Trích từ Dân Chúa

BBC: Tranh chấp tôn giáo không chỉ về đất

BBC

Các tin tức từ Việt Nam cho hay cuộc cầu nguyện đòi đất của giáo dân Việt Nam ở thủ đô Hà Nội đang chuyển sang một giai đoạn mới.

Buổi dâng hoa trước tượng Đức Mẹ trong khuôn viên tòa nhà của quận Hoàn Kiếm vốn là trụ sở Tòa Khâm Sứ cũ trưa hôm nay, thứ Sáu 25.01 đã diễn ra với một vụ xô xát.

Nhưng nhìn tổng hợp từ giữa tháng 12 đến nay thì nhà báo Ben Stocking (AP) cho rằng "một cách lặng lẽ, từng bước, Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đang thách thức chính phủ một cách dũng mãnh nhất kể từ khi những người cộng sản nắm quyền lực hơn năm thập niên về trước".

Trong bài gửi đi từ Hà Nội hôm 24.01, nhà báo này đã nhìn cả vào góc độ ý thức hệ và giá trị bất động sản của khu đất và toà nhà, một trong "những tài sản của Giáo hội bị nhà nước lấy đi sau năm 1954".

Theo bài có tựa đề "Catholic-Communist Land Fight in Vietnam" (Cuộc chiến Công giáo-Cộng sản về Đất), Giáo hội muốn Chính phủ hoàn trả khu đất rộng khoảng 2,5 acre ở trung tâm Hà Nội, nơi một mảnh đất như thế có giá tới hàng triệu đô la.

Thật là một bi kịch đối với chúng tôi khi mảnh đất linh thiêng của mình bị lấy đi.

Cha Nguyễn Khắc Quế, một trong những linh mục thuộc giáo phận Hà Nội tham gia tổ chức các buổi lễ dâng nến cầu nguyện, nói với AP:

"Thật là một thảm hoạ đối với chúng tôi khi thánh địa của mình bị người ta lấy mất".

Mặc dù có thể làm tăng thêm các mối căng thẳng giữa Giáo hội và Chính quyền, cuộc tranh chấp cũng đưa lại một bằng chứng mạnh mẽ về mức độ cải thiện trong các quan hệ giữa hai bên ở Việt Nam gần đây.

Nếu như những người lãnh đạo các nhà thờ dám có những thách thức công khai như vậy chỉ cách đây 5 năm, thì chắc chắn cảnh sát đã bỏ tù họ.

AP trích lời ông Peter Hansen thuộc Đại học Thần học Công giáo Melbourne, Úc nói:

"Cả hai bên cũng đều cảm thấy đủ thoải mái, giáo hội thì cảm thấy có thể bày tỏ sự phàn nàn của mình, còn nhà nước thì cảm thấy có thể chấp nhận mức độ đó".

Các quan chức của chính quyền thành phố kiểm soát khu đất có Toà Khâm sứ cũ đã không trả lời các đề nghị phỏng vấn của AP.

Trong khi đó, các vị chức sắc Giáo hội cho biết họ có trong tay các giấy tờ, tài liệu chỉ rõ khu đất đó thuộc sở hữu của giáo phận Hà Nội.

Song theo ông Dương Ngọc Tấn, Ban Tôn giáo Chính phủ, các quan chức Hà Nội khẳng định là một vị cựu linh mục trước đây đã tự nguyện trao quyền sở hữu khu đất cho nhà nước vào năm 1960.

Được biết vị khâm sứ tức đại sứ của Tòa Tháng cuối cùng rời Việt Nam năm 1959.

Hãng AP trích lời ông Tấn nói: "Chuyện trả lại đất đai là rất phức tạp".

Sau cuộc Cách mạng Tháng Tám, các tài sản bị sung công không chỉ của giáo hội mà còn của những địa chủ và các nhà tư sản giàu có.

Giáo hội Công giáo cầu nguyện trước Tòa Khâm sứ cũ và nói họ cần đất đai để có thể phục vụ nhu cầu của giáo dân

Tài sản liền sau đó được chính phủ sử dụng hoặc được trao cho người khác nắm giữ trong nhiều thập niên.

Cầu nguyện hay biểu tình?

Các nhà lãnh đạo Giáo hội đã thận trọng gọi các cuộc tụ họp là "cầu nguyện chứ không phải biểu tình - một từ mang một ý nghĩa nặng nề ở một đất nước mà các vụ phản đối công khai nhìn chung đều bị cấm đoán".

Các cuộc thắp nến cầu nguyện được tổ chức ở tòa giáo đường tại Việt Nam, nhưng Nhà thờ thánh Giu-se, hay còn gọi là Nhà thờ Lớn, to nhất Hà Nội, là tâm điểm.

