Trích từ Dân Chúa

Dù đứng thẳng hay quỳ xuống, “Xin” đều có giá trị như nhau

Song Hà

Trong xã hội chưa có “luật hành khất” nào được thông qua.

Vì vậy, trong cuộc sống xã hội, bất cứ sự xin xỏ nào đều hoàn toàn là phụ thuộc vào lòng hảo tâm của người được xin, muốn cho hay không và cho bao nhiêu, bao giờ cho là quyền của họ. Vì vậy không bao giờ có luật là “tôi đã xin thì anh phải cho”.

LogoDCDanang.jpg
DCDanang.jpg
100130condau4.jpg

Đọc thông cáo của TGM Đà Nẵng của Đức GM Châu Ngọc Tri về những vấn đề liên quan đến Cồn Dầu tôi thấy khá ngỡ ngàng và cảm thấy khó tin rằng đây là quan điểm của một vị giám mục.

Bài viết có đăng hình của Giám mục và khẩu hiệu Giám mục là “Trời mới, đất mới”. Đọc nội dung, tôi thấy gần như nội dung và cách nói của của những tờ báo mới đây, nghĩa là nói “như sách”, trong đó cũng là cần tôn trọng quyền lợi dân nghèo, là báo cáo thành tích của chính quyền về giải tỏa được bao nhiêu hộ dân, đã kiên trì và thuyết phục như thế nào (để cướp đất của dân), là cần phải thế nọ, cần phải thế kia để đảm bảo đoàn kết lương - giáo, thực hiện nghĩa vụ công dân... thôi thì đủ cả.

Nhưng thực tế ở đất nước chúng ta, chuyện nói và làm đi ngược nhau đã là lẽ thường.

Vì sao lại có điều lạ lùng này? đọc kỹ nội dung thông cáo mới biết được tại vì “Khó khăn rắc rối lại tập trung vào Giáo hội, nhất là Giáo hội địa phương, nơi sự vụ diễn ra”. Như vậy điều chính yếu là vì sự việc ở Cồn Dầu đã làm cho Giáo hội địa phương phải “rắc rối”, và chính vì ngại cái “rắc rối” đó liên quan đến mình nên mới có bản thông cáo này.

Nếu những việc ở nơi khác, hoặc ngay Cồn Dầu, nhưng không làm “rắc rối” đến giáo hội địa phương,chắc hẳn không bao giờ có bản thông cáo của TGM Đà Nẵng như thế.

Bản thông cáo minh định rõ: Giáo dân Cồn Dầu chỉ có ¼ số dân ở khu vực bị giải tỏa và mặt khác, Thánh đường và Giáo xứ không thuộc diện quy hoạch, do vậy việc giải tỏa này không liên quan đến tôn giáo? Giáo dân có kêu thì chỉ nên kêu về quyền lợi dân sự, không được cùng nhau kêu về vấn đề ảnh hưởng tôn giáo để làm rắc rối đến “giáo hội địa phương”?

Chắc TGM Đà Nẵng xác định rằng với số giáo dân này, có di chuyển đi đâu thì là việc của họ, Thánh đường và nhà xứ vẫn còn, có nghĩa là Giáo hội không bị ảnh hưởng. Kể cả sau này khu vực biến thành khu ăn chơi nhảy múa, khu du lịch... mà không có giáo dân ở đó nữa, thì Thánh đường và nhà xứ sẽ được dùng để làm cảnh bên cạnh khu ăn chơi cho vui, biết đâu thỉnh thoảng TGM còn có dịp qua đó thưởng lãm khu vực này. Và cũng biết đâu nhà nước lại tặng thưởng huy chương cho TGM vì Thánh đường đứng đó như biểu tượng của Việt Nam quá thừa thãi tự do tôn giáo vì có cả những nhà thờ không ai sử dụng đến.

Bản thông cáo cũng cho biết “một người hay một nhóm người không thể nhân danh giáo hội địa phương”... Nhưng một tập thể giáo dân đông đúc, chiếm đa số đã đồng lòng ký đơn và kêu cứu, thì nó là gì nếu giáo hội địa phương không có họ?

Điều vui nhất trong bản thông cáo của TGM Đà Nẵng là nói lên “thành tích đối thoại” của TGM Đà Nẵng về vụ trường tư thục đến nay đã được “đề xuất về Trung ương xin ý kiến của Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, với câu kết rất tích cực: “Rất mong Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm giải quyết”. Và theo thông tin không chính thức, đề nghị này của Thành phố cùng với đề án mở trường tư thục của Giáo phận Đà Nẵng đã được đặt lên bàn làm việc của Thủ tướng Chính phủ”.

Như vậy, TGM Đà Nẵng đã vì một ngôi trường tư thục đang được “đặt lên bàn Thủ tướng” mà đã phải hi sinh những thứ khác, như cả tập thể giáo dân Cồn Dầu đang có nguy cơ xóa sổ Giáo xứ, ly tán mất nhà cửa, xa nhà thờ, mất ruộng đất, mất nguồn sinh sống... chỉ vì một hi vọng mờ ảo nào đó trước mắt?

