Trích từ Dân Chúa

Chân lý sẽ tất thắng (2)

Trần Quyết Thắng

VietCatholic News (Thứ Bảy 12/01/2008)

Chứng kiến những biến cố diễn ra trong suốt tuần lễ vừa qua, từ khi giáo dân xứ Thái Hà và các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) tại cộng đoàn Hà Nội chính thức lên tiếng yêu cầu chính quyền nhà nước cộng sản Việt Nam hoàn trả lại phần đất 16.362 m2, hiện nay đang bị chiếm đoạt bất hợp pháp bởi công ty may cổ phần Chiến Thắng tại Hà Nội.

Chính quyền điạ phương tại quận Đống Đa đã phối hợp với các lực lượng khác, bao gồm: công an 113, an ninh, cán bộ thanh tra xây dựng, lực lượng dân phòng… để bảo vệ cho công ty may Chiến Thắng tiến hành xây dựng trái phép trên phần đất hiện đang còn tranh chấp giữa giáo xứ Thái Hà, tu viện DCCT Hà Nội, và chính quyền điạ phương.

Thửa đất này được mua bởi Đức Giám Mục Francois Chaize, đại diện cho nhà DCCT tại Hà Nội. Hiện nay cộng đoàn DCCT Hà Nội là pháp nhân chính thức có chủ quyền thực sự trên toàn bộ diện tích khu đất 61,455m2.

Sự cưỡng chiếm đất đai bất hợp pháp của chính quyền cộng sản từ suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua đã làm cho người dân đất bắc đem lòng căm phẫn, vì sự cưỡng đoạt tài sản của nhân dân một cách thản nhiên, hết sức phi lý. Gây nên không biết bao nhiêu oan trái. Ví dụ chính sách “Cải cách ruộng đất” diễn ra tại miền Bắc vào năm 1956 đã để lại không biết bao nhiêu hậu qủa thê lương. Qúi vị nào muốn biết thêm chi tiết, xin xem tác phẩm Ðêm Giữa Ban Ngày của tác gỉa Vũ Thư Hiên, qúi vị độc giả có thể lấy xuống (download) miễn phí từ trang này

Nhân dân miền Bắc đành phải cắn răng chịu đựng, không dám hở miệng ta thán, dù đó là sự bất công hiển nhiên. Sự việc tước đoạt tài sản của nhân dân và của các cơ quan tôn giáo một cách tự nhiên, cho thấy không hề có sự tôn trọng nào của nhà nước, về luật sở hữu của tư nhân đã được cộng đồng các quốc gia trên thế giới thừa nhận, trong bản tuyên ngôn Nhân Quyền Quốc Tế, trong đó, nhà nước Cộng hoà, xã hội chủ nghĩa Việt Nam rất hãnh diện là một thành viên.

Thừa thắng xông lên, cộng sản miền bắc đã xua quân cưỡng chiếm miền nam Việt Nam vào năm 1975. Sau khi lên nắm chính quyền và thống nhất cả hai miền Nam Bắc, chính quyền cộng sản Việt Nam đã áp dụng chính sách, chia để trị và dùng bạo lực để uy hiếp tinh thần người dân. Mọi tự do cơ bản về nhân quyền hầu như không có, hay không được nói đến, có chăng chỉ là trên văn bản, gọi là để “điểm phấn thoa son” nặng hình thức trình bày và để “lòe bịp” thế giới Tây Phương, cho thấy rằng: “nước Việt Nam ta” cũng có “tự do” và “dân chủ” lắm đấy! Nếu bạn không tin à, thì cứ hỏi bất kỳ ai tại Việt Nam thì họ sẽ nói rằng: nước chúng tôi, “Dân làm chủ, nhà nước quản lý, đảng lãnh đạo.” Đấy rõ rệt là dân làm chủ, nghĩa là “dân chủ”, nhưng mọi sự đều được nhà nước quản lý, lẽ đó phải theo quy luật và chế độ “xin – cho”, và sau cùng là đảng lãnh đạo, cho nên mọi sự phải tuân theo sự điều khiển và dưới sự hướng dẫn của đảng. Đảng bảo sao thì làm vậy. Trái lệnh đảng… thì chỉ có một con đường duy nhất là đi vào “nhà đá” nghỉ mát dài hạn…, khi nào đảng thấy học tập và cải tạo tốt, thể hiện tính chất vô sản chân chính và tinh thần xã hội chủ nghĩa cao độ, thì lúc đó mới mong ra khỏi nhà giam.

