Trích từ Dân Chúa

Hãy cam đảm hiệp thông bằng mọi hình thức

Xuân Cao

IM LẶNG là ĐỒNG LOÃ

"Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?" (Gioan 18, 23)

Từ tư dinh Thượng tế Cai-pha

1. Trên đây là câu phản đối của Đức Giê-su sau khi bị một tên trong nhóm thuộc hạ của vị thượng tế vả vào mặt Người mà nói: “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư ?”

Chúng ta đọc lại cả đoạn đối thoại để xem Đức Giê-su trả lời vị thượng tế ra sao, đến nỗi tên thuộc hạ phải vả vào mặt Người như thế:

"Vị thượng tế tra hỏi Đức Giê-su về các môn đệ và giáo huấn của Người. Đức Giê-su trả lời: "Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do-thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì." Đức Giê-su vừa dứt lời, thì một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Người mà nói: "Anh trả lời vị thượng tế như thế ư?" Đức Giê-su đáp: "Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?" (Gioan 18, 19-23)

2. Rõ ràng không có đối thoại, mà chỉ có “đối thọi”. Phía có quyền hành dùng bạo lực để đàn áp kẻ yếu thế. Và Đức Giê-su, dù không muốn dùng bạo lực để đáp trả bạo lực, nhưng Người đã không im tiếng. Người đã lên tiếng chất vấn:

- Nếu sai, thì sai chỗ nào, và phải chứng minh xem sai chỗ nào, chứ không phải vu khống, cáo gian, dựng chuyện, xuyên tạc…Nói chung phải dựa trên sự thật;

- “Còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” Không tùy tiện cậy vào thế lực, quyền lực, sức mạnh, làm theo ý mình, sở thích của mình, lợi ích riêng tư của mình để xâm phạm đến quyền lợi và phẩm giá của kẻ khác. Đây là vấn đề công lý-nhân quyền.

3. Đức Giê-su đã lên tiếng cho sự thật, cho công lý, cho nhân quyền. Người đã không im lặng trước bất công, tội lỗi. Lên tiếng không chỉ để bảo vệ mình, mà còn để thức tỉnh lương tâm tên thuộc hạ muốn kiếm điểm với cấp trên mà nhanh nhẩu dùng bạo lực với kẻ tay không vô tội, tạo cơ hội cho tên thuộc hạ biết sám hối, không tiếp tục việc làm sai trái của mình nữa.

Đức Giê-su đã nhiều lần lên tiếng khiển trách Biệt phái và Kinh sư/Luật sĩ:

"Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình…. Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.

Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. Hỡi người Pha-ri-sêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.

Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!

Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính…

Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia! Các người trốn đâu cho khỏi hình phạt hoả ngục?” (xem Mt 23:23-33; Mc 12,40; Lc 11, 39-51; 20, 47)

4. Có lần Đức Giê-su đã “lấy dây làm roi” mà xua đuổi chiên bò ra khỏi đền thờ; “còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.” (Gioan 2, 15; xem Mt 21,12-13; Mc 11, 15-17; Lc 19, 45-46)

Đến Núi Thờ Đồng Chiêm

5. Thánh giá Núi Thờ không bị vả vào mặt, nhưng bị triệt hạ tan tành, -bởi những kẻ có quyền lực mà không dám làm công khai ban ngày như tên thuộc hạ kiếm điểm thời xưa còn chút “xấu hổ không dám tái phạm, mà lén lút trong đêm tối như các con dán sợ ánh sáng-, bằng những phương tiện dữ dằn tưởng như họ đang hành quân ở biên giới Trung quốc-Việt Nam. Và hằng vạn kitô-hữu cũng đã lên tiếng, thay cho Đức Giê-su, chất vấn bằng những vành khăn tang, những ngọn nến, và những cuộc hành hương đầy gian nan thử thách: Nếu chúng tôi nói sai, các bạn chứng minh xem sai ở chỗ nào?