Nhà thờ này thông thường vẫn thu hút 2.000 người đến dự các buổi lễ trong khuôn viên và sân của nó.

Trong các buổi cầu nguyện tập thể, hàng trăm giáo dân đồng thời tụ tập ở ngay phía trước Toà Khâm sứ của Vatican trước đây.

Ngôi nhà có kiến trúc kiểu biệt thự Pháp này hiện đang được sử dụng làm một trung tâm thể thao thanh niên.

Trong buổi cầu nguyện đầu tiên, ngay trước Giáng sinh 2007, các giáo dân đã đẩy bằng xe xích lô một bức tượng Đức mẹ Đồng Trinh vào khu biệt thự.

Trước đây, tượng từng được đặt bên cạnh Toà nhà Khâm sứ cũ nhưng sau đó được đặt trở lại một nơi kế bên Nhà thờ lớn.

Các giới chức địa phương đã khoá cổng khu vực kể từ lúc đó. Trước đó, khu đất đã được các giáo dân dùng hoa hồng trắng trang trí, điểm tô.

Vào một Chủ nhật gần đây, một linh mục mang mang theo thánh giá, đã dẫn khoảng 500 người đến khu đất, cầu nguyện, hát thánh ca.

Người ta không nhìn thấy cảnh sát mặc quân phục.

Bà Phạm Vũ Thục, 51 tuổi, một giáo dân của Nhà thờ lớn nói: "Tôi chưa từng bao giờ có thể tưởng tượng một điều gì đó như thế xảy ra trước đây".

Bây giờ chúng tôi đã có thể nói ra miệng. Giờ mọi thứ đã dân chủ hơn

Bà nói tiếp: "Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều kể từ khi chúng tôi được nối kết với thế giới bên ngoài".

"Chúng tôi có mạng Internet, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Bây giờ Việt Nam phải tuân theo các quy tắc của cộng đồng quốc tế."

Trong khi các quan hệ giữa Giáo hội với Chính quyền trung ương được cải thiện, Cha Quế cho biết, các cuộc xung đột vẫn xảy ra với các cấp chính quyền địa phương.

Cha Quế nói tiếp: "Họ đã có lần đặt một sàn nhảy disco ngay cạnh các trụ sở của giáo phận".

Vẫn theo nhà báo Ben Stocking, Giáo hội Công giáo Việt Nam, với 6 triệu dân, được thành lập bởi các nhà truyền giáo và phát triển trong suốt thời kỳ thực dân Pháp thống trị ở Việt Nam.

Đây là tôn giáo lớn thứ hai, sau Phật giáo - một tôn giáo phổ biến đông đảo ở Việt Nam.

Giáo hội Công giáo Việt Nam đã luôn luôn được nhìn với con mắt nghi ngờ do các quan hệ gần gũi của nó với chính phủ Pháp và với chính phủ miền Nam Việt Nam trước đây.

Chính phủ Sài Gòn đã từng tiến hành một cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ hậu thuẫn chống lại những người cộng sản.

Hà Nội và Vatican đã bàn thảo việc khôi phục quan hệ ngoại giao

Trong thời gian nhiều năm, các giáo dân Công giáo đã phải đối diện với các vụ ngược đãi, gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm và vào học đại học. Hàng trăm ngàn người đã bỏ chạy vào miền Nam Việt Nam.

Nhiều người khác ở lại phía sau, và các nhà thờ của họ vẫn được mở. Tuy vậy, chính phủ đã hạn chế các hoạt động của các nhà thờ, chiếm dụng các tài sản, đất đai bên cạnh các nhà thờ, bao gồm các trường dòng, trường học và các bệnh viện.

Bài của AP cũng ghi nhận rằng trả qua nhiều thời gian, quan hệ giáo hội - chính quyền đã bắt đầu ấm hơn. Năm ngoái, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi thăm Vatican và được Giáo Hoàng Benedict XVI tiếp. Hai bên đã xem xét việc khôi phục các quan hệ ngoại giao.

Chính phủ Việt Nam cũng thông qua một pháp lệnh tôn giáo mới, vài năm trước đây, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những giáo dân đạo Tin Lành không được thừa nhận có thể đăng ký chính thức với chính quyền.

Tất cả các điều này đã khuyến khích các nhà lãnh đạo Công giáo.

Hãng AP trích lời cha Quế nói: "Bây giờ chúng tôi đã có thể nói ra miệng. Giờ mọi thứ đã dân chủ hơn".

Ngoài ra, cuộc tranh chấp ở Hà Nội không phải là về hệ tư tưởng. Cha Quế nói thêm: "Đây là cuộc tranh chấp về một miếng đất có giá trị cao".

BBC

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/bbc-tranh-chap-ton-giao-khong-chi-ve-dat/