Trích từ Dân Chúa

BBC: Chưa có kết luận vụ tòa Khâm sứ

BBC

20070829151858phatdiemview203.jpg

Khu nhà thờ đá ở Phát Diệm, Ninh Bình là một kết hợp kiến trúc Thiên Chúa giáo với kiến trúc, văn hoá bản địa Việt

BBC 21.02.2008 -- Vụ tòa Tổng giám mục Hà Nội đòi hỏi chính quyền trả lại khu đất vốn dùng làm tòa Khâm sứ cũ từ Giáng Sinh tới nay hiện vẫn chưa rõ câu trả lời.

Mới đây lại nổi lên thông tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi công văn cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải được tham vấn trong vụ này vì lý do khu đất này từng thuộc sở hữu của Giáo hội Phật giáo.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Công giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn với BBC nói vụ việc vẫn đang được nhiều cơ quan liên ngành xem xét.

Nghe ông Nguyễn Đức Thịnh:


Download (705Kb)


Tuy vậy, ông thừa nhận rằng đòi hỏi về đất đai của tòa Tổng giám mục Hà Nội để có một trụ sở làm việc là một "nhu cầu có thực".

Ông Thịnh cũng cho biết, hiện nay Chính phủ đã giao cho một số ban, ngành, trong đó có Uỷ ban Nhân dân TP Hà Nội và Ban Tôn giáo Chính phủ tham gia giải quyết vụ đòi đất Toà Khâm sứ cũ tại 42 phố Nhà Chung.

Đất Phật giáo trước

Về quan điểm của Chính phủ sau khi nhận được công văn của phía Giáo hội Phật giáo VN, đề ngày 16 tháng 2 năm 2008, có liên quan đến khu đất đang tranh chấp, ông Phó vụ trưởng Vụ Công giáo cho biết, các vấn đề lịch sử và đất đai để lại là khá phức tạp và tế nhị.

Ông biện dẫn rằng hoàn cảnh Việt Nam, nhất là trong lịch sử cận đại, xảy ra nhiều cuộc chiến tranh, có nhiều chế độ xã hội khác nhau từng được thiết lập. Do đó mà chế độ sở hữu quy định của từng thời kỳ có sự khác nhau nhất định.

Bức thư do của Giáo hội Phật giáo VN gửi Thủ tướng Chính phủ nói trên do Hoà thượng Thích Trung Hậu ký tên.

Thư nói Phật giáo Việt Nam đã liên tục là sở hữu chủ của cơ sở này trong suốt 852 năm, tức cho đến năm 1883, khi bị Chính quyền thực dân Pháp cưỡng chiếm và giao cho Thiên Chúa giáo, cụ thể là cho Giám mục Puginier sử dụng.

Trong đoạn mở đầu, bức thư nói: "Chùa Báo thiên là một trong bốn di sản văn hoá lớn của Phật giáo được xây cất từ năm 1057."

Vẫn theo bức thư trên, Chùa đã bị đập phá rồi xây dựng Nhà thờ lớn Hà Nội và Toà Khâm sứ lên trên đó.

Không ngại tiền lệ

Với một thái độ cho thấy Chính quyền có vẻ đang chuẩn bị trở thành một bên trung gian và trọng tài trong xử lý mối quan hệ tranh chấp tiềm tàng mới mà cách đây không lâu chính Chính quyền là một bên có lợi ích trực tiếp liên quan, ông Nguyễn Đức Thịnh nói:

"Nếu nói nguồn gốc của tổ chức cá nhân này, thì tổ chức cá nhân khác, người ta cũng có các căn cứ, các chứng lý, để nói đó là của người ta."

Ông quả quyết: "Đó là điều dễ hiểu, bình thường và phổ biến ở các địa phương chẳng riêng gì Hà Nội và chẳng riêng gì cái 42 Nhà Chung."

Trong một vụ tranh chấp đất khác có liên quan đến cộng đồng Công giáo và Chính quyền tại khu vực Thái Hà, Hà Nội, khi được hỏi về phương hướng xử lý của Nhà nước, ông Thịnh cho biết, UBND TP Hà Nội đã thành lập một đoàn thanh tra nghiên cứu và sẽ có báo cáo lên chính quyền.

Ông Thịnh cho biết đã có nhiều câu hỏi xoay quanh việc liệu có trở thành tiền lệ hay không, nếu Hà Nội chịu trao trả các khu vực đất tranh chấp cho Giáo hội Công giáo.

Ông nói sẽ xử lý các vấn đề trên tinh thần của Luật Đất đai năm 2003 đã được Quốc hội thông qua và phía Chính phủ sẽ giải quyết các nhu cầu của cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng về nhà, đất lâu dài và ổn định trên cơ sở thấu tình đạt lý.

BBC

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/bbc-chua-co-ket-luan-vu-toa-kham-su/