Trích từ Dân Chúa

Em người đâu?

Lm Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, OFM

LTS: Để rộng đường dư luận, Dân Chúa đăng bài dưới đây của Linh Mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, OFM. Tuy nhiên, nội dung bài viết không nhất thiết phản ảnh quan điểm hay lập trường của Dân Chúa

Một cảm giác khó tả

Cuối cùng thì hôm nay 22-04-2010, Toà Thánh Vatican đã chính thức loan tin: đức cha Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, giám mục Đàlạt, đương kim Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã được Toà Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Phó Hà Nội với quyền kế vị. Chuyện thay thế Đức Tổng Giám Mục Giu-se Ngô Quang Kiệt chỉ là vấn đề thời gian. Bất cứ ai theo dõi tin tức trên mạng trong những tháng gần đây, đều đã được chuẩn bị để đón nhận thông tin này, nên nói là ngạc nhiên thì không đúng. Tuy vậy, bản thân tôi vẫn cảm thấy một cái gì vừa ngột ngạt vừa đăng đắng trong cổ họng. Tôi chợt nhớ đến hình ảnh chiếc xe tăng T54 cách đây 35 năm đã húc vào cổng Dinh Độc Lập Sài-gòn, và bỗng có cảm tưởng chiếc xe tăng đó hôm nay đang húc vào Cổng Toà Tổng Giám Mục Hà Nội. Xin ghi lại sau đây mấy suy nghĩ từ biến cố mới được Toà Thánh loan báo trên đây.

“Vì lý do sức khoẻ”

Nay thì đã rõ là Đức Tổng Kiệt đã nộp đơn lên Toà Thánh xin từ chức “vì lý do sức khoẻ”. Được biết: từ hơn một năm rồi, ngài bị mất ngủ triền miên. Từ đó dẫn đến suy nhược. Và khi thấy không còn có đủ sức khoẻ thể xác và tinh thần để chu toàn trách nhiệm, một trách nhiệm hết sức nặng nề, trong một tình huống muôn phần khó khăn, thì xin từ chức là việc làm hợp lý của người có ý thức trách nhiệm.

Thế nhưng không ai tìm hiểu vấn đề mà không đối mặt với câu hỏi: Đành rằng suy nhược là do mất ngủ, nhưng mất ngủ do đâu ? Khỏi cần nhắc lại những năm làm giám mục Lạng Sơn, trên một địa bàn mênh mông bát ngát, một giáo phận không Toà Giám Mục, không chủng viện, rong ruổi hết xứ đạo này tới xứ đạo khác, một mình vừa làm cha xứ, vừa làm giáo lý viên kiêm ca trưởng, kiêm luôn chức ông từ kéo chuông, con người đó không hề biết mệt. Vấn đề sức khoẻ cũng không được đặt ra khi ngài về nhận chức Tổng Giám Mục Hà Nội năm 2005. Ngay trong giai đoạn nổ ra vụ Toà Khâm Sứ, Thái Hà, ta dễ đoán tình trạng căng thẳng ngài phải gánh chịu, thế nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy sức khoẻ của ngài có vấn đề. Qua đoạn băng vidéo ghi lại cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Toà Tổng Giám Mục Hà Nội với lãnh đạo Thành phố tại trụ sở UBND/HN ngày 21-09-2008 ta thấy một Đức Tổng Kiệt trẻ trung, lanh lợi, đầy sức sống, ăn nói hoạt bát, phong thái tự tin. Tại đây ngài đã có lời tuyên bố chắc nịch: “Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là ân huệ xin – cho”. Trong một xã hội bình thường thì khẳng định trên đây chẳng có gì là độc đáo đáng cho ta để ý. Nhưng trong chế độ độc tài toàn trị, thì lời tuyên bố này có thể ví như một quả bom. Đó chính là lý do khiến chính quyền cộng sản Hà Nội lồng lộn lên, và từ đó tìm đủ mọi cách để triệt hạ người đã to gan dám đụng tới quyền lực họ đang nắm trong tay.

