Trích từ Dân Chúa

Đâu là ý nghĩa đích thực của vụ "Tòa Khâm Sứ"?

Alfonso Hoàng Hữu Nam

VietCatholic News (Thứ Bảy 15/03/2008 09:35)

Sự kiện giáo dân theo lời kêu gọi của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội yêu cầu nhà nước trả lại mảnh đất Tòa Khâm Sứ bằng những buổi cầu nguyện kéo dài hơn một tháng vừa qua, có lúc tưởng chừng sẽ bị nhà cầm quyền thẳng tay đàn áp, bắt bớ để giải tán như họ đã từng làm đối với những vụ khiếu kiện đông người về đất đai xảy ra tại các thành phố lớn thời gian gần đây vì bị cho là vi phạm luật pháp nhưng nhờ tính chất rất khác biệt của vụ việc đã khiến nhà cầm quyền phải cẩn trọng và họ đã không dám liều mình làm cái điều tồi tệ ấy.

Đến nay sự việc tuy vẫn chưa kết thúc và cũng chưa ai chắc chắn sẽ đi đến đâu nhưng tầm vóc lớn lao của sự kiện khiến cho bất cứ ai dù là thờ ơ với thời cuộc nhất và cả thế giới nhận ra những nguy cơ tiềm ẩn về 'vấn nạn đất đai' tại VN hiện nay đang trở nên nghiêm trọng tới mức nào? Đặc biệt là với những tài sản tôn giáo của không riêng gì của giáo hội công giáo mà còn với cả Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo,v.v… đã từng bị nhà nước bằng cách này cách khác chiếm dụng bấy lâu nay buộc họ phải ý thức, xem trọng hơn những đơn từ khiếu nại đất đai bị 'bỏ xó' không thèm quan tâm giải quyết nhiều năm qua.

Việc nhà cầm quyền VN phải nhúng tay vào giải quyết thay vì để địa phương tùy nghi dùng vũ lực giải quyết thể hiện qua các quyết định làm theo thói quen bất chấp tất cả của bà phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, có cơ sở để nói rằng đó là những kết quả khiêm tốn ban đầu đã đạt được để từ đó giúp các tôn giáo và ngay cả những người dân thấp cổ bé họng khác trên cả nước thêm thuận lợi trong hành trình gian nan 'đi đòi công lý' của họ.

Tuy nhiên khi sự việc còn đang tiếp diễn, có thể do xuất phát từ nhiều nguyên nhân, mục đích, động cơ khác nhau trên một số diễn đàn internet đã dấy lên những tranh cãi khá gay gắt chung quanh câu hỏi "giữa công giáo và phật giáo, ai mới thực sự là người có quyền đòi hỏi nhà nước trả lại mảnh đất trên" căn cứ vào các nguồn tư liệu, sử sách được dẫn chứng kèm theo về sự hiện diện của một ngôi chùa Báo Thiên vài trăm trước ngay tại mảnh đất nay là ngôi nhà thờ lớn Hà Nội và từ đó họ đi đến 'kết tội' các cố đạo người Pháp câu kết với các quan chức bản địa chiếm đoạt khu đất của Phật giáo?

Người viết trước hết xin phép tạm gác qua chuyện 'chủ quyền' trên qua một bên vì mục đích chính của bài viết này không nhằm tranh cãi những gì liên quan đến ngôi chùa lịch sử này. Nếu vấn đề được cho là quan trọng hẳn đòi hỏi tính khách quan và bởi một tổ chức chuyên ngành có uy tín chứ không đơn thuần chỉ dựa vào một vài tư liệu sử sách rồi vội vã kết luận, đặc biệt với lịch sử càng xa xưa càng phải nên thận trọng.

Một cách thiết thực hơn người viết hy vọng đem lại cho người đọc đặc biệt là các Phật tử cũng như các tôn giáo bạn khác có thêm một cách nhìn rộng lớn hơn về những gì đã diễn ra quanh vụ "Tòa Khâm Sứ" vừa qua ể từ đó thấy ý nghĩa của sự việc không chỉ gói gọn trong phạm vi diện tích, quyền lợi vài ngàn mét vuông đất.

Giữa những bất công đang bao trùm hiện tại và quá khứ xa xăm, cái nào đáng quan tâm hơn?

