Trích từ Dân Chúa

Đồng hành với giáo sư Thợ Gặt

Trương Phú Thứ

VietCatholic News (Thứ Tư 23/01/2008 13:01)

Môt lần nữa độc giả lại được đọc một bài viết rất sâu sắc của giáo sư tiến sĩ Thợ Gặt. Bài viết đã không những nói lên được những nét chính yếu của hệ thống cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam mà còn tiết lộ những chuyện bên lề được đồn thổi mà chẳng biết hư thực ra sao. Giáo sư tiến sĩ Thợ Gặt có thể không phải là người trong bộ máy cầm quyền nhưng với học vị và chức danh của một người sống giữa lòng Hà Nội quen biết giao thiệp rộng rãi nên những nhận xét của ông rất được trân trọng. Nhân dịp Tết Mậu Tý, tôi xin kính chúc giáo sư và gia quyến một năm mới luôn mạnh khỏe và mọi sự an lành may mắn.

1- Trên bảo dưới không nghe.

Một cách tổng quát thì hệ thống cầm quyền qua hình thức tổ chức hành chánh ở Việt Nam hiện nay có mức độ phân quyền rất rộng rãi. Giáo sư Thợ Gặt cho biết là chưa bao giờ Thủ Tướng có thể cách chức một chủ tịch tỉnh. Mỗi địa phương và ngay cả mỗi cơ quan bộ phận đều có những luật lệ và phương cách hành xử luật lệ riêng. Những luật lệ và phương cách đó tuy không hòan tòan đi ngược lại với hiến pháp nhưng lại được coi là thích hợp với địa phương và mang lại lợi ích cho cơ quan. Từ quan niệm này, các tổ chức hành chánh địa phương và nhất là những cơ quan có ngân sách tự trị nẩy sinh ra những ông to bà lớn tự do tác oai tác quái mà chánh quyền trung ương không thể nào có một hình thức chế tài. Cũng có thể bất kỳ một hình thức kỷ luật nào cũng đưa đến tình trạng “đứt giây động rừng”. Một trường hợp mà ai cũng biết là cựu Tổng Giám Đốc Bùi Tiến Dũng cá độ bóng đá thua đến hơn một triệu Mỹ kim. Dư luận và báo chí làm ồn ào thì Nhà Nước cũng chỉ bắt ông này và đưa ra tòa về tội cờ bạc mà thôi. Vấn đề chính là món tiền kếch xù do tham nhũng hối lộ và đục khóet công qũy thì lại không được xét xử đến vì sẽ đụng chạm đến rất nhiều ông to bà lớn.

Mọi người thở phào nhẹ nhõm khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm tòa Tổng Giám mục và thị sát cũng như chứng kiến hình ảnh giáo dân đòi lại tài sản của giáo phận. Ai cũng tin tưởng rằng sự việc sẽ được giải quyết trong vòng vài ba ngày với sự chỉ đạo của nhân vật đứng đầu ngành hành pháp cả nước. Nhưng hơn ba tuần lễ trôi qua, giáo dân Hà Nội vẫn phải đứng ngòai vòng rào của tài sản địa phận mà cầu nguyện. Tất nhiên có những bế tắc mà những người có nhiệm vụ giải quyết đang tìm cách gỡ rối vì sự chống đối và ương ngạnh của các quan chức địa phương. Hoặc là mảnh đất này đã được chia chác cho nhiều đơn vị và tổ chức, bây giờ muốn xé bỏ những cam kết với những đối tượng này thì lại chưa tìm ra một ngân khỏan nào để bồi hòan và cũng chính những đối tượng này có thể nêu ra nhiều lý do để làm khó dễ và trì trệ tiến trình của sự việc.

