Trích từ Dân Chúa

'Đã sai trái lại còn lớn tiếng' - Tấm danh thiếp của báo chí độc quyền

JB Nguyễn Hữu Vinh

Các phương tiện truyền thông Việt Nam là công cụ dưới sự lãnh đạo của Đảng thời gian qua đã mở một chiến dịch truyền thông rầm rộ, ầm ĩ và mạnh mẽ kết tội “Linh mục, tu sĩ vào giáo dân Thái Hà đã vi phạm pháp luật”. Một số tờ báo, đài truyền hình từ Trung ương đến địa phương đã tung ra một chiến dịch đàn áp thông tin bất chấp lẽ phải, bất chấp pháp luật và nhất là bất chấp sự thật.

Bất chấp lương tâm tối thiểu của người cầm bút hoặc nhân cách một con người có lương tri, họ đã cố tình biến mình thành công cụ đắc lực của kẻ cầm quyền để phục vụ những thế lực muốn biến những điều sai trái thành lẽ phải, biến sự dối trá thành chuẩn mực xã hội, bảo vệ những thế lực nhũng loạn, vùi dập những người lương thiện.

Luật pháp Việt Nam ghi rõ: Không ai có thể bị coi là có tội, khi chưa có một bản án có hiệu lực được tuyên bởi một tòa án. Tuy nhiên, đấy chỉ là luật, còn thực tế, hiện cả đất nước đang thịnh hành “luật rừng” - cái luật hoang dã bản năng theo phương ngôn “Chân lý thuộc về kẻ mạnh”, Đó cũng là cách hành xử thường thấy nhất là trên lĩnh vực thông tin của những thế chế độc tài và độc quyền.

Qua mấy ngày dồn dập đổ lên đầu các linh mục, tu sĩ và giáo dân Xứ Thái Hà những tội lỗi tự họ nghĩ ra và áp đặt. Ngày 22/8/2008, sau khi Giáo xứ Thái Hà gửi đơn khiếu nại gay gắt đến các cơ quan chức năng, các cơ quan truyền thông… theo những quy định của pháp luật, về việc bị báo chí nhà nước vu cáo, bôi nhọ, xúc phạm danh dự và xuyên tạc sự thật, thì báo Hà Nội Mới có ngay trên trang nhất bài: “Đã sai trái lại còn lớn tiếng”. Báo VietnamNet đăng bài: “Khi giáo xứ dùng “luật rừng”” cũng như một số tờ báo khác và Đài truyền hình lớn tiếng kết tội giáo dân, giáo sĩ.

Nội dung bài báo trên tờ Hà Nội mới không có gì mới, vẫn những lời kết tội thường thấy và mục kể lể cả nước có bao nhiêu xứ đạo, bao nhiêu nhà thờ, bao nhiêu linh mục, giám mục… như thể đó là do công ơn của nhà nước và của Thành phố tạo ra? Vẫn những ý kiến của những người không địa chỉ với những lời kêu gọi của những giáo gian, của những người mà có lẽ muốn tìm họ thì cần phải nhờ vào trí tưởng tượng của người cầm bút?

Còn bài viết trên VietnamNet của tác giả Trường Minh – Vũ Hoàng, là thể hiện một sự táng tận lương tâm một cách cao độ của kẻ cầm bút. Khi mà đơn từ của Xứ Thái Hà đã đến với họ, trong đó vạch rõ những mâu thuẫn mà không cần một người có đầu óc minh mẫn cũng hiểu được những khuất tất ở những văn bản họ đã có trong tay, cả mấy cái quyết định đá nhau của Thành phố Hà Nội, sở Tài TNMT và Nhà đất cũng như cái quyết định số 76/SQL-ND được ký ngày 30/1/1961?

