Trích từ Dân Chúa

Chiều kích "Thần Học" qua những biến cố diễn ra tại Hà Nội

Lương Tâm

VietCatholic News (Thứ Năm 10/01/2008)

Cùng chung ý tưởng với hai bài viết trước đây của hai tác giả Lữ Giang với bài viết có nhan đề “Con Đường Lựa Chọn” và tác giả Đông Khê với bài viết có nhan đề "Học Bài Học Tấm Gương Sáng từ Hà Nội" mục tiêu của bài viết này không phải để dấy lên sự nổi loạn về mặt chánh trị, cũng không có ý “mạt sát, ” “thị phi” hay “coi thường” thái độ hành động của những người Việt ở hải ngoại, nhưng là để chứng minh cho thấy chiều kích "thần học" và sự "trưởng thành" của người Công Giáo Hà Nội nói riêng, và người Công Giáo Việt Nam tại quê nhà nói chung, hòng từ đó có thể rút ra một bài học thật tỏ tường và đích đáng cho mỗi một người Công Giáo chúng ta cho dẫu chúng ta ở vào bất cứ hoàn cảnh nào hay tại bất kỳ một đất nước nào đó trên thế giới.

Như chúng ta biết, từ lúc khởi nguyên và mãi cho đến ngày hôm nay, Giáo Hội luôn lúc nào cũng nhấn mạnh đến vai trò của người tín hữu Công Giáo trong việc tham gia vào nền chánh trị và đời sống công cộng của xã hội. Việc nhấn mạnh đó được thể hiện dưới nhiều Tông Huấn, Tông Hiến, Văn Kiện, và các Giáo Huấn Giảng Dạy khác của Giáo Hội.

Trong Tông Huấn Christifideles Laici về "Ơn Gọi và Sứ Vụ của Người Giáo Dân Công Giáo Trong Giáo Hội và Thế Giới" vào tháng 12 năm 1988, ở Mục Số 42, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã nhấn mạnh rằng:

"Giảng dạy nền tảng của Công Đồng Chung Vaticăn II chính là: người tín hữu Công Giáo không bao giờ từ bỏ hay thờ ơ trước việc tham gia của họ vào 'đời sống công cộng,' tức vào rất nhiều lãnh vực khác nhau của nền kinh tế, xã hội, luật pháp, hành chánh và văn hóa để cùng cổ võ cho lợi ích chung của tổng thể. Điều này cũng bao gồm đến việc cổ võ và bảo vệ trật tự công cộng, hòa bình, sự tự do và bình đẳng, việc tôn trọng mạng sống con người, và môi trường sống, công lý và sự đoàn kết."

Đứng trước những vụ xâm phạm và lấn chiếm đất đai, dưới quyền sở hữu và cai quản của Giáo Hội trước kia, người Công Giáo Hà Nôi đã biết đồng lòng, đồng sức, để đoàn kết và cầu nguyện cho những ước vọng chánh đáng của họ, hầu mong được chính quyền địa phương đáp ứng. Bằng chính việc làm tự nguyện, đoàn kết, yêu thương, nhưng rất ôn hòa này, họ đã thể hiện đúng với tinh thần của Lumen Gentium, tức của Hiến Chế Giáo Điều về Giáo Hội do Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục long trọng ban hành vào ngày 21 tháng 11 năm 1964.

Ở Mục Số 36 trong Lumen Gentium có đoạn viết:

"Người giáo dân tùy theo điều kiện cụ thể của từng người, cũng còn có một bổn phận quan trọng để làm thấm tỏ ra và hoàn thiện các trật tự của thế tục trong tinh thần của Phúc Âm. Bằng cách này, tức bằng việc cụ thể tiến hành công việc và thi hành các chức năng được đòi hỏi của xã hội trần tục, họ được kêu gọi để làm chứng cho Chúa Kitô giữa trần thế."

Tiếng hát, và kinh cầu, qua những lúc trầm lặng, suy ngắm, rồi đến những lúc đồng thanh trong tiếng hát cao vời vợi để hướng lòng về Thiên Chúa, ngay giữa đô thành, người Công Giáo Hà Nội đã điểm tô và khắc họa thêm cho bộ mặt văn hóa đẹp đẽ vốn đã từ lâu bị méo mó hoặc đánh mất đi, nơi một thành phố vô thần và thiếu văn minh bậc nhất này!

Trong Sắc Lệnh Ad Gentes nói về "Sứ Mạng Hoạt Động của Giáo Hội" của Công Đồng Chung Vaticăn II, có đoạn viết rằng:

"Ơn gọi đặc biệt của chúng ta chính là làm cho trổ hoa tại những nơi mà chúng ta gieo trồng 'ngay giữa lòng xã hội, ngay giữa lòng thế giới, và trong các vấn đề có liên quan đến thế giới tục trần' để cho Phúc Âm có thể bén rễ thật sâu trong 'tâm khảm, trong tiềm thức, trong cuộc sống và cách hành xử' của quốc gia đó."

