Trích từ Dân Chúa

Cha Giuse Vũ Ngọc Bích - người sống chết với Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà Hà Nội

DCCT

Ngay khi đặt chân đến Việt Nam vào năm 1925, các cha Dòng Chúa Cứu Thế đã đi giảng tại miền Bắc: Phát Diệm, Hà Nội và Hưng Hóa. Đầu năm 1928, Dòng Chúa Cứu Thế chính thức có mặt tại Hà Nội, trên một mảnh đất rộng 6 hécta thuộc ấp Thái Hà, cạnh tuyến đường Hà Nội – Hà Đông, chấm dứt một thời kỳ 2 năm tạm trú tại Toà Giám Mục Phát Diệm.

Năm 1954, sau khi hiệp định Genève được ký kết, toàn bộ quý cha, quý thầy và đệ tử chuyển vào miền Nam. Thầy Clê-men-tê Phạm Văn Ðạt tình nguyện ở lại. Phụ Tỉnh đã cử cha Denis Paquette và cha Thomas Côté từ Huế ra giữ Nhà Hà Nội. Cha Giu-se Vũ Ngọc Bích và thầy Marcel Nguyễn Tấn Văn ở Ðà Lạt tình nguyện ra theo. Tu Viện lớn nhất Phụ Tỉnh, nơi đã đào tạo được 45 cha và 50 thầy, lúc này chỉ còn 3 cha và 2 thầy. Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội bước vào một giai đoạn khó khăn chưa từng thấy.

Ngày 07-05-1955, thầy Marcel Nguyễn Tấn Văn bị bắt. Ngày 23-10-1958 cha Denis Paquette bị trục xuất. Ngày 09-07-1959, thầy Marcel Nguyễn Tấn Văn qua đời trong một trại giam tại Yên Bái. Tháng 11-1959, đến lượt cha Thomas Côté bị trục xuất. Ngày 09-10-1962, thầy Clê-men-tê Phạm Văn Ðạt bị bắt; thầy qua đời trong một trại giam tại Yên Bái ngày 07-10-1970. Cha Giu-se Vũ Ngọc Bích trở thành Bề Trên không bề dưới.

Từ khi thầy Clê-men-tê Phạm Văn Ðạt bị bắt, cha Giu-se Vũ Ngọc Bích một mình giữ Ðền. Ngài phải một mình dạy giáo lý vì không được có giáo dân giúp. Ngài cũng không được đi làm lễ hay giảng thuyết ở các nhà thờ khác. Tuy nhiên, thỉnh thoảng ngài được phép đi thăm các giáo xứ trong và ngoài thành phố Hà Nội cũng như giảng tĩnh tâm cho linh mục, tu sĩ của Giáo Phận Hà Nội.

Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà bị trưng thu trở thành bệnh viện Đống Đa, tu viện thu hẹp lại chỉ còn là một căn nhà nhỏ bên cạnh nhà thờ, nhưng tại đây, cho dù chỉ còn một mình cha già Giuse Vũ Ngọc Bích, Thánh Lễ mỗi ngày vẫn được cử hành, ngày chủ nhật vẫn có nhiều Thánh Lễ để phục vụ dân Chúa, và đặc biệt đều đặn không ngơi nghỉ, mỗi ngày thứ bảy đều có giờ hành hương kính Đức Mẹ theo truyền thống của Nhà Dòng, cũng tại nơi đây, cho dù chỉ còn một mình, những vẫn là nơi phát xuất việc Đại Phúc của cha già Vũ Ngọc Bích trong những năm tháng cực kỳ khó khăn.

Tháng 6 năm 2004, trong thánh lễ an táng Cha Giuse Vũ Ngọc Bích, cha Vũ Khởi Phụng giảng rằng: “Cha Già đã tỉnh thức trong suốt 50 năm qua”.

Cha Phụng nói tiếp:

“Con thấy quả đúng vậy. Ngài không chỉ tỉnh thức về phần linh hồn-một điều ngài rất chăm lo-mà ngài còn tỉnh thức với thời cuộc, để tồn tại và rao giảng, để xây dựng Nhà dòng và Giáo hội

Thứ nhất: Tháng 9 năm 1954 ngài đã mau mắn trở lại Thái Hà Ấp, Hà Nội. Nếu ngài chậm một chút có lẽ DCCT Hà Nội sẽ không còn tồn tại cho đến ngày nay. Vì ngày 10.10.1954, quân giải phóng đã tiếp quản Hà Nội.

Thứ hai: Đúng năm 1956, ngay khi nhà nước có chính sách sửa sai ngài lập tức ngài xin đi giảng tại Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghĩa Lộ, Yên Bái- vốn là vùng chiến khu cách mạng và đã 10 năm giáo dân nơi đây bị bỏ rơi. Nếu năm 1954 đang lúc tập kết, chuyển quân, hay 1955 đang lúc cải cách ruộng đất mà ngài xin điều này, thì chắc chắn chẳng những không được chấp thuận mà có thể sẽ bị mất mạng.