Trước một sức ép kinh khủng như thế, đâu có người dân nào tại Việt Nam dám hiên ngang cưỡng lại, hoặc dám công khai chống đối chính quyền. Họ đành khép mình vào cái trôn ốc, tự rúc mình vào cái vỏ để được sự an toàn, tránh đi những phiền toái có thể xảy ra cho bản thân. Lâu nay, điều ấy dường như trở thành một lối sống quen thuộc đối với người dân tại Việt Nam. Họ rất ngoan ngoãn và dễ bảo. Cúi đầu lặng lẽ lắng nghe những chỉ thị và mệnh lệnh của nhà nước. Lẽ đó, các nhà lãnh đạo tại Việt Nam tha hồ vung vít, muốn vẽ gì thì vẽ, muốn làm gì thì làm, coi trời bằng vung, và coi thiên hạ, thần dân của mình như rươm rác, không ra kílô-gram nào cả. Dân mà thấy cán bộ thì khúm núm, khép nép… như gặp phải hung thần. Còn gặp công an thì như gặp cọp, mặt xanh như “đít nhái”, khiếp đảm hồn vía lên mây… Âu đó cũng là “chính sách” và đường lối của đảng ta. Ấy vậy, mà cứ thấy nhan nhãn các tấm bích chương treo đầy trên các tường phố và nhất là các nơi cơ quan chính quyền: “công an là bạn của dân!”

Vì sao họ bị đe dọa, bị ức hiếp, bị trù dập, đôi khi tức muốn cắn răng tự tử, nhưng cũng không sao dám nói ra, vì có nói thì cũng chẳng có ai nghe, có thưa thì cũng chả có ai xử. Có kiện thì cũng bằng thừa, ví dụ điển hình là việc tranh tụng đất đai của các tôn giáo, trong đó có Giáo hội Phật Giáo, Cao Đài Hòa Hảo và cả Giáo hội Công Giáo, và của biết bao nhiêu gia đình tại Việt Nam. Nhà nước ta đâu thèm cứu xét, chứ ngâm tôm để đó, để đến chừng nào đơn mục thì thôi, thế là khỏi phải giải quyết! Phương cách xử thế rất hay và vô cùng hiệu qủa. Nếu không kiên nhẫn đủ và không nhẫn nại, cứ tiếp tục viết đơn đệ trình lên chính quyền lãnh đạo các cấp xin giải quyết… thì chả hòng gì có kết qủa. Lẽ đó, ngày nay, người dân Việt Nam học được đức tính nhẫn nại, họ cương quyết đấu tranh cho đến cùng, đến khi nào chính quyền chịu giải quyết thỏa đáng cho những nguyện vọng chính thức, có cơ sở pháp lý, thì lúc đó họ mới chịu chấp nhận, không còn khiếu nại nữa.

Đôi lúc, tôi cảm thấy tội nghiệp và thương cho đồng bào mình, đúng là “người Việt cỏn con”, thấp cổ bé họng nên dầu có kêu la cũng chẳng ai đoái hoài tới. Đúng là phận “dân đen”, khố rách áo rơm, chả ai thèm đoái nhìn. Điều đáng buồn là sự kiện này lại xảy ra ngay trên quê hương đất nước của chúng ta. Bọn Trung Quốc ỷ mạnh lấn yếu, ỷ đông dân, dùng thịt đè người, lấn chiếm bất hợp pháp bờ cõi nước ta. Vụ Trường Sa và Hoàng Sa chẳng hạn. Chính quyền hô hào, toàn dân ai nấy đều ủng hộ, ngay cả những người không cùng một chính thể, sống tại các quốc gia khác. Tại sao họ lại hưởng ứng, vì ai nấy đều biết rõ chủ quyền của quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của chúng ta, của nước Việt Nam, được thế giới công nhận chủ quyền, xét về mặt pháp lý và trên bình diện quốc tế, thì nước Trung Quốc đã vi phạm đến công quyền của nước Việt Nam và vì thế, họ cần bị lên án và tố cáo trước công luận thế giới. Người dân Việt không thể chấp nhận sự cưỡng chiếm một cách bất công, giang sơn gấm vóc mà ông cha ta qua nhiều thế hệ, đã dùng chính xương máu của mình để bảo vệ vòng đai của tổ quốc.

Nếu tất cả mọi người dân Việt và những người có lương tri trên thế giới đều nhận thấy: việc Trung Quốc xâm chiếm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là bất hợp lệ và hợp pháp, vì đất đai không thuộc chủ quyền của họ, toàn dân, ai nấy đều phẫn uất và căm thù nhà nước Trung Quốc, khi đối xử cách bất công với quốc gia láng giềng Việt Nam và cũng là “đồng chí” với nhau trong suốt nhiều năm vừa qua.