Thật vậy, người Công Giáo Hà Nôi, mặc cho sự lầm lì, mặc cho lúc nắng, lúc mưa cùng với thái độ thờ ơ, và đôi lúc có tính hiếu chiến hay bạo động của các giới chức chính quyền địa phương, của lực lượng cảnh sát địa phương, người dân Hà Nội vẫn bình tĩnh, vẫn tỉnh táo và sáng suốt để cầu nguyện.

Họ làm những việc này không những để cho nguyện vọng chính đáng của họ được chính quyền xem xét và đáp ứng; mà họ còn lan truyền, và soi tỏ cho những tâm trí hay những kiểu ý thức hệ mê muội, vốn quy kết tôn giáo, cụ thể là Công Giáo, như là công cụ của thực dân, nhằm làm quấy phá và lật đổ xã hội.

Giảng dạy của Giáo Hội Công Giáo không bao giờ kêu gọi người tín hữu Công Giáo có những hành vi bạo động như là của Đạo Hồi, mà trái lại, kêu gọi mọi người tín hữu, phải biết tôn ty trật tự, biết tôn trọng và biết tìm cách khôn ngoan để đối thoại và soi sáng cho những tâm trí, hay những ý thức hệ còn lạc hậu hay mê muội, để từ đó dẫn và hướng họ đến sự thật, đến với sự công bằng và lẽ phải, hợp tình và hợp lý giữa đôi bên, nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết và yêu mến dân tộc giữa người với người trong cùng một quốc gia, và một thể chế!

Trong Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân, Apostolicam Actuositatem, do Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục long trọng ban hành vào ngày 18 tháng 11 năm 1965, có đoạn viết như sau:

"Qua việc hiện thể lòng yêu nước và sự trung thành của họ trong tư cách là những công dân của xã hội, những người Công Giáo sẽ tự họ cảm thấy có trách nhiệm để cổ võ cho sự thật chung chính đáng; họ sẽ suy xét lương tâm, để tìm cách tạo ra sự ảnh hưởng, hòng từ đó giúp cho chính quyền dân sự biết công minh phán xử và thực thi công bằng các lề luật và công ước, phù hợp với đạo đức luân lý và quyền lợi tốt đẹp chung của con người."

Thật là đẹp khi nhìn thấy hình ảnh của mấy bà-mẹ già Công Giáo Hà Nội ôn tồn, lịch sự và vui vẽ mời các "đồng chí" công an cùng ăn bánh mì và dùng bữa trưa với họ, thử hỏi: còn có cử chỉ nào đẹp đẽ hơn và văn minh hơn cử chỉ đó chăng? Từ những suy xét của lương tâm, những người Công Giáo Hà Nội, qua sự soi sáng và che chở của Chúa Thánh Thần, đã giúp cho họ biết cách hành động sao cho phải lẽ, sao cho đúng với sứ điệp yêu thương đích thực của Phúc Âm ngay giữa lòng xã hội.

Trong Hiến Chế về "Tin Mừng và Hy Vọng" của Giáo Hội Trong Một Thế Giới Hiện Đại - Gaudium et Spes - do Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục ban hành vào ngày 7 tháng 12 năm 1965, có đoạn viết:

"Việc tìm kiếm ra những giải pháp cho những vấn đề liên quan đến thế tục chính là trách nhiệm của mỗi một người tín hữu, được hướng dẫn bởi sự thông thái Kitô Giáo, và từ quyền bính giảng dạy của Giáo Hội."

Quả đúng như thế, trong Lá Thư Mục Vụ của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt gửi cho toàn thể giáo dân Hà Nội vào ngày 15 tháng 12 năm 2007, cũng như qua Bức Tâm Thư của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Sài Gòn - Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn - gửi đến cho toàn thể giới giáo dân và giáo sĩ vào ngày 3 tháng 12 năm 2007 vừa qua, các Đấng bậc này khuyên tất cả những người tín hữu hãy ý thức trước việc đòi lại đất đai và các cơ sở tôn giáo của Giáo Hội, để từ đó cùng nhau ngày đêm cầu nguyện và hiệp dâng những nguyện vọng chính đáng đó lên cho Thiên Chúa Tối Cao trong các Thánh Lễ.

Bằng việc lắng nghe theo những giảng dạy và lời khuyên bảo này từ các Đấng bậc, người Công Giáo Việt Nam tại quê nhà, được Chúa Thánh Thần soi sáng, che chở và giúp sức, nên họ đã kiên trì cầu nguyện cả ngày lẫn đêm, mặc cho gió bão và sự bất biến lẫn cương định, cứng nhắt trong thái độ và thiện chí giải quyết của các viên chức có thẩm quyền trước sự thật rõ ràng.

