Trích từ Dân Chúa

Cuộc phỏng vấn Đức TGM Ngô Quang Kiệt về diễn biến tại Tòa Khâm Sứ

Lm Trần Công Nghị

LOS ANGELES - Tối ngày ngày hôm 18/9/2008 qua lúc 10:30PM (giờ Los Angeles) tức là 1:30 trưa ngày 19/9/2008 (giờ Hà Nội), đang diễn ra thảm cảnh công an, quân đội, cảnh sát đã bảo vệ và cho phép xe ủi vào khu vực Toà Khâm Sứ Hà Nội để phá đổ hàng rào phía trước... LM Trần Công Nghị đã gọi về Hà Nội để thăm hỏi và phỏng vấn Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt về hiện tình.

Sau đây là bài phỏng vấn:

Nghe (21:45) | Download (4.9 Mb) Phỏng vấn Đức TGM Hà Nội: Cực lực phản đối hành động đơn phương xâm phạm Tòa Khâm Sứ

80919H41.jpg

Các xe ủi đang làm việc trong khu đất Toà Khâm Sứ 19.9.08
Xem toàn bộ tập hình

LM Nghị: Kính thưa các vị thính giả và độc giả của chương trình VietCatholic, tôi là linh mục Trần Công Nghị và giờ đây tôi đang trực tiếp gọi điện thoại về để nói chuyện với đức Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội. Ngày hôm nay, vào ban sáng thì cảnh sát rất là đông cũng như là công an đã kéo đến Tòa Khâm Sứ và đã đánh đổ cổng vào và đã đưa xe tới để mà định sang bằng tòa Khâm Sứ. Trước những hành vi như vậy thì chủng sinh đã ra cầu nguyện ngoài cổng.

Vậy xin thưa đức Tổng tình hình hiện nay như thế nào, đức Tổng có thể tả cho chúng con về biết cảnh tượng bây giờ như thế nào, thưa đức Tổng ?

ĐTGM Kiệt: Thưa cha, bây giờ bên trong Tòa Khâm Sứ thì các xe ủi đang làm việc. Các xe ủi đã …trước hết các xe ủi đã làm ủi đổ hết tường rào, tường sắt ở phía đằng trước Tòa Khâm Sứ và bây giờ đang ủi trong sân và đưa đất vào trong đó. Đằng trước sân Tòa Khâm Sứ cũng như bên trong thì dày đặt công an, đã làm hàng rào, dây kẽm gai để phong tỏa từ đầu đường lối vào tòa giám mục, cũng như là phong tỏa dòng Mến Thánh Giá. Trong các công an thì cũng có lực lượng phản ứng nhanh, cảnh sát 113, công an mặc sắc phục và công an mặc thường phục cùng với các máy quay phim chụp ảnh và có cả chó nghiệp vụ nữa.

Họ túc trực ở đó và lúc nào cũng khẩn trương để ngăn chận không cho giáo dân đi qua lại và kể cả các nữ tu ở bên tòa Giám mục muốn về nhà cũng về không được vì đã bị phong tỏa kín hết rồi.

Trong khi đó thì phía bên ngoài những khu vực phong tỏa và ngay trong sân tòa Tổng Giám Mục thì giáo dân đang càng ngày càng tập trung đến đông, các nữ tu cũng như các chủng sinh đang thay phiên nhau đọc kinh cầu nguyện trong sự canh chừng của các công an

Ngoài ra cũng có phóng viên các báo nước ngoài đã làm sao biết được đã đến quay phim và chụp hình. Có những phóng viên đến tác nghiệp thì bị đuổi vào trong sân tòa Giám mục nhưng được dân chúng bảo vệ nên thoát được, tuy nhiên cũng có phóng viên nước ngoài bị lấy máy ảnh hay là bị hành hung. Đó là một vài nét tả lại cảnh hiện nay đang diễn ra trước mắt chúng tôi.

LM Nghị: Vâng, cám ơn đức Tổng. Kính thưa đức Tổng chúng con được biết tin rằng sau khi biết được tin họ đến phá cổng Tòa Khâm Sứ và đã tràn vào đó thì có rất nhiều các linh mục, tuy dù hàng rào đã bị chắn ở trước đường phố Nhà Chung để vào Tòa Khâm Sứ như vậy thì chúng con cũng nghe biết rằng có rất nhiều người như đức Tổng cũng vừa nói các linh mục cũng như giáo dân đã tụ tập về, bằng cách nào mà họ có thể vào đấy được thưa đức Tổng ?

