Trích từ Dân Chúa

Hãy nắm tay nhau đòi lại Công lý

Trương Phú Thứ

(VietCatholicNews 20/12/2007)

Suốt cả ngày 19 tháng 12 năm 2007, cứ mỗi nửa giờ đồng hồ tôi lại lên trang nhà VietCatholic để theo dõi diễn tiến của giáo dân Hà Nội đòi lại tài sàn của gíao phận đã bị nhà cầm quyền chiếm đọat từ nhiều năm nay. Một que diêm đã được bật lên và biết đâu cơn hồng thủy sẽ ào ạt đốt cháy thành lũy của bất công, hận thù và khống chế.

Nhà cầm quyền Hà Nội đã không lượng giá một cách hời hợt phản ứng của người dân, đặc biệt những người dân này lại có chung một niềm tin, chia xẻ một tin mừng. Những hình ảnh từ Hà Nội gửi ra cho thấy là buổi sáng ngày 19 tháng 2 năm 2007 sân trước của Tòa Khâm sứ đã không còn được xử dụng như một bãi gửi xe. Những người đang nắm quyền bính trong tay ngồi cách xa mảnh đất của Tòa Khâm Sứ chỉ một quãng đường ngắn đã nhìn và thấy rõ là khi ý chí của người dân, đặc biệt là những giáo dân, đã trở nên quyết liệt thì không có súng đạn nào có thể cản ngăn.

Bài học từ Đế quốc Liên Sô và những quốc gia Đông Âu vẫn còn đó. Lịch sử của những cuộc cách mạng đúng nghĩa với những đổi thay cải cách và tiến bộ cũng đều được khởi động và phát xuất từ cộng đồng dân chúng.

Nhà cầm quyền Hà Nội tự hào với chức chưởng hội viên dự khuyết của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, vui mừng được gia nhập trở nên một thành viên của cơ quan Mậu Dịch Quốc Tế chắc chắn sẽ không có ý định và dám dùng võ lực để đối phó với nguyện vọng chánh đáng của người dân. Đặc biệt là khi phải đối đầu với một “thế lực thù nghịch” có sự liên kết chặt chẽ với kỷ luật cao độ và những liên đới cũng như hỗ trợ quốc tế.

Chúng ta sẽ không nhìn thấy máu đổ ở sân trước Tòa Khâm Sứ. Chúng ta cũng sẽ không nghe thấy tiếng súng đạn nổ lên trong khuôn viên Tòa Giám Mục Hà Nội. Nhưng chúng ta sẽ nhận được những hứa hẹn khất lần của nhà cầm quyền và những lời hứa hẹn cho qua việc sẽ chẳng bao giờ đi đến một kết cuộc thỏa đáng.

Viết đến đây, tôi lại “lên mạng” VietCatholic và nhìn thấy hình ảnh giáo dân Hà Nội đã đặt tượng đức Mẹ Sầu Bi cạnh một cây đa cổ thụ ngay trước tiền đình Tòa Khâm Sứ. Hàng ngàn giáo dân với sự tham dự của các linh mục trong phẩm phục tế lễ, các nữ tu và cả những anh chị em dân tộc thiểu số đã tụ tập biểu dương cầu nguyện và mong rằng nhà cầm quyền Hà Nội phải thực thi luật pháp và biểu hiện tình nghĩa trong một thái độ nghiêm chỉnh.

Thực thi luật pháp là phải ngăn cấm những hành vi chiếm đọat tài sản của đối tượng khác, bất kể đối tượng đó là một thể nhân hay pháp nhân.

Khi Nhà Nước cổ võ và khuyến khích một sự công bằng trong việc thi hành luật pháp thì Nhà Nước phải thi hành một cách nghiêm minh những luật lệ được các đại diện của dân chúng sọan thảo và Nhà Nước đồng thuận và ban hành. Khi nhân dân và nhà nước đang phản đối Trung Quốc chiếm đoat Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thì không lý do gì nhà cầm quyền lại đi chiếm đoạt phần đất của Tòa Khâm Sứ mà theo quy ước ngoại giao quốc tế phần đất đó là của Tòa Thánh Vatican. Nhà Nước không thể có bất cứ một điều kiện hay lý do gì để đứng ra ngòai hoặc dẫm chân lên luật pháp.

Hành xử một cách tình nghĩa là khi người dân biểu dương ý chí trong một thái độ ôn hòa thì Nhà Nước cũng nên đối xử lại một cách hòa thuận để cùng đi đến một kết cuộc thỏa đáng.

Khi Nhà Nước ngăn cấm trừng phạt và bỏ tù những tên trộm cắp cướp của giết người thì Nhà Nước cũng không thể nại lý do gì để chiếm đọat tài sản của người khác. Cha mẹ nghiện hút thì làm sao có thể ngăn cấm con cái mình đi vào con đường xì ke ma túy.

Báo chí trong nước đã hòan tòan im lặng trước diễn tiến của giáo dân Hà Nội đòi lại tài sản của giáo phận. Nhà cầm quyền Hà Nội cũng chưa có một phản ứng nào trước một đòi hỏi rất chính đáng và công bằng của giáo dân Hà nội. Mong rằng sự việc sẽ đi tới kết quả tốt đẹp và trong an bình.

Hãy còn rất nhiều tài sản của giáo hội Công giáo Việt Nam đã bị Nhà Nước chiếm đọat, mượn, trưng dụng, hoặc cưỡng chiếm một cách bất công suốt bao nhiêu năm qua. Một vài nơi đã được trả lại, nhưng mới chỉ là những nhỏ giọt hiếm hoi và chưa có một phương hướng ổn thỏa hay toàn diện nào cả từ phía chính quyền. Trong những tháng ngày qua, nhiều giáo phận như Huế, La Vang, Phan Thiết, Nha Trang, và Saigòn, v.v... có các vị chủ chăn đã lên tiếng mạnh mẽ đòi hỏi muốn xin chính quyền địa phương trao trả lại những phần đất mà chính quyền đã chiếm cứ và trưng dụng để Giáo hội có phươgn tiện thi hành sứ vụ của mình. Tất nhiên rồi đây các đoàn thể, các tổ chức, các cộng đồng giáo xứ, và toàn thể giáo dân sẽ nhất tề can đảm đứng lên một cách ôn hòa để để đòi lại công lý và tài sản đất đai của giáo xứ và giáo phận của mình, trong quyền hạn luật pháp ấn định, hầu thực thi một cách công bằng luật lệ của Nhà Nước ban hành. Công lý và hòa bình nhất định sẽ tòan thắng. Người công giáo Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới cùng nhau tay trong tay đòi công lý.

Trương Phú Thứ

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/hay-nam-tay-nhau-doi-lai-cong-ly/