích động người khác. Chúng tôi đây không ai kích động ai cả. Bà con trở về và tôi trở về. Ai cũng về hết. Ai cũng nhận là việc của mình. Cho nên chúng ta hăng hái làm thôi!”.

Từ ngữ hiệp thông không phải chỉ mới ra đời trong những ngày xảy ra biến cố Thái Hà. Trong sách Giáo lý Công giáo đã nói nhiều đến hiệp thông và nhắc nhở người tín hữu phải luôn sống hiệp thông “Giáo hội Việt Nam phải nỗ lực để trở thành một cộng đoàn tín hữu sống hiệp thông đích thực với Chúa để có thể hiệp thông với nhau chân thành hơn”.

Giáo hội Chúa gồm ba thành phần: thành phần đã khải hoàn tức là các thánh, thành phần lữ hành tức là những tín hữu còn tại thế và thành phần đau khổ tức là những tín hữu đã qua đời đang thanh luyện ở luyện ngục. Giáo hội Chúa là giáo hội hiệp thông. Hiệp thông không phải chỉ có giữa các tín hữu trong phạm vi một giáo phận hay một địa phương nhưng là hiệp thông giữa mọi tín hữu ở khắp nơi trên hoàn cầu. Cũng không phải chỉ có sự hiệp thông giữa những người còn sống nơi trần thế nhưng còn hiệp thông với các thánh và cả với những tín hữu đã qua đời. Hiệp thông với các thánh xin các ngài bầu cử mà cầu thay nguyện giúp cho và hiệp thông với người đã chết trong việc cầu nguyện cho họ.

Sự hiệp thông giữa các tín hữu cũng đã có từ thời xa xưa và được nói đến trong thánh kinh. Chẳng hạn trong sách Tông đồ Công vụ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”(Cv 2:42). Thư Côrintô 1: “Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (1 Cr 1:9). Thư Philipphê: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau” (Pl 2:1). Thư Gioan 1: “ Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người". (1 Ga 1:3 ) v.v

Đúng như Đức Giám mục giáo phận Vinh nhận định “Không cần ai bảo ai. Mỗi tín hữu xác tín đây là nhiệm vụ” cho nên việc dân Chúa khắp nơi về hiệp thông với Thái Hà chỉ là chuyện bình thường. Bình thường như khi viết thư chia sẻ hay đến nhà an ủi người thân hay bạn hữu đang gặp phải chuyện đau buồn. Đó là việc cần làm sao lại cho là sai trái? Sao lại phải bỏ công theo dõi và tìm mọi cách ngăn cản giáo dân từ các nơi về hiệp thông với Thái Hà?

Các linh mục và giáo dân ở Thái Hà qủa thật đang gặp họan nạn. Đã 12 năm qua họ đệ đơn xin trả lại đất đai của giáo xứ đã bị chiếm dụng trái phép. Nhà cầm quyền đã làm ngơ rồi đến nay lại bác khước lời thỉnh cầu của họ bằng những chứng cớ không trung thực, gỉa mạo, không có sức thuyết phục thì làm sao mà họ có thể tâm phục khẩu phục được. Đã vậy lại còn cả vú lấp miệng em, dùng áp lực áp chế bằng những biện pháp khởi tố, bắt giam, đàn áp, hành hung, khiêu khích đủ điều trong khi họ chỉ cầu nguyện ôn hòa. Họ cầu nguyện cho nguyện vọng của họ được gỉai quyết thỏa đáng. Họ cầu nguyện để họ không bị sai lầm và họ cầu nguyện cho những người có trách nhiệm mau tìm ra được phương cách giải quyết vấn đề cho có tình có lý. Cầu nguyện tuyệt nhiên không làm hại ai thế mà nhà cầm quyền lại hăm he qui kết tội xúi dục, kích động đối với các giáo sỹ có mặt trong các buổi cầu nguyện với giáo dân. Thật là phi lý

Cho đến nay theo tin tức thì đã có một số giáo dân bị bắt giam, một số bị cấm không được rời khỏi nơi cư trú và một số đang bị theo dõi. Gần đây nhà cầm quyền còn đe doạ sẽ bắt bớ thêm nữa và họ còn nói không loại trừ linh mục và ngay cả giám mục. Nếu nhà cầm quyền với đầy đủ phương tiện trong tay và nhất quyết muốn trấn áp người Công giáo thì giáo sỹ và giáo dân không một tấc sắt trong tay sẽ không chống cự mà sẵn sàng chấp nhận mọi sự khó như là thánh gía Chúa gửi đến cho họ. Chúa Giêsu xưa đã phải vác thánh gía, phải chịu khổ hình và tử nạn để rồi mới khải hoàn trong vinh quang. Mỗi người Kitô hữu cũng phải vác thánh gía.

“Ai không vác thập gía mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy” (Mt 10:38) “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập gía mình mà theo” (Mt 16:24). Chấp nhận đi theo Chúa là chấp nhận gian khổ, chấp nhận vác thánh gía. Giáo sỹ và giáo dân Thái Hà chắc đã sẵn sàng ghé vai vác thánh gía. Có điều là thánh gía họ sẽ vác có lẽ sẽ không qúa nặng nề như thánh gía mà tiền nhân của chúng ta xưa kia đã phải vác.

Vermont 13/9/2008

Lại thế Lãng

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/hiep-thong/