Trích từ Dân Chúa

Chạnh lòng thương - vài suy tư về biến cố Đức Cựu TGM Ngô Quang Kiệt xin từ nhiệm

Lm Giuse Trần Việt Hùng

Chạnh Lòng Thương” là khẩu hiệu Giám Mục của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt. Chạnh Lòng Thương đã đổi đời của một con người. Tình yêu chạnh lòng đã làm nên một cuộc đời hiến dâng cao cả. Chúa đã quan phòng mọi sự cách lạ lùng. Chúa ban cho, rồi Chúa lại lấy đi. Điều quan trọng nhất là làm theo thánh ý Chúa trong mọi sự, mọi nơi và mọi lúc.

Sách Giảng Viên đã nói:

Ở dưới bầu trời này,
mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:
một thời để chào đời, một thời để lìa thế;
một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây;
một thời để giết chết, một thời để chữa lành;
một thời để phá đổ, một thời để xây dựng;
một thời để khóc lóc, một thời để vui cười;
một thời để than van, một thời để múa nhảy;
một thời để xé rách, một thời để vá khâu;
một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng;
một thời để yêu thương, một thời để thù ghét;
một thời để gây chiến, một thời để làm hoà
(Giảng Viên 3:1-4, 7-8).

Con xin chia sẻ một vài suy tư về biến cố Đức Cựu TGM Ngô Quang Kiệt xin từ nhiệm. Tin hành lang về sự ra đi của ngài đã có từ lâu. Nhưng niềm hy vọng giữ ngài ở lại vẫn khơi dậy trong lòng yêu thương và qúy mến của nhiều người. Cuối cùng cái gì đến đã đến. Qua sự sắp xếp êm đẹp và hài hòa của Giáo Hội và của chính Đức Cựu Tổng Giuse, sự từ nhiệm ra đi đã để lại nhiều luyến nhớ trong lòng người.

Khi tôi vào mạng lưới để tìm hiểu về đời sống mục vụ và họat động của Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt, kết quả mà các tác giả đã viết đến Tên của ngài là 2,620,057 lần. Có nghĩa là trên 2 triệu 600 ngàn lần và không biết có bao nhiêu bài đã viết và nói về ngài trên các báo chí khác. Trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến 2010, các bài viết về Giám Mục Ngô Quang Kiệt không còn giới hạn trong khuôn khổ một địa phận hay một nước, mà đã lan trải cả trên thế giới. Không chỉ các bài viết bằng tiếng Việt, mà hầu hết các ngôn ngữ chính như tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan, Đức, Nga,…Các bài đã đăng tải trên mạng lưới hoàn cầu nói về đời sống mục vụ, những thăng trầm, những đấu tranh cho công lý và họat động của Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt.

Qua các phương tiện truyền thông như phát thanh, báo chí, video, youtube, ở trong nước cũng như ở Hải Ngọai, không phải mọi việc làm của Giám Mục Ngô Quang Khải đều được phản ảnh tốt đẹp hay hoàn toàn được tán thưởng. Mở những trang mạng, chúng ta thấy có rất nhiều quan điểm khác nhau, rất nhiều những suy tư đồng thuận cũng như ngược chiều. Có những ủng hộ, khuyến khích, nâng đỡ và khen thưởng. Cũng không thiếu những lời dèm pha, kết án, mạt sát, chê bai và tẩy chay. Trong cuộc đấu tranh tư tưởng, thật ra chẳng ai thắng và cũng chẳng ai thua. Thua hay thắng, thành hay bại còn tùy thuộc vào cái Tâm. Hữu tâm hay vô tâm. Điều chính yếu là chúng ta xây dựng cuộc sống trên sự thật hay trong sự lừa đảo dối trá. Dù sao đi nữa, tên Giuse Ngô Quang Kiệt đã đi vào lịch sử. Nhưng con người và vai trò của ngài đã thay đổi. Đức Cựu TGM Giuse đã rời chức vụ và từ nhiệm. Dưới con mắt của nhiều người, có thể họ nghĩ rằng sự ra đi này là một thất bại hay một sự bỏ cuộc. Có nhiều người lại thất vọng, luyến tiếc hoặc thương tiếc cho số phận ngặt nghèo.

