Trích từ Dân Chúa

Đất đai, tài sản và cách hành xử của một Nhà nước "dân chủ - pháp quyền"?

JB Nguyễn Hữu Vinh

VietCatholic News (Thứ́ Năm 17/01/2008)

Đất đai và quá trình chuyển đổi ở Việt Nam

Tài sản đất đai, luôn là một chủ đề nhạy cảm từ xưa đến nay, vốn tạo nên nhiều mâu thuẫn, câu ngạn ngữ xưa: “Hôn nhân điền thổ, vạn cố chi thù” được truyền lại đến nay, quả là đã được đúc kết qua nhiều thế hệ mà có.

Dưới thời phong kiến, đất đai được thu gom lại bằng cách mua bán, trao đổi bằng cách này hay cách khác, nhưng là sự thuận mua vừa bán trong chừng mực có thể chấp nhận được vào tay những chủ đất (địa chủ). Những người không có đất thì làm thuê cho các địa chủ nhận phần công của mình bằng thóc gạo, tiền bạc. Nhà nước phong kiến chấp nhận và bảo hộ quyền lợi của việc mua bán và làm chủ đất đai đó. Dù đa số vẫn thuộc những địa chủ là chủ yếu thì đất đai đã được tận dụng để làm ra của cải vật chất cho xã hội.

Sau cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945, một nhà nước ra đời với quốc hiệu Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhà nước được lãnh đạo bởi “Đảng Lao Động Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lê Nin- Stalin và tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam cho mọi hành động” (Điều lệ ĐLĐVN năm 1951), thì có nhiều thay đổi trong việc quản lý sử dụng đất đai cho đến nay. Nhiều sự thay đổi trong đó làm người ta thấy nó lạ lùng. Lạ bởi điều đơn giản là không giống những phương pháp, những cách thông thường của sự dịch chuyển sở hữu, mua bán, trao đổi phải dựa trên sự công bằng có thể để xã hội chấp nhận được.

Bằng những khẩu hiệu “nhân dân làm chủ, người cày có ruộng”, cuộc Cải cách ruộng đất đã diễn ra những năm 1953-1956. Một cuộc “cách mạng” mà sau này, được đánh giá là có những sai lầm nghiêm trọng của Đảng.

(Sau cuộc cải cách ruộng đất, ông Hồ Chí Minh có câu nói “Một Đảng giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng” . Tiếc rằng, những đồng chí, học trò của ông sau này hình như không nhớ câu nói đó nữa, hầu hết hệ thống tuyên truyền đều một bài ca ca ngợi Đảng quang vinh. Những ai dám nói đến khuyết điểm của Đảng hay đảng viên, đều được xếp vào loại “chống lại Tổ quốc, chống lại nhân dân”. Vì vậy, mới có câu ca “Mất mùa là bởi thiên tai, được mùa là tại thiên tài Đảng ta”).

Với hàng loạt những tòa án nông dân man rợ, hàng loạt người đã bị bắn, bị bắt. Các chủ đất bị cướp trắng tài sản, “Đảng ta” đã lấy không đất đai từ tay địa chủ, chia cho tầng lớn nông dân.

Sau đó,với phong trào Hợp tác xã nông nghiệp, đất đai từ nông dân được gom vào hợp tác xã dưới sự lãnh đạo của Đảng, trở thành tài sản nhà nước. Khi đó, đất đai được sử dụng đúng nghĩa “cha chung” dần dần bị hoang hóa, bờ lớn hơn ruộng, ruộng vuông thành ruộng tròn (do bỏ các góc không cày cuốc vì nông dân làm công chỉ ăn điểm). Kể cả những khu vực bờ xôi ruộng mật cũng biến thành xác xơ, lúa má vật vờ như những cái bóng người dân Việt Nam thiếu ăn những lúc đó. Từ chỗ một nước xuất khẩu gạo, Việt Nam quay quắt với cái đói và các lãnh đạo đất nước có thêm nhiệm vụ là xin viện trợ lương thực. (Những hình ảnh thời đó, bạn có thể tham khảo ở nước Bắc Hàn anh em trong phe xã hội chủ nghĩa của chúng ta hiện nay).