ĐTGM Kiệt: Họ đi lối nhà thờ, rất may là phía nhà thờ chính tòa vẫn phải mở cửa để cho giáo dân vào đi lễ, cho nên những người giáo dân cũng như các linh mục lấy lí do vào đi lễ, thì từ phía nhà thờ chính tòa có thể đi sang tòa Tổng Giám Mục được.

Trước đây thì chính đức Tổng cũng như là Tòa thánh thì cũng đã đồng ý cái giải pháp là sẽ đối thoại để chính quyền đồng ý trả lại Tòa Khâm Sứ trong tinh thần hòa giải và tinh thần đối thoại. Nhưng mà trước hành động này thì sáng hôm nay báo Hà Nội Mới đã đưa một tin rằng "sẽ biến đổi khu vực Tòa Khâm Sứ thành một công viên”. Thế thì như vậy tức là họ đã đi đến một kết luận là không đối thoại nữa. Và như vậy họ chận đường, và tự ý họ làm và không cần ý kiến của tòa Giám mục cũng như là của đức Tổng nữa thì trước sự kiện này thì đức Tổng Giám mục cho chúng con biết nhận định như thế nào?

Về sự việc này, chúng tôi rất lấy làm buồn bởi vì theo văn thư của đức hồng y Quốc Vụ Khanh hồi đầu năm nay nói rằng sẽ phải đi vào việc đối thoại và ở đây tất cả mọi người từ giáo sĩ đến giáo dân đã tuân theo lệnh của Tòa thánh đi vào cuộc đối thoại, nhưng mà chúng ta thấy đấy cuộc đối thoại đó không phải chỉ có của Giám mục còn có giáo dân, giáo sĩ và cả Hội đồng Giám mục nữa. Thế nhưng mà cuộc đối thoại đang tiến hành nhưng Nhà nước lại có quyết định đơn phương như thế, nên chúng tôi thấy rằng nhà nước đã tự ý phá vỡ cuộc đối thoại này, không tôn trọng ý kiến của Hội đồng Giám mục cũng như là của Tòa thánh, và nhất là của giáo dân Hà Nội. Đó là điều rất là đáng buồn.

LM Nghị: Trước khi họ đến phá cổng để vào Tòa Khâm Sứ bằng một quyết định là “lập một công viên” như báo Hà Nội Mới đã nói. Vậy đức Tổng Giám mục không được tham khảo ý kiến trong tuần này? Không bao giờ được ai tham khảo về công việc họ làm như thế này?

ĐTGM Kiệt: Vâng, chúng tôi không hề được tham khảo, chiều hôm qua vào lúc 3 giờ chiều thì chúng tôi mới nhận được cái văn thư của quận Hoàn Kiếm mời đến để nghe "công bố về dự án quy hoạch đất 42 Nhà Chung thành công viên cây xanh” thì chúng tôi đã không đến họp. Nghe nói cuộc họp đó có khoảng 10 người, họ đã tự động công bố thế rồi sáng nay họ quyết định làm ngay thành ra không có một ý kiến nào của tòa Giám mục.

Báo, Đài Truyền hình Hà Nội sáng nay cũng đưa tin là “đã có đại diện của tòa Tòa Giám mục đến tham dự và đã đồng ý” thì điều đó là hoàn toàn sai sự thật.

LM Nghị: Thưa đức Tổng, trước hành động đơn phương của chính quyền đã cắt bỏ sự đối thoại, sự hợp tác của Tòa thánh cũng như của tòa Giám mục Hà Nội, cũng như Hội đồng Giám mục Việt Nam. Trước sự kiện này thì thưa đức Tổng phân tích cho chúng con biết về khía cạnh pháp luật để dự án quy hoạch và về quyền sở hữu của Tòa Khâm Sứ như thế nào, thưa đức Tổng ?

ĐTGM Kiệt: Có thể nói là chính nhà nước đã làm sai luật pháp.

Trước hết theo những quy định chung và hướng dẫn chung của nhà nước về vấn đề quy hoạch một khu dân cư hay một công trình công cộng. Theo quy định này, trước hết thì quy hoạch đó phải được niêm yết cho toàn dân xem và góp ý kiến rất nhiều tháng trước khi được thi hành và để xem nếu có sự đồng thuận của tất cả mọi người dân trong khu xóm đó thì mới có thể thi hành được.