Thứ ba: Năm 1987, ngài nhận các dự tu đầu tiên vào tu viện Thái Hà Ấp. Lúc này, qua đài báo, ngài nhận thấy xu hướng dân chủ hoá đã phổ biến trên thế giới và bắt đầu ùa vào Việt Nam mà biểu hiện là đường lối cải tổ và đổi mới đã được Đại Hội ĐCS Việt Nam đưa ra cuối năm 1986. Chính lúc này ngài mới bắt đầu tái lập công cuộc đào tạo các tu sĩ trẻ tại Miền Bắc sau gần 50 năm gián đoạn. Ai biết tình hình Miền Bắc trong thập niên 1980, thì biết rằng nếu ngài xúc tiến việc dào tạo này trước 1 hoặc 2 năm chắc chắn sự việc chắc chắn sẽ bất thành.

Thứ bốn: Năm 1989 giữa lúc phong trào đấu tranh đòi dân chủ dâng cao ở Trung Quốc và Đông Âu, Cha Già đã quyết định là gửi các anh em dự tu từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh, mở ra một lối đi cho việc đào tạo các tu sĩ DCCT Miền Bắc. Và ngài đã thành công. Những anh em đầu tiên nay đã ra trường. Người anh em cuối cùng, cuối tháng này sẽ chịu chức phó tế tại thánh đường này. Tất cả nay đã có thể nối tiếp ơn gọi và sứ mạng của ngài. (Về chuyện “du học” này con biết các giáo phận Miền Bắc làm điều này chậm hơn Cha Già từ 1 đến 5 năm. Đấy là nói việc gửi người vào Nam đào tạo như một chính sách).

Thứ năm: Năm 1993, giữa lúc tiến trình đàm phán để bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ đang đi đến bước quyết định, giữa lúc Mỹ đang xúc tiến thành lập một văn phòng liên lạc tại Hà Nội, giữa lúc Mỹ đang đòi tự do tôn giáo là một trong những điều kiện để xoá bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, giữa lúc nước ta đang muốn chứng tỏ cho Mỹ và thế giới thấy mình có tự do tôn giáo, giữa lúc đó Cha Già đã làm đơn xin cho một linh mục trong Dòng từ Miền Nam ra tu viện Hà Nội. Sau lá đơn gửi chính quyền là hai bài trả lời phỏng vấn. Một trên báo Nhân Dân và một trên đài Hoa Kỳ. Kết quả là thầy sáu Trịnh Ngọc Hiên được ra phục vụ tại Tu Viện Thái Hà Ấp ngay trong năm 1993. Và vào tháng 2 năm 1994 khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận Việt Nam cũng là lúc thầy sáu Hiên được vào chủng viện Hà Nội. Giữa năm 1994 khi văn phòng liên lạc của Mỹ được mở tại Hà Nội, thì cũng là lúc thầy sáu Trịnh Ngọc Hiên được chịu chức linh mục, mở ra một giai đoạn mới cho DCCT tại Miền Bắc.

Kể ra vài quyết định trên đây của Cha Già, những quyết định có thể nói là mở đường cho việc làm nên khuôn mặt và sức sống của DCCT tại Miền Bắc hiện nay, để chúng ta thấy rằng Cha Già có một khả năng phân tích thời cuộc sắc bén thế nào và ngài đã đồng hành với dân tộc và Giáo hội Việt Nam một cách cụ thể ra sao. Tình yêu đã khiến ngài có một giác quan nhạy bén, nắm bắt được tình hình chính trị, xã hội, tôn giáo của thế giới và của đất nước, đọc ra được những dầu chỉ thời đại, nắm bắt được thời cơ để thi hành sứ mạng. Ở những thời điểm quan trọng của đất nước và Giáo hội ngài luôn biết cần phải làm gì và ngài đã làm được. Đó là một trong những điều làm nên sự lớn lao của ngài.

Kính thưa quý cha quý thầy và toàn thể ông bà anh chị em,

Cha Già Giuse Vũ Ngọc Bích đã kết thúc hành trình trần thế của mình. Ai biết ngài cũng thấy được đó là một hành trình nhiều cam go, thử thách, đau đớn, nhục nhã, nhưng nhiều hơn là lòng mến Chúa yêu người, là niềm tin tưởng và hy vọng mãnh liệt vào quyền năng của Chúa. Nhờ tình thương của Chúa và nhờ nỗ lực của ngài, hành trình ấy đã kết thúc rất có hậu. Chúa không để những kẻ trông cậy ngài phải hổ ngươi. Mấy năm gần đây, nhìn các sinh họat phụng tự sốt sắng, cuốn hút đông đảo giáo dân từ các nơi về Thái Hà Ấp vào thứ bảy chủ nhật, nhìn đoàn rước tiến vào nhà thờ gồm hàng chục cha, thầy và anh em dự tu dcct trong mỗi dịp lễ lớn, con nhận ra rằng những khó nhọc của Cha Già đã trổ sinh hoa trái. Chúa đã thưởng công Cha Già. Thế hệ con cái của ngài đã và đang nối tiếp chí hướng và sứ mạng của ngài. Sức sống mạnh mẽ khi xưa của Nhà Dòng tại Miền Bắc đã và đang dần dần phục hồi. Quả thật Cha Già là một ân huệ lớn lao Chúa ban cho Giáo hội Miền Bắc, cho DCCT Việt Nam. Amen.”

Dòng Chúa Cứu Thế

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/cha-giuse-vu-ngoc-bich-nguoi-song-chet-voi-dong-chua-cuu-the-thai-ha-ha-noi/