Khi cái đói, cái rét không thể hơn được nữa, nhà nước mới chấp nhận chia lại ruộng đất cho nông dân làm khoán sản. Đất nước lại nhanh chóng giải quyết nạn đói và có gạo xuất khẩu đứng thứ 3 rồi thứ 2 thế giới.

Khi Việt Nam hội nhập, người người sinh sôi, đất đai trở nên đắt đỏ, những dự án mọc lên, đất của nông dân lại được chuyển dần về tay các công ty, mà đa số là công ty của các đại gia, của những kẻ lắm tiền nhiều bạc. Tiền bạc từ đâu, vẫn là những dấu hỏi chưa có câu trả lời.

Sự tham nhũng nặng nề trên mọi bình diện xã hội, đã là một quốc nạn từ lâu, vẫn đang ngày càng phát triển, “năm sau cao hơn năm trước” thì vấn đề đất đai càng là thứ đáng kể để tham nhũng.

Trong khi “Trong cơ chế hiện nay, phần lớn (có thể là tuyệt đại đa số) người có quyền (chức vụ) phải là đảng viên. Do vậy tệ nạn tham nhũng trước hết khu trú trong đội ngũ đảng viên, là một vấn nạn trước tiên thuộc về đảng…” - Dương Trung Quốc – Góp ý BCCTĐHX Đảng CSVN - Thì các chính sách không nhất quán, không đồng bộ của Nhà nước đã đưa đến hiện tượng khiểu kiện, biểu tình nơi nơi, là nỗi bức xúc và vấn nạn của xã hội Việt Nam hiện đại.

Trước những cuộc biểu tình nơi nơi, những vụ khiếu kiện dai dẳng, từ chính sách lấy không đất đai của tư nhân vào thành của nhà nước, đến khi nhà nước đã phải có chính sách đền bù khi bị thu hồi. Từ chỗ đền bù bắt buộc phải nhận, nếu không thì cưỡng chế bằng công an, súng đạn, đến nay, nhà nước lại có bước lùi mới, là muốn lấy đất đai của nông dân, phải thỏa thuận với dân… Tất cả các bước trên, bước sau phủ nhận bước trước, đã làm cho việc khiếu kiện cứ thế tăng vùn vụt vì sự bất công, vì sự tham nhũng do cán bộ lợi dụng chính sách luôn thay đồi đã nói trên mà trục lợi.

Vì vậy, việc khiếu kiện luôn nóng với những vụ việc đã, đang và sắp xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Với đất đô thị, từ chỗ là đất đai, tài sản của tư nhân, tổ chức qua quá trình cải tạo tư bản, cải tạo công thương… phần lớn các tài sản đó đã biến thành của nhà nước, tài sản quốc gia với cụm từ “sở hữu toàn dân”.

Sau khi biến thành tài sản “sở hữu toàn dân” lại dần dần vào tay những quan chức, cán bộ đảng viên bằng nhiều hình thức. Từ chỗ cấp theo căn hộ tập thể, đến việc cấp theo chế độ quan chức. Từ chỗ một căn hộ khi đến Hà Nội và các thành phố để tạm dung những ngày đầu, sau một thời làm quan chức với đồng lương có hạn và luôn thiếu, bằng cách nào đó ai cũng hiểu, các quan chức mua thêm những căn hộ mới, thậm chí có nhiều căn hộ bỏ không hoặc để đầu cơ kinh doanh.

Cho đến nay, nếu vẫn thực hiện đúng câu nói của “đồng chí” Trần Phú – Tổng Bí thư đảng cộng sản, người đã góp phần đưa cái chủ nghĩa cộng sản vào đất nước này là “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” , thì chắc là tầng lớp cán bộ đảng viên cộng sản lại là những người bị đào, bị trốc đầu tiên. Vì hiện nay, đó mới là những kẻ có đủ mọi tính chất như lời Trần Phú đã nói trên.

