Trích từ Dân Chúa

Đằng sau một cuộc tranh cãi về lịch sử

JB Nguyễn Hữu Vinh

Những lời hứa đang chờ thực hiện

Khi những buổi cầu nguyện trong Tòa Khâm sứ được tạm rút, để dọn đường một cách hòa bình cho Nhà nước thực hiện những lời hứa của mình là trả lại Tòa Khâm sứ cho Giáo hội – một cách thể hiện tính nghiêm túc và đầy ôn hòa của Giáo hội Công giáo Việt Nam với Nhà nước. Thời gian chờ đợi càng kéo dài, nhiều suy tư trăn trở của giáo dân và những người quan tâm được đặt ra: Nhà nước có thực tâm để thực hiện những lời đã hứa với cả danh dự của mình không? Nếu không, phải chăng Giáo hội và TGP Hà Nội đứng đầu là TGM Josepht Ngô Quang Kiệt đã bị lừa?

Những suy tư trên không phải là không có cơ sở, chắc cũng bởi đã sống lâu với chế độ Cộng sản, nên những người dân đã có dạn dày kinh nghiệm. Có người chép miệng: “Chỉ khổ mấy ông Linh mục, Giám mục, cứ nghĩ ai cũng nói thật như mình nên bị lừa như chơi, làm gì có danh dự hay danh tiếng gì ở đây, hãy chờ xem những chiêu tiếp theo”. Thậm chí, có người còn lớn tiếng: Giáo hội đã thất bại?

Khi Giáo dân đang nóng lòng chờ đợi việc Nhà nước thực hiện lời hứa thì trên khu đất Tòa Khâm sứ hình ảnh búa và liềm vẫn ngự trị, câu khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước” đang giăng đầy hàng rào và đường phố Nhà Chung dưới tiết trời lạnh lẽo và mưa sa (Thì ra, Đảng to hơn cả Xuân của đất trời và tất nhiên là to hơn cả Đất nước nên sự mừng cũng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên?). Điều đó như một sự trêu ngươi trước con mắt các giáo dân Hà Nội và những người khách vãng lai càng thêm sốt ruột.

Tuy nhiên, TGM Josepht Ngô Quang Kiệt chắc vẫn có lòng tin những lời hứa trên có thể sẽ được thực hiện, nhưng với nền hành chính “rùa bò” của Việt Nam, việc thực hiện ngay là điều chưa có được? Ngài vẫn hy vọng những lời hứa trong danh dự kia sẽ được thực hiện trong nay mai.

Có thể đang có những động thái cần thiết nào đó để mọi việc tốt đẹp hơn, giữ được mối quan hệ loại trừ những căng thẳng không cần thiết. Tất cả chúng ta cần phải chờ đợi như đã từng chờ đợi bao năm nay?

Nhưng, Giáo hội đã không thất bại trong “Lễ hiện xuống” 40 ngày đêm qua. Điều dễ thấy nhất, đó là hàng ngũ giáo dân, vốn đã sống trong hoàn cảnh khốc liệt của thể chế Cộng sản với những sự khiếp nhược truyền kiếp, thì nay đã dám đứng lên, đương đầu với súng đạn, công an và cả viễn cảnh tù đày, chết chóc để đòi hỏi Công lý được thực thi.

Đã đến lúc, người dân biết mình có những quyền gì và cơ chế XIN – CHO đã ngang nhiên cướp đoạt của họ những gì, đã làm đảo lộn xã hội ra sao. Những người ăn lương phục vụ nhân dân đã trở thành ông chủ, những ông chủ thật sự bỏ tiền nuôi đầy tớ lại trở thành những kẻ ăn xin. Đó là một nghịch lý được Đảng và Nhà nước nuôi dưỡng bao năm nay. Một nhà nước ăn tiền của dân để phục vụ dân thì không thể chấp nhận tình trạng này mới là một Nhà nước pháp quyền.

Đó là điều không dễ có, khi đã qua gần hai phần ba thế kỷ người dân Việt Nam đã chịu đựng sống chung với nỗi sợ hãi.

