Trích từ Dân Chúa

Cảm Xúc Từ Miền Trung về vụ Tòa Khâm Sứ

Xuân Hà

VietCatholic News (Thứ Ba 29/01/2008 12:23)

Đã hơn tháng nay, mặc dầu bận bịu công việc nhưng tôi cũng tranh thủ vào mạng mỗi ngày để theo dõi diễn biến thời sự đang diễn ra tại Hà Nội. Ở mãi tận miền Trung nên thông tin thực sự cũng không có nhiều, chỉ những ai biết sử dụng Internet thì có thể đọc được những thông tin từ mạng lưới tuyền thông công giáo, dĩ nhiên là phải dùng kỹ thuật để vào vì bị tường lửa chặn.

Dù thông tin không cập nhật được nhưng nhìn chung đại đa số giáo dân miền Trung cũng biết khá tỏ tường sự việc. Hôm Chúa nhật vừa rồi, trong thánh lễ Cha xứ cũng có những thông tin và đặc biệt ngài lưu ý giáo dân phải hiểu đúng vấn đề trước những thông tin sai lệch, một chiều của truyền hình và báo chí nhà nước.

Tôi muốn viết lên một vài dòng cảm xúc của mình. Là người công giáo Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ tôi cảm thấy buồn và thất vọng như lúc này. Trong tình liên đới Đức tin với anh chị em giáo hữu giáo phận Hà Nội, tôi cảm thấy hết sức đau buồn và thực sự thất vọng với cung cách hành xử của chính quyền Nhà nước.

Mấy ngày nay qua các phương tiện truyền thông nhà nước và nhất là qua các văn thư của UBNN TP Hà Nội gửi Tòa Tổng Giám mục Hà Nội thì xem ra cả giáo phận Hà Nội, hết mọi thành phần, đã “vi phạm pháp luật một cách trắng trợn”. Tôi tự hỏi sao nhà nước lại có những sự kết án một cách bất công và vô căn cứ đến thế? Chẳng lẽ mọi thành phần trong giáo phận Hà Nội không ai hiểu biết pháp luật? Họ đấu tranh ôn hòa để đòi lại sự thật và công lý, họ biết việc họ làm và họ dám chịu trách nhiệm về việc đó chứ không phải “ăn vạ” theo kiểu Chí Phèo đâu. Nhà nước đừng hành xử theo cung cách của kẻ độc tài, thiết nghĩ không thể thuyết phục được lòng dân và phù hợp với xu thế thời đại. Tôi thiết nghĩ nếu nhà nước hành xử một cách bất công hay đàn áp một cách trắng trợn giáo dân Hà Nội trong việc đòi lại quyền sở hữu Tòa Khâm Sứ thì sự việc đó không chỉ một mình giáo phận Hà Nội mà thực sự đụng chạm đến hết mọi thành phần trong giáo hội Công giáo Việt Nam. Tất cả mọi người công giáo trong cả nước, mặc dầu trong âm thầm nhưng đang liên đới với anh chị em giáo dân Hà Nội bằng kinh nguyện và sự cảm thông chia sẻ.

Bản chất dối gian của chính quyền cộng sản thì ai mà không biết. Bao nhiêu người dân Việt Nam đang ngán ngây vì cái cơ chế cả một xã hội gian dối. Mới đây tôi có đọc một bài viết có tựa đề “Xây Dựng Một Xã Hội Trung Thực” của tác giả Lê Huỳnh đăng trên báo điện tử Dân trí, ngày 12/01/2008. Tôi nghĩ cũng thích hợp để trích lại đây mấy dòng để mọi người thấy rằng trong xã hội Việt Nam người người dân đang khao khát điều gì và thực chất điều gì đang diễn ra nơi xã hội Việt Nam. Lê Huỳnh viết:

“Khi mà trong cuộc sống hàng ngày con người lại phải ranh ma, luồn lách để tồn tại và phát triển; hiện tượng gian dối, giả tạo là phổ biến… thì ở đó, những mỹ từ văn minh, dân chủ, công bằng… chỉ là sự “giả dối” cao siêu hơn mà thôi!

Xã hội tốt đẹp thực sự phải minh bạch từ cấp cao nhất xuống đến thứ dân, phải tường minh từ pháp luật, đến các thiết chế văn hóa, tôn giáo, đạo đức của xã hội. Trong xã hội trung thực, mọi người phải bình tĩnh đón nhận cả điều tốt và thói xấu mà mình đang đối diện, thậm chí phải tôn trọng cả các quan điểm đối lập với mình vì cuộc sống vốn là như vậy.

Trong xã hội trung thực ấy, người dân “được nói và dám nói” hết những suy nghĩ, những điều tự thấy là bức xúc và không đồng tình về nhiều vấn đề trong môi trường xã hội mà họ đang sống. Bản lĩnh của nhà cầm quyền là biết lắng nghe và chấp nhận có chọn lọc những thông tin đa cực ấy để điều chỉnh chính sách và hành vi quản lý xã hội của mình.

Một thể chế minh trị là ở đó giai cấp lãnh đạo biết tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho những người “có quan điểm ngược lại” với quan điểm chính thống của giai cấp cầm quyền. Các đời vua thịnh trị trước đây đã cho thấy rõ điều đó.

Một đất nước phát triển muốn ổn định, bền vững phải trừng trị nghiêm khắc mọi sự gian dối, bất kể người đó là ai, vì gian dối chính là “bạn đồng hành” của tham nhũng. Cần “hình sự hóa” tất cả mọi gian dối, từ 1 lời nói, một lời khai hoặc 1 chữ ký của công dân. Chúng ta hãy xây dựng bằng được “nền tảng” trung thực đầu tiên này đã, trước khi bàn đến “đạo” hoặc các mỹ từ xã hội học khác”.

Tôi biết rằng trong những ngày tới các phương tiện truyền thông nhà nước sẽ tiêp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa “năng lực” nói dối. Đã vậy rồi, không có gì phải ngạc nhiên!

Cuối cùng xin gửi đến anh chị em trong giáo phận Hà Nội mối tình liên đới của những người con cái Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện nhiều hơn nữa để công lý và sự thật được tôn trọng.

Một giáo dân ở Hà Tĩnh, đêm 29/ 01/ 2008

Xuân Hà

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/cam-xuc-tu-mien-trung-ve-vu-toa-kham-su/