Điển hình là hàng ngàn ngôi biệt thự ở các thành phố lớn đã biến tự bao giờ, hàng vạn căn nhà công vụ đã biến thành tư vụ… mà báo chí đã có một thời sôi nổi bàn tán rồi để đấy, mèo vẫn hoàn mèo. Hoặc hàng ngàn ha đất đai ở các tỉnh, thành phố bị “hô biến” tự khi nào không ai biết.

Điều lạ lùng trong một nhà nước dân chủ, pháp quyền ở Việt Nam là một thời gian quá dài, nhiều tài sản của tư nhân, của tổ chức xã hội bị chiếm đoạt ngang nhiên không cần một chính sách nào phù hợp hay bất cứ một văn bản nào có hiệu lực của chính quyền khi đó. Những việc chiếm đoạt đó, nhiều khi tùy ý thích một cá nhân, tổ chức hoặc chỉ đơn giản là một cơn thịnh nộ, sự nổi hứng của một vài cán bộ công quyền. Đó là thời tất cả làm theo mệnh lệnh của Đảng mà không cần căn cứ pháp luật nào.

Với đất đai, tài sản Giáo hội Công giáo cũng không là một ngoại lệ. Cái thời mà tôn giáo được coi là thuốc phiện, nhất là Công giáo luôn được xem như là nơi sản sinh ra những đối tượng phản động hoặc cần cảnh giác, lại trong điều kiện thông tin với thể giới bên ngoài khó khăn như liên lạc với âm phủ, thì việc chiếm đoạt đương nhiên là dễ dàng xảy ra hơn.

Và thực tế, đã xảy ra rất nhiều những sự chiếm đoạt, mượn không cần đồng ý, mua như cướp hoặc có cá nhân nào đó vượt lên cả lề luật để “biếu không” cho nhà nước các tài sản của Giáo hội.

Chính vì vậy, việc chiếm đoạt đó đương nhiên trở nên vô hiệu lực pháp lý.

Tòa Khâm sứ, xứ Thái Hà, nhà xứ Hà Đông - công văn gỡ rối làm thêm rối

Khi đất nước buộc phải hội nhập với thế giới, với nhận thức của người dân được nhìn ra khỏi cửa sổ nhà mình, ánh sáng của văn minh tiến bộ của thế giới văn minh mang lại, những cách hành xử luật rừng đã không còn cơ sở tồn tại. Vì vậy, các vấn đề được đưa ra xem xét.

Và khi đó, nơi nơi đã dồn dập phong trào tranh chấp, khiếu kiện mà nhiều nhất vẫn là đất đai, tài sản. Kể cả những người đã từng góp công, góp của cho nhà nước trong kháng chiến, kể cả những bà mẹ anh hùng, mẹ liệt sỹ, mẹ nghị sỹ Quốc hội như mẹ ông Dương Trung Quốc.

Việc đòi lại đất đai, tài sản Tòa Khâm sứ và các cơ sở tôn giáo như Thái Hà của Dòng Chúa Cứu thế, nhà xứ Hà Đông và một số nơi khác chính là việc đặt ra vấn đề khắc phục những hậu quả của thời kỳ nói trên đã gây ra, trả lại sự công bằng và quyền lợi bình đẳng của mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội theo đúng tiêu chí Nhà nước pháp quyền cũng như các những luật lệ, thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã long trọng cam kết để được bước vào sân chơi chung.

Tòa Khâm sứ và các cơ sở tôn giáo đó, chưa bao giờ được hiến, tặng, cho, bởi những tổ chức hay cá nhân có đủ thẩm quyền trong Giáo hội, hay một văn bản nào của nhà nước có đủ yếu tố pháp lý để biến từ của Giáo hội thành của Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khác.

Chính vì vậy, với Giáo hội và giáo dân, đó vẫn là đất đai, tài sản của mình. Với cách nghĩ thông thường nhất trong đời sống: Đã là của tôi, chưa cho, sang nhượng bằng bất cứ hình thức nào, thì dù anh dùng vũ lực để ở đến 100 năm, khi đưa đến công lý, vẫn cứ là của tôi.