Còn nếu người dân trong khu xóm, khu vực đó người ta không đồng ý thì phải thuyết minh, còn nếu không thuyết minh được thì phải bỏ dự án đó, và cái này chúng ta thấy xảy ra ở nhiều nơi.

Thế rồi nếu có muốn quy hoạch thành hình thì phải bồi thường cho những đất đai của những người chủ trên đó.

Thế thì chính nhà nước đã vi phạm những quy luật mà nhà nước đã đưa ra là không có niêm yết cái dự án quy hoạch trước và chúng tôi không hề biết cái dự án đó như thế nào, chỉ có chiều hôm qua mới thấy xuất hiện một cái bảng nhỏ nhỏ, sau khi họp người ta mới treo cái bảng nhỏ nhỏ trước Tòa Khâm Sứ và nói đây là dự án quy hoạch niêm yết cho dân chúng xem thì chỉ được vài tiếng đồng hồ, đó là khía cạnh thứ nhất.

Khía cạnh thứ hai, đó là quyền sở hữu, việc quy hoạch khuôn viên cây xanh ở trên đất số 42 Nhà Chung gọi là đất của tòa Khâm sứ thì nó cũng hoàn toàn là sai vì nó không tôn trọng quyền sở hữu hiện tại đó là thuộc về tòa Tòa Giám mục Hà Nội.

Quyền sở hữu này chúng ta biết rằng nó phải được chứng minh bằng giấy tờ hợp pháp chứ không phải cứ ai mạnh chiếm là được, tòa Tòa Giám mục có đầy đủ văn bản, có chứng khoán điền thổ những năm từ thời Pháp thuộc.

Còn phía nhà nước thì không biết ai quản lý đất này thì không biết, nhưng không có một cái văn bản nào cả.

Thế nên tôi xin nhắc lại lịch sử đó là Đức Khâm Sứ Dooley đã ở đó đến năm 1959 thì ngài bị trục xuất, rồi thì đến năm 1960 cha thư kí của ngài cũng bị trục xuất nhưng mà ông tài xế và một vài người làm công cho Tòa Khâm Sứ vẫn ở trong tòa nhà đó. Cho đến nhiều năm sau thì có nhân viên nhà nước đến đuổi hai người này ra và cũng không có theo một chính sách và cũng không có một cái văn bản nào cả.

Tuy nhiên hai nhà vẫn thông nhau, rồi đến một ngày kia nhà nước mời tất cả: Đức Cha Căn, rồi các cha trong tòa Giám mục và các nhân viên đi họp hết. Và khi họp trở về thì thấy bức tường đã được xây lên rồi. Cho nên có thể nói bức tường đó cũng được xây một cách lén lút không có minh bạch.

Thế rồi cũng không có một cái văn bản nào hiến tặng, cũng không có văn bản nào tịch thu, thế cho nên có thể nói Tòa Khâm Sứ đó vẫn thuộc về quyền sở hữu của tòa Tòa Giám mục.

Trong một nước văn minh thì chúng ta phải tuân theo luật pháp. Quyền sở hữu phải có giấy tờ hợp pháp, còn nếu căn cứ vào luật mạnh được yếu thua thì có lẽ điều đó không được văn minh lắm.

LM Nghị: Dạ vâng, kính thưa đức Tổng, như vậy như đức Tổng đã nhấn mạnh hai lần là tính cách thi hành của chính quyền Việt Nam đối với Tòa Khâm Sứ thì có vẻ lén lút và không được công đạo, đồng thời có tính cách trấn áp, đang khi đó thì chính phủ luôn nói rằng phải thi hành luật lệ cho nghiêm chỉnh. Vậy thì trước sự kiện như thế này thì đức Tổng cho chúng con một lời nhận định về chính nghĩa công lý và đạo lý như thế nào, thưa đức Tổng?

ĐTGM Kiệt: Cái chính thể nó phải có chính nghĩa của nó, mà cái chính nghĩa đó tôi có thể nói là nó được đặt trước hết là trên sự công lý.