Vậy thì chúng ta cũng dễ hiểu tại sao, người dân tại Việt Nam nói chung và người giáo dân tại tổng giáo phận Hà Nội và các vùng lân cận, khi họ có thái độ bất bình với nhà nước cộng sản. Chắc chắn chúng ta cũng phải cảm thông với họ, vì đó là điều “phẫn nộ” rất chính đáng, trước những bất công đang nhan nhãn diễn ra trong lòng xã hội Việt Nam ngày nay, bởi chính quyền đã tước đoạt tài sản, nhà cửa và đất đai, một cách bất hợp pháp, từ nơi người dân nghèo hèn.

Trở lại vấn đề mà ta đã bàn trước đây, khi đưa ra nhận định là người dân Việt Nam, trong những thập niên vừa qua rất ngoan ngoãn dễ bảo… họ chấp hành luật pháp một cách nghiêm chỉnh, ít khi nào có ý phạm pháp. Họ không dám đòi hỏi hay kiến nghị lên nhà nước, vì sợ đến các cửa quan, nhỡ không may, lại mang họa vào thân. Họ không dám chống đối hoặc biểu tình. Thế nhưng, những gì mới xảy ra tại Hà Nội, từ trung tuần tháng 12 năm 2007 đến nay, đã hoàn toàn thay đổi tất cả cái ý niệm và suy nghĩ trên. Người dân Việt Nam từ Bắc chí Nam, từ Hà Nội cho đến Sài Gòn, chí ít đã dám đứng lên tranh đấu cho công bằng và chân lý. Họ hiên ngang và can đảm dám nói lên sự thật, đòi trả lại công bằng, trả lại những tài sản và đất đai từ xưa đến nay đã bị nhà nước cưỡng chiếm một cách bất công, nhất là tài sản của các Tôn Giáo.

Sự kiện xảy ra gần đây nhất là vụ giáo dân thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, đồng lòng yêu cầu nhà nước chính quyền Việt Nam hoàn trả lại đất Tòa Khâm Sứ, vốn thuộc sở hữu của Tòa Giám Mục Hà Nội. Trước khí thế dũng mạnh và tinh thần đoàn kết như một của giáo dân Hà Nội, quyết tâm đòi lại tài sản đã bị chính quyền tước đoạt cách bất hợp lệ. Thủ tướng chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức viếng thăm Tòa Giám Mục Hà Nội và đã trao đổi với Đức Tổng Giám Mục, Giuse Ngô Quang Kiệt. Sau cuộc viếng thăm đầy tình hữu nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người giáo dân Hà Nội cảm thấy nguôi ngoai phần nào… vì có nguồn tin cho hay, chính quyền trung ương muốn giải quyết và trao lại đất Tòa Khâm Sứ cho Tòa Giám Mục Hà Nội, tuy nhiên, trước khi đi đến quyết định này, một số vấn đề cần phải được thông qua ban lãnh đạo chính quyền địa phương Quận Hoàn Kiếm và Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội. Chúng ta tiếp tục kiên trì cầu nguyện để cho ước nguyện của người giáo dân tại Hà Nội được trở thành hiện thực.

Song song như thế, chúng ta cũng đừng quên cầu nguyện cho giáo dân xứ Thái Hà và cho cộng đoàn DCCT tại Hà Nội, vì hiện nay họ đang gặp phải nhiều khó khăn lớn trong việc yêu cầu chính quyền cứu xét đơn khiếu nại khẩn cấp của họ, về vấn đề tranh chấp đất đai, với diện tích là 16.362m2 đã bị xưởng may Chiến Thắng chiếm dụng bất hợp pháp.

Trong những ngày qua, nhiều bản tin và hình ảnh từ trong nước đã được gởi ra nước ngoài, sau đó đã được phổ biến trên các mạng lưới toàn cầu, đáng chú ý nhất là website của www.vietcatholic.net, nơi có nhiều hình ảnh và thông tin nóng hổi.

Song song như thế, báo chí cũng như đài phát thanh radio của một số quốc gia, đã đăng tải và loan tin về sự kiện chính quyền nhà nước Việt Nam đã chiếm đoạt tài sản của Giáo hội Công Giáo và của nhà Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà, thủ đô Hà Nội, một cách bất công và bất hợp pháp. Họ còn nói rõ là: “nhiều cộng đồng Công Giáo tại Việt Nam rất phẩn uất (furious) đối với chính quyền, trong việc từ chối không trao trả tài sản lại cho Giáo Hội, đã bị nhà nước cưỡng chiếm, mặc dù đã có sự hứa hẹn trước đó của Thủ Tướng Chính Phủ, Nguyễn Tấn Dũng, trong cuộc gặp gỡ với Tổng Giám Mục Hà Nội trong tháng vừa qua.

