Trích từ Dân Chúa

Cần có một giải pháp cho vụ việc “đất đai ở Thái Hà”

Minh Lý

Kể từ ngày 15/8/2008, sự kiện Thái Hà đã là mối quan tâm của hàng triệu người Việt Nam và nước ngoài. Hàng triệu người đó đều có chung một nguyện vọng “vụ việc này phải được giải quyết thấu tình và đạt lí”. Nếu đạt được như vậy, vụ việc này có thể là tiền đề cho “hòa giải dân tộc” và “xây dựng niềm tin vào công lí”.

Vậy làm sao có thể đạt được khi mà mỗi bên đều có “lí” của mình.

Với lương tâm và trách nhiệm của một người Việt Nam yêu nước, tôi xin được mạo muộn phân tích cái “lí” của vụ việc này trước tiên và sau đó là cái “tình” theo cách hiểu và quan điểm của cá nhân mình, mặc dù tôi cũng là một người Công Giáo. Nhiều quan điểm, bằng chứng và dẫn chứng được nêu trong phân tích này được tập hợp từ nhiều nguồn tin của nhiều tác giả được đăng tải trên các website, chủ yếu là của báo Hà Nội Mới, Vietnamnet, Thông tấn xã Việt Nam, Chuacuuthe và Independent Vietcatholic News.

I. Tình trạng pháp lí của “đất nhà thờ Nam Đồng” tại 178 Nguyễn Lương Bằng do công ty cổ phần May Chiến Thắng đứng tên sử dụng:

1. Thứ nhất có thể khẳng định chắc chắn rằng toàn bộ diện tích đất mà các bên đang tranh chấp có nguồn gốc sở hữu của Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam. Dòng Chúa Cứu thế tại Thái Hà đã công khai các giấy tờ địa bạ để chứng nhận quyền sở hữu này. Các văn bản và bình luận của chính quyền Hà Nội không tranh luận việc này mà chỉ “quả quyết” rằng linh mục Vũ Ngọc Bích đã “bàn giao” “đất nhà thờ Nam Đồng” (cụm từ này được mượn từ “Đơn xin bàn giao đất”) cho chính quyền quản lý là cũng đã xác tín rằng diện tích đất đó có nguồn gốc sở hữu của Dòng Chúa Cứu Thế.

2. Thứ hai, theo các văn bản mà UBND Tp. Hà Nội công bố về việc linh mục Vũ Ngọc Bích đã “bàn giao”, nhiều bài phân tích trên trang web Chuacuuthe va Vietcatholic đã chứng minh những điểm phi logic của các văn bản này bằng những lập luận logic, tôi thiết nghĩ không cần phân tích thêm. Nhưng tôi mạo muội đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cũng nên “rút kinh nghiệm” và “xem xét lại” những bằng chứng mà mình đưa ra mà không cần phải giám định “chữ kí hoặc văn bản” làm chi. Xin được giải thích để mọi người hiểu rõ rằng cơ quan có thẩm quyền “giám định chữ kí và tài liệu” là cơ quan khoa học hình sự thuộc Bộ Công An. Ở Việt Nam hiện nay không có “cơ quan độc lập” về giám định tư pháp. Cho nên, không nên đề nghị việc giám định này vì kết quả giám định “có thể đã có trước khi giám định rồi”.

3. Thứ ba, căn cứ pháp lí mà Thanh tra Thành phố Hà Nội sử dụng phản bác các đơn đề nghị trả lại đất của Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội là Thông tư số 73/TTg ngày 7/7/1962 của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng chính là căn cứ pháp lí được nêu trong “Đơn xin bàn giao đất” của linh mục Vũ Ngọc Bích ngày 27/05/1963 (số năm bị sửa chữa). Vậy xin được nêu lại để mọi người cùng rõ Thông tư 73/TTg này quy định vấn đề gì để mọi người có thể hiểu việc linh mục Vũ Ngọc Bích kí vào “Đơn xin bàn giao đất” (nếu giả sử việc đó có xảy ra) thì có đúng với pháp luật lúc đó hay không? và Ủy ban hành chính tiếp nhận “Đơn” đó có đúng pháp luật hay không? tôi xin được mạn phép bình luận như sau:

o Thông tư số 73/Ttg là thông tư của Phủ Thủ Tướng được ban hành ngày 7 tháng 7 năm 1962 về việc “quản lý đất của tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị”. Tại Điều 2, phần II của Thông tư này có quy định: “Đất cho thuê của các tôn giáo, các Hội dù diện tích cho thuê nhiều hay ít, đều do Nhà nước trực tiếp quản lý. Nhà nước không bồi hoàn cho họ một khoản tiền nào”. Xin lưu ý phạm vi điều chỉnh của Thông tư này là đất của tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị. Nhưng “đất nhà thờ Nam Đồng” không thuộc diện tích đó vì linh mục Vũ Ngọc Bích đang cư ngụ tại mảnh đất đó vào thời điểm đó và đó là “đất nhà thờ Nam Đồng” - Đơn xin bàn giao đất ghi rõ điều đó.

o Xét theo thời điểm ghi trong “Đơn xin bàn giao đất” của linh mục Vũ Ngọc Bích là ngày 27/05/1963 (số năm bị sửa chữa) thì Ủy ban Hành chính và linh mục Vũ Ngọc Bích còn phải “chấp hành nghiêm chỉnh” Thông tư số 10/Ttg của Phủ Thủ tướng ban hành ngày 4 tháng 2 năm 1963 giải thích Thông tư số 73/Ttg ngày 7 tháng 7 năm 1962 của Thủ tướng Chính phủ. Thông tư số 10/Ttg nhận thấy tầm quan trọng của việc “phải giải thích và hướng dẫn cụ thể” về “đối tượng cần bàn giao đất” như sau (xin được trích nguyên văn đoạn 2, phần III):

“2. Đối với các hội hè, tôn giáo:

Tất cả các hội hè, tôn giáo có đất cho thuê, đất cho người khác sử dụng nhờ sau đây, dù diện tích ấy nhiều hay ít (kể cả bất động sản trên mặt đất) đều do Nhà nước trực tiếp quản lý và không bồi hoàn cho họ một khoản tiền nào:

- Của các đình, đền, phe giáp, bản làng...
- Của các tổ chức tư nhân và hội hè khác.
- Của các tổ chức Thiên chúa giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác.

Riêng đất cho thuê, cho sử dụng nhờ của các tổ chức tôn giáo thì chúng ta cần chú ý làm tốt về mặt chính trị, cho nên tuỳ từng trường hợp của từng loại đất cho thuê của họ mà giải quyết như sau:

Đất cho thuê, cho sử dụng nhờ thuộc phạm vi ngoại tự thì Nhà nước quản lý theo chính sách.

Đất cho thuê, cho sử dụng nhờ thuộc phạm vi nội tự thì Nhà nước không quản lý đất này, nhưng Nhà nước xoá bỏ quan hệ thuê mượn đối với đất đó, người chủ đất không được thu tiền thuê đất nữa. Nhà nước chỉ cho phép người nào hiện đang sử dụng đất đó được tiếp tục sử dụng và đóng thuế. Mặt khác, nếu người sử dụng đất đó là người tín đồ muốn giúp đỡ cho nhà thờ, nhà chùa là tuỳ thuộc họ.

Ruộng đất nào trước đây, trong cải cách ruộng đất, có để lại cho nhà thờ, nhà chùa để dùng trong việc thờ cúng và cho những người tu hành có điều kiện sinh sống để làm việc tôn giáo mà nay họ đem cho thuê thì: nếu những người thuê đất này là xã viên hợp tác xã thì nên vận động họ đưa ruộng đất đó vào hợp tác xã; nếu người thuê đất đó không phải là xã viên hợp tác xã thì Nhà nước quản lý đất này và cho phép người đang sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và đóng thuế.