Chính nghĩa phải có công lý, công lý trước hết là sự công bằng, sự công bằng đơn sơ nhất là của ai trả lại cho người ấy và nhất là về mặt nhân quyền, về mặt pháp luật tự nhiên thì phải công nhận mọi công dân đều có được quyền bình đẳng trước pháp luật, để được như thế nhà nước phải có một sự công tâm, nhìn cái lợi ích chung của toàn thể chứ không có được nhìn lợi ích riêng của một cá nhân nào hay một cái tập thể nào một cách riêng biệt.

Thế thì trong việc Tòa Khâm Sứ này chúng ta đã thấy là vừa không công bằng vừa không có công tâm.

Chúng ta thấy Giáo hội, riêng Tổng giáo phận Hà Nội đã mất rất là nhiều cơ sở. Thế nhưng những cơ sở mà Nhà nước dùng vào lợi ích chung như là trường học, như là bệnh viện thì chúng tôi không bao giờ nói đến. Và ngay cả đến Tòa Khâm Sứ mấy mươi năm nhà nước lấy chúng tôi cũng không nói đến. Nhà nước bỏ không, không làm gì chúng tôi cũng không nói đến.

Tuy nhiên vào năm 2000 khi nó đã có dấu hiệu của những cái tham những, nó có những dấu hiệu là người ta biến thành đất tư, buôn bán như là mở vũ trường kinh doanh, mở quán phở, nhà băng, thì lúc bấy giờ Đức Hồng Y Tụng cùng các linh mục Hà Nội mới bắt đầu lên tiếng đòi lại. Thế nhưng mà nhà nước thì lại bênh vực những người đó, những người đó chắc chắn buôn bán đất đai tiền bạc rơi vào túi tư nhân chứ không vào công quỹ của nhà nước. Nhưng mà nhà nước lại bênh vực cái nhóm người đó mà chèn ép phía Giáo hội cho nên nó không có sự công bằng, thiếu sự công tâm.

Ý kiến thứ hai nói về việc chính nghĩa của một chính thể là phải có đạo lý, đạo lý này trước hết là phải dựa trên những sự thật.

Thế thì trong các vấn đề về đất đai thì chúng ta thấy có nhiều cái nó không được sự thật, trước hết là có những văn bản giả nói rằng như ở Thái Hà nói rằng cha già Bích đã hiến nhưng mà lại có tới 3, 4 văn bản khác nhau thì không biết là thế nào. Thế rồi trong tòa tổng Giám mục thì người ta cũng nói rằng đức cha Cương đã hiến nhưng mà đức cha Cương không bao giờ hiến cả, thế là trong những ngày vừa qua có những tin tức giả mà chúng ta đã thấy rồi đó, những lời hứa giả.

Thế thì cái sự nó không có thành thực, nó giả dối thì tự nó, nó đã thiếu chính nghĩa rồi.

Ta không tin vào mình, không tin vào chính nghĩa của mình thì cho nên có thể nói về công lý, về đạo lý thì nếu nó không có, thì nó không thể có chính nghĩa được.

LM Nghị: Vâng, nhân tiện đức Tổng Giám mục nói về chính nghĩa, với vấn đề đạo lý thì cũng cái chuyện xảy ra mới đêm hôm qua, có chàng thanh niên đến chỗ bàn thờ của Thái Hà đổ nhớt, mắm tôm rồi đồng thời cũng đưa giấy vệ sinh sang đổ ở đó mà đang khi đó thì công an cảnh sát không có làm gì, ngồi đánh cờ như vậy thì trước vấn đề xúc phạm đến sự thánh thiêng của sự thờ phượng công giáo như vậy thì đức Tổng Giám mục nhận định như thế nào?

ĐTGM Kiệt: Đó thì chúng ta thấy đó, lại một bằng chứng nữa cho thấy công lý, công bằng không có và một số người xúc phạm đến người khác thì được bênh vực trong khi những người khác thì bị răn đe rồi thì bị bắt bớ, vân vân… chúng ta thấy công lý, đạo lý nó thật sự chưa có.

Chính quyền Việt nam luôn luôn rêu rao rằng một Xã hội chủ nghĩa tức là vì dân do dân và chính quyền chỉ là đầy tớ của dân. Vậy thì trước những hiện tượng như thế này thì đức Tổng Giám mục nhận định thế nào về chính trị, về thiên thời, địa lợi và nhân hòa đang khi mà chính quyền Việt nam đang bị đối diện với rất nhiều vấn đề mà lại gây một sự thù hằn căm tức như thế này đối với tập thể người Vông giáo -- phá đi hình ảnh cũng như biểu tượng hợp nhất của người công giáo Việt nam đối với Vatican -- thì đức Tổng nhận định như thế nào?