Nhìn lại những diễn tiến trong cuộc đời của ĐGM Ngô Quang Kiệt. Trong một thời gian ngắn, ngày 31 tháng 5, 1991, Thầy Ngô Quang Kiệt được thụ phong linh mục, thuộc Giáo Phận Long Xuyên, rồi làm Chánh Văn Phòng Tòa Giám Mục Long Xuyên.

Ngày 29 tháng 6, 1999, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm là Giám Mục Chánh Tòa Cao Bằng Lạng Sơn và được thụ phong Giám mục tại Nhà Thờ Chánh Tòa Long Xuyên.

Ngày 26 tháng 4, 2003 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt làm Giám Quản Tông Tòa Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Ngày 19 tháng 2, 2005, Đức Thánh Cha JP II đã bổ nhiệm Đức Cha Ngô Quang Kiệt là Tổng Giám mục Giáo Phận Hà Nội. Ngày 19 tháng 3, ngày Lễ thánh Giuse quan thầy, nhậm chức Tổng Giám Mục Hà Nội.

Ngày 13 tháng 5, 2010, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã từ nhiệm.

Tất cả là hồng ân: “Từ bụi tro, Chúa nâng con lên hàng khanh tướng”. Lời Xin Vâng đầu tiên đã trổ sinh bông trái. Vâng lời đến để phục vụ. Ngài từ Miền Nam xa xôi đồng ruộng Kiên Giang đến với Miền Cực Bắc Cao bằng Lạng Sơn, núi đồi trùng trùng điệp điệp. Đức Cha Giuse đã ghi dấu chân từ Nam ra Bắc. Chúa đã trao ban cho ngài nhiều trách vụ nặng nề. Rồi tiếp tục qua sự bổ nhiệm của bề trên, ngài đã về Thủ Đô, lãnh trên vai trọng trách nặng nề làmTổng Giám Mục Hà Nội. Chức cao quyền trọng trong Giáo Hội. Ngài đã hết lòng phục vụ đoàn chiên được trao phó. Ngài đã sống mãnh liệt trong yêu thương và phục vụ. Hết mình vì đoàn chiên. Với khẩu hiệu: “Chạnh lòng thương” đã nhuần nhuyễn trong máu huyết của ngài. Ngài đã sống khẩu hiệu của mình từng giây phút trong đời phục vụ. Đức Cựu Tổng Giuse đã đặt nền móng đức tin và hướng đi cho Tổng Giáo Phận. Tuy thời gian ngắn ngủi trong phục vụ nhưng ngài đã để lại dấu ấn trong trái tim mỗi người và sẽ không bị phai nhòa.

Xa gần rải rác trong nhiều trang mạng, tôi đọc những bài viết liên quan đến Đức Cựu Tổng Giuse. Tôi cố gắng theo dõi tình hình trong và ngoài Giáo Hội. Khi đọc bài phỏng vấn của Mặc Lâm, phóng viên RFA vào ngày 14 tháng 5, 2010, với Đức cha Nguyễn Chi Linh, Phó Chủ Tịch HĐGMVN, chúng ta nhìn ra vấn đề rất tế nhị là dường nào. Trong thời điểm này, có lẽ “im lặng là vàng”. Vì có suy diễn cách nào đi nữa, cũng khó thuyết phục được lòng người ngưỡng mộ sẵn có đối với Đức Cựu Tổng Giuse. Không lý do nào có thể đáp ứng những mong ước và lòng qúy mến mà anh chị em đã dành cho ngài.

Chúng ta biết rằng, cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Nguyên nhân xa hoặc gần. Nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp. Nguyên nhân đó đã ảnh hưởng không ít đến con người cả tinh thần, lẫn thể lý. Không những thế, khi làm việc cần có sự tương trợ đối ngoại và đối nội, cần có những môi trường thuận lợi, thì công việc mới thành công. Chúng ta nhớ rằng muốn đạt được kết qủa tốt, điều cần thiết phải có là: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Nếu thiếu một trong ba cột trụ trên, công việc sẽ bị trì hoãn và không mang lại kết qủa tốt.

