Trích từ Dân Chúa

Hà Nội mùa này vắng những ... Tin Vui

Lm Vĩnh Sang, DCCT

Nguồn: Ephata #349

Lần này tôi đến Hà Nội với những tâm tình khác lạ, dẫu rằng cái buốt lạnh bất ngờ vốn là khí trời mà tôi ưa thích, khác hẳn với cái nóng hần hập đầy bụi khói của phương Nam, Hà Nội co ro trong những cơn gió mạnh làm tăng thêm nỗi thương nỗi nhớ. Tôi vẫn thích Hà Nội giá rét là vậy, nhưng lần này thì nỗi thích không còn là tâm tình duy nhất, trong đó đang đan xen những nỗi buồn.

Tôi lẳng lặng đến, len lén vào Hà nội để cảm nhận nỗi cô đơn lạnh vắng, để như trân trọng những giây phút anh em Hà Nội đang đắm chìm trong kinh nguyện, trong cuộc bảo vệ Công Lý và Hòa Bình, cho dù tôi cũng thèm lắm một cuộc đón đưa, mà nếu cuộc đón đưa đó lại dừng ở một quán chả cá nào đấy của thủ đô thì thật tuyệt vời cho một người khách vừa lạ vừa quen của Hà Nội mùa cuối đông.

Thế nhưng tôi cũng đã rời Hà Nội và chẳng thể không mang theo bao nỗi nhớ.

Nỗi nhớ thương đầu tiên làm dao động lòng tôi đó là cuôc gặp gỡ T. Nghe tin tôi từ Sài-gòn ra Hà Nội, T. tìm cách điện thoại cho tôi, tôi được biết T. vừa sinh đứa con thứ hai được mười ngày. Trong cuộc điện đàm, T. muốn gặp tôi lắm nhưng vì vừa mới sinh nên không thể đến gặp được. Nhưng thật bất ngờ, chỉ vài phút sau cuộc nói chuyện, T. xuất hiện co ro trong những chiếc áo len to sù sụ..

Con nhớ ông ngoại quá, con phải đi gặp ông ngoại mới được”. Tôi trách T: “Sao con liều thế ?” nhưng lòng tôi như giãn ra khi nghe T. vắn tắt vài lời về cuộc đời của T: “Anh ấy thương con lắm, anh coi cháu P. như là con ruột của anh ấy”.

Nhớ lại những ngày T. ngỡ ngàng đến với ngôi nhà Giê-ra-đô, nét mặt hoảng hốt còn lưu lại trên gương mặt, bị người tình phụ với bào thai còn non bé, T. đã tưởng chừng không qua được thử thách này. Rồi những ngày sau đó, mỗi lần tôi ra Hà Nội là mỗi lần tôi chứng kiến đứa bé ngoặt ngoẹo trên tay T. Hai mẹ con cố gắng sống lây lất qua ngày.

Bây giờ chúng con có công ăn việc làm, gia đình chúng con no đủ, con muốn gởi ông ngoại một ít để ông ngoại về lo cho chị em”... “Con đang giúp hai em bị bỏ rơi, con nuôi trong nhà con, một em đã năm tháng và một em mới có thai ba tháng”... “Anh nhà con bằng lòng cho con làm việc này, anh ấy không phiền trách gì con”...

T. về rồi, tôi cứ bâng khuâng mãi, một ngôi nhà Tình Thương Giê-ra-đô khác đang hình thành ở Hà Nội. Tôi mang cả hình ảnh T. về lại Sài-gòn.

Tôi gặp những bà mẹ đã nằm lăn lóc trong đêm sương gió của Hà Nội, những bà mẹ mà ở Sài-gòn tôi chỉ được thấy trên hình ảnh, nhớ đêm 11 tháng 1, cả Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài-gòn đã vỗ tay vang dội khi hình những bà mẹ này được chiếu lên tấm màn trắng chăng ngang Cung Thánh.

Cha biết không, con đi khắp thế giới mà không tốn một xu nào” Các bà có ý nói ảnh chụp các bà nay đã được loan đi khắp nơi, những gương mặt rạng rỡ vui tươi. “Từ ngày ra nằm ngoài trời sương gió, chúng con đâm... khỏe ra, cha ạ !” Tôi xót xa khi nghe những lời chia sẻ này, tại sao các bà lại phải dấn mình trong nỗi khó khăn nhọc nhằn thế ?

Một bà xông lên trong những tiếng cười nắc nẻ: “Cha có thấy con không ? Họ túm con lôi lên xe đấy !” A, tôi nhớ đến tấm ảnh một người đàn bà mặc áo len màu đỏ bị hai anh Công An túm lấy lôi đi, “Con không sợ !”... “Thế cháu nghe nói có bà nào bị Công An chụp hình lại lôi máy hình ra chụp lại nhỉ ?” “Con ! con đấy !” Vừa nói bà vừa thò tay vào lật cánh áo ngoài lên, móc vào túi áo trong một chiếc điện thoại di động, bà giơ lên chụp tôi: “Con chụp được cha rồi nhá !” Thế là cả đám cười rân ran. “Gớm ! Cháu nó tập cho con chụp mỏi cả tay”.

Nỗi nhớ thứ hai tôi mang về Sài-gòn, nỗi nhớ những con người kiên trung với Hội Thánh, những con người không sợ gió sương.

Tôi gặp một tập thể cánh chị em đồng nát ( “đồng nát” là kiểu nói của miền Bắc, “chai bao” của miền Trung và “ve chai” của miền Nam ), họ đến Hà nội từ những đồng quê nghèo đói, họ đã gia nhập vào hàng ngũ những người cầu nguyện tại Hà Nội, họ đã bỏ những phiên chợ có thể kiếm được ít tiền lo cho gia đình, họ sẵn sàng hy sinh tất cả. Chỉ một chỗ ngủ qua đêm giờ này họ cũng bị những chủ nhà trọ dọa không cho mướn nếu không từ bỏ tham gia cầu nguyện. Tôi nói với cha Bề Trên: “Nếu họ bị áp bức như vậy, em đề nghị anh mở cửa Nhà Thờ cho họ nghỉ đêm”. Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên những gương mặt nghèo khổ, họ hạnh phúc bởi Hội Thánh chọn đứng về phía người nghèo, người bị áp bức. “Con nằm ở hiên Nhà Thờ cũng được, cha ạ !

Tôi về Sài-gòn mang theo những gương mặt đồng nát trong nỗi nhớ của tôi...

Ngỡ tưởng như thế là đã đầy nỗi nhớ, có ngờ đâu nỗi nhớ lại được đong thêm. Một buổi sáng lạnh rét tôi rời Hà Nội, trời còn sớm lắm, thành phố vẫn còn đang ngủ im, tôi lẳng lặng đi qua dãy phố, sương xuống ướt át phố phường, chợt tôi nhận ra trong đám người ngồi quanh một cái bàn, ánh lửa leo lét của chiếc đèn dầu nhỏ bé đặt ở giữa, có những gương mặt quen quen. “Thưa cha, bọn họ canh chúng con, chúng con canh lại bọn họ”, đám thanh niên quen biết đã thức cả đêm, chiếc bàn họ ngồi hút thuốc gần ngay chốt gác của Công An. Công Lý và Hòa Bình ở đâu sao họ phải vất vả tìm kiếm ?

Về lại Sài-gòn, có rất nhiều chuyện của Hà Nội để kể cho anh em nhưng sao chẳng có chuyện nào vui ! Hà Nội mùa này vắng những... tin vui !

Lm Vĩnh Sang, DCCT

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/ha-noi-mua-nay-vang-nhung-tin-vui/