ĐTGM Kiệt: Chúng ta vẫn nghe người xưa nói là “một nền chính trị thành công đó là nền chính trị có thiên thời địa lợi và nhân hòa”. Tất nhiên xưa thì người ta tin vào cái mệnh Trời nhưng mà ngày nay chúng ta có thể nói thiên thời đó là những hoàn cảnh chung quanh, hoàn cảnh xã hội cũng như hoàn cảnh quốc tế.

Thì có thể nói về phương diện quốc tế, hiện nay Việt nam cũng không ở trong thiên thời lắm. Chúng ta thấy chúng ta đang bị một nước đàn anh bên cạnh là ông Trung quốc đang chèn ép rất là mạnh.

Thế rồi kinh tế trong nước cũng đang bị suy thoái, hiện nay có nhiều hãng đầu tư của nước ngoài đang xem xét lại việc đầu tư vào Việt nam.

Chúng ta thấy như vậy thì cái thiên thời cũng không có lắm. Trong khi đó cái nhân hòa cũng cũng rất là kém bởi vì nhìn qua vụ Tòa Khâm Sứ và đất ở Thái hà.

Chúng ta thiếu cái nhân hòa đó thì làm sao mà lòng người được hài hòa, lòng dân nó được thuận thảo? mọi người đồng tâm nhất trí với nhau?

Nếu có cái gì chưa nhất trí thì có thể đối thoại, có sức thuyết phục để tạo nên cái sự đồng cảm được.

Chúng ta thấy điển hình qua cái vụ Tòa Khâm Sứ này thôi, chính Hội đồng Giám mục đã nhiều lần làm đơn và nói rằng chúng tôi chưa có sẵn sàng nhận đất khác chúng tôi vẫn chỉ muốn nhận cái đất ở Tòa Khâm Sứ này thôi, giáo dân Hà nội thì lại càng tha thiết gắn bó với mảnh đất này nữa. Ngoài ra chúng ta nhìn rộng ra hơn nữa, hiện nay không biết là: Ở trong đất nước có hàng bao nhiêu ngàn người đang bị oan ức đang khiếu kiện mà chẳng được cứu xét gì cả.

Thế cho nên chúng ta thấy về cái nhân tâm nhân hòa rất là thiếu và theo ý tôi.

Một miếng đất nó chả đáng giá gì đâu, mất một miếng đất không có quan trọng bởi vì mất miếng đất này mình có thể mua được miếng đất khác hay tìm được miếng đất khác nhưng mất niềm tin rồi thì sẽ không bao giờ lấy lại được.

Và cái niềm tin thì không có tiền nào có thể mua được. Cái niềm tin đó cho nên nếu thiên thời đã không có thuận lợi và không để ý đến nhân tâm, nhân hòa nữa thì chúng tôi thấy cũng là một cái thiệt thòi lớn cho đất nước.

LM Nghị: Kính thưa đức Tổng, theo những thư từ mà chúng con được nhận được từ lúc 7 giờ sáng cho đến bây giờ là 1 giờ trưa, thì rất nhiều người viết thư và email về cho chúng con nói rằng họ rất là phẫn uất trước hình ảnh mà chính quyền Việt nam đã phá Tòa Khâm Sứ, đến một hình ảnh mà làm cho rất nhiều người đau thương và tất cả các nơi thì đều muốn hiệp nhất với lại Tổng giáo phận Hà nội để mà bênh vực cho cái công lý đó. Trước tình trạng như vậy, thưa đức Tổng Giám mục, thì Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục chắc chắn kỳ này sẽ phải lên tiếng; bởi vì đây không những chỉ động đến vấn đề của Tòa Giám mục ở Hà nội nhưng mà còn động đến Hội đồng Giám mục Việt Nam và nhất là Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng có liên lạc với Tòa thánh và chính ngài cũng đã từng liên lạc với Chính quyền Việt Nam để mà giải quyết vụ này. Vậy thì trước cao trào mà người Công giáo khắp nơi cảm thấy bị khống chế, như vậy và họ cảm thấy phẫn uất trước những sự kiện như thế này, thì đức Tổng nhận định như thế nào, thưa đức Tổng ?