Đó là sự khởi đầu của một “cuộc cách mạng” trong tư tưởng người giáo dân và người dân Việt Nam nói chung trên con đường phấn đấu, làm chứng cho Công lý và sự thật. Đó cũng là điều mà đất nước này, dân tộc này rất cần để xây dựng một xã hội “Công bằng, dân chủ, văn minh” như Nhà nước thường xuyên kêu gọi.

Những chất “giọng lạ” và những tiếng nói quen

Trong khi sự chờ đợi đang dồn lên ngày càng căng thẳng đầy sự nghi ngờ, thì có những “giọng lạ” cất lên liên quan sự việc này, gây sự chú ý của dư luận – Lạ vì những chất giọng lạc điệu này đến nay mới chuẩn bị xong để lên tiếng về sự kiện Tòa Khâm sứ, lại lên tiến trên báo chí Nhà nước, dù sự việc đã xảy ra cả hai tháng qua.

Đó là tiếng nói của LM Trương Bá Cần mà tôi đã có dịp đề cập trong một bức tâm thư gần đây. LM Trương Bá Cần đã không quản ngại làm người lính xung kích cho Đảng và Nhà nước trong việc bóp méo sự thật, dù vẫn là một linh mục? Phải chăng, LM Cần muốn những những tài sản của Giáo hội kia vẫn để Nhà nước quản lý (!) nếu Nhà nước vẫn còn thấy thích quản lý? LM Cần thừa biết Giáo hội đã bao lần viết đơn XIN mà vẫn chưa “Chưa được đáp ứng” – Lời LM Cần. Nên Giáo hội cần phải cứ tiếp tục XIN và… XIN nữa?. Bài viết của LM Cần cũng đã góp phần làm rối thêm cái gọi là “Thiên Chúa giáo đã kết hợp thực dân lấy chùa Phật giáo” như một số kẻ cơ hội hiện nay đang ra sức kêu gọi, cổ vũ cho một cuộc xung đột tôn giáo nhằm làm bia đỡ đạn cho Nhà nước trước sự khó xử hiện nay.

Có lẽ LM Cần đã căn cứ câu Kinh Thánh “Ai xin sẽ được, ai gõ cửa sẽ mở”? Nhưng LM Cần đã sai đối tượng. Nhà nước Cộng sản vô thần Việt Nam, không phải là Chúa nên câu Kinh Thánh này không có tác dụng.

Hay LM Cần muốn có một mảnh đất dụng võ cuối cùng, khi mà Tòa soạn tờ báo “Công giáo và dân tộc” hiện nay - theo một số nguồn tin - thì đó đang là đất của những giáo dân di cư Giáo phận Vinh đã mua để dùng cho những việc của Giáo phận tại Sài Gòn từ lâu. Mà hiện nay, người ta đang có kế hoạch đòi lại?

Nhiều tiếng nói khác đã đáp lại, thể hiện sự bất bình với những bài viết nô dịch, với những cách nhìn và cách nghĩ ngược chiều sự thật có truyền thống của một số nhân vật thuộc “Giáo hội quốc doanh”.

Rồi bài viết của ông Lê Quang Vịnh, nguyên Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ ra đời không phải ngẫu nhiên, người ta không lạ những bài viết này có mục đích gì.

Tiếp theo là bức thư gửi ông TT Chính phủ của Hòa thượng Thích Trung Hậu, một chức sắc trong Giáo hội Phật Giáo Việt Nam với định hướng “Đạo pháp và Chủ nghĩa Xã hội”. Bức thư đã lên những chứng cớ lịch sử mơ hồ, không có cơ sở, không đúng sự thật đã được các nhà sử học chứng minh. Và nêu lên một yêu cầu mà người nghe đã biết vì sao HT đã nói về nó chỉ trong dịp này, trong vụ này.

Nếu Nhà nước thấy cần thiết, có thể sẽ còn những tiếng nói khác đồng giọng, sẽ được đăng trang trọng trên trang nhất các báo tại Việt Nam? Miễn là đạt được những gì họ muốn.

Đến đây, tôi lại nhớ đến cách mà Hoàng đế Nero đã làm sau khi đốt cháy thành Roma là tìm người Công giáo để làm vật thiêu thân cho dân chúng hả giận trước những tội lỗi của Hoàng đế. Bằng cách vu cáo cho họ những tội lỗi như đầu độc nguồn nước, giết trẻ em, đốt thành Roma hòng tránh sự trừng phạt phẫn nộ của dân chúng.