Vậy mà người cầm bút vẫn bịa đặt không gớm tay, con số công nhân được nâng lên 1.000 cho khủng khiếp, trong khi công nhân của Công ty May Chiến Thắng thực tế chỉ còn có mấy chục người, còn lại đã chuyển đến 22 Thành Công. Chỉ có một điều duy nhất đúng ở đó, là cái câu “Đất có chủ mà như vô chủ” câu này tiếc rằng đã đặt sai thời gian và đối tượng, đáng lẽ phải nói rằng: Tháng 1/1961, đất đai này vẫn là của Dòng Chúa Cứu Thế - Xứ Thái Hà, nghĩa là vẫn có chủ, nhưng ngày 30/1/1961 đã bị Sở nhà đất Hà Nội vô cớ phân cho Xí Nghiệp Thảm len Hà Nội. Bởi vì theo Quyết định của UBND Thành Phố Hà Nội mà họ đã nêu, cũng như của Sở TNMT và Nhà đất Hà Nội, thì tận ngày 24/10/1961 (Hoặc 24/11/1961?) mới được Linh mục Bích? “bàn giao qua nhà nước”? Vậy mới đúng là “đất có chủ” nhưng nhà nước đã hành xử “như vô chủ” mà thôi.

Âu đó cũng là cách truyền thông biến nạn nhân thành thủ phạm thường thấy.

Đọc những bài báo này, nhiều người tỏ ra khinh bỉ, bĩu môi: “ôi dào, lại cái giọng của mấy thằng lưỡi gỗ, đổ cháo vào là nó nói như máy thôi mà, chấp chúng nó làm gì, chúng nó sẽ chịu hậu quả của sự dối trá xúc phạm bổ báng tôn giáo, thần thánh mà người đời hay gọi là “bốc lửa bỏ tay người” ngay thôi. Đời nó ăn mặn, thì đời con cháu nó tha hồ mà uống nước thôi”.

Tuy vậy nhưng đọc mấy đầu đề của vài tờ báo nhà nước, tưởng cũng có vài điều cần bàn:

Phương thức báo chí kết tội thay tòa án, là một phương thức không hề lạ lùng trong làng báo chí Việt Nam dưới sự lãnh đạo thống nhất của đảng. Đó cũng là “lề đường bên phải” mà báo chí được bật đèn xanh cho đi? Cái lối mòn của báo chí độc quyền và thể chế độc tài.

Tuy nhiên, điều đó chỉ được tha hồ thao diễn với những đối tượng không vừa lòng đảng và chính phủ, những đối tượng đó là tôn giáo (là tổ chức của các công dân hạng hai), là những người đòi hỏi cho đất nước được dân chủ, công bằng, bác ái… Còn đụng tới mấy quan tham nhũng, mấy cán bộ có chức có quyền thì hãy coi chừng. Vụ PMU 18 vừa qua là một ví dụ điển hình, khi quan chức bị phanh phui, bị bắt đã được nhà nước tha bổng ra khỏi tù, thì báo chí hãy liệu cái thần hồn! Hàng loạt phóng viên bị bắt, hàng loạt lãnh đạo báo được mời nhận án, kỷ luật vì xúc phạm công dân, kết tội thay tòa… mà cả dàn mấy trăm tờ báo im tịt như thóc giống đổ bồ.

Cũng chỉ những vụ đất đai Thái Hà, đất Tòa Khâm sứ, đất đai của nhà thờ, thánh thất… thì báo chí tha hồ mà kết tội. Còn những vụ như đất đai biên giới, đất đai Hoàng Sa, Trường Sa… đã được “bàn giao qua Trung Quốc thống nhất quản lý” (nói theo cách của nhà nước) thì cả dàn báo chí mấy trăm tờ đua nhau… tịnh khẩu.

Đọc cái đầu đề “Đã sai trái lại còn lớn tiếng” mà tôi thấy thật buồn cười, nó giống như một câu khẩu hiệu, là phương châm hành động của báo chí nhà nước?

Ai sai trái ở đây?

