Trích từ Dân Chúa

Chùa Báo Thiên và Nhà Thờ Lớn Hà Nội

Hoàng Nhân

VietCatholic News (Thứ Bảy 23/02/2008 06:52)

Từ hơn hai tháng qua, có một số ý kiến cho rằng khu đất của Toà Giám Mục Hà Nội vốn được dùng làm Toà Khâm Sứ là sở hữu của Chùa Báo Thiên.

Gần đây nhất, ngày 16.02.2008, Hoà thượng Thích Đôn Hậu, đã gửi lên Thủ tướng một văn thư trong đó có viết: “Phật giáo Việt Nam, một tôn giáo luôn luôn đồng hành với dân tộc qua những thăng trầm của vận nước, dù với tư cách là một Giáo hội hay là một bộ phận lớn nhất của cộng đồng dân tộc, đã liên tục là sở hữu chủ của cơ sở này trong 825 năm cho đến năm 1883 khi bị chính quyền thực dân Pháp cưỡng chiếm rồi giao cho Thiên Chúa giáo, cụ thể là Giám mục Puginier sử dụng” . Rồi Hoà thượng còn “đề nghị Thủ tướng nên xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một trong những thành phần chủ yếu để tham khảo trước khi có quyết định cụ thể liên hệ đến sự việc trên” (xem trong phattuvietnam.net)

Chúng tôi thấy những hành động trên đây không thể chấp nhận được trong cái nhìn của những người có lý trí bình thường, ít nhiều am hiểu lịch sử và pháp lý đồng thời tha thiết với công lý và hoà bình, với công cuộc xây dựng một nhà nước pháp quyền, một đất nước dân chủ, công bằng và văn minh.

Để góp phần giải toả những quan niệm sai lầm và hạn chế những hành động có nguy cơ gây mất đoàn kết dân tộc và chia rẽ mối tương quan Phật giáo - Công giáo, chúng tôi xin đăng ở đây một bài viết của tác giả Hoàng Nhân, một người Hà Nội cũng là một nhà nghiên cứu độc lập, đã xuất bản một số tác phẩm về lịch sử Việt Nam.

A. Chùa Báo Thiên

Chùa Báo Thiên (còn gọi là chùa Sùng Khánh) nằm ở thôn Báo Thiên Thị, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội, Do Vua Lý Thánh Tông dựng năm 1056.

thangLongMap.jpg

Bản đồ thành Thăng Long xưa

Năm 1057, Lý Thánh Tông sau khi đem quân đi đánh Chiêm Thành trở về nhà vua cho dựng tháp Đại Thắng Báo Thiên, nhân dân thường gọi là tháp Báo Thiên và chùa Báo Thiên.

Tháp xây trên một gò đất nằm ở phía tây hồ Lục Thủy. Tháp có 12 tầng cao khoảng 80m phần dưới là đá, phần trên tháp xây bằng gạch, đỉnh tháp đúc bằng đồng, tháp khá cao nên từ xa đã nhìn thấy.

Trong chùa còn có quả chuông nặng 7000 cân, trên chuông có khắc bài minh do vua Lý Thánh Tông làm. Theo Hòang Đạo Thúy trong sách Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội thì tháp Báo Thiên nằm sau đền Đông Hương phố Hàng Trống.

Năm 1258, sau 202 năm xây dựng, có trận bão lớn làm đổ sập ngọn tháp, các cụ bô lão cho là điềm chẳng lành, đất nước sẽ có chiến tranh loạn lạc. Chẳng bao lâu ba lần quân Nguyên xâm lược Việt Nam.

Năm 1322 sét đánh sạt hai tầng trên của tháp, vì ngọn tháp làm bằng đồng.

Năm 1426 khi bị vây hãm ở Đông Quan (Hà Nội) Vương Thông đã lấy quả chuông nặng 7000 cân và phá tháp để lấy đồng ở trên nóc tháp đúc đạn.

Năm 1434 vua Lê Thái Tông cho dựng lại chùa, nhưng không dựng lại tháp, nền tháp còn lại chỉ là một gò đất cao.