Đẩy ra khỏi địa bàn Hà Nội

Tiếp theo sau lời tuyên bố của Đức Tổng Kiệt là cả một chiến dịch nhằm triệt hạ uy tín của ngài qua các phương tiện thông tin tuyên truyền của Hà Nội, mà cao điểm hẳn là những gì đã diễn ra tại Đền Thánh Giê-ra-đô Thái Hà đêm 21-09-2008: Một đám người điên loạn, nay được gọi cách trân trọng là “quần chúng tự phát”, tay đập phá tường rào, miệng gào thét “Giết Tổng Giám Mục Kiệt !” Tiếp đến là một việc làm văn minh hơn, đó là văn thư ông Chủ Tịch UBND/Tp. Hà Nội gửi Đức Cha Chủ Tịch HĐGM/VN tố cáo Đức Tổng Kiệt gây xáo trộn xã hội, và đề nghị thuyên chuyển ngài khỏi địa bàn Tp. Hà Nội (xem phụ lục 1). Và ngay sau đó, Đức Cha Chủ tịch HĐGM/VN đã có văn thư trả lời (xem phụ lục 2). Điều đáng ngạc nhiên chính là văn thư trả lời của HĐGM/VN.

Cùng phản bác cơ chế xin – cho

Ở đây tôi chỉ nói đến một điểm mà hình như cho đến giờ này ít ai (hay chưa có người) bàn tới, đó là điểm tương đồng giữa lời tuyên bố của Đức Tổng Kiệt với Thư Ngỏ HĐGM/VN gửi Quốc hội và các cơ quan lập pháp tiếp theo sau đại hội các giám mục năm 2002, mà nội dung căn bản là phản bác cơ chế xin – cho (xem phụ lục 3). Đọc lá Thư ngỏ này, ta có cảm tưởng như đang chứng kiến cảnh một thiên thạch rớt xuống địa cầu. Là vì trong một chế độ độc tài mà lại phản bác cơ chế xin – cho thì có khác gì nói lời tuyên chiến ! Và ngay tại Sài-gòn thì Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã trân trọng gửi văn kiện đó cho ông Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Tp. HCM sau khi đã gửi cho Đại hội những người Công Giáo Việt Nam Nam xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc lần IV. Thế thì khi phản bác cơ chế xin – cho tại trụ sở UBND Tp Hà Nội, Đức Tổng Kiệt không làm gì khác hơn là lặp lại lập trường của HĐGM/VN qua Thư ngỏ 2002 vừa nói. Chính vì vậy mà trong văn thư trả lời Chủ tịch UBND Tp. HN, lẽ ra HĐGM/VN phải minh định là khi phản bác cơ chế xin – cho, Đức Tổng Kiệt đã phản ánh hoàn toàn đúng lập trường của HĐGM/VN, và do đó HĐGM/VN mạnh mẽ ủng hộ lời tuyên bố của Đức Tổng Kiệt. Thế nhưng việc này đã không xảy ra.

Thư ngỏ 2002 có còn giá trị ?

Nay nhắc lại việc này, thiết tưởng HĐGM/VN cần soi sáng cho công luận biết: HĐGM/VN có còn giữ nguyên lập trường phản bác cơ chế xin – cho đã được minh định trong Thư ngỏ 2002 không ? Nếu có, tại sao không công khai hỗ trợ Đức Tổng Kiệt ? Nếu không, có phải vì đó là một lập trường sai lầm, và sai lầm ở những điểm nào ? Bao lâu công luận chưa được soi sáng, thì những chuyện ngờ vực hay hiểu lầm là không tránh khỏi.

Lẻ loi đơn độc

Trở lại với văn thư Đức Cha Chủ Tịch HĐGM/VN trả lời Chủ tịch UBND/Tp. Hà Nội kèm theo bản “Quan điểm”, ta dễ dàng nhận ra vị trí của Đức Tổng Kiệt trong HĐGM/VN. Trước những lời kết án của Chủ tịch UBND/Tp Hà Nội thì HĐGM/VN khẳng định: Đức Tổng Kiệt đã không làm gì trái giáo luật. Và trong khi Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, qua vụ Toà Khâm Sứ - Thái Hà, tranh đấu cho công lý hoà bình, thì văn thư của HĐGM/VN xem đó chỉ là chuyện đòi đất. Văn thư đó như lằn ranh phân chia một bên là Đức Tổng Giám Mục Hà Nội và bên kia là các vị khác trong HĐGM/VN. Đọc văn thư đó, ta thấy được Đức Tổng Kiệt lẻ loi đơn độc như thế nào ngay trong hàng ngũ anh em giám mục của mình. Và theo tôi, đây mới là nguyên nhân của căn bệnh mất ngủ triền miên dẫn đến suy nhược. Cuối cùng Đức Cha Kiệt đã đệ đơn xin từ chức Tổng Giám Mục Hà Nội, và nay đã có Tổng Giám Mục Phó với quyền kế vị; theo nhiều nguồn tin khá thông thạo, thì việc chuyển ngôi sẽ không còn xa.