Một bên là nhà nước, với súng đạn và chuyên chính vô sản trong tay, hàng loạt công an, cán bộ, phương tiện vũ khí, công cụ, tiền bạc không hạn chế, với phương thức của một chính quyền trên nòng súng, cố đoạt bằng được mảnh đất mà cha ông giáo dân đã tích cóp mua để sử dụng cho những lợi ích chung của xã hội, của những người nghèo…

Ai cũng biết rằng: Tất cả tài sản mình thủ đắc mà không ngay tình, không được sự đồng ý của chủ sở hữu, thì đều là sai trái, là bất hợp pháp. Mà pháp luật là chứng cứ, là văn bản, giấy tờ cụ thể, chứ không thể chỉ là câu cửa miệng “đã bàn giao qua nhà nước thống nhất quản lý” của một vài quan chức, hoặc một vài văn bản không có cơ sở dùng để bao biện, chữa cháy thế là xong. Nếu có những giấy tờ bàn giao, bán… hoặc bất cứ thứ gì phù hợp pháp luật, khi người khác khiếu nại, phải xuất trình, vậy mà giáo dân đòi đến hơn chục năm trời, trưng ra cả các loại chứng cứ với các hình thức kêu gào, vẫn không được các “công bộc của nhân dân” cho xem những chứng cứ đó.

Một bên là một nhóm giáo dân không một tấc sắt trong tay, đã phát hiện ra mảnh đất của cha ông mình với bao xương máu để có được, bổng chốc bị chiếm đoạt vô cớ. Rồi bị biến thái từ đất công thành đất tư, từ chủ này sang chủ khác, (trái với ngay chính quyết định giao đất ban đầu, vi phạm pháp luật nghiêm trọng), cuối cùng có nguy cơ bị biến thành những miếng mồi cho những quan tham, thì kiên quyết đòi lại công lý theo quy định của pháp luật. Dù pháp luật quy định có thời hạn giải quyết các khiếu nại, thế nhưng ở đây, việc khiếu nại đã có cả chục năm vẫn chưa đủ, vẫn phải chờ… pháp luật giải quyết? Khi chẳng đặng đừng, phải tiếp cận với tài sản của mình có nguy cơ bị mất trắng, thì được báo chí và các quan chức kết tội ngay là “vi phạm pháp luật”? Vậy ai sai trái ở đây và ai dùng luât rừng ở đây?

Ai lớn tiếng ở đây?

Một bên với hàng mấy trăm tờ báo, từ báo hình, báo giấy, báo mạng… hàng ngàn cái loa phường chõ vào nhà dân, trên mỗi con đường, góc phố cưỡng bức thông tin hàng ngày, hàng đêm. Đọc ra rả những bản án của phóng viên và tòa soạn kết tội đích danh từng ông linh mục, tu sĩ, từng người giáo dân. Khi đến giờ giáo dân tập trung cầu nguyện, chiếc loa mới được lắp khẩn cấp lại lải nhải đọc những lời vu cáo trên, nhằm phá rối những lời kinh, tiếng Thánh ca…

Cùng với những thủ đoạn đê hèn, dựng nhân vật ảo, chứng cứ giả, bịa đặt chuyện khẩu hiệu chống chính phủ, chuyện phát loa đến 1-2 giờ sáng, đạo diễn các giáo gian… phỏng vấn những nhân vật mà chưa bao giờ họ được tiếp xúc thông tin để mà cắt, mà xén. Cũng trên báo Hà Nội mới, với hàng loạt nhân vật được cho là giáo dân, là bạn đọc với những địa chỉ vu vơ là phường nọ phường kia với hàng vạn con người không thể xác định, có một địa chỉ như sau: “Ông Nguyễn Đức Thắng, giáo dân xứ đạo Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai: Phải xử lý nghiêm minh những hành động sai trái”. Chúng tôi gọi điện đến linh mục Nguyễn Khắc Quế, Chính xứ Thạch Bích để kiểm chứng thông tin này. Sau khi gọi cả ban hành giáo kiểm tra và thẩm định lại cả 4 họ trong xứ, Linh mục Quế khẳng định: ở Xứ Thạch Bích, không có ai là Giáo dân Nguyễn Đức Thắng, ngoại trừ có một người đã chết từ lâu lắm rồi?