Đoạn “chúng tôi cũng được thông báo bằng một văn bản chính thức, mang chữ ký của vị Chủ tịch, đại diện cao nhất của chính quyền một thành phố trực thuộc trung ương như Đà Nẵng, với ấn triện và quốc huy, sao lại có thể biến thành một “trò lừa bịp” công khai trước thiện chí của một tổ chức công dân tôn giáo” làm cho người ta nhìn thấy sự “ngây thơ” của bản thông cáo này

Nếu TGM Đà Nẵng còn chưa có kinh nghiệm, để mà hi vọng lên “cái bàn Thủ tướng”“tin rằng thiện chí sẽ được đền đáp” thì xin nhớ rằng kể cả khi Thủ tướng đã đích thân đến tận Tòa TGM Hà Nội xem xét, hứa hẹn về Tòa Khâm sứ, thì sau đó vẫn là chó, là cảnh sát đến bao vây và... cướp.

100204xin1.jpg

Hoặc chẳng cần đi đâu xa, mời Đức GM Châu Ngọc Tri lên Đà Lạt, vừa nghỉ mát vừa học hỏi kinh nghiệm của Đức GM Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN. Sau những màn chào đón tươi cười Thủ tướng VN bằng hoa tươi, bằng đón tiếp nồng nhiệt để "đối thoại và hi vọng" thì ngay sau đó, Giáo Hoàng học viện được chiếm đoạt phá bỏ để... làm công viên.

100204xin2.jpg

Đó thật sự là một cái tát vào những ai đang hoặc ngây thơ thừa thãi lòng tin, hoặc để che giấu sự sợ hãi, không dám đối mặt sự dữ, với ma quỷ bằng chiêu bài "đối thoại và hi vọng" với những người cộng sản.

Cái ấn triện Quốc huy mà TGM Đà Nẵng quá tin vào sự linh thiêng của nó đến thế, thì hãy xem các văn bản trắng trợn... cướp không đất đai của Tòa Khâm sứ, Tam Tòa, Thái Hà, đập nát Thánh giá Đồng Chiêm, Loan Lý, Giáo hoàng Học viện... vẫn đóng dấu Quốc huy đỏ chót đấy cả thôi, chẳng có văn bản nào đóng con dấu Mafia cả.

Trong bản thông cáo của Tòa Giám mục Đà Nẵng có một câu mà đọc lên thấy khá hài, đó là “chúng tôi đã thẳng thắn nói với các vị hữu trách dân sự rằng: “Với chính sách xã hội hoá giáo dục, đúng ra là Nhà nước phải xin nhân dân cùng làm. Nhưng ở đây, theo đúng qui định, chúng tôi phải làm thủ tục để xin Nhà nước cho phép làm. Nhưng quí vị nên biết, chúng tôi chỉ đứng thẳng mà xin, chứ không bao giờ quỳ gối”.

100204xin3.jpg

Trong xã hội chưa có “luật hành khất” nào được thông qua.

Vì vậy, trong cuộc sống xã hội, bất cứ sự xin xỏ nào đều hoàn toàn là phụ thuộc vào lòng hảo tâm của người được xin, muốn cho hay không và cho bao nhiêu, bao giờ cho là quyền của họ. Vì vậy không bao giờ có luật là “tôi đã xin thì anh phải cho”.

Ở Việt Nam, chỉ có duy nhất một thứ ngôn ngữ được sử dụng chỉ từ phía nhà nước, đó là "mượn" nhưng không trả, đó là "thương lượng" nhưng không đồng ý không xong, sẽ có ngay cảnh sát, vũ lực. Đó là người dân phải "tự nguyện" dưới họng súng. Giáo dân Cồn dầu đang đứng vào tình trạng như vậy.

Muốn "xin" mà "buộc phải cho" thì hãy làm nhà nước cộng sản. Thực chất, đó là những cuộc "xin đểu" mà bọn mafia thường làm.

Đúng với ngôn ngữ Việt Nam thường dùng, nếu những thứ không phải của mình, thì phải “mua” mới là công bằng. Còn đối với những thứ của mình bị chiếm đoạt, thì phải “đòi”.

Vâng, vẫn biết rằng đứng thẳng mà xin thì đỡ mỏi hơn quỳ gối, nên có thể đứng lâu hơn. Nhưng về tư thế khi đã “xin” dù đứng thẳng, đứng nghiêng, quỳ gối hay nằm xuống đều có ý nghĩa như nhau. Và cũng xin nhớ rằng "miếng thịt không mất tiền chỉ có trong bẫy chuột".

Một chế độ đã đi đến cướp từng tấc đất của dân, kể cả đập phá mồ mả liệt sĩ để cướp đất, thì đừng mong có sự hảo tâm nào đó cho ai, nhất là những tổ chức "thuốc phiện của nhân dân" như của người công giáo.

Trời mới đất mới – xã hội mới dân làm chủ và pháp quyền thì không thể chấp nhận chế độ xin – cho.

Đọc bản Thông cáo của TGM Đà Nẵng, người ta cứ tưởng đây là văn bản của Ban Tôn giáo Chính phủ? Có sự nhầm lẫn nào chăng?

Ngày 4/2/2010

Song Hà

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/du-dung-thang-hay-quy-xuong-xin-deu-co-gia-tri-nhu-nhau/