Chúng ta cũng không chối từ những biến cố khó khăn và dồn dập xảy đến cho Đức Cựu Tổng Giuse. Theo dõi những diễn biến qua mạng lưới trong cũng như ngoài Giáo Hội đã xảy ra tại Giáo phận Hà Nội vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008, khởi đầu từ thơ của Đức TGM Giuse gởi giáo dân Hà Nội xin cầu nguyện cho vấn đề sở hữu đất đai Tòa Khâm Sứ, lúc đầu chỉ là những nhóm nhỏ cầu nguyện, nhưng dần dần phạm vi lan rộng ra các giáo xứ và giáo phận. Và nhất là ngài đã nêu lên một hướng đi mới trong hoàn cảnh cuộc sống. Rồi có nhiều người cũng đã lợi dụng tình hình làm cho biến cố lan rộng và nóng bỏng. Tình hình thực sự càng lúc càng diễn biến căng thẳng hơn. Nói xa, nói gần, chúng ta biết Đức Cựu Tổng Giuse đã không thể tiếp tục công việc vì bị rất nhiều ảnh hưởng và sứ ép chung quanh. Về cá nhân của ngài, chúng ta biết ngài đã có ý định xin từ nhiệm từ lâu vì lý do sức khỏe. Lý do sức khỏe là chính đáng. Mỗi người tự biết được cái gì đang xảy ra trong thân xác của mình. Sức khỏe là vàng. Ai mà không muốn mạnh khỏe để sống và hoạt động tốt. Bệnh hoạn tật nguyền đâu loại trừ một ai. Có người được mạnh khỏe suốt đời, có người bị èo ọt ngay từ khi sinh ra. Mỗi người một chứng, một bệnh. Chúng ta không thể nói trước về bệnh họan đựợc. Người biết chính mình luôn là người khôn ngoan. Biết dừng chân đúng lúc.

Linh mục Peter Hoàng, Omi đã nhắc nhở cộng đoàn giáo dân rằng “Người Công Giáo Việt Nam: Hãy bình tĩnh lại! Mấy hôm nay, sau sự từ chức và ra đi chữa bệnh của Đức Tổng Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội, dường như có một “quả bom” vô hình làm nổ tung tâm trí của rất nhiều người Công Giáo Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại. Làm cho nhiều người hoang mang, nghi kỵ và ngay cả đả kích lẫn nhau.”

Linh mục Stephanô Huỳnh Trụ đã cống hiến cho chúng ta một câu truyện cổ rất ý nghĩa. “Duật bạng tương tranh, ngư nhân đắc lợi.” Tô Đại kể: “Trên đường đến nước Triệu, đi qua Dịch Thuỷ, thần thấy một con trai mở hai vỏ ra, phơi nắng bên bờ sông. Một con cò đến mổ thịt con trai. Con trai liền dùng hết sức lực đóng vỏ lại, kẹp cứng mõ con cò. Cò nghĩ: “Không sao, hôm nay không mưa, mai không mưa, mi phải chết khô, giờ đó mới ăn thịt mi.” Con trai cũng không chịu thua, nó nghĩ: “Không sao, mõ mi hôm nay không rút ra được, mai không rút ra được, mi cũng chết, ai thắng ai bại còn chưa biết.” Con trai và cò không nhường nhau. Một ngư ông đi qua bắt được cả hai một cách dễ dàng.” Đức cha Phó chủ tịch HĐGMVN lên tiếng về sự kiện Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt từ chức. Đức cha Nguyễn Chí Linh phát biểu rằng: “Đức Tổng Kiệt luôn lập đi lập lại là người ta cứ hiểu lầm là mình bị sức ép để mà từ chức nhưng thật ra sức khỏe của ngài suy yếu cách nay đã lâu cho nên ngài đã làm đơn từ chức trước khi xảy ra vụ Tòa khâm sứ và vụ Thái Hà. Dư luận cứ cho đó là sức ép của phía nọ phía kia. Cách đây không lâu tôi đã trực tiếp hỏi Đức tổng Giuse nhiều lần, mãi đến mấy ngày vừa qua, chúng tôi rất ngạc nhiên không hiểu tại sao ngài lại từ chức vào lúc này. Ngài trả lời chỉ đơn giản là ngài không làm việc được. Mỗi lần nghĩ tới công việc thì đã bủn rủn tay chân. Cơ thể thì cứ ngày một suy nhược đi.”Trong lời từ biệt của Đức TGM Ngô Quang Kiệt, ngài viết rất chân tình: “Tôi thật có lỗi khiến anh chị em thất vọng khi nộp đơn xin từ nhiệm. Nhưng anh chị em hãy tin rằng tôi đã làm tất cả chỉ vị lợi ích của Giáo Hội, cụ thể là của Tổng Giáo Phận Hà Nội chúng ta”. Trong phần cuối của lá thơ từ biệt, ngài viết lời rất thân thương: “Trong tình yêu thương hợp nhất sẵn có, tôi tin chắc anh chị em sẽ yêu mến Đức cha Phêrô như đã yêu mến tôi và sẽ cộng tác với ngài như đã cộng tác với tôi. Ngài sẽ thay thế vị trí của tôi ở giữa cộng đoàn yêu thương của chúng ta, để mạch yêu thương không bao giờ đứt đọan.”