Trong khi thực hiện quản lý đất cho thuê của các tổ chức tôn giáo thì cần chú ý: những người tu hành chuyên nghiệp mà hiện nay già yếu mất sức lao động, nguồn sống chỉ dựa vào tiền cho thuê đất thì Nhà nước tạm hoãn quản lý đất cho thuê của họ. Nếu trường hợp đất cho thuê của họ quá nhiều thì chỉ hoãn cho họ một số diện tích đất đủ cho việc thờ cúng và cho người tu hành già yếu này có điều kiện sinh sống để làm việc tôn giáo. Mức ruộng đất để lại bao nhiêu do Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh xét và quyết định.”

Trích đoạn nêu trên đã minh chứng rằng Ủy ban Hành chính và linh mục Vũ Ngọc Bích (giả sử có hành vi này) đã có hành vi trái pháp luật hiện hành khi “bàn giao” “đất nhà thờ Nam Đồng” (đất nội tự) cho Nhà nước. Giao dịch đó là “vô hiệu”.

o Để củng cố cho lập luận nêu trên, tôi đề nghị các cấp chính quyền nên tham khảo Luật Cải cách Ruộng đất do Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua trong khóa họp lần thứ III ngày 4 tháng 12 năm 1953. Điều 10 quy định: “ruộng đất của tôn giáo (Nhà Chung, nhà chùa, thánh thất, tu viện v.v…) thì trưng thu và trưng mua. Trường hợp của mua chính đáng thì trưng mua”. Theo tìm hiểu trên website của Quốc hội Việt Nam, Luật Cải cách Ruộng đất có hiệu lực đến ngày 30/04/1975. Như vậy, tại thời điểm ban hành Thông tư số 73/Ttg và Thông tư 10/Ttg thì Luật Cải cách Ruộng đất vẫn còn hiệu lực. Như vậy để Nhà nước có thể “quản lý” “đất nhà thờ Nam đồng” một cách “hợp pháp” thì phải có quyết định “trưng thu” hoặc “trưng mua”. Qua việc công bố các tài liệu của UBND Tp. Hà Nội liên quan đến việc “quản lý” của nhà nước đối với “đất nhà thờ Nam Đồng” thì không thấy có bất kì một quyết định “trưng thu” hoặc “trưng mua” nào. Cũng cần nhắc lại cho những ai không hiểu được các nguyên tắc pháp lý rằng theo trật tự hiệu lực của văn bản pháp quy thì “luật” có giá trị cao hơn “thông tư”. Do đó, khi áp dụng thông tư thì phải tuân thủ quy định của luật trước. Cho nên không thể lập luận rằng “linh mục Vũ Ngọc Bích đã bàn giao “đất nhà thờ Nam Đồng” cho nhà nước quản lí được”. Vì đó là lập luận trái với các nguyên tắc và quy định của pháp luật.

Tôi xin được nhắc lại một quan điểm tiến bộ của Phủ Thủ tướng trong giai đoạn sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất như sau: “Đối với nhà Chung, đền chùa, sau khi trưng thu trưng mua nếu ta đã để lại ruộng đất quá ít, hay đã trưng thu lầm cả đồ lễ... thì nay phải sửa lại theo chỉ thị về việc sửa chữa sai lầm đối tôn giáo” (Thông tư của Thủ tướng Chính phủ số 12/Ttg ngày 12/01/1957 về một số điểm trong chính sách cụ thể, cần nắm vững khi tiến hành sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất, mục 5). Vậy nếu có sai, thì nên thực hiện theo quan điểm này mà sửa.

o Tôi xin không bàn thêm nhiều về việc linh mục Vũ Ngọc Bích còn phải chịu sự điều chỉnh của Giáo luật và Luật Dòng Chúa Cứu Thế nên không thể nào kí “Đơn” hay bất kì giấy tờ “bàn giao” nào vì có thể sẽ gây tranh cãi “luật Giáo hội không thể đứng trên luật nhà nước”. Hơn nữa, thực tế đã có quá nhiều tài liệu, bằng chứng và lập luận về quan điểm này. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, chính quyền Cách mạng thời kì đó hiểu rất rõ về “thực quyền sở hữu” của các tổ chức tôn giáo nên không thể có chuyện “nhầm lẫn” giữa tài sản của cá nhân linh mục Vũ Ngọc Bích với tài sản của một dòng tu, ví dụ như:

Công văn số 19/VP-CT ngày 05/03/1962 của Ban Cải tạo Công thương nghiệp tư doanh quy định như sau: Riêng đối với nhà cửa của cá nhân giáo sĩ là người ngoại quốc thì áp dụng chính sách quản lý như đối với tài sản ngoại kiều, nhưng cần xét kỹ về thực quyền sở hữu” (Điều 2).