6. Thông tấn xã VN đã dối trá đưa tin sai sự thật. Thử nghe Đức Cha Sang nói:

"Ngày 15/01/2010 thông tấn xã Việt Nam đã đề cập tới vấn đề này, nội dung không phù hợp với thông cáo của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội. Thông tấn xã nói: “Chính quyền và nhân dân đã tháo gỡ Cây Thánh Giá đã trồng trái phép trên núi thờ …”, còn thông cáo của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội nói rằng: “ Thánh Giá bị đập phá…” Sự thực thế nào thì anh chị em giáo dân giáo xứ Đồng Chiêm, các quân nhân, công an tham dự vụ đó đều thấy rõ. Thánh Giá bị đặt mìn, bị đập bằng các búa tạ, các mảnh vỡ vung vãi khắp nơi như các ảnh chụp được, mà có người đã dùng danh từ thảm thiết hơn là “Thịt Chúa” như bài viết được đăng trên báo điện tử www.vietcatholic.org. Như thế là “tháo gỡ” hay “đập phá” thực tế rành rành không ai có thể chối cãi". (xem bài Phỏng vấn Đức Cha F.X Nguyễn Văn Sang về sự kiện đập phá Cây Thánh Giá ở Đồng Chiêm, VietCatholic News 16 Jan 2010 08:32)

7. Tên thuộc hạ nghe Đức Giê-su chất vấn đã không tiếp tục vả mặt Người nữa. Còn ngày nay, từ vụ Tòa Khâm sứ đến Thái Hà, rồi Loan Lý, Tam Tòa, Thủ Thiêm, Vĩnh Long, Bát Nhã…cũng đã có lên tiếng, nhưng chưa hiệu quả, khiến kẻ dữ càng ngày càng lấn sân, tiếp tục “vả mặt” từ nơi nầy đến nơi khác, từ nông dân, ngư dân, đến tín đồ các tôn giáo. Phải chăng là do tiếng nói đòi sự thật, đòi công lý, đòi nhân quyền chưa đủ mạnh do thiếu sự liên đới, đoàn kết với nhau. Đôi khi có vẻ gây chia rẽ do những cách ứng xử mập mờ, gửi những tín hiệu không rõ ràng về tội lỗi của kẻ dữ, khiến họ không sám hối, mà còn dám nghĩ mình là đúng! Và họ cứ mặc tình làm tới, hại cho Đất Nước và đồng bào. Vụ việc Thánh giá Đồng Chiêm bị đập tan tành không còn giống như các vụ trước đây đối với Công giáo. Đây là vụ leo thang về “chất.” Lúc trước quân dữ còn cho xe chở tượng Đức Mẹ tại Tòa Khâm sứ đi “cất” đâu đó, thậm chí còn muốn thương lượng để trả lại. Bây giờ, họ thẳng thừng đập phá không nương tay, và sau đó còn dùng nhiều thủ đoạn “ngăn sông cấm chợ” ngăn cản việc đi lại của đồng bào, của nhân dân. Cũng chỉ vì chúng ta chưa có tiếng nói mạnh của sự đoàn kết-liên đới-hiệp thông.

8. Đức Giê-su không dùng khí giới để tiêu diệt kẻ dữ, nhưng Người can đảm dùng lời nói và có khi cả hành động “dùng roi xua đuổi, đổ tung, lật nhào…” để tố cáo sự dữ, để nói lên sự bất bình của Người đối với những kẻ quá cứng lòng, để thức tỉnh lương tâm con người mong họ ăn năn sám hối mà quay lại hành xử cho ra con người. Còn chúng ta, làm thế nào để chúng ta có can đảm nói lên tiếng nói bất bình của chúng ta? Đây là một số đề nghị mà có người đã đưa ra đây đó trên mạng:

8.1. Càng có nhiều thông tin với hình ảnh càng tốt để chứng minh cho sự thật;

8.2. Thông tin và Chia sẻ rộng rãi cho mọi tầng lớp, kể cả người ngoài tôn giáo để mọi người thấy vấn đề và hiệp thông với nhau;

8.3. Khiêm tốn và can đảm hiệp thông bằng mọi hình thức khi có cơ hội:

Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
.

Núi Thờ có thể trở thành Núi Thánh Giá nếu mỗi người hành hương để lại đó một cây Thánh Giá nhỏ.

8.4. Tìm công lý đến cùng: “Tại sao lại đánh tôi?” Câu hỏi nhức nhối có thể thức tỉnh lương tâm nhiều người thiên chí. Vành khăn trắng có thể là một cách đặt câu hỏi đó.

8.5. “Hãy khôn ngoan như con rắn, và đơn sơ như con bồ câu:” Nhất quyết không dùng bạo lực để hại kẻ khác, nhưng khôn khéo tự bảo vệ, tự che chắn, đùm bọc, tương trợ, nhất là cầu nguyện (Thắp nến-hành hương, bí tích sám hối, Bí tích Thánh Thể.)

(Sàigòn ngày 17-01-2010)

Xuân Cao

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/hay-cam-dam-hiep-thong-bang-moi-hinh-thuc/