Trước việc chuyển ngôi tại Toà Tổng Giám Mục Hà Nội, hẳn không có ai hả hê đắc chí bằng chính quyền cộng sản Hà Nội. Nhân dịp mừng Ngàn năm Thăng Long, thiết tưởng đây là món quà quý giá nhất từ phía Giáo Hội Công Giáo. Tôi chợt nghĩ đến tiệc mừng sinh nhật của Hê-rô-đê mà món quà không phải gì khác hơn là cái đầu của Gio-an Tẩy Giả (Mc 6,27).

Những người thừa kế các Tông Đồ

Lúc này đang là Mùa Phục Sinh. Sách Công vụ Tông Đồ đọc mỗi ngày trong Thánh Lễ cho chúng ta thấy các Tông Đồ sau biến cố Phục Sinh, sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, đã thay đổi như thế nào. Trong cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, một người đã chối Chúa (mà lại là thủ lãnh !), số còn lại thì bỏ Chúa, và với cái chết nhục nhằn thê thảm trên thập giá, cuộc đời Đức Giê-su đã kết thúc trong thất bại ê chề. Nhưng biến cố Phục Sinh đã thay đổi tất cả. Những con người hèn nhát, nay không còn sợ hãi, những con người vốn không chữ nghĩa, xuất thân từ giới bình dân, nay công khai tranh luận với các kinh sư chữ nghĩa cùng mình. Khi đối mặt với nhà cầm quyền, các ông đã khẳng khái tuyên bố: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Nay trước bao nhiêu vấn đề xã hội: bất công, tham nhũng, phá thai, buôn người, nhường đất nhường biển cho ngoại bang, tất cả gói gọn trong một thứ tội tổ tông là độc tài đảng trị, thì sự thinh lặng cũng như thái độ ngoan ngoãn của các giám mục Việt Nam đối với nhà cầm quyền, không theo khuôn vàng thước ngọc của các Tông Đồ ngày xưa: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”. Và cũng từ đây ta hiểu được tại sao cộng đoàn tín hữu Công Giáo Hà Nội, linh mục, tu sĩ cũng như giáo dân, đã hết lòng trìu mến, thiết tha gắn bó với vị mục tử quyết tình noi gương Chúa Giê-su, vị mục tử sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đoàn chiên: Đức Cha Giu-se Ngô Quang Kiệt.

Kết luận

Em ngươi đâu ?

Bổ nhiệm giám mục là quyền tuyệt đối của Đức Giáo Hoàng. Nguyên tắc là như vậy. Thế nhưng trong một nước cộng sản như Việt Nam, thì mọi chuyện không đơn giản như thế. Ai cũng biết lập trường của chính quyền Hà Nội là bằng mọi giá phải thuyên chuyển Đức Tổng Kiệt khỏi địa bàn Hà Nội. Nay việc đó đang diễn ra. Chính quyền cộng sản đã dùng những biện pháp nào, qua những trung gian nào để tác động lên Toà Thánh Vatican và các giám mục thì không ai biết. Trong tư cách là tín hữu Chúa Ki-tô trên đất nước Việt Nam hôm nay, ta chỉ có thể cầu xin cho người sẽ thay thế Đức Tổng Kiệt, được bình an thanh thản vì chỉ vâng lời Đức Thánh Cha để chu toàn một trách nhiệm muôn phần khó khăn nặng nề, và đã không làm bất cứ điều gì để phải đối mặt với câu hỏi xưa Chúa đã hỏi Ca-in: “Em ngươi đâu ?” (St 4,9)

Sài-gòn, ngày 22 tháng 04 năm 2010
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, ofm

Phụ lục 1: Thư của Nguyễn Thế Thảo gởi HĐGMVN. VietCatholic News (Thứ Sáu 26/09/2008 06:38)

Phụ lục 2: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Phụ lục 3:

THƯ NGỎ CỦA CÁC GIÁM MỤC VIỆT NAM
Kính gửi Quý vị lãnh đạo các cơ quan lập pháp của Nhà nước Việt Nam: Quốc hội và các Hội đồng Nhân dân

“Phục vụ con người là mục đích tối cao” của mọi tổ chức và cơ chế xã hội (xem Nghị quyết Đại hội Đảng lần VI), vì lẽ con người là mục đích, là cứu cánh, là trọng tâm của mọi hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội. Từ chân lý căn bản này về con người với nhân phẩm và nhân quyền của họ, nảy sinh những nhu cầu, những đòi hỏi bức thiết phải đáp ứng để xây dựng và phát triển một xã hội nhân bản, một xã hội không làm què quặt và hủy hoại con người. Những đòi hỏi bức thiết đó là:

I- Xóa giảm những khuyết tật hiện hữu của xã hội;

II- Phát huy những giá trị nhân bản làm cho con người ngày càng trở nên người hơn, sống xứng với phẩm giá của mình hơn.