§ “Đối với loại nhà cửa này, nếu là của Hội truyền giáo ngoại quốc thì giải quyết như điểm 2 nói trên; nếu là của Hội truyền giáo người Việt Nam thì cần giải quyết như sau: + Nhà nào đến nay vẫn còn bỏ trống chưa sử dụng đến, thì chính quyền địa phương, nếu xét thấy cần thiết, vận động họ để sử dụng.+ Nhà nào lâu nay cơ quan đã vận động họ để sử dụng không phải trả tiền thuê, thì nay vẫn tiếp tục sử dụng như trước, nhưng cơ quan đó phải có trách nhiệm tu sửa khi nhà bị hư hỏng, chi phí về tu sửa tốn hết bao nhiêu phải báo cáo cho chủ nhà biết và có chứng từ hoá đơn để lưu chiểu. Nhà nào cơ quan sử dụng có trả tiền thuê, thì nay cơ quan vẫn tiếp tục sử dụng, tiền thuê nhà sau khi đã trừ tiền thuế thổ trạch và các chi phí quản lý khác, cơ quan sẽ trích trả cho chủ 25%; số còn lại sẽ gửi vào Ngân hàng để dùng vào việc tu sửa nhà…(Điều 3)

§ Đối với những nhà cửa cho thuê trong nội tự (khu vực thuần tuý nhà thờ) thì dù diện tích cho thuê nhiều hay ít, Nhà nước cũng không thống nhất quản lý như những nhà cửa cho thuê khác; và Nhà nước cũng không buộc họ phải thi hành một điều khoản nào trong điều lệ tạm thời về thuê mượn nhà cửa” (Điều 4).

Tại Công văn số 22/VP-CT ngày 07/05/1962 của Ban Cải tạo Công thương nghiệp tư doanh, Ban Cải tạo Công thương nghiệp tư doanh đã hướng dẫn các hình thức sở hữu tài sản của Giáo hội Công Giáo như sau:

“Qua công tác cải tạo nhà cho thuê của các tổ chức bán công bán tư, chúng ta thấy tài sản (nhà, đất) của công giáo thuộc nhiều quyền sở hữu khác nhau: có nơi thuộc quyền sở hữu của các Hội truyền giáo ngoại quốc, có nơi thuộc quyền sở hữu của cá nhân là tu sĩ ngoại quốc, có nơi thuộc quyền sở hữu của nhà chung ở địa phương đó. Trong khi tiến hành cải tạo, một số địa phương không xác minh rõ quyền sở hữu tài sản như vậy cho nên các nơi đó đã áp dụng không đúng theo tinh thần Thông tư số 61/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngày 17-2 1961. Trong Điều 6 của Thông tư có nói:

"- Nhà cửa của Hội nào mà pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà không thừa nhận thì do Nhà nước quản lý và sử dụng.

- Nhà của Hội nào không có người quản lý hợp pháp thì Nhà nước đứng ra quản lý, nhà của Hội nào lâu nay Nhà nước đã quản lý thì nay Nhà nước tiếp tục quản lý và sử dụng.

- Đối với Hội nào có nhà cho thuê theo lối tư bản chủ nghĩa thì nên vận động họ xin giao nhà cho Nhà nước quản lý việc cho thuê, Nhà nước trích một phần tiền thuê trả cho Hội."

Dựa trên tinh thần Thông tư này, chúng tôi đề nghị Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh địa phương nên tiến hành xác minh lại quyền sở hữu về nhà, đất (kể cả sử dụng hoặc cho thuê, trừ nhà thờ và các loại nhà phục vụ cho việc thờ cúng mà hiện nay họ đang sử dụng) của công giáo, qua hình thức đăng ký của chính quyền hoặc yêu cầu họ kê khai với cơ quan quản lý nhà, đất. Trong khi kê khai có kèm theo đủ các giấy tờ bằng khoán, khế ước của nhà và đất đó thì mới xác minh quyền sở hữu được rõ ràng. Sau đó chúng ta mới có thể áp dụng chính sách khác nhau đối với tài sản thuộc quyền sở hữu khác nhau.”

Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội chưa bao giờ bị Nhà nước Việt Nam “không thừa nhận”. Người quản lý tài sản của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội là linh mục Vũ Ngọc Bích thì đã được các cấp chính quyền đã thừa nhận, đơn cử qua những văn bản mới công bố. Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam là chủ sở hữu hợp pháp của diện tích đất và tài sản hiện đang tranh chấp theo chứng nhận của bằng khoán điền thổ. Do đó, các cơ quan nhà nước không thể cho rằng không biết đến “chủ sở hữu” và không thể sử dụng chữ kí của linh mục Vũ Ngọc Bích (người đã mất được nhiều năm) là “tấm bùa” để khẳng định là “chủ sở hữu” đã bàn giao. Ngược lại, điều này lại có thể minh chứng rằng những người làm công tác “xác minh thực quyền sở hữu” hay “vận động bàn giao”… đã không nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và chính sách (hay nói cách khác là đã có những hành vi trái pháp luật) dẫn đến nhầm lẫn về “thực quyền sở hữu” của “đất nhà thờ Nam Đồng”.

4. Bình luận cuối cùng trong Mục I này về Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khóa XI về nhà đất do Nhà nước đã quản lí, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 07 năm 1991. Trên các phương tiện truyền thông đã bình luận rất nhiều về Nghị quyết này. Nhiều luật sư cũng đã giải thích. Tôi xin mạn phép chỉ đề cập đến khía cạnh mà mọi người chưa bình luận đến đó là “phạm vi điều chỉnh” của Nghị quyết số 23/2003/QH11. Theo nội dung Nghị quyết số 23/2003/QH11, Nghị quyết này chỉ điều chỉnh những trường hợp mà Nhà nước “đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất". Điều đó có nghĩa rằng những trường hợp mà Nhà nước thực hiện đúng các chính sách… Còn những trường hợp mà Nhà nước (xin được định nghĩa đúng từ này là “cơ quan nhà nước”) thực hiện sai (hay theo cách nói ở trên là trái pháp luật) thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này. Chắc chắn, không có một văn bản pháp quy nào lại công nhận các hành vi trái pháp luật có giá trị pháp lí. Cho nên cần phải hiểu đúng quy định của Nghị quyết số 23/2003/QH11 mà áp dụng.

Như vậy để tạm thời kết luận cho Mục I: Tình trạng pháp lí này như sau: “đất nhà thờ Nam Đồng”, bao gồm cả các giá trị tài sản gắn liền với đất như nhà tu, chủng viện tại 178 Nguyễn Lương Bằng do công ty cổ phần May Chiến Thắng đang đứng tên sử dụng là thuộc sở hữu của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam cho đến hiện nay.

Trước khi đọc tiếp phần dưới, xin mọi người lưu ý rằng: Chính phủ nước Việt Nam Cộng hòa ngay từ buổi đầu giành lại được độc lập đã khẳng định bản chất tốt đẹp của mình thông qua việc hành xử nhân nghĩa đối với tài sản tôn giáo: "Đền chùa, lăng tẩm, nhà thờ, tất cả các nơi có tính cách tôn giáo, bất cứ tôn giáo nào, nhân dân đều phải tôn trọng không được xâm phạm. Các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp phụ trách thi hành sắc lệnh này" (Sắc lệnh số 35 ngày 20/9/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký). Các Hiến pháp của nhà nước Việt Nam cũng công nhận tài sản của tôn giáo, cấm việc xâm phạm tài sản đó và quyền tự do tôn giáo. Như vậy, những hành vi “truy tố”, “công kích”, “biêu xấu”, “mạ lị”… của một số cơ quan nhà nước đối với các giáo dân và tu sĩ của Nhà thờ Thái Hà hoàn toàn không đại diện cho sự chính đáng của một chính thể có nhận thức tốt đẹp từ buổi đầu lập chính quyền như vậy. Rất mong mọi người có những phân biệt “phải-trái” như vậy.

