Trích từ Dân Chúa
Gia Minh
WASHINGTON 03/01/2009 -- Trong một chương trình trước (Việt Nam: Lệnh giới nghiêm được ban hành tại phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La) chúng tôi gửi đến trình bày của ông Nguyễn Đình Thuận, chủ tịch phường Quyết Thắng, thị xã Sơn La về lệnh giới nghiêm ban hành tại khu vực tổ 4 vào đêm 24 tháng 12 vừa qua.
Theo ông Nguyễn Đình Thuận thì lệnh đó là hương ước của những người dân sinh sống trong phường qui định. Sự thật ra sao? Mời quí thính giả theo dõi tiếp trong phần sau.
Chúng tôi hỏi một người dân đang sinh sống ngay tại phường Quyết Thắng, thị xã Sơn La về hương ước mà ông chủ tịch Nguyễn Đình Thuận nêu ra, thì người dân đó cho biết:
“Tổ 4 cũng chẳng biết, hôm nọ họ lên loa thì bảo thế; nhưng dân chưa được họp.”
Một phụ nữ khác cũng ở thị xã Sơn La, ngay trong đêm 24 tháng 12 cho biết việc đi lại của con cái chị nhân ngày lễ của người theo Thiên Chúa giáo:
“Trẻ con, học sinh, thanh niên đi về khuya khuya bảo là bình thường chứ có gì đâu.”
Ông Hoàng Ngọc Biên, bí thư Đảng của Phường Quyết Thắng, tỏ ra không rõ mấy về lệnh giới nghiêm mà ông chủ tịch phường đưa ra:
“Ai dám ra lệnh. Người dân họ tổ chức trong gia đình từng gia đình thì bình thường mình đâu dám can thiệp vì đó là quyền tự do tín ngưỡng của họ. Thông tin về giới nghiêm thì tôi sẽ kiểm tra lại xem.”
Phù hợp luật pháp?
Về phương diện luật pháp tại Việt Nam thì việc đưa ra lệnh giới nghiêm như lời của ông chủ tịch phường Quyết Thắng, thị xã Sơn La có phù hợp hay không? Luật sư Phạm Liêm Chính, từ Hà Nội, đưa ra quan điểm đối với điều đó:
LS Phạm Liêm Chính: Chắc là không phải là lệnh giới nghiêm, mà do thông tin nào đó nói lại chưa chính xác. Chứ giới nghiêm là tình trạng khẩn cấp, mà khi đó phải do chính quyền trung ương ban bố. Tôi không tin là đi đến một địa điểm mà không cho người ta đến. Chỉ có vùng quân sự mới không được đến.
Gia Minh: Chúng tôi nói chuyện với chủ tịch phường và chủ tịch nói đó là hương ước của phường?
LS Phạm Liêm Chính: Tôi không tin là hương ước có giá trị vì pháp luật được thực thi trên toàn quốc. Nơi nào mà hạn chế đi lại thì chỉ có nhà nước, chính quyền đưa ra để phục vụ mục đích an ninh quốc phòng; hạn chế đi vào khu vực cấm, khu vực quân sự. Đó là bình thường ở mọi quốc gia. Còn ở các khu vực bình thường thì ai cũng được ra vào một cách tự do mà không phải xin phép ai cả.
Hương ước phải phù hợp luật pháp chung quốc gia; chỉ có chính quyền Trung ương mới có thể xác định vùng nào là hạn chế đi lại. Chứ một địa phương như làng, xóm và phường mà cấm đi vào thì tôi cho là không chuẩn , không đúng luật pháp Việt Nam.
Tại Việt Nam, câu “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” là khẩu hiệu được treo khắp nơi. Trong khi ấy hành vi của một người đang nằm trong hệ thống thực thi luật pháp như ông chủ tịch phường Quyết Thắng, thị xã Sơn La cho thấy hoàn toàn ngược lại câu khẩu hiệu đó.
URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/gioi-nghiem-tai-thi-xa-son-la-huong-uoc-cua-nguoi-dan/