Sang thời Hậu Lê chùa bị điêu tàn đổ nát nên nhà vua đã dùng nền Tháp Báo Thiên làm pháp trường để hành quyết tử tù hoặc cho dân họp chợ ở quanh đấy.

Năm 1547 chùa bị bỏ hoang phế.

Năm 1791 quân Tây Sơn đã phá nền Báo Thiên lấy gạch đá để tu sửa thành Hà Nội.

B. Nhà Thờ Lớn Hà Nội

Theo hiệp ước ngày 5 tháng 6 năm 1862 nhà Nguyễn cho phép các giáo sĩ đạo Thiên Chúa được tự do truyền đạo và dân được tự do theo đạo.

GMPuginier.jpg

Giám mục Puginier

Tháng 12 năm 1872 giám mục Puginier (ở nhà thờ Kẻ Sở - Hà Nam) được tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Tri Phương mời lên làm phiên dịch về vụ Jean Dupuis và Millot dùng sông Hồng ngược lên Vân Nam Trung Quốc. Sau đó vào ngày 12 tháng 11 năm 1873 Đức Cha lại được quan Tổng đốc mời đến làm phiên dịch vụ Francis Garnier đưa quân từ Sài Gòn vào Hà Nội.

Tháng 12 năm 1872 Đức Giám mục Puginier cùng giáo dân ở thôn Báo Thiên Thị đã làm tạm một nhà thờ nhỏ bằng gỗ để lấy chỗ cầu nguyện. Theo Cha Dronet kể lại thì nhà thờ bằng gỗ ấy làm theo kiểu An Nam, có một phòng rộng có cột gỗ lim chống đỡ. Còn Paul Bourbe viết sách De Paris au Tonkin thì ngôi nhà thờ nhỏ này có gác chuông kiểu gothique. Thỉnh thoảng mới có một giáo sĩ ở nhà thờ Bằng Sở (Thường Tín) đến làm lễ. Hocquard trong sách Une Campagne au Tonkin cũng xác định như vậy.

Năm 1876 Đức Giám mục Puginier xây ngôi nhà đầu tiên của Hội Truyền Giáo, ngôi nhà đó có lẽ đến nay vẫn còn, nhà làm theo kiều Châu Âu cổ. Chính tại ngôi nhà này cha Puginier đã mất ngày 25 tháng 4 năm 1892.

Ngày 25 tháng 4 năm 1882 Henri Rivière đánh chiếm Hà Nội.

QuanCoDen.jpg

Quân Cờ Đen

Vào lúc 21 giờ ngày 12 tháng 5 năm 1883 quân cờ đen tấn công vào khu nhà thờ Hà Nội. Nhưng do nhà thờ có sự chuẩn bị trước và giáo dân đã chống trả quyết liệt nên quân cờ đen phải rút lui.

Đêm 15 rạng ngày 16 tháng 5 năm 1883 bốn ngàn quân cờ đen quay lại tấn công vào khu nhà của Hội Truyền Giáo. Chúng vào được trong nhà, đập phá nội thất và trước khi rút lui chúng đã đốt nhà thờ tạm bằng gỗ và mang đi bức tượng Đức Mẹ ra treo trên một cành cây sau khi đã buộc hai tai của một em bé bị chúng cắt trước đó, buộc vào tượng (Louvet: Vie de Mgr Puginier-HN-1894-trang 431).

Trong đợt quân cờ đen tấn công khu nhà thờ lần thứ hai (16 tháng 5 năm 1883), sư cụ chùa Bà Đá (ở phố Nhà Thờ hiện nay) đã che dấu các cha Landais (cha Lan) - cha Rival (cha Mỹ) – cha Bertrand (cha Phúc) và nhiều người khác nên nhà thờ rất nhớ ơn chùa Bà Đá và từ đó hai bên có sự giao hảo tốt và bền vững. Cách chùa Bà Đá không xa có chùa Lý Triều Quốc Sư thờ Phật và thờ nhà sư Minh Không (mất năm 1114) đã chữa bệnh cho Lý Thần Tông. Như vậy, ở rất gần nhà thờ lớn Hà Nội tồn tại hai ngôi chùa là: chùa Bà Đá và chùa Lý Triều Quốc Sư.