Qua một ngàn năm bắc thuộc và gần 100 năm đô hộ của Thực dân Pháp, đất nước Việt Nam, vẫn là của người Việt Nam đấy thôi. Cho dù trong 1000 năm ấy, và gần 100 năm ấy, bọn phong kiến phương bắc và thực dân Pháp vẫn quản lý, vẫn sử dụng đất này. Cũng vì vậy, việc họ tập trung cầu nguyện trên mảnh đất đó, không có gì là lạ với những hoạt động bình thường của người giáo dân.

Công văn số: 273/UBND-VX của Thành phố Hà Nội ngày 11 tháng 1 năm 2008 nói lên điều gì? Công văn chỉ mới kể lên được công lao của Thành phố với những hoạt động tôn giáo vừa qua, mà thực tế thì đó là các hoạt động tôn giáo bình thường, việc đảm bảo an toàn, là trách nhiệm của Thành phố Hà Nội, khi họ là công bộc của dân, ăn lương để phục vụ người dân, không có gì để kể công.

Công văn cũng đã kết tội một số vị thuộc Hàng Giáo phẩm có những vi phạm theo điều luật này, pháp lệnh kia mà không nhắc tới những hành động thực hiện theo đúng luật rừng với những tài sản đó đã diễn ra để di chứng đến ngày nay.

Cái mà người dân cần sự khẳng định của Thành phố Hà Nội là đất đó thuộc quyền sử dụng của ai? Của nhà nước, hay của Giáo hội? Giáo hội có đẩy đủ bằng chứng chứng minh là của mình từ khi chưa có nhà nước này. Nhà nước có gì để chứng minh là của mình? Hay Nhà nước chỉ có thể chứng minh rằng tao có quyền cướp của mày làm của tao kiểu cá lớn thì có quyền nuốt cá bé như lý sự cùn của bọn trẻ với nhau? Phải chăng đó là một “Nhà nước Pháp quyền”?

Việc hiện nay đang có bất cứ cơ quan nào quản lý hay đang ở đó mà không có cơ sở pháp lý, đều không phải là điều quan trọng. Quản lý và sở hữu, là hai vấn đề riêng biệt.

Điều mà Giáo hội đang khiếu nại, người dân đang cần khẳng định lại quyền sử dụng đất đai, tài sản của mình đã không được nhắc đến, thì việc xem xét những hành động cầu nguyện, tập trung nói trên có vi phạm pháp luật hay không là điều khiên cưỡng, một chiều.

Những hành động cưỡng chiếm, cướp đoạt bằng vũ lực chưa được xem xét, hành động đòi lại những tài sản bị cướp đoạt lại bị lên án? Giữa hai hành động, hành động nào đã vi phạm luật pháp? Phải chăng đây là nền công lý ngược?

Người ta thấy việc công an giải tán, trấn áp biểu tình khi mất Hoàng Sa và Trường Sa là điều lạ lùng, nhưng việc đọc công văn về tài sản bị cưỡng chiếm cụ thể của Giáo hội lại càng lạ lùng hơn. Hai vụ việc chỉ khác một điều: bất chấp súng đạn, hăm dọa hoặc trấn áp, giáo dân vẫn không khuất phục những điều sai trái.

Người dân tự hỏi và cần câu trả lời của chính nhà cầm quyền Hà Nội:

- Tại sao, đất đai của tổ chức Giáo hội, giáo dân là những công trình phục vụ lợi ích công cộng thì bị chiếm đoạt ngang nhiên, những tiếng kêu cứu không được hệ thống công quyền nghe thấy và giải quyết dù đã cất lên từ bao năm nay. Trái lại, việc các cơ quan, cá nhân đã ngang nhiên xâm phạm lợi ích, tài sản của Giáo hội lại được hệ thống “chuyên chính vô sản” bảo vệ cương quyết đến thế?