Khi những “giọng lạ” đó vừa cất lên, ai cũng hiểu đằng sau đó là gì, bàn tay của ai đã giật những sợi dây của vở rối được đạo diễn vội vàng này.

Bằng cách điểm lại quá trình lịch sử vừa qua, người ta không khó chứng minh được một điều: Những “giọng lạ” này đã có truyền thống và bề dày hết mình phục vụ sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản vô thần lãnh đạo. Và trong quá trình đó, nhiều người đã bán rẻ chính bản thân mình, thay đổi mục đích chính của cuộc đời mình là phục vụ Giáo hội như lời tuyên thệ của họ?

Cũng nhân sự kiện và nhân vật đáng quan tâm này, nhiều bài báo mới và cũ đã được đem ra để kiểm chứng, chứng minh vai trò của các con rối trong những vở diễn gượng gạo mà người ta buộc phải mua vé vào xem xưa nay.

Cần khách quan khi đánh giá một con người

Nhiều nhân vật trong Giáo hội được xem là thuộc nhóm “quốc doanh”, là “xanh vỏ, đỏ lòng”, đã bị (hay được) đưa ra chứng minh, mổ xẻ thẳng thắn. Trong đó, đau lòng thay, có cả hàng ngũ Linh mục và Giám mục? Trong số những người được nhắc đến nhiều nhất từ xưa đến nay, điển hình như các linh mục Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Vương Đình Bích, Huỳnh Công Minh, Thiện Cẩm… và ngay cả các Giám mục như GM Bùi Tuần, GM Nguyễn Văn Sang cũng đã từng được đánh một dấu hỏi lớn là những “Giám mục đỏ”?

Giáo hội Công giáo xưa nay, kể cả giáo hội Hoàn vũ vẫn có những nỗi đau về những mục tử đã không hành xử đúng chức năng của mình cần có. Thậm chí, đã phản bội lại chính Giáo hội và gây bao hậu quả tang thương. Việc chứng minh, mổ xẻ đó có thể là một việc cần thiết để Giáo hội phải đối mặt với chính nỗi đau của mình đang hiện hữu mà có những canh tân, sàng lọc cần thiết.

Với đất nước, với dân tộc, để có thể đi lên kịp thế giới văn minh, không thể sống bùng nhùng trong sự dối trá lan tràn từ thấp đến cao, từ cao xuống thấp như hiện nay. Vì vậy, việc phân biệt rõ ràng đen trắng cũng là một việc hết sức cần thiết.

Nhưng, cũng cần xem xét các khía cạnh hoàn cảnh, lịch sử cũng như một quá trình nhất định để đảm bảo tính khách quan và trung thực, tránh những xúc động cá nhân. Nếu chỉ vì một hành động, một lời nói trong những hoàn cảnh tế nhị nhất định, đã quy kết thành bản chất là điều hoàn toàn không nên. Nhiều khi chỉ là cách hành xử, xưng hô vài hành động cá nhân đã được nhắc lại, trích dẫn để chứng minh những nhận định của mỗi người mà chưa có những quá trình thẩm tra cần thiết, dẫn đến những quy kết có thể sai lạc và oan uổng.

Điều đó cũng không khác mấy với việc đặt lên những người tu hành vốn đã nặng nhọc và vất vả thêm một Thánh giá mới từ chính sự quy kết của mình.

Đặc biệt, khi chúng ta nhìn nhận hàng Giáo phẩm dưới con mắt chính trị thì càng dễ đi xa sự thật hơn. Bởi Giáo hội Việt Nam không là một tổ chức chính trị, càng không thể phục vụ bất cứ thể chế hoặc phe nhóm chính trị nào.

Việc mổ xẻ này, cũng là một cơ hội để cho những ai thuộc Giáo hội nhưng đã đi theo hướng khác lối đi ngay chính của Giáo hội, có những khoảnh khắc tự nhìn lại mình trong con đường thống hối, ăn năn. Tấm gương tày liếp của một số vị trong Hàng giáo phẩm Balan và các nước Cộng sản cũ ở Đông Âu là những bài học đắt giá cho những người đã trót làm tôi hai chủ.