Họ đã không hành động theo cảm tính, hay theo lý trí hời hợt, sôi nổi chóng qua, cũng như nhanh chóng hiện thể "cái tôi" to tướng của họ, mà họ đã hết sức bình tĩnh và can trường để đem lại những câu kinh và lời ca như là khí cụ bình an, đến với những ai đang gây ra khó dễ cho họ!

Qua những vụ tranh chấp này, sự thông thái Kitô Giáo của họ được hiện thể trước hết là qua việc họ biết lắng nghe; kế đến là việc họ cầu nguyện trong ôn hòa, trong sự bình tĩnh; và sau cùng, cũng nhờ từ đó mà họ có thể đem ánh sáng Tin Mừng của Chúa Kitô - một cách cụ thể, đích thực và tông truyền hơn bao giờ hết - đến cho mọi thành phần dân tộc trong xã hội, và mọi ngõ ngách trong thành phố về một Đạo Chúa Kitô hiền lành, nhân ái, ôn hòa, tử tế, thanh cao và kiên định!

Thiên Chúa đã trao phó cho Giáo Hội sứ vụ rao giảng toàn bộ Tin Mừng ra cho xã hội, qua trung gian những người Kitô hữu đích thực, vì Tin Mừng của Chúa phải hoạt động trong tất cả mọi chiều kích của xã hội, dẫu đó là một xã hội bất công và độc trị. Sứ điệp của Phúc Âm cần phải có sự ảnh hưởng đến mọi giai đoạn của cuộc sống, và mọi giai tầng của xã hội, để "khi tới hồi viên mãn, muôn loài trong trời đất cùng được quy tụ dưới quyền của một thủ lãnh duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Phỏng theo Ephêsô 1:10).

Những hành động đó không phải là cố để dành được sự chiến thắng vẽ vang nào, hay cố để làm bẻ mặt bất kỳ ai, mà đó là cách để nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật của tất cả mọi thành phần trong xã hội, dẫu đang cầm quyền hay bị cầm quyền, vì đó chính là công lý, là sự thật chính đáng.

"Hãy trả cho Caesar những gì thuộc về Caesar, và hãy trả lại cho Thiên Chúa, những gì thuộc về Thiên Chúa!" (Máthêu 22:21).

Đó chính là lời nhắn nhủ và gọi kêu cho sự công bằng và lẽ phải mà những người cầm quyền cần phải lắng nghe để giải đáp một cách thỏa đáng và rốt ráo trước những khúc mắc, trăn trở và xao xuyến của dân chúng, đặc biệt là của đồng bào Công Giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn, và các tỉnh thành khác trên khắp cả nước.

Theo đúng với tinh thần của Hiến Chế Populorum Progressio do Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục ban hành vào ngày 26 tháng 3 năm 1967 có liên quan tới "Sự Phát Triển của Các Dân Tộc," thì:

"Ngoài việc bảo đảm về nền chánh trị, quốc gia đó còn phải đạt được sự tiến bộ về mặt văn hóa, kinh tế, lẫn xã hội, hòng đáp ứng cho những nhu cầu và sự phát triển chính đáng của từng cá nhân con người, và cộng đồng đúng với các luật lệ con người và công pháp quốc tế, Giáo Hội dẫu không có tham vọng gì cả về mặt chánh trị, nhưng lại rất mạnh mẽ trong việc cổ võ cho những quyền được thờ tự chính đáng của những người tín hữu, cũng như mạnh mẽ lên án những vụ lạm dụng quyền hành chánh trị để tước đoạt đi sự sở hữu của cá nhân hay cộng đoàn."

Nguyện cho tất cả mọi người Công Giáo Việt Nam của chúng ta tại quê nhà luôn biết vững tâm, bền chí, luôn biết sống chứng tá, luôn biết hiện thể đức tin kiên định và sáng chói của họ, cùng với niềm hy vọng và tình bác ái, đến cho tất cả mọi người đang áp hại hay khủng bố họ, để Chúa Kitô và Giáo Hội của Người được đem tới mọi ngõ ngách của xã hội, hòng từ đó trở nên những vườn nho trĩu nặng và đầy hoa trái của tình thương, của sự hiệp nhất, và của tình huynh đệ!

Cũng nguyện cầu cho tất cả những người Công Giáo gốc Việt chúng ta ở hải ngoại luôn biết hiệp thông và tìm mọi cách để yểm trợ cho cuộc tranh đấu bất bạo động chung của Giáo Hội Mẹ Việt Nam, cũng như biết rút ra được những bài học lương tâm sâu sắc để kịp thời hành động, và hiện thể tinh thần trách nhiệm Kitô Giáo của chúng ta trong những lúc Giáo Hội và các tín hữu Công Giáo khác của chúng ta gặp gian nguy!

Washington, D.C., Mùa Đông 2008

Lương Tâm

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/chieu-kich-than-hoc-qua-nhung-bien-co-dien-ra-tai-ha-noi/