- Tại sao các cá nhân trong hệ thống cán bộ đảng viên, ngang nhiên chiếm đoạt đất đai nhà cửa, của công biến của công thành của tư, điển hình như những ngôi biệt thự nào đó đã tốn nhiều giấy mực, báo chí, lại không được nhà nước và Thành phố giải quuyết nhanh chóng? Đến nay, có ngôi biệt thự hàng ngàn cây vàng vẫn bỏ hoang chứng tỏ cả hệ thống đã và đang bất lực trước sự cố thủ của chỉ một cá nhân. Có phải chỉ vì họ là đảng viên, là quan chức Nhà nước? là những công dân đặc biệt đứng ngoài hệ thống pháp luật hiện hành? Trong khi hệ thống pháp luật luôn luôn rêu rao “mọi người bình đẳng trước pháp luật”?

- Tại sao một nhà nước pháp quyền, vẫn có não trạng bảo kê những hành động trái lẽ công bằng, trái lẽ thường và đạo đức cuộc sống? Kẻ cướp đoạt được bảo vệ, người bị hại thì bị gây khó dễ, quy kết đủ điều một cách cố ý. Trong khi, những hành động vi phạm pháp luật trắng trợn không hề được xem xét, mà chỉ là “nghiêm túc” kiểm điểm? Mà sự nghiêm túc của nhà nước, của hệ thống quan chức hiện nay thì ai cũng biết qua các hành động đã có.

- Nhà nước này có phải là của nhân dân? Nếu nhà nước của dân, thì những người Công giáo, giáo dân Hà Nội, Thái Hà, Hà Đông có phải là công dân không? Những hoạt động của họ có trái pháp luật không, khi mà họ đang bảo vệ chính đáng tài sản của mình, những tài sản của họ có được pháp luật bảo hộ?

Đó không phải chỉ là một vài trường hợp điển hình, mà là hoàng loạt vụ việc, không chỉ một vài nơi, mà là cả hàng loạt các nơi khác nhau từ Nam đến Bắc, không chỉ một vài năm, mà là cả hàng chục năm qua, bây giờ vẫn đang tiếp diễn.

- Có phải cái não trạng phân biệt dân đen với quan chức, nhân dân với cán bộ đảng viên, phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, giáo dân với vô thần, giữa công dân hạng nhất với công dân hạng hai của một thời Cộng sản qua, nay vẫn ngang nhiên ngự trị nặng nề, nên mọi việc đã được giải quyết theo não trạng và cách suy nghĩ đã quá lạc hậu đó?

Cần phải nói rõ rằng, đất nào cũng có chủ, mà những người chủ của đất đai, tài sản Giáo hội không phải theo kiểu cha chung không ai khóc. Tất cả được giáo dân và giáo phẩm bảo vệ bằng chính sinh mạng và máu của mình khi cần thiết.

Việc giải quyết thế nào cho êm đẹp mọi vấn đề, đừng rũ tung tất cả, tự làm khó mình để rồi đổ cho “các thế lực phản động, thù địch” là hoàn toàn phụ thuộc vào nhà cầm quyền Hà Nội.

Cũng cần một lần nữa nhắc lại câu nói của ông Hồ Chí Minh đã trích dẫn ở trên - “Một Đảng giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng” - để nhà cầm quyền nhìn nhận lại chính mình và những hành động đã qua, giải quyết mọi vấn đề đúng với sự thật, tạo điều kiện cho công lý có đất sống, nhằm đưa tới sự tiến bộ thực chất cho dân tộc, cho đất nước. Nhất là khi Đảng đang phát động phong trào “Học tập đạo đức Hồ Chí Minh” hiện nay.

Còn giáo dân và Giáo hội, mong muốn duy nhất là Sự thật – Công lý – Hòa bình được thực thi.

Khi đạt được những điều đó, cũng là một bước tiến dài đưa xã hội và đất nước Việt Nam đi lên, tiến kịp bước tiến của thời đại.

Hà Nội, ngày 17 tháng 1 năm 2008

J.B. Nguyễn Hữu Vinh

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/dat-dai-tai-san-va-cach-hanh-xu-cua-mot-nha-nuoc-dan-chu-phap-quyen/