Chính trong những cơn hoạn nạn của Giáo hội, là một cơ hội tốt để ơn kêu gọi được phát huy mạnh mẽ nhất, để thức tỉnh lương tâm của những người lạc lối và kiểm chứng những gương mặt giả hình.

Cũng có những con người, tùy theo cách sống của họ, đã có thể có những điều gây nên cách hiểu khác nhau, thậm chí là hiểu lầm đáng tiếc. Nhưng khi Giáo hội cần, bằng cách này, hay cách khác, đã có những đóng góp nhất định và cần thiết chứng tỏ lòng tin kính của mình.

Giám mục Bùi Tuần, Giám mục Nguyễn Văn Sang và một vài vị khác là những người hay viết lách, được báo chí Nhà nước ca ngợi nhiều, có phải là đích ngắm của những người không ưa sự hợp tác với Nhà nước Cộng sản?

Theo tôi, sự hợp tác chưa hẳn đã là đích ngắm, cái chính là các vị đã viết những gì ở đó. Nhiều khi chỉ là những tâm sự thật nhưng nhạy cảm, mà mỗi người nhìn theo góc nhìn của mình sẽ được hiểu khác nhau.

Ngày 28/9/2005 trên tờ Thanh Niên của Nhà nước Việt Nam, có đăng bài viết của Trần Bạch Đằng “Sự đồng nhất quý giá” có đoạn: “Tôi chia sẻ nỗi day dứt với đức giám mục Bùi Tuần trả lời trên Báo Công giáo Dân tộc nhân ngày Quốc khánh nước ta. Đức giám mục Bùi Tuần nói rõ về những khó khăn riêng của lương tâm một "chủ chăn": "Một đàng, độc lập và hòa hợp dân tộc luôn là lý tưởng tôi khao khát. Một đàng, chống Cộng lại là một mệnh lệnh của Bề trên trong đạo mà tôi phải vâng. Khó khăn lớn nhất là ở chỗ: thời điểm lịch sử tập trung vào việc giành độc lập và xây dựng đoàn kết chống ngoại xâm lại do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Có những lúc, lương tâm tôi cảm thấy diễn ra những xung đột gay gắt. Xung đột có chiều sâu thăm thẳm và có chiều rộng mênh mông. Xung đột lại kéo dài từ năm này sang năm khác. Vì thế, xin thú thật là quá khứ của tôi trong quá khứ của đất nước có nhiều nỗi nặng nề và đau đớn riêng khó tả". (link)

Có thể đó là một sự thật của không chỉ GM Bùi Tuần, mà là của nhiều người, nhưng GM Bùi Tuần là người đã nói ra, nhất là được nói ra trên báo Nhà nước và được nhìn khác đi? Thực tế, những người nói ra được, lại còn hơn những người không hề nói, nhưng đã làm những việc còn tệ hại hơn.

Giám mục F.X. Nguyễn Văn Sang mà nhiều người đã cho là một “Giám mục đỏ” là một thí dụ. Tôi đã thấy trên các bài viết nói nhiều về vị Giám mục này với những lời lẽ khen chê khác nhau.

Ngoài những lời khen về một vị Giám mục tuổi cao vẫn minh mẫn, chịu khó, chăm lo Giáo phận, xây dựng ngôi Thánh đường lớn lao và đẹp đẽ… thì cũng không thiếu những lời chê: Chẳng hạn trong việc “đi nước ngoài như đi chợ” – chắc thân nhà nước Cộng sản vì đã được huy chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân? Hoặc Ngài hay viết và nói thường tự đề cao chính bản thân mình từ những việc nhỏ nhặt như quả chuông mang tên hiệu Thánh F.X. - tên Thánh của Ngài? Lễ hội trọng thể kết hợp với lễ mừng Tổng Giám mục cho hoành tráng. Trong các bài viết, thư chung… ít khi khiêm hạ dùng chữ “tôi” như các Giám mục khác, mà thường là “Đức Giám mục Giáo phận”, “Ngài”… để tự gọi mình như một sự kiêu hãnh…? Hoặc những bài thơ của thi sĩ Bạch Lạp – GM Sang – luôn được lạm dụng nhiều nơi như tự đề cao tác giả? Trong bài cảm ơn khi khánh thành Nhà thờ Thái Bình, ngoài các ân nhân Hàng giáo phẩm, Ngài đã quên mất Giáo dân là những người đã góp công của mà chủ yếu là cảm ơn ông Huỳnh Đảm - Chủ tịch MTTQ, chính quyền hành chính các tỉnh, các cấp, bộ Công an.. . và những lời khen được giành cho Tòa GM và Đức Giám mục được quảng cáo quá nhiều? Hoặc đơn giản là tại sao phải xin ở lại Tòa Giám mục trong các căn phòng cũ làm gì khi đã mãn nhiệm? phải chăng vì nó quá tiện nghi? Có phải đó là gây khó cho người kế vị mới?

