Trích từ Dân Chúa

Bạo Lực Đã Được Sử Dụng: Cuộc Tranh Chấp Ở Thái Hà Đi Về Đâu?

Nguyễn Y Vân

Cuộc đấu tranh cho công lý ở Thái Hà là một vụ việc thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân và của giới truyền thông trong ngoài nước. BBC trong một bài báo đã viết rằng vụ này “sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp”.

Bản chất vụ Thái Hà chỉ là cuộc tranh chấp đất đai giữa nhà thờ và nhà nước. Nhà thờ nói đất do mình quản lý và sử dụng hợp pháp. Nhà nước nói đất ấy đại diện nhà thờ đã bàn giao cho nhà nước quản lý. Nhà nước quyết định thu hồi và sử dụng vào mục đích công cộng. Giáo dân Thái Hà phản đối quyết định này bằng cách lại đẩy đổ tường, dựng tượng và cầu nguyện trong khu đất để khẳng định chủ quyền của mình.

Đây là lúc chính quyền huy động bộ máy tuyên truyền, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan truyền thông và các đơn vị “bạo lực cách mạng” của chế độ vào cuộc một cách hệ thống bằng những bài bản quen thuộc.

Bài dân vận tại hiên trường: Chính quyền liên tục cử các cá nhân và tập thể đến hiện trường khu đất để làm công tác dân vận linh mục và giáo dân. Nhưng giáo dân đông đảo và kiên vững trong niềm xác tín của mình không dễ gì các cá nhân và tập thể làm công ăn lương cách máy móc có thể lay chuyển được ý chí của họ. Còn nếu đấy là các bộ công an hiện diện lâu dài tại hiện trường, trừ những người táng tận lương tâm, bịt tai bịt mắt trước sự thật, thì các bản thông tin, những buổi cầu nguyện, những bài thánh ca hẳn sẽ giúp họ sẽ kịp thời nhận thấy chân lý thuộc về ai.

Chính quyền cũng chỉ đạo các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn TP Hà Nội đến gặp các linh mục để làm công tác dân vận như được nói tới trong báo cáo của Giáo xứ ngày 28-29.08.2008. Bài này chứng tỏ chính quyền hiểu biết và đánh giá các linh mục quá thấp. Trừ ra trường hợp đến có mặt cách hình thức để làm áp lực và dọn đường cho một tổ chức đến gặp các linh mục ở nhà thờ này thì chắc chắc sẽ là cơ hội tốt cho các linh mục giác ngộ chân ly cho các thành viên trong đoàn.

Bài đấu tố trên truyền thông: Trên các phương tiện truyền thông độc quyền của nhà nước, các báo đài từ trung ương