Trích từ Dân Chúa

Chỉ tình yêu mới có thể thoa dịu được cõi lòng nghi nan

Lm Nguyễn Hữu Thy

Đọc sách triết-thần học gia Kierkegaard: Chỉ tình yêu mới có thể thoa dịu được cõi lòng nghi nan

Chân lý của đức tin muôn phần cao cả, chứ không chỉ là một lối sống đạo đức và đầy vẻ thẩm mỹ mà thôi. Cùng đồng một quan điểm triết học thấm nhuần tín ngưỡng đó, Victor Eremita đã phát biểu vào giữa thế kỷ XIX như sau: "Chỉ có chân lý mang tính cách xây dựng thì mới là chân lý thực sự" Ngay giữa thời vàng son tinh thần sử quan của những đại triết gia như Hegel hay Schelling, những người đã đem toàn bộ biến cố vũ trụ trở lại với nguyên lý tối sơ, thì Eremita, một nhà tư tưởng ngoại hạng, lại để cho chân lý tuyệt đối chìm sâu vào trong tư duy của chủ thể. Tuy nhiên, không phải Victor Eremita, Johannes Climacus hay một triết gia nào khác đã thất vọng về chủ thuyết duy lý Đức, nhưng là cha đẻ của chủ thuyết hiện sinh, triết gia Sören Aabye Kierkegaard.

Kierkegaard.jpg

Sinh năm 1813 tại Kopenhagen/Đan Mạch, Kierkegaard đã sớm bị rơi vào tình trạng phân cực tinh thần, và không bao giờ ông có thể giải quyết được những đối kháng và bất đồng nội tâm. Điểm này thực ra là một di truyền tâm lý phát xuất từ sự liên hệ mật thiết với thân phụ ông.

Năm 1843 Kierkegaard đã trình bày những tư tưởng này trong tác phẩm chính của ông với tựa đề "Entweder-Oder" (Hoặc thế này-Hay thế kia), mà trong số đó có một cuốn hoàn toàn đặc biệt đã bị thất lạc từ 150 năm nay. Đó là cuốn mà triết gia đã đích thân ký tên đề tặng thi sĩ Hans Christian Andersen, điều mà trong văn chương thường hay được nhắc tới. Bây giờ cuốn sách quý báu đó lại đã tìm thấy được.

Trong cuốn sách trên, Kierkegaard diễn tả tính cương trực nhẹ nhàng phóng khoáng, nhưng lại tuyệt đối dứt khoát của thân phụ ông, và qua đó thân phụ ông đã để lại một ảnh hưởng quyết định trên số mệnh con trai mình là giúp chàng trở thành một học giã và một Kitô hữu. Từ thân phụ ông, Kierkegaard đã tiếp thu được sự giằng co đầy cảm tính giữa những đòi hỏi của trí năng và sự buồn chán riêng tư, lòng đạo đức kính sợ Chúa và sự bất an tinh thần. Nhưng chính từ tình trạng sống mâu thuẫn nội tâm dai dẳng đó đã tạo nên những ý nhiệm cơ bản cho nền triết học của ông, đó là: Sự sợ hãi và sự nghi nan khủng hoảng. Tình trạng một người cứ trường kỳ lo sợ cho chính mình, thì nơi Kierkegaard luôn luôn là một điều cụ thể: Vâng, cuộc sống cụ thể của Kierkegaard lệ thuộc vào song quan luận "Hoặc thế này-Hay thế kia", hoặc một cuộc sống thẩm mỹ hay một cuộc sống đạo đức. Nhưng trong những bước đi quyết định của cuộc sống thì các tư tưởng tín ngưỡng bao giờ cũng nắm phần chủ yếu và giúp vượt lên khỏi sự níu kéo của "Hoặc thế này-Hay thế kia."

Những tư tưởng về hành động bất công mà con người đã làm để chống lại Thiên Chúa, đã cô đọng lại trong tuyệt phẩm của nhà triết học kiêm thần học gia người Đan Mạch này. Sự hoài nghi dai dẳng – từng đã trút lên con tim sự sợ hãi và lên tâm tư nỗi khắc khoải nghi hoặc – đã nói lên sự bất toàn của chính mình. Kierkegaard quả quyết rằng hoài nghi có nghĩa là bất đồng và cãi cọ, và điều đó sẽ đưa tới sự đổ vỡ cay đắng, bao lâu con người không có tình yêu thương. Lòng mong ước muốn xóa bỏ được sự ân hận thất vọng vì đã gây nên bất công cho người mình yêu thương, chỉ được cần bằng hóa bằng tình yêu thương. Vâng, chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể làm thoả mãn được sự mong ước đó, vì ‘Thiên Chúa là tình yêu’.