Đức cha Gioan B. Bùi Tuần đã viết trong bài Suy Niệm về Thánh Phaolô trong cuộc giã từ cộng đoàn rất sâu sắc. “Xin phó thác cho Chúa” (Cv 20,34) “Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến” (Cv 20,32). “Những lời tạ từ trên đây là một tuyên xưng đức tin đầy khiêm tốn, bình an và nhung nhớ khôn nguôi. Ra đi, nhưng hẹn sẽ gặp lại nhau trên cõi thiên đàng. Ra đi, mà vẫn lo cho nhau trong cuộc sống còn nhiều gian khổ. Giã từ trên đây của thánh Phaolô cũng đã và đang diễn lại nhiều nơi trong Hội Thánh khắp nơi. Người mục tử ra đi đã làm trọn sứ vụ của mình, ngay trong chính lúc giã từ. Đoàn chiên ở lại sẽ giữ mãi hình ảnh đẹp của mục tử, ngay trong chính lời từ giã.”

Đức cha Đặng Đức Ngân đã chia sẻ trong Lễ Giỗ 20 Năm Đức Cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn vào ngày 19 tháng 5, 2010 : “Vào ngày 02 tháng 06 năm 1963, ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tại Nhà thờ Chính tòa Hà-Nội; Đức Tổng Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê đã chủ sự Tấn Phong Giám mục cho vị linh mục có 42 tuổi đời là Cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn, với tước vị Tổng Giám Mục Phó Giáo phận Hà-Nội trong sự ngỡ ngàng của Dân Chúa vì không được thông báo trước.” Đức cha đã soi tỏ cho chúng ta rằng có những hoàn cảnh tạo sự ngỡ ngàng. Trong vòng vài tuần lễ vừa qua, đã có nhiều sự cố bất ngờ và sự thay đổi nhân sự quan trọng trong HĐGMVN.

Giây phút ngỡ ngàng đã qua và Tổng Giáo Phận Hà Nội đã vinh hạnh đón nhận Đức Tổng Giám Mục Phêrô. Ngày 19 tháng 5, cha Vincent Nguyễn Văn Xuyên, Tổng Đại Diện Giáo Phận Hà Nội, đã chúc mừng Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyến văn Nhơn: “Hôm nay, chúng con vinh dự chúc mừng Đức Cha đã được Chúa đặt lên chức vị cao cả là Tổng Giám Mục của TGP Thủ đô của nước Việt Nam thân thương này. Chúng con cùng đặt niềm tin tưởng nơi Đức Cha là hiện thân của Đức Kitô, thực thụ là người cha, người thầy và là người lãnh đạo chúng con.”

Nhìn vào lịch sử Cứu Độ, chúng ta nhận ra bàn tay quan phòng của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Lời của Thánh Phaolô viết cho Cộng Đoàn Corintô, đã nhắn nhủ chúng ta: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình. Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên (1Cor 3:6-9).

Thay lời kết, Tổng Giáo Phận Hà Nội đã có Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cai quản. Một sự chuyển giao quyền hành rất mau lẹ và hiệu qủa. Cả hai Đức Tổng phải hy sinh và vâng lời. Vâng lời trong phục vụ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho cả hai Vị trong chức vụ của mình. Cầu cho Đức Cựu TGM Ngô Quang Kiệt được mau bình phục sức khỏe để phục vụ dân Chúa trong hoàn cảnh mới. Cầu nguyện cho Đức TGM Phêrô luôn can đẩm làm chứng nhân cho sự thật, tình yêu và công lý. Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng, gìn giữ và dìu dắt, để ngài luôn là mục tử tốt lành dám hy sinh cho đàn chiên. Xin Thiên Chúa chúc lành cho Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt cho mọi thành phần thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội trong Năm Thánh 2010 này.

Bronx, New York

Lm Giuse Trần Việt Hùng

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/chanh-long-thuong-vai-suy-tu-ve-bien-co-duc-cuu-tgm-ngo-quang-kiet-xin-tu-nhiem/