ĐTGM Kiệt: Xin cám ơn cha và tôi tin chắc rằng Đức cha chủ tịch cũng như là Hội đồng Giám mục cũng đều đồng với quan điểm của tất cả các giáo dân Hà Nội cũng như tất cả các Đức cha ở miền Bắc này đều hiệp thông là chúng ta phải làm sao lên tiếng cho công lý.

Đó chính là một cái bổn phận không phải là bổn phận riêng tư mà đó bổn phận của Tin Mừng, bổn phận của cái lý thuyết, về giáo lý về xã hội của giáo hội thì phải bênh vực lên tiếng vì công lý.

Thế thì một miếng đất nó cũng là một vấn đề nhỏ thôi nhưng mà vấn đề về công lý đó là một vấn đề lớn lao và nó phải như là Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói đó: “Phải có công lý thì mới có hòa bình được, nếu không có công lý thì không thể có hòa bình được”. Thế cho nên muốn có hòa bình, có nhân tâm nhân hòa phải tạo sự phát triển lâu dài thì cần phải có công lý và đó chính là điều mà mọi người trong GH đều có nhiệm vụ là phải bảo vệ.

Thế cho nên qua VietCatholic cũng xin nhắn quý cha, quý tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em trên khắp thế giới, chúng ta hãy tích cực làm chứng cho công lý, bênh vực bảo vệ công lý và chúng ta hãy hiệp thông và nhất là cầu nguyện thật tha thiết, chắc chắn với lời cầu nguyện tha thiết của chúng ta thì chúa sẽ ban sức mạnh và đồng thời Chúa sẽ ban cho chúng ta được điều mà chúng ta mong ước, đó là một nền công lý thật sự.

LM Nghị: Vâng, khi đức Tổng nói về đức tin của người Công giáo thì sáng hôm nay khi mà hàng rào công an cả từng trăm người canh giữ như vậy cũng có một bà cụ già đã được lọt vào trong, và bà đã quỳ cầu nguyện suốt từ sáng cho đến 9 giờ rưỡi, bà cầu nguyện một cách âm thầm. Cuối cùng thì 9 giờ rưỡi công an cũng đã lôi bà đi. Thì đó là cái hình ảnh đức tin rất là trung kiên. Và cũng như các thầy, các linh mục ra cầu nguyện hát kinh rất là ôn hòa, đang khi đó thì cảnh sát đưa chó đến và vũ trang rất là mạnh mẽ như vậy thì khi đức Tòa Giám mục đứng ở trên của sổ của đức Tòa Giám mục nhìn xuống một bà cụ già rất là yếu ớt như vậy mà cái đức tin sắt son đến với đức mẹ không sợ bạo quyền, không sợ gì cả -- thì thưa đức Tổng, đức Tổng cảm nhận như thế nào hình ành một con người yếu thế, một con người không có tiếng nói, một con người mà không có một cái gì tự có thể bênh hộ mình được; thì đó cũng nhìn xa ra một Giáo hội Việt nam bây giờ cũng chỉ có công lý và niềm tin thôi, thế thì lấy cái gì để làm bênh đỡ trước cao trào mà chính quyền cộng sản đang đàn áp như thế này, thưa đức Tổng?

ĐTGM Kiệt: Thế trước hết đó là một cái niềm tin và chúng ta thấy mọi người trên thế giới cũng đều phải công nhận là Việt nam tuy là nghèo khổ, tuy đơn sơ, dù những cụ già ít học nhưng đức tin rất là vững mạnh, chính đức tin là điểm tựa vững chắc làm cho chúng ta không sợ hãi gì cả, thế thì chúng ta thấy biết bao nhiêu người bị bắt, bao nhiêu người bị hành hạ đánh đập nhưng không có ai sợ một chút nào hết.

Thật sự là ở đây chúng tôi đã hết sức kềm chế để cho giáo dân người ta bình tĩnh chứ còn người ta không sợ hãi gì hết, rất là tin tưởng. Cái đức tin rất là mạnh mẽ, cái đó là điều đáng cảm phục và làm cho mọi người phải noi theo.

Điểm thứ hai là cái điều tuy là người ta cầu nguyện một mình thế nhưng mà người ta biết rằng người ta không có một mình, có Chúa và có anh chị em luôn luôn ở bên cạnh. Tất cả mọi người, trong nước, ngoài nước đều hiệp thông. Cho nên không có ai sợ hãi gì cả, đó, đó chính là cái lí do làm cho người ta rất là vững mạnh.