Nhà tư tưởng đầy cảm tính người Đan Mạch này không bao giờ sợ sệt trước sự đòi hỏi khe khắt của niềm tin tôn giáo. Bởi vì đối với ông, mẫu mực hợp lý thích đáng cho việc tổ chức cuộc sống là chính Đức Giêsu Kitô (xem ‘Einübung in Christentum’ – Sự thực hành trong Kitô giáo, 1850). Theo Kierkegaard, một người ‘Kitô hữu’ đích thực phải khác hơn nữa, chứ không chỉ công khai bày tỏ quan điểm tín ngưỡng của mình mà thôi. Vâng, người Kitô hữu phải hành động và sống như Đức Kitô đã sống và đã hành động: "kiên nhẫn cho đến chết và vâng phục cho tới bị treo trên thánh giá(Phaolô VI). Vì thế, điểm mang tính cách quyết định nằm ở chỗ: Đối với triết gia Nietzsche, Phúc Âm đã bị chấm tận hoàn toàn với cái chết của Đức Kitô; còn đối với Kierkegaard thì ngược lại, chính là lúc bắt đầu.

Sau cùng, mỗi người đều phải đối mặt với một thách đố nào đó trong cuộc sống, vì chính Đức Giêsu cũng đã phải hạ mình chấp nhận một sự nghèo khổ, khốn cùng và nhục nhã, hầu con người có thể tiếp cận và bắt chước được gương sống của Người. Kierkegaard đã hoàn toàn đồng ý với lời thánh Phêrô cho rằng, Đức Kitô chỉ có thể là Đấng Cứu Thế, khi Người để lại cho những kẻ muốn bước theo Người những lối sống và cách thực hành hợp lý, vừa với tầm sức của họ (x. 1Pr 2,21). Tuy nhiên, ai lại sẵn sàng bước đi trên con đường sỏi đá chông chênh? Vì thế, một trong mười hai môn đệ của Đức Giêsu chỉ muốn dừng lại nơi sự cảm phục thuần túy đối với Sư Phụ mà thôi, chứ không muốn đưa áp dụng những đòi hỏi của Phúc Âm vào đời sống cụ thể: Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. Trách nhiệm của con người suy lý và khôn ngoan là biết quan hệ trực tiếp với Đấng Tạo Hóa và biết hành động cho sự thiện hảo bền vững. Theo Kierkegaard, đây chính là điểm giúp cho con người nhìn nhận ra quan điểm sai lạc của của mình, tức tin nhận Thiên Chúa Toàn Năng, để chỉ "kính nhi viễn chi" đối với Đức Kitô thực tiễn.

Kierkegaard đòi hỏi nơi "Kitô giáo đương thời" sự biết vượt lên trên một đức tin thiếu hành động cụ thể. Quan điểm về đức tin của Kierkegaard là sự nhân hậu đầy thông cảm thực tiễn với sự đau khổ của đồng loại. Do đó, triết gia Karl Jaspers (trong cuốn ‘Vernunft und Existenz’ - Lý trí và sự hiện hữu) đã ca ngợi nhà triết học nổi tiếng nhất của miền Bắc Âu này là có được một ý chí mạnh mẽ. Bởi vì cái hố sâu giữa bản chất sống nhút nhát, dè dặt của ông và sự yêu sách dấn thân trung thành của đức tin Kitô giáo đòi hỏi một thái độ cư xử mềm dẻo giữa con tim và tinh thần.

Tuy Sören Kierkegaard qua đời lúc mới 42 tuổi, nhưng các tác phẩm của ông đã gây được một sự chú ý rất lớn trong nền triết học tôn giáo cận đại.

Lm Nguyễn Hữu Thy

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/chi-tinh-yeu-moi-co-the-thoa-diu-duoc-coi-long-nghi-nan/