Trích từ Dân Chúa

Cuộc Tranh Luận Không Cân Sức

Lão Nông Thái Bình

Tôi thường rất tâm đắc và thán phục người đã đề ra câu khẩu hiệu: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhất là được áp dụng triệt để thì xã hội thật tuyệt vời.

Tôi đang trầm ngâm suy nghĩ về vấn đề đất đai xứ Thái Hà thì được tin vui là chính quyền mời các vị trong Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà Hà Nội ra làm việc. Phen này hai phía đối thoại với nhau chắc sẽ đi tới hài hòa tốt đẹp. Ai ngờ đó lại là một cuộc đối thoại... không cân sức. Chính quyền thì đầy đủ các ban bệ, có công an bảo vệ vòng trong vòng ngoài, còn bên dân thì chỉ được mời chọn lựa, phải đấu tranh mãi... người dân thứ thiệt là giáo dân mới được vào tham dự.

Đối thoại mà ông Phó trưởng đoàn bên Sở Tài Nguyên và Môi Trường độc thoại những 9 trang giấy và kéo dài tới 2 tiếng đồng hồ, và nội dung thì toàn là báo cáo cho người nghe những vấn đề họ đã biết, rồi đơn phương đi tới kết luận quy kết những sai phạm cho đối phương, nghĩa là chính những người đang trên bàn đối thoại. Về phía Nhà Dòng Chúa Cứu Thế, các vị đại diện và giáo dân cũng trình bày 15 ý kiến như quan điểm trước đây đã từng công khai trước dư luận.

(Xin xem bài: “Nội dung buổi làm việc của các Linh mục và Ban Đại Diện giáo xứ Thái Hà với chính quyền” đăng trên Vietcatholic ngày 12/4/2008).

Thật nực cười khi có những điểm báo cáo của đoàn Thanh tra rất mâu thuẫn, như việc hiến đất của linh mục Vũ Ngọc Bích vào ngày 24/10/1961 (thực ra ngày này trùng với ngày chính quyền nói linh mục Nguyễn Tùng Cương hiến đất Tòa Khâm Sứ, là ngày kê khai đất ở Hà Nội) lại có vẻ xảy ra trước ngày 30/01/1961, ngày Nhà Nước ký văn bản duyệt y quyết định giao đất cho xí nghiệp Thảm Len Đống Đa sử dụng! Và thay vì đối thoại, Nhà nước lại huy động các báo chí, đài phát thanh, truyền hình như lời phái đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà “phản đối nội dung xuyên tạc của các bản tin trên đài Truyền hình Hà Nội và các bài trên trên báo Hà Nội Mới”.

Đối thoại mà một bên chỉ có 5 ông thầy dòng gầy gò cổ coll và 6 người dân nghèo ở Thái Hà, còn bên kia hàng hàng lớp lớp các vị vòng trong vòng ngoài áp lực, cộng với các hình ảnh, âm thanh loa đài, văn bản chữ nghĩa trên báo chí... thì là một cuộc đối thoại không cân sức... thua là phải chứ còn oan ức cái nỗi gì! Điều này làm tôi nhớ lại câu thơ của anh chàng nói khoác: “Sức khỏe Hạng Vương cho một búng - Cờ cao Đế Thích chấp đôi xe”.

May quá! Cuối cùng, để giữ thể diện cho bên đối thoại, ông trưởng đoàn Thanh tra lớn tiếng tuyên bố: “Hôm nay là buổi tuyên truyền pháp luật” để cho dân nghe, chứ không phải đối thoại cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Nếu chỉ là một buổi “tuyên truyền pháp luật” thì cứ ở nhà hay ra phố Đức bà lúc đó cũng có buổi tuyền truyền pháp luật, việc gì phải đến đây để hai bên cùng mất thời gian, lại thêm tốn kém chè nước, xăng dầu đi lại?

Kể cả Truyền hình Hà Nội đã chiếu văn bản và bảo là các kết luận của Đoàn Thanh tra. Tôi có nghe một vị giáo sư triết học nào đó nói với tôi từ hơn một năm trước về một ông thanh tra nào đó mắc phải sai sót. Tôi không có ý ám chỉ các vị Thanh tra của chúng ta ở Thái Hà, nhưng xin các vị hãy xem xét lại kẻo dân oan.

“Thanh cha, thanh mẹ, thanh gì,
Nếu có phong bì, thì mới thanh kiu (thank you)”.

Nhưng dẫu sao, cung cách làm việc của các vị như bài ghi lại nội dung buổi làm việc làm cho Lão Nông bộc trực này cảm thấy buồn chán.

Ngày 14 tháng 4 năm 2008

Lão Nông Thái Bình

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/cuoc-tranh-luan-khong-can-suc/