Trích từ Dân Chúa

Giáo hội Việt Nam hay Tòa Thánh Vatican xin lỗi?

Lm Antôn Vũ Thanh Lịch

Công Đồng Vatican II được coi như một Lễ Hiện Xuống Mới. Vì đã thổi một luồng gió mạnh và mát mẻ trên Giáo Hội, quét đi những bụi bặm, già nua của thời gian, cả những khuyết điểm và thiếu sót. Trong mấy thập niên cuối cùng của thế kỷ trước, các ĐGH Phaolô VI, Gioan Phaolô II cũng đã có những thái cử và ngôn ngữ xin lỗi mọi người và các tôn giáo về những lỗi lầm trong quá khứ. Các Ngài gọi đó là thanh tẩy lương tâm.

Giáo Hội gồm những con người yếu đuối và giới hạn, bị ảnh hưởng và chi phối bởi những yếu tố rất phức tạp của lịch sử…Do đó Giáo Hội đã có những chọn lựa, quyết định, hành động không mấy phù hợp với Tin Mừng.

Giáo Hội Việt Nam có mặt trên dải đất chữ S hơn kém 500 năm. Bắt đầu thiết lập các Giáo phận đầu tiên “Đàng ngoài” và “Đàng trong” từ những năm đầu thế kỷ 17, nghĩa là đã 350 năm.

Giáo hội Việt Nam phát triển và trưởng thành từ đó, nên Tòa Thánh đã thiết lập hàng Giáo Phẩm (1960), để hàng Giáo phẩm Việt Nam trực tiếp lãnh đạo Giáo hội địa phương về đường hướng sống đạo, truyền đạo và hội nhập…

Năm nay (2009 – 2010), chúng ta tổ chức Năm Thánh để kỷ niệm hai biến cố quan trọng đó. Đồng thời để tạ ơn, cầu nguyện, nhìn lại và sám hối thanh tẩy quá khứ, đề ra phương hướng và nhiệm vụ cho tương lai.

Trong ngày lễ khai mạc Năm Thánh (24/11/2009) tại Sở Kiện, mọi người đều rất phấn khởi và xúc động khi thấy các ĐGM đã có một cái nhìn bao quát và khoan dung về tương lai, thích ứng với hiện tại: Các Ngài đã can đảm xin lỗi “các anh em lương dân không cùng một tôn giáo với mình, xin lỗi tất cả mọi người không phân biệt chính kiến, vị trí và tín ngưỡng tâm linh, mọi thành phần xã hội và tôn giáo vì chưa đủ hòa mình và đồng hành. Xin lỗi người nghèo, người hẩm hiu xấu số, người khuyết tật đau khổ, vì chưa đủ quan tâm”. Thẳng thắn nhìn nhận về “những thiếu sót của mình đối với dân tộc và quê hương, đất nước…cách riêng đối với Chúa và anh chị em của mình.”

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi Giáo hội Việt Nam nhân dịp khai mạc Năm Thánh (17/11/2009), cũng nhắn nhủ: “ Năm Thánh là một thời điểm chứa chan ân sủng, thuận lợi cho việc hòa giải với Thiên Chúa và anh em đồng loại. Trong ý tưởng đó, chúng ta (GHVN) nên nhìn nhận những sai lỗi chúng ta đã phạm trong quá khứ và hiện tại, đối với anh em đồng đạo và đồng bào, và xin mọi người tha thứ …”

Như vậy đã rõ: Giáo hội Việt Nam xin lỗi chứ không phải Tòa Thánh Vatican như đã viết trong bản tin của Thông tấn xã Việt Nam.

Theo TTXVN thì: “Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết trong cuộc gặp Đức Bênêđictô XVI, ghi nhân và hoan nghênh sứ điệp của ĐGH gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam, dịp khai mạc Năm Thánh 2010, trong đó Vatican nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ và hiện tại và xin tha thứ”. Chi tiết này cũng được Gérard O’Connell, Đặc phái viên của UCA News ở Rôma, trích lại để minh họa cho bài bình luận “Tình hữu nghị triển nở giữa Tòa Thánh và Viêt Nam” (CG&DT số 1739, tr. 29).

Một vị Giám mục cho biết, sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi Giáo hội Việt Nam đề ngày 17/11/2009, đến với HĐGMVN ngay trong đêm trước ngày khai mạc (24/11/2009). Trong sứ điệp này, chúng ta không gặp lời lẽ nào của Vatican nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ và hiện tại của mình. Cũng được biết chương trình chi tiết của lễ khai mạc Năm Thánh đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam soạn thảo trọn vẹn và rất kỹ lưỡng trong dịp Đại hội HĐGMVN tại Bà Rịa – Vũng Tàu trước khi đi Ad Limina.

Thiết nghĩ các mối quan hệ, hiệp thông chỉ có thể xây dựng trên sự tôn trọng sự thật và tương kính. Chủ thể xin lỗi, cũng như đối tượng tha thứ không hề “mất mát” gì. Trái lại còn tăng thêm nhân cách và tư cách. Có nhìn nhận sự thật và thành khẩn từ cõi lòng trung thực, sự xin lỗi mới được chấp nhận. Đối tượng tha thứ không có mặc cảm tự tôn hoặc thái độ kẻ cả, vì ý thức rằng: Con người bị điều kiện hóa bởi hoàn cảnh, bởi thiên hình vạn trạng những yếu tố phức tạp: thật-hư, đen-trắng, sáng-tối… kể cả những điều mọi người coi là thật mà thực chất không phải. Bản chất sự việc, con người, hiện tượng, nhiều khi không rõ rệt, không dễ dàng phân định… Và như vậy, đối tượng tha thứ cũng có thể mắc những sai lầm trầm trọng mà một ngày nào đó trong lịch sử, sẽ bị phát hiện và được phơi bày.

Thành ngữ La-tinh viết: “Errare est humanum” - con người thì sai lầm. Thánh Kinh cũng nói: “Quidquid latet, apparebit” (Lc 12,2; Mt 10,26)- Bất cứ điều gì dấu kín, một ngày nào đó sẽ tỏ hiện…Người Việt Nam thích nói theo lối văn tượng hình: “ Cây kim bọc kín, rồi sẽ có lúc lòi ra.”

Giáo hội chỉ khẳng định sự vô ngộ trong đức tin và luân lý, vì đức tin và luân lý quan hệ đến phần rỗi của con người. Kỳ dư đều có thể sai lầm…

(Giáo xứ Châu Sơn BMT)

Lm Antôn Vũ Thanh Lịch

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/giao-hoi-viet-nam-hay-toa-thanh-vatican-xin-loi/