I. XÓA GIẢM NHỮNG KHUYẾT TẬT HIỆN HỮU CỦA XÃ HỘI

1. Khuyết tật thứ nhất là hiện tượng tha hóa con người.

Sự tha hóa con người xuất hiện và lớn dần trong xã hội hiện nay:

- khi chủ nghĩa tiêu thụ đưa đẩy con người vào trong một mạng lưới những thỏa mãn hời hợt, giả dối;

- khi lao động được tổ chức nhằm bảo đảm tối đa cho lợi nhuận mà không lưu tâm cải thiện đời sống và thăng tiến phẩm giá người lao động;

- khi diễn ra sự đảo ngược giữa phương tiện và mục đích: con người vốn là mục đích của sự phát triển thì lại bị biến thành đơn thuần là phương tiện sản xuất;

- khi tự do được coi như là quyền được làm bất cứ điều gì mình thích, bất cứ điều gì mà cảm tính của mình cho là có lợi trước mắt cho bản thân, cho phe phái, đang khi tự do đích thực là quyền làm những gì mà lương tâm thấy được phép làm vì công ích, vì lợi ích của thế hệ hiện tại và mai sau. Thực tế cuộc sống hiện tại cho thấy: khi tách lìa chân lý về con người với nhân phẩm và nhân quyền của họ, tự do trở thành sự tùy tiện hoặc ngẫu hứng của những kẻ có quyền thế.

2. Khuyết tật thứ hai là cơ chế bất công và tha hóa con người.

Cơ chế xin-cho là một điển hình. Cơ chế xin-cho là một cơ chế bất công và tha hóa con người vì những lý do sau đây:

- Cơ chế xin-cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền mà Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân dưới dạng những cái phép, đồng thời biến Nhà Nước từ một tổ chức có chức năng phục vụ công ích trở thành một chủ nhân ông nắm các quyền tự do của người dân và ban phát các phép tự do lại cho họ thường theo sự tùy tiện chủ quan hơn là theo những tiêu chuẩn khách quan. Như thế cơ chế xin-cho vừa đi ngược lại công ích và xóa đi các quyền tự do của người dân, vừa bôi đen hình ảnh của một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân. Đó là điều làm tha hóa con người.

- Theo thông tin của báo chí, cơ chế xin-cho còn là nguyên nhân làm thất thoát 50% các nguồn thu vào công quỹ, và làm thất thoát 50% phần còn lại khi phải chi ra cho công ích. Điều này có nghĩa là 5% hoặc 7% dân số là những người có thế lực và quyền lực thì hưởng 75% từ công quỹ quốc gia (trong con số 75%, có 50.000 tỷ đồng/năm của riêng ngành xây dựng), phần còn lại của dân số là hơn 70 triệu dân chỉ hưởng được 25%. Thực tế này tạo ra một tình trạng bất công trầm trọng trong xã hội và không ngừng làm gia tăng hố sâu cách biệt giàu nghèo trong lòng một dân tộc. Chính vì thế mà tham nhũng một cách có hệ thống quy mô trong xã hội ngày nay không những là một quốc nạn, song còn là một tội ác đối với đất nước và dân tộc.

II. PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ NHÂN BẢN LÀM CHO CON NGƯỜI NGÀY CÀNG TRỞ NÊN NGƯỜI HƠN,

SỐNG XỨNG VỚI PHẨM GIÁ CỦA MÌNH HƠN

1. Phát huy phẩm giá con người. Điều này đòi hỏi trong các quan hệ xã hội phải quan tâm tôn trọng con người như là trọng tâm của mọi hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội, nghĩa là các sinh hoạt văn hóa, kinh tế, xã hội phải hướng đến sự phát triển và thăng tiến con người toàn diện cả mọi mặt vật chất, tinh thần và tâm linh. Khi một trong ba mặt thiếu phát triển, con người trở nên hụt hẫng, què quặt, dị tật.