Nhìn vào thực trạng quê hương hôm nay, bất kể bạn thuộc tôn giáo nào nhưng nếu là người hiểu biết và có lương tri hẳn ai cũng đều nhận ra một sự thật là đất nước này đang có quá nhiều điều vấn đề xã hội nóng bỏng cần phải được giải quyết một cách có bài bản và căn cơ tận gốc rễ chứ không thể với những cách làm mang nặng tính chất đối phó, chống đỡ 'lủng đâu vá đấy' như thường thấy trước các vấn đề lớn của xã hội chỉ để miễn làm sao giữ được sự ổn định giả tạo, để cho người ngoài cuộc nhìn vào cái vỏ bên ngoài đất nước chúng ta họ vẫn ca ngợi xã hội chủ nghĩa ở VN sao vẫn cứ tươi tốt và ổn định như bao quốc gia khác thế là được.

'Có nằm trong chăn, mới biết chăn đang có rận' sự thật chẳng mấy khi tốt đẹp như các báo đài trong nước tuyên truyền. Ai hay theo dõi kỹ tình hình đất nước đều biết đang ngày một nảy sinh thêm nhiều mâu thuẫn nội tại khiến nhà nước đang phải 'chống đỡ' vất vả, đặc biệt từ ngày 'mở cửa hòa nhập' mâu thuẫn càng gay gắt hơn. Việc phải dùng đến công an, quân đội dập tắt các cuộc biểu tình khiếu kiện tại Văn phòng 2 quốc hội, rồi dời trụ sở tiếp dân từ nội thành Sàigòn ra vùng ngoại ô vắng vẻ hay đàn áp các sinh viên học sinh những người yêu xuống đường chống TQ xâm lăng Hoàng Sa –Trường Sa tất cả phơi bày một sự suy nghĩ ấu trĩ, vụng về và cả bế tắc trong cách giải quyết các vấn đề nóng bỏng của đất nước. Các khó khăn dường như đang vượt quá khả năng giải quyết của họ.

Tất cả là do hậu quả tất yếu của việc hơn nửa thế kỷ qua đất nước VN không may bị cai trị bởi môt chính quyền độc đảng theo đường lối, sách lược của chủ thuyết Mác-xít lấy đấu tranh bạo lực làm nền tảng. Vì vậy mọi chính sách của đảng CSVN thực thi trước nay đều hoàn toàn không dựa trên những căn bản tiêu chí xây dựng một xã hội dân chủ, thịnh vượng để ổn định lâu dài.

Chủ nghĩa cộng sản nay đã bị xoá sổ tại hầu hết các quốc gia văn minh tiến bộ gần 20 năm qua thậm chí một số nước Châu Âu còn đặt các đảng viên cộng sản ra ngoài vòng pháp luật bởi không biết bao nhiêu tội ác chồng chất do chủ trương đấu tranh giai cấp bằng bạo lực gây ra cho nhân loại trong hậu bán thế kỷ 20 vừa qua với trên 100 triệu nạn nhân toàn thế giới.Sự sụp đổ hàng loạt các chính thể cộng sản tại Liên Xô cũ và Đông Âu vào cuối thập niên 80 là bằng chứng hùng hồn về sự thảm bại của chủ thuyết tàn ác này.

Vậy không lý do gì Việt Nam mình, một đất nước cũng đã từng một thời đeo đuổi nó lại không mắc phải sai lầm, tội ác tương tự?

Quả thật khi nhìn lại lịch sử đất nước thì sau khi chiếm quyền kiểm soát chính trị ở miền Bắc từ người Pháp và Nhật, ngay từ thủa sơ khai mới thành lập chính phủ (trước đây họ rất tự hào về hành vi này, công khai gọi là 'cướp chính quyền' đúng theo sách vở Mác-xít dạy rồi bỗng dưng nay họ không lại rất sợ nhắc đến cụm từ này nữa) ông Hồ Chí Minh đã phạm sai lầm nghiêm trọng đầu tiên với dân tộc bằng chính sách 'cải cách ruộng đất' tại miền Bắc vào những năm 1953-1956 mà nay khi xem xét lại sự việc nó chẳng khác gì hành vi ăn cướp tài sản của những người dân lành vô tội. Chẳng những thế họ còn bị đem ra đấu tố, vu oan và có người bị bị đánh đập, chôn sống cho đến chết, theo nhiều nguồn tài liệu con số này lên đến 50.000 người tại 3314 xã khắp miền Bắc.

Mặc dù đã nhận ra sai lầm sau đó nhưng sau khi chiếm được miền nam họ vẫn tiếp tục lập lại hành vi ăn cướp ấy với không biết bao người dân các đô thị miền nam dưới danh nghĩa 'đánh tư sản mại bản'. Riêng tại Sàigòn việc đánh tư sản vào các năm 1977 – 1978 làm cho không biết bao nhiêu gia đình phải khốn đốn, nhà tan cửa nát, buộc họ phải bỏ liều mạng vượt biên bất chấp cả nguy hiểm tính mạng, người viết là một trong vô số nhân chứng còn hiện diện ngay tại Sàigòn này cho đến hôm nay.