[ABC Radio Australia - Asia Pacific - VIETNAM: Catholics demand return of church properties – Friday 10/01/2008.
“Hundreds of Vietnamese Catholics have been holding prayer vigils over the past week, seeking the return from the government of Catholic-owned properties. They include land owned by the Thai Ha parish, and an office that once belonged to an Apostolic delegate - both located in Hanoi. Many in the Catholic community are furious at a government refusal to hand the properties back, despite earlier promises from Prime Minister Nguyen Tan Dung to resolve the disputes during a meeting with the Archbishop of Hanoi last month.”]

Điều làm cho tôi đánh động nhất, sau khi chứng kiến buổi cầu nguyện cho công lý và hòa bình được tổ chức do Tu viện DCCT, số 38 Kỳ Đồng, Sài Gòn, vào buổi tối hôm qua, thứ Sáu ngày 11 tháng 01 năm 2008, từ lúc 7 giờ cho đến 9 giờ tối, tại nhà thờ DCCT Sài Gòn. Số giáo dân và bà con tham dự khoảng 4.000 người, họ đứng ra cả bên ngoài nhà thờ. Trong khoảng thời gian cầu nguyện, một số hình ảnh đã được chiếu lên trên màn ảnh lớn, cho thấy tinh thần đấu tranh mãnh liệt và cương quyết của giáo dân xứ Thái Hà, những ông cụ, bà lão tuổi đã ngoài 70, thế mà vẫn hăng say hòa theo với làn sóng người đến tận nơi hiện trường để cầu nguyện, có các cụ già mang cả chăn gối, mùng màn ra ngủ lại, sợ ban đêm, Công Ty may Chiến Thắng lại cho công nhân lén xay bờ tường, nhằm lấn chiếm đất dai của giáo xứ. Thật là cảm động khi tôi nhìn thấy những hình ảnh ấy. Các cụ, dù tuổi già, sức kiệt, chân yếu tay mềm, không có thể đi đứng mạnh dạn, nhưng vẫn kiên quyết đòi cho bằng được mảnh đất đã bị chiếm đoạt bởi Công Ty may Chiến Thắng. Tôi thấy các cụ đâu có khác gì những chiến sĩ VN, hiên ngang hy sinh liều mình để bảo vệ tổ quốc và biên cương đất đai của mình, dù cho xương có nát, thịt có tan, nhưng quyết không để ngoại xâm lấn chiếm đất dai và bờ cõi biên cương của quê cha đất tổ. Thật là dũng cảm và đáng kính phục. Các cụ là tấm gương sáng cho con cháu và cho những người trẻ giáo dân trong giáo xứ. Hãy coi đó để mà noi theo.

Và trong buổi tối hôm qua, tôi cũng nhìn thấy hình ảnh của các anh em linh mục DCCT tại Hà Nội, tiêu biểu là cha Trịnh Ngọc Hiên, bề trên cộng đoàn Hà Nội, kiêm chánh xứ Thái Hà. Cha Hiên một con người nhỏ bé, hiền lành. Dáng vóc ốm yếu, hom hem, gío thổi mạnh một cái thì ngài cũng có thể té ngay liền. Ấy mà không hiểu lý do nào mà ngài lại dũng cảm đến thế, bất chấp dầu sôi, lửa bỏng, trước sức ép mãnh liệt và sự hăm dọa của công an và chính quyền điạ phương, ngài vẫn HIÊN 1 ngang, oai hùng, không tỏ vẻ nao núng, không tí gì là sợ sệt, vì ngài cho rằng: “Chúng ta đấu tranh cho lẽ phải, cho sự thật, cho công bằng, cho chân lý.”

Bất cứ một cuộc đấu tranh nào, nếu có ý nghĩa, có chân lý và có sự thật hậu thuẫn, cộng với sức mạnh và sự đồng tình ủng hộ của người dân, tất sẽ thắng. Dường như điều này Ông Hồ rất am tường nên đã phát biểu như sau: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy vẫn không bao giờ thay đổi.” Nghĩa là CUỐI CÙNG TA SẼ THẮNG.

Trần Quyết Thắng

Viết tặng toàn thể anh chị em giáo dân Tổng giáo phận Hà Nội và giáo xứ Thái Hà, cùng qúi cha Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, cách riêng cộng đoàn DCCT Hà Nội.

[1] Bây giờ tôi mới hiểu không phải tự nhiên mà bố mẹ cha Hiên đặt cho ngài cái tên ấy. Hiên chính là tên của con. Dường như bố mẹ ngài muốn nhắn nhủ, vậy con hãy sống sao cho xứng đáng với tên của mình. HIÊN ngang là căn tính của con, mà con là sĩ tử của DCCT, nên nó cũng là cái căn tính của Hội Dòng con.

Trần Quyết Thắng

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/chan-ly-se-tat-thang-2/