LM Nghị: Vâng, sáng nay cũng có một vài nhà báo (chúng con có video), người nhà báo ngoại quốc đã bị bắt, ức là họ đang muốn dẹp yên tiếng nói công chính của những người đang tranh đấu, đang cầu nguyện cho công lý và hòa bình, nhất là khi cái biểu tượng của người Công giáo, Tòa Khâm Sứ cái nơi để mà nối kết tình hiệp thông giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam với Giáo hội hoàn vũ, nhất là tòa thánh Vatican thì khi mà người cộng sản định đè bẹp định phá vỡ cái đó, cũng là một cái làm cho mọi người Công giáo Việt Nam hiểu rằng đây là họ muốn trấn áp, muốn đè bẹp Công giáo. Thì cái tâm tình đó, Đức Tổng có nghĩ rằng trong tương lai sẽ có những biến cố mới xảy ra khi mà người Công giáo không kiềm chế dược nữa thì lúc bấy giờ, sự gì sẽ xảy ra?

ĐTGM Kiệt: Hình ảnh đàn áp người khác nhất là báo giới là một hình ảnh rất tồi tệ. Thật sự đó là một cái điều sỉ nhục. Một cái điều xấu hổ khi mà người ta không có tôn trọng tự do ngôn luận lại dùng những biện pháp nó bạo lực như thế thì thật sự nó không xứng đáng với lại một cái đất nước văn minh.

Chúng tôi cũng mong muốn làm sao mọi người biết đối xử với nhau theo đúng cái lịch sự, cái văn minh, cái tôn trọng, tất cả những cái quyền tự do mà đất nước đã cam kết trong bản hiến chương Liên Hiệp Quốc.

LM Nghị: Vâng, chúng con xin cám ơn đức Tổng rất nhiều đã dành cho chúng con cuộc phỏng vấn này để chúng con hiểu thêm về đường lối của Giáo hội cũng như diễn tiến đang xảy ra rất là khó khăn cho Tổng giáo phận Hà Nội cũng như đặc biệt cho Đức Tổng. Chúng con luôn luôn ở bên sát đức Tổng trong lời kinh, lời nguyện và nhất là mọi tín hữu ở khắp nơi luôn luôn hướng lòng về Hà nội nơi mà hiện nay đang có những biến cố đau thương và làm cho người Công giáo mất đi niềm tin tưởng vào chính quyền không có công bình, không có công lý đối xử với người Công giáo.

Chúng con cầu chúc rằng đức Tổng Giám mục luôn luôn vững tin và nhất là chúng con cầu nguyện để cho Giáo hội vẫn luôn được hợp nhất trong yêu thương và chúng con xin kính chúc đức Tổng được bình yên và cũng xin đức Tổng cũng nhớ đến chúng con trong lời cầu nguyện.

ĐTGM Kiệt: Vâng, xin cám ơn cha, chúng ta cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện luôn …

Lời ghi ơn đặc biệt: Đáp ứng lại lời kêu gọi của chúng tôi nhờ transcript bài phỏng vấn này, lập tức vài giờ sau đã có 12 anh chị em từ khắp nơi đã dịch một phần hay toàn bài phỏng vấn đó về cho chúng tôi. Nhiều anh chị nói đã thức suốt đêm để làm việc. Khi nhận được sự đáp ứng nồng nhiệt như vậy, chúng tôi rất cảm động. Có vài vị chúng tôi đã trả lời rằng "rất tiếc đã có người chuyễn dịch xong". Nhưng anh chị em rất vui vẻ nói "không hề chi, lần sau có cần gì xin cứ kêu gọi". Sau đây là bút hiệu những anh chị đã nhiệt tình tự nguyện dịch phiên âm cuọc phỏng vấn dài này: Helen Vũ, Hoàng Thương, Hoàng Quốc, Ngọc Tú, Kim Thanh, Tuyệt Vời, DiJi, Y Vân, Mark Yao, Từ Duyên, Muon Song, Nguyễn Diệu, Nguyễn David, Lê Khánh Ly, và vài vị dấu tên khác... Xin chân thành đa tạ.

Lm Trần Công Nghị

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/cuoc-phong-van-duc-tgm-ngo-quang-kiet-ve-dien-bien-tai-toa-kham-su/