II. Phương án nào có thể giải quyết?

Như đã nêu ở trên, vụ tranh chấp đất đai của Nhà thờ là một sự kiện “nóng” và cần phải có biện pháp “giải nhiệt”. Vụ việc này có thể gây ra “chia rẽ dân tộc” mà một số bài báo đã nêu nếu như việc giải quyết không “hài lòng đôi bên”. Thực tế cho thấy, sự kiện Tòa Khâm Sứ đã để lại một “vết hằn” giữa người Công Giáo và người theo Phật giáo. Ngay khi sự kiện Tòa Khâm Sứ xảy ra, không biết những ai đứng sau những blog có danh “Phật tử” đã có những lời mạ lị người Công giáo, kích động hằn thù “lương-giáo”. Hành vi chia rẽ này đáng bị lên án gấp bội phần so với hành vi “chia để trị” của thực dân Pháp ngày xưa. May mắn thay, những người Công giáo và rất nhiều người Phật tử chân chính đã không bị mắc mưu. Không một trang web, blog của người Công Giáo nào phản bác lại, mạ lị lại những ý kiến “Phật tử giả hiệu”. Nhiều Phật tử, tăng ni chân chính đã an ủi và động viên người Công giáo trong vụ việc Tòa Khâm sứ.

Tại vụ việc Thái Hà, cách thức giải quyết của các cấp chính quyền thực sự là không “đột phá, sáng tạo” nên đã không tạo được niềm tin của người công dân Công giáo vào chính quyền. Bởi những “lẽ” mà tôi xin được “thiển nghĩ” như sau:

- Tại Văn bản 4213/UBND-NNĐC của Ủy ban Nhân dân Tp. Hà Nội ngày 02/07/2008 có đề cập “nếu Nhà thờ Thái Hà có nhu cầu xin sử dụng đất để phục vụ mục đích tôn giáo theo quy định của Nhà nước thì phải thực hiện theo trình tự, thủ tục, quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Xây dựng, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết.” Phương án này được coi là một giải pháp khai thông cho vụ việc Thái Hà nhưng đã không được giáo dân và Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam ủng hộ bởi lẽ đơn giản rằng:

- những người này luôn luôn coi diện tích đất đang tranh chấp là thuộc sở hữu của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam;

- những lời hứa, cam kết của chính quyền thường không được nghiêm chỉnh thực hiện, đơn cử ở vụ việc Tòa Khâm Sứ. Tám tháng trôi qua sau khi họ rút về theo thỏa thuận mà không hề có bất kì một dấu hiệu tiến bộ nào từ phía chính quyền.

- những thủ tục xin cấp đất ở Việt Nam ai cũng biết là mất nhiều năm, đặc biệt quy định pháp luật về thủ tục cấp đất tôn giáo thì không rõ ràng.

- Trong khi nếu như chính quyền “vì dân” hơn và thực sự có chủ trương “trả lại đất nhà thờ Nam Đồng”, thì chính quyền nên tổ chức đối thoại với Tỉnh Dòng Chúa Cứu thế để tìm ra một giải pháp ôn hòa và nâng cao uy tín cho cả hai bên. Dù sao, chính quyền Hà Nội cũng là một cơ quan quyền lực Nhà nước nên việc đối thoại muốn tổ chức được phải đi từ “nơi có quyền lực” chứ không phải từ nơi “không có quyền lực”. Chính quyền cũng có thể chủ động cấp đất (nếu không muốn dùng từ “trả lại”) cho Nhà Thờ Thái Hà vì mục đích chính đáng của họ. Chính quyền các địa phương đã có những hành động như vậy, ví dụ như La Vang.