2. Phát triển xã hội và thăng tiến con người trên nền tảng chân lý. Một xã hội được coi là có trật tự và phù hợp với nhân phẩm khi đặt nền tảng trên chân lý. Chân lý căn bản trong quan hệ giữa người với người là mọi người đều bình đẳng về nhân phẩm. Chân lý này đòi hỏi phải gạt bỏ mọi kỳ thị và phân biệt đối xử, phải xóa đi những hình thức chuyên chế, phải loại trừ mọi gian dối xảo trá ngày nay đang tràn lan trong mọi lãnh vực của cuộc sống con người và xã hội.

3. Phát huy tình liên đới trong mọi sinh hoạt gia đình và xã hội. Tình liên đới chỉ được xây dựng và phát huy vững bền trên nền tảng tôn trọng con người, tôn trọng các quyền của họ, tôn trọng sự tự lập chính đáng và quyền tự quyết của con người, tôn trọng các giá trị đạo đức trong truyền thống văn hóa. Tình liên đới đòi hỏi phải nhìn xa hơn bản thân của tổ chức, của phe phái để phục vụ cho sự phát triển của xã hội, cho sự thăng tiến của con người và gia đình.

4. Phát huy tính phụ đới. Tình liên đới trong sự tôn trọng các quyền tự do của con người đòi hỏi tổ chức xã hội phải mang tính phụ đới. Tính phụ đới là một đặc tính của tổ chức xã hội trong đó một tập thể cấp cao không can thiệp vào nội bộ của một tập thể cấp thấp, không làm mất thẩm quyền và tính tự lập của nó, song tạo điều kiện giúp nó phối hợp hoạt động của mình với những hoạt động của tập thể khác nhằm mưu cầu công ích. Do đó, con đường phát huy tính phụ đới đòi hỏi:

Chính quyền tạo điều kiện cho các cá nhân và tập thể công dân sử dụng các quyền của con người. Trong các quyền đó, phải kể đến quyền bình đẳng, quyền và bổn phận chu cấp cho các nhu cầu vật chất, tinh thần và tâm linh của cuộc sống con người, gia đình và tập thể, quyền sáng kiến và tham gia các hoạt động phát triển xã hội, thăng tiến con người và gia đình, cả việc củng cố nền tảng pháp lý của cộng đoàn chính trị trong một quốc gia.

Dành cho mình độc quyền hay một quyền hành quá lớn trong các lĩnh vực của đời sống gia đình và xã hội, đó là con đường dẫn đến chuyên chế và độc tài, quan liêu và bao cấp, áp bức và bất công, là những tệ nạn làm tha hóa con người.

Tính phụ đới theo nghĩa trên là nền tảng để xây dựng một xã hội dân chủ, một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân. Thiếu nền tảng này, Nhà Nước với chức năng phục vụ công ích trở thành một cỗ máy thống trị độc tài, và nhân dân từ địa vị làm chủ đất nước trở thành phương thế phục vụ cho cỗ máy đó. Đó là điều làm tha hóa con người và phân hóa xã hội.

5. Phát huy ý thức và thiện chí phục vụ công ích. Trước hết công ích đòi hỏi phải tôn trọng con người, tôn trọng nhân phẩm và các quyền tự do của họ. Do đó, chức năng phục vụ cho công ích đòi buộc chính quyền:

(1) tạo điều kiện bảo đảm cho mọi công dân hưởng những nhu yếu sao cho xứng hợp với phẩm giá con người;

(2) xóa bỏ những luật lệ bất công và những biện pháp trái với luân thường đạo lý trong truyền thống văn hóa của dân tộc, vì lẽ đây là những cơ chế và biện pháp làm tha hóa con người. Cơ chế xin-cho là một điển hình về luật lệ bất công. Phá thai hằng năm hơn cả triệu trường hợp là một điển hình về biện pháp trái với luân thường đạo lý mà những hậu quả đã và đang diễn ra không biết đưa tương lai dân tộc đi về đâu.

Kính thưa Quý Vị,

Là những người yêu mến quê hương, ai trong chúng ta cũng mong muốn xây dựng Việt Nam thành một đất nước giàu đẹp, văn minh, giàu tính nhân bản. Chính trong tinh thần đó, chúng tôi xin gửi đến Quý Vị thư ngỏ này.

Kính chúc Quý Vị luôn an lành, mạnh khoẻ và thành đạt.

Trân trọng kính chào.
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Lm Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, OFM

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/em-nguoi-dau/