Ngay cả việc Tòa Khâm sứ, chính Ngài đã đưa trích dẫn đầu tiên về việc Tháp Báo Thiên theo tài liệu của Nguyễn Xuân Khánh với một vài suy luận của mình, dù đó là một tư liệu, nhưng vẫn gây những điều khó hiểu…?

Xa hơn, có người nói rằng Ngài đã có những phát biểu nhằm biện hộ cho Nhà nước Cộng sản  bằng câu nói nổi tiếng “nếu nói tự do tôn giáo, thì ngay cả ở Apganixtan cũng không thể có”? … Xa hơn nữa, là cuốn sách “Bước đường hành hương” đã nói lên những xúc động của bản thân Ngài khi được tường mặt những vị chức sắc cao cấp của Cộng sản? …

Quả thật nếu chỉ nhìn để đánh giá một con người qua chừng đó chi tiết thì chúng ta thấy có nhiều dấu hỏi ở vị Giám mục này. Những điều đó, cần được góp ý thẳng thắn, chân thành. Nhiều khi chỉ là bản tính đơn giản của một con người thẳng thắn mà thôi. Vì những điều Ngài nói đã nêu trên, thực tế cũng không phải là quá nghiêm trọng để có thể đánh giá cả cuộc đời một con người, có thể đó chỉ là một tính cách.

Một thực tế nữa là nhiều khi, ngồi ở cương vị cao trọng, người ta ít có điều kiện tiếp xúc những lời phê phán, góp ý, chủ yếu là những lời khen, mà bản thân Giám mục, thì cũng là con người như chúng ta, chưa phải là thần thánh.

Nhiều khi, cách xưng hô đúng nhưng chưa hẳn đã là hay, vì trong đó không chứa đựng sự khiêm hạ, sự tôn trọng người khác. Tôi cũng đã gặp nhiều linh mục còn rất trẻ, dù lần đầu gặp mặt, chưa biết tôi có phải là người Công giáo không và ít tuổi hơn tôi rất nhiều nhưng vẫn xưng hô “Cha – con” rất tự nhiên.

Tôi chấp nhận điều đó như một lẽ tự nhiên, nhưng nếu là người khó tính hoặc không công giáo, sẽ có lúc vị linh mục ấy được hỏi: Tôi là con của ông từ khi nào? Đa số các linh mục, đều rất hoà nhã và khiêm hạ khi gặp những người khác kể cả cách xưng hô. Điều đó không làm giảm uy tín của những vị đó, mà trái lại, người khác càng tôn trọng những vị linh mục hiểu biết và khiêm tốn hy sinh.

Câu Kinh Thánh: “Ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên” luôn luôn là bài học mỗi ngày cho mỗi người khi giao tiếp.

Nhưng điều chính yếu là chúng ta cần đánh giá, xem xét một quá trính tu hành cũng như những thành quả mà Ngài đã làm được, quả là không nhỏ cho Giáo hội. Tôi nghe rằng, ở Thái Bình không có UBĐK Công giáo mà các tu sỹ phải tham gia? Xin đừng nói rằng Ngài đã kiêm luôn chức đó.

Ngay cả vụ Tòa Khâm sứ, Ngài dù tuổi cao sức yếu, cũng đã dành khá nhiều thời gian và công sức cho việc bênh vực công lý, hiệp thông với Giáo hội rất kịp thời và dũng cảm. Xin đừng cho rằng những việc làm của Ngài là để làm việc cho Nhà nước theo lệnh của ai đó hoặc Ngài đang muốn kiếm thêm một chiếc Huy chương thứ 2.