Cũng mới đây có trường hợp đạo diễn giáo gian đã bị bể mánh, vạch mặt ngay trước cộng đồng giáo dân trên linh địa Đức Bà là một ví dụ điển hình… Nghĩa là bất chấp một thủ đoạn đê hèn nào miễn là nói bằng được điều muốn nói, áp đặt bằng được tội muốn áp đặt.

Một bên là mấy ông linh mục, mấy ông bà giáo dân với tờ đơn gửi đi không biết sẽ đến đâu, không có một tờ báo, không một phương tiện thông tin tối thiểu để có thể vượt tường lửa (một biện pháp ngu dân hóa) để tiếp cận thông tin. Chỉ có những lời kinh, tiếng hát nguyện cầu thì được cho là mất an ninh, trật tự… và vi phạm pháp luật.

Không hề có một bản tin, không có một tiếng loa đọc lên những lá đơn ấy… Vậy ai là kẻ lớn tiếng ở đây, không cần so sánh, người ta cũng hiểu.

Thật ra, chuyện báo chí Việt Nam là chuyện dài kỳ khi mà Việt Nam xếp hạng 178/195 trên thế giới về tự do báo chí trong khi dân số Việt Nam đứng hàng thứ 13 trên thế giới. Đó cũng là một đặc trưng của báo chí độc quyền theo đúng “lề đường bên phải” của đảng đã chỉ ra.

Ông Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông, một ông sính chơi chữ nói rằng: “Quản lý là quản có lý, bao gồm cả đạo lý và nguyên lý. Đạo lý là ủng hộ người tốt, răn đe người không tốt. Nguyên lý là tạo hành lang cho người ta hành động. Đi ngoài hành lang không được và không an toàn”.

Vậy cách báo chí dựng nhân chứng, chứng cớ giả, nhân vật ảo, kết tội thay tòa đối với những người dân lương thiện, những đối tượng bị chiếm đoạt với trò đánh hội đồng, bịt miệng nạn nhân để chửi vào tai họ, bôi xấu, hạ nhục người khác để bảo về những quan tham, phải chăng là phương thức hành động của báo chí ngày nay? là hành động đạo lý “ủng hộ người tốt, răn đe người không tốt”?

Kinh Thánh có câu rằng: Kẻ đồng loã với tên trộm cắp - là làm hại chính bản thân mình (Châm Ngôn - Chương 29 – câu 24).

Với những người kiếm miếng cơm bằng ngòi bút nô lệ, cũng có khi nên thông cảm cho họ, bởi tay họ cầm bút nhưng ngòi bút phải viết theo những lời lẽ của bộ máy điều khiển từ xa. Nhiều khi lòng trí họ không muốn mà vẫn phải “nhả ngọc phun châu” những lời độc địa và phản phúc.

Tuy nhiên, mọi sự đều có giá của nó, với những kẻ nô lệ, những tên lính xung kích trên mặt trận đánh phá tôn giáo, báng bổ thần thánh, sẽ có một ngày họ đối diện với tâm hồn mình, mang trên vai một món nợ không thể trả cho cuộc đời này, vì như dân ta thường nói: Trời cao nhưng Trời có mắt. Cũng như cha ông thường nói “Phúc đức tại mẫu”, họ và con cái họ sẽ được hưởng những thành quả của họ mang lại.

Lời kết: Quả là cái môn gắp lửa bỏ tay người thì mấy vị báo chí nhà nước đúng là siêu việt. Đọc cái câu “Đã sai trái lại còn lớn tiếng” trên báo Hà Nội mới và “Khi giáo xứ dùng “luật rừng”” trên báo VietnamNet hôm nay, tôi chợt nghĩ sao giống một câu quảng cáo cho báo chí và pháp luật nhà nước đúng đắn đến vậy? Và các bạn đừng nghĩ là quảng cáo chỉ là quảng cáo. Bản quảng cáo này, đã nói đúng thực chất chất lượng báo chí và pháp luật nhà nước trong những vụ này.

Hà Nội, Ngày 22 tháng 8 năm 2008

JB Nguyễn Hữu Vinh

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/da-sai-trai-lai-con-lon-tieng-tam-danh-thiep-cua-bao-chi-doc-quyen/