Lịch sử đã ghi nhận tất cả những điều trên là xác thực nên cũng không cần phải mất thời gian thêm.

Song song với chủ trương tập chối bỏ quyền tư hữu vốn là một trong những quyền tự nhiên của con người, chủ nghĩa cộng sản còn xem mọi tôn giáo đều là 'thuốc phiện làm ru ngủ nhân dân'. Nhưng không đơn giản như nhiều người lầm tưởng kết luận trên xuất phát từ việc họ tin vào thuyết 'duy vật biện chứng' một thứ triết lý được cộng sản dùng để đạp đổ mọi giá trị tinh thần cao quí của xã hội lẫn nhu cầu đời sống tâm linh của con người.

Hơn ai hết những môn đệ cộng sản khắp nơi hiểu rất rõ giá trị, vai trò quan trọng của tôn giáo trong một xã hội tốt đẹp ra sao nên ngoài chủ trương độc quyền chính trị họ không bao giờ muốn thấy bất cứ tôn giáo nào được tự do phát triển để thay bằng 'thần thánh hoá lãnh tụ' và dùng nó làm bức bình phong thay chỗ tôn giáo nhằm dễ cai trị dân.

Một loạt các lăng mộ tượng đài nguy nga tốn kém được dựng lên từ Đông Âu, Liên xô, TQ, VN, Bắc Hàn của các lãnh tụ Ceauşescu, Lenin, Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành ngay cả khi dân chúng còn đang lầm than đói khổ cho ta thấy rõ điều này. Gần đây, tại một ngôi chùa mới xây dựng ở tỉnh Bình Dương có kẻ còn đem cả tượng Hồ Chí Minh vào thờ chung với Đức Phật trên bàn thờ chính điện càng thấy rõ hơn, giữa giáo hội và nhà cầm quyền ai mới là người thật sự muốn lợi dụng tôn giáo?

Như đã trình bày trên, dân lành cả nước còn bị cướp đoạt tài sản công khai như vậy thì huống chi tài sản của các tôn giáo vốn bị xem là kẻ thù là 'thuốc phiện ru ngủ' nhân dân?

Tưởng cũng nên nói thêm là ngoại trừ những nơi vốn là trường học, bệnh viện của giáo hội trước đây tiếp tục được dùng phục vụ cộng đồng những tài sản khác như tòa nhà khâm sứ từ lâu đã được dùng làm nơi kinh doanh và trong tình hình đất đai đô thị tăng giá những năm gần đây đã có những dấu hiệu tư hữu hoá cho cán bộ hoặc bán cho công ty nước ngoài v.v… hành động này có thể xem như 'giọt nước cuối cùng' làm tràn chiếc ly chịu đựng đối với giáo dân và tòa tổng giám mục Hà Nội buộc giáo hội phải hành động để ngăn chận, một việc làm hoàn toàn hợp với lẽ phải xưa nay mà không ai có thể viện dẫn bất cứ loại luật pháp nào phản bác lại.

Khu nhà chung 11 Nguyễn Du của giáo phận TP.HCM tuy chưa ngã ngũ và cũng rất ít người trong nước biết chuyện mảnh đất này đã bị chia 5 xẻ bảy bán giá tượng trưng cho các cán bộ rồi họ sang tay nhau kiếm lời ra sao?

Ngoài ra còn phải kể đến vụ âm mưu chiếm đoạt ngôi biệt thự công và một tòa nhà có giá trị lớn tại trung tâm Hà Nội của vị cựu chủ tịch UBND Hà Nội và của cựu thống đốc ngân hàng cách nay chưa lâu và vụ án Đồ Sơn... đã phơi bày thêm rõ thêm những bất công diễn ra hằng ngày chung quanh chuyện đất đai tại các đô thi lớn đang lần lượt rơi vào tay các cán bộ đảng viên ra sao, trong đó không loại trừ khả năng có cả những tài sản có nguồn gốc của các tôn giáo bị chiếm đoạt.

Đã đến lúc các tôn giáo tại VN hãy đoàn kết vì vận mệnh chung của dân tộc và quyền lợi riêng của giáo hội!