Cuối năm 1883, Đức Giám mục Puginier có xin công sứ Hà Nội là Bonnal đất để xây Nhà Thờ Lớn nhưng Bonnal từ chối vì không thuộc thẩm quyền của mình và gợi ý nên đặt vấn đề với tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Hữu Độ, vì ông Độ là quan triều đình Huế bổ nhiệm và Bắc Kỳ chỉ là xứ bảo hộ chứ không phải thuộc địa. Hơn nữa đây là vấn đề tôn giáo, là vấn đề rất nhạy cảm nên công sứ Bonnal không dám coi nhẹ. Sau đó Đức Giám mục Puginier đặt vấn đề với ông Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Hữu Độ.

NhaTruyenGiaoHaNoi1876.jpg

Ngôi nhà Hội Truyền giáo năm 1876


NguyenHuuDo.jpgTổng đốc Nguyễn Hữu Độ

Ông Độ cho mở một cuộc điều tra tìm con cháu những người trước đây đã sở hữu mảnh đất, nhưng mấy trăm năm đã trôi qua, hơn nữa chiến tranh loạn lạc, xã hội biến động, nên không tìm được ai là chủ miếng đất đó. Dân bản địa hiện sống tại khu đất khi ấy đều là dân tứ xứ đến ở, không phải dân gốc, họ họp nhau lại bàn bạc và nhận xét thấy ngôi chùa đã bị bỏ hoang phế từ lâu không người quản lý và hiện thời đã biến thành phế tích, có thể đổ sập gây tai nạn cho người qua lại bất cứ lúc nào và đề nghị chính quyền rỡ bỏ và thu hồi đất đai vô chủ. Sau khi rỡ bỏ chùa đất vẫn bỏ không lúc ấy tổng đốc Nguyễn Hữu Độ cấp giấy nhượng quyền sở hữu miếng đất cho nhà thờ (theo hồi ký của Bonnal trong sách Souvenirs).

NhathoHanoi1906.jpg

Nhà thờ lớn Hà nội năm 1906

Sau khi xin được giấy tờ hợp pháp, giám mục Puginier đứng ra lo liệu xây cất nhà thờ lớn (còn có tên gọi là nhà thờ Saint Joseph).

Ngày 28 tháng 1 năm 1884 đô đốc Courbet cấp giấy phép cho nhà thờ mở sổ số lần thứ nhất và ngày 14 tháng 8 năm 1886 tòan quyền Paul Bert cấp giấy phép mở sổ số lần thứ hai, cộng thêm tiền quyên góp để xây dựng nhà thờ.

Nhà thờ có kích cỡ 33m x 55m và cao 17 m, chi phí xây dựng hết 200 nghìn quan là số tiền rất lớn lúc đó.

Sau 4 năm xây dựng lễ khánh thành đã được tổ chức ngày 23 tháng 12 năm 1887 để kịp làm lễ mừng Thiên Chúa Giáng Sinh vào ngày hôm sau.

Hoàng Nhân

Courbet.jpg

Đô đốc Courbert


Sách Tham Khảo

André Masson: Hà Nội pendant une periode heroique.

Claude Bourin: Le Vieux Tonkin.

Hocquard: Une Campgne au Tonkin.

Bonal: Souvenirs.

Madrolle: Guide en Indochine.

Hoang Đao Thuy: Thang Long- Dong Do- Ha Noi.

Paul Bourbe: De Paris au Tonkin.

NTG: Hà Nội - Thủ đô nước CHXHCN Việt Nam.

Nguyễn Vinh Phúc & Trần Huy Bá: Đường phố Hà Nội.

Nguyễn Văn Uẩn: Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX.

Hoàng Nhân

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/chua-bao-thien-va-nha-tho-lon-ha-noi/