Tôi chưa có dịp được gặp Ngài lần nào, nhưng có lần nói chuyện với TGM Ngô Quang Kiệt, TGM Ngô Quang Kiệt cười bảo tôi: “ Đức Cha Sang là một người thẳng thắn kiểu “ruột ngựa”, có sao nói thế nên có khi gây hiểu lầm thôi”.

Tôi cũng đã từng đọc nhiều bài viết của LM Thiện Cẩm, nghe khá nhiều về Ngài qua những bài viết về “Nhóm linh mục quốc doanh”. Nhưng trên diễn đàn bảo vệ Giáo hội trong vụ Tòa Khâm sứ, Ngài đã viết thẳng thắn và bảo vệ công lý, sự thật. Phải chăng đã đến lúc, Ngài hiểu được những hành động cộng tác với tờ “Công giáo và dân tộc” nay cần xem xét lại chứ không thể dùng đó làm nơi gieo trồng những giống tốt của Chân lý?

Mục đích chính của việc tranh cãi là gì?

Việc tranh cãi, đưa các bằng chứng lịch sử và thực tiễn chứng minh việc đòi lại đất đai của Giáo hội bị chiếm đoạt là điều cần thiết. Nhưng chúng ta không sa đà vào ma hồn trận mà những bàn tay nào đó đã giật dây gây nên để làm những việc mà vô hình trung đã hướng tới việc tranh chấp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đó chính là âm mưu của kẻ giật dây kia.

Với những cứ liệu lịch sử, những người quan tâm, các luật sư, các nhà sử học trong và ngoài Công giáo có chính kiến và lương tâm nghề nghiệp, đã chứng minh rằng: những luận điểm, đòi hỏi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là vô lý.

Dù những tài sản trên, đã qua thăng trầm như thế nào trong lịch sử, thì điều hiển nhiên hôm nay là: Giáo hội đòi lại tài sản mà mình đang sử dụng ngay tình, thì bị chiếm đoạt ngang nhiên không có cơ sở pháp lý. Giáo hội có những bằng chứng, những cơ sở pháp lý không thể chối cãi bằng giấy tờ hợp luật được công nhận qua các thời kỳ chứ không phải qua một trang sách, một câu văn mơ hồ nào.

Tuyệt nhiên, đây không phải là việc tranh chấp giữa hai tôn giáo về tài sản. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm nay, không phải là chủ thể để tranh chấp những tài sản trên với Giáo hội Công giáo Việt Nam. Đây chỉ là chuyện giữa Giáo hội Việt Nam và Nhà nước Việt Nam. Xin đừng nhầm lẫn chủ thể và mục đích, để những bàn tay đang giật dây kia hiểu rằng: Những trò đó không làm cho Giáo hội lúng túng.

Bởi vì, Nhà nước đã chiếm đoạt tài sản đó từ tay Giáo hội mà không có căn cứ pháp lý, thì trước hết cần phục hồi nguyên trạng, trả lại người sử dụng trước khi bị chiếm đoạt cho hợp lẽ công bằng.

Vì vậy, cần xác định rõ mục đích của việc tranh luận này là làm rõ ràng một vấn đề đã thuộc lịch sử bị xuyên tạc một cách cố ý mà thôi.

Việc tranh cãi để chứng minh tính pháp lý và lịch sử khu đất Tòa Khâm sứ thuộc Giáo hội Việt Nam, không thể là nguyên cớ biện minh cho việc Nhà nước trì hoãn việc thực hiện lời hứa của mình.

Với quyết tâm sắt đá của mình, những người Công giáo Việt Nam hôm nay đã khẳng định ý nguyện phấn đấu cho Công lý và sự thật được sáng tỏ. Điều đó đến nhanh hay chậm, đơn giản hay phức tạp, hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước Việt Nam.

Hà Nội, Ngày 26 tháng 2 năm 2008

JB Nguyễn Hữu Vinh

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/dang-sau-mot-cuoc-tranh-cai-ve-lich-su/