Những việc làm của giáo dân Hà Nội vừa qua, chỉ bằng con đường cầu nguyện lặng lẽ và thánh thiện là cách chọn lựa khôn ngoan và duy nhất người có đạo có thể làm để cho chính quyền biết đang có sự bất đồng và chống đối. Nhưng cũng như bao nhiêu vụ chống đối khác đã từng xảy ra trong lòng các xã hội cộng sản, nơi thông tin hoàn toàn do họ kiểm soát tất cả đều bị thay trắng đổi đen và bóp méo sự thật. May mắn cho chúng ta là đang được sống trong thời đại công nghệ thông tin nên còn có các phương tiện internet để thông tin cho cả thế giới biết những gì đang diễn ra một cách nhanh chóng đã khiến nhà cầm quyền phải lo sợ.

Nhưng ngay cả khi có phương tiện, những vị có trách nhiệm của giáo hội công giáo trong cương vị lãnh đạo không thể tự cho phép mình bộc bạch hết cội nguồn ngóc ngách của vấn đề cũng như nêu lên các chứng tích sai phạm, tội ác của đảng CSVN trước công luận một cách công khai trong bối cảnh hiện tại, sự hạn chế tự do ngôn luận có thể khiến nhiều người khi nghe qua câu chuyện có cách nhìn hạn hẹp, thậm chí 'méo mó' cho rằng giáo hội công giáo tranh giành quyền lợi quanh quẩn trên mảnh đất tòa khâm sứ và đó là thật điều đáng tiếc!

Trên trang talawas.org tiếng Việt, một báo điện tử có nhiều nhân sĩ tham gia, gần đây xuất hiện vài bài viết liên quan đến vụ 'tòa khâm sứ' và có trích dẫn từ trang phatuvietnam.net.

Xem họ viết, cách họ lập luận – phân tích tôi thấy các tác giả đều xứng đáng được xem là những người có nghiên cứu bởi sự hiểu biết cùng các tư liệu lịch sử họ dẫn chứng đáng để chúng ta tham khảo. Tuy nhiên dùng tranh cãi ở thời điểm này lại không mấy phù hợp khiến tôi phải tự hỏi chẳng lẽ họ, những người học cao trông rộng vậy lại chẳng nhận ra hết cái ý nghĩa thâm sâu của sự kiện 'tòa khâm sứ'?

Tầm vóc của sự kiện thiết tưởng lớn lao hơn suy thế nhiều và chắc chắn nó đã khiến đảng CSVN phải lo lắng. Bởi như đã trình bày chính do các sai phạm của họ trong quá khứ qua chủ trương lấy bạo lực làm phương tiện, chối bỏ quyền tư hữu, tiêu diệt tôn giáo… những việc làm nay chẳng những không thể tiếp tục mà đã đến lúc phải giải quyết hậu quả, tương tự như những gì đang được từng bước tháo gỡ tại các quốc gia cộng sản Đông Âu khác hiện nay đối với các giáo hội.

Vụ tòa khâm sứ Hà Nội chắc chắn sẽ được lịch sử ghi nhận như là lần đầu tiên sau mấy chục năm bị cai trị dưới chế độ cộng sản xuất hiện một lực lượng dân chúng phản kháng công khai có tổ chức hẳn hoi đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản phải việc thực thi công bằng xã hội chứ không đơn thuần chỉ là chuyện người dân làm eo, làm sách hay nằm vạ khiếu kiện một cách tự phát thường thấy trước nay. Buộc chính quyền phải thừa nhận sai lầm trong quá khứ và phải có chính sách rõ rệt về cách xử lý các tài sản không chỉ của công giáo mà còn các tôn giáo khác và đó mới chính là ý nghĩa quan trọng của sự kiện.

Chỉ khi nhận ra hết ý nghĩa lớn lao và sâu thẳm của sự kiện 'tòa khâm sứ' mới thấy việc tranh cãi xoay quanh đất ấy là của tôn giáo nào? công giáo, phật giáo hay giáo hội nào khác mới trở nên nhỏ nhặt và vô nghĩa trước cái chung đại sự là tương lai, vận mệnh và quyền tự do tính ngưỡng của cả dân tộc này.

Bởi đều cùng là nạn nhân, thì sự mất mát của công giáo hay phật giáo không chỉ là vài ngàn mét vuông đất cỏn con kia, còn biết bao thứ mất mát khác về mặt tinh thần còn quan trọng và đáng quan tâm hơn:

Một giáo dân Sàigòn

Alfonso Hoàng Hữu Nam

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/dau-la-y-nghia-dich-thuc-cua-vu-toa-kham-su/