Một nhận định khác nữa là Nhà Nước đã có những xếp đặt lớp lang để biểu dương quyền uy bởi vì sẽ còn phải đối đầu với rất nhiều vụ “tòa Khâm Sứ” sau này. Nếu Nhà Nước vội vàng đáp ứng nguyện vọng của giáo dân Hà Nội thì biết trả lời sao khi mà từ nhiều năm qua đã nhận được nhiều đơn từ yêu cầu nhưng vẫn im lặng làm ngơ, đến lúc giáo dân biểu dương nguyện vọng một cách quyết liệt thì mới nhượng bộ. Đồng thời Nhà Nước cũng không muốn các nơi khác trên khắp đất nước dùng vụ tòa Khâm Sứ ở Hà Nội như một mô hình để biểu dương nguyện vọng. Nếu giáo dân Hà Nội đòi lại được tòa Khâm Sứ thì giáo dân Sài Gòn cũng có đầy đủ lý do và sức mạnh để đòi lại cơ sở của chủng viện Sài Gòn. Rồi sau đó là những ngọn nến sẽ được thắp lên ở nhiều nơi trên khắp ba miền đất nước.

Giả thuyết "chần chừ và kéo dài thời gian" giải quyết nêu trên xem ra có vẻ an toàn cho chính quyền về mặt an ninh trong lúc này, tuy nhiên không chắc gì sự việc lại không xẩy ra trái ngược như suy đoán của chính quyền. Thời cuộc ngày nay đã khác, dân tình đã khác, các mối tương quan từ nội địa đến quốc tế đã khác... Người dân trước đây một mạch sợ công an, sợ chính quyền, nay họ khám phá ra sức mạnh của mình họ không còn sợ nữa! Chính cá nhân các cán bộ các viên chức chính quyền cộng sản vì thời gian qua đã ăn hối lộ, tham nhũng, hà hiếp dân lành... bây giờ chính họ mới lả những người sợ dân đen, một khi họ bùng lên đòi lại quyền sống của họ... Tức nước sẽ vỡ bờ. Do vậy những người có trách nhiệm cũng nên mau chóng tìm cách giải quyết cho nhanh chóng và hợp lý, kẻo rồi sự gì sẽ xẩy ra, không ai ngờ trước được và lúc đó lấy gì mà chống đỡ. Súng đạn ư? Hãy học gương các nước Đông Âu!

Ngày nay người cộng sản không những phải đương đầu với các tôn giáo, nhưng còn phải đươgn đầu với dân oan cả từng triệu người rồi đây họ sẵn sàng lên tiếng! Chính quyền cũng sẽ phải đương đầu với giới trẻ và sinh viên, những thành phần đang cảm thấy bị nhục nhã vì gia tài quốc gia, lãnh thổ quốc gia đã bị xâm phạm mà nhà cầm quyền không còn đủ bảnh lãnh và can đảm lên tiếng bảo vệ...

2- Những chuyện bên lề.

Giáo sư Thợ Gặt ắt hẳn phải là người quen biết nhiều, giao thiệp rộng hay chính bản thân giáo sư cũng là một “ông lớn” trong guồng máy cầm quyền? Những tiết lộ của ông đã giải tỏa được nhiều câu hỏi cũng như dự đóan truyền miệng, truyền email từ nơi này đến nơi khác. Ông sinh sống và làm việc ở Hà Nội mà cũng biết ở hải ngọai có dăm ba người kêu đích danh Đức Giám Mục Thái Bình gọi là “giám mục đỏ”. Thiện tâm thiện chí và sự hăng say của Đức Gáim Mục Thái Bình có thể bị những người đầu óc hẹp hòi suy nghĩ nông cạn diễn giải một cách lệch lạc. Cá nhân tôi chỉ nhìn vào tấm hình nhà thờ chánh tòa Thái Bình mới được khánh thành, rất hoành tráng và thẩm mỹ, và dễ dàng kết luận: nếu “đỏ” mà được như vậy thì cũng nên ‘đỏ” lắm!

Nhìn những tấm hình các quan chức đến chúc tết Đức Hồng Y và Đức Tổng Giám Mục Hà Nội thì sự tin tưởng vào một kết cuộc ôn hòa và tốt đẹp sẽ đến trong những ngày đầu Xuân. Chẳng lẽ một việc nhỏ là trả lại miếng đất cho khổ chủ bị cưỡng chiếm mà nhiều bộ phận trong hệ thống cầm quyền lên tới ông Thủ Tướng lại không giải quyết được sao?!

Trên đây chỉ là những suy tư của một người chưa có đến một ngày sống dưới sự cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam. Tất nhiên có rất nhiều thiếu sót.

Trương Phú Thứ

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/dong-hanh-voi-giao-su-tho-gat/