- Việc giáo dân “phá tường rào” để giải quyết vụ việc tranh chấp có thể bị coi là “hành vi tiêu cực” và “trái pháp luật”. Nhưng nếu xét trên diễn biến tại nơi xảy ra sự việc, các cảnh sát mặc thường phục và sắc phục đã không can thiệp để ngăn chặn hành vi trái pháp luật đó trong khi trách nhiệm của người công an nhân dân là phải “phòng và chống tội phạm”. Điều này vô hình chung đã làm cho người dân suy nghĩ rằng hành vi của mình là “đúng pháp luật”. Những người cán bộ công an đó đúng lí là phải bị “kỷ luật”, thậm chí “truy tố” cùng với các giáo dân khác vì đã tạo điều kiện để “tội phạm” xảy ra.

- Nhưng hành động “khởi tố vụ án”, “khởi tố bị can” và bắt giữ những người dân tham gia vào vụ việc tranh chấp đã làm cho nhiều người nghi ngại về “những thủ thuật nghiệp vụ không trong sáng” trong vụ việc này. Sự mất niềm tin vào tính “trong sáng” và “vì dân” vào cơ quan nhà nước càng gia tăng. Họ buộc phải đấu tranh đòi thả người giống như 60 năm trước họ đã làm cho những người Cách mạng. Kết quả mà họ nhận được cũng giống như 60 năm trước. Một chính quyền “do dân” và “vì dân” lại trả lời báo chí rằng “chưa nhận được khiếu nại nào về các hành vi lạm dụng vũ lực”, trong khi nhiệm vụ của chính quyền là phải “phòng và chống tội phạm” và đưa ra “ánh sáng” những hành vi trái pháp luật.

- Thay vì hành động “vì dân”, chính quyền lại đổ lỗi cho người dân là “ấu trĩ nghe theo lời những cha đạo” và “bị kẻ xấu lợi dụng”.... Họ không nghĩ rằng những con người chất phác này đã giúp những người Cách mạng trong các thập kỉ trước giành độc lập và giữ chính quyền. Những ông bà hay cha mẹ của họ trong những thập kỉ trước đâu có được ăn học vì thực dân thống trị hoặc nếu có được học thì học những “điều tầm bậy” vì chế độ cũ thối nát. Vậy mà những người đó vẫn “giác ngộ” đi theo cái “phải” của người Cách mạng để giành và giữ chính quyền cho người Cách mạng. Những người dân ngày nay tự hào là dân của một nước đã “cơ bản xóa xong nạn mù chữ”, được “tạo điều kiện về học hành”, được “ấm no” mà lại không “giác ngộ” cái “phải” hay sao? Họ rất hiểu cái “phải” của họ. Những gì họ đã làm chỉ có một mong mỏi đơn giản là “chăm lo cho cuộc sống tinh thần”, cho cuộc sống mà trật tự xã hội được điều chỉnh bằng quy phạm đạo đức chứ không ràng buộc bởi luật pháp, dùi cui và nhà tù. Không hề có đấu tranh vũ trang như 60 năm trước, họ hoàn toàn “bất bạo động” để yêu cầu công lý. Chính quyền càng “ngăn chặn” càng làm cho họ quyết tâm hơn trong việc đòi công lý. Thiển nghĩ, các cán bộ nhà nước học từ sơ cấp chính trị trở lên đều phải hiểu “sức dân” là như thế nào chứ. Nếu chính quyền chỉ cần ôn hòa và minh bạch trong xử lí vụ việc này, có trách nhiệm giải trình với nhân dân thì vụ việc đã không phức tạp như bây giờ, hình ảnh của chính quyền “do dân và vì dân” sẽ tỏa sáng.

- Tóm lại, người viết bài này mong muốn rằng chính quyền và cộng đồng Dân Chúa cần có một giải pháp “đạt lí” cho vụ việc này. Nhà nước pháp quyền là nhà nước phải sử dụng luật pháp và tôn trọng luật pháp trước tiên, giải quyết các công việc phải minh bạch và có trách nhiệm giải trình.

Những lập luận nêu trên của người viết chỉ mang tính phân tích theo chủ quan của người viết nhằm giúp cho người đọc có thêm thông tin và phương pháp phân tích, không bị “ai kích động, xúi giục” và cũng không “kích động, xúi giục ai”. Người đọc nên có kết luận của riêng mình.

Hà Nội, ngày 10/09/08

Minh Lý

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/can-co-mot-giai-phap-cho-vu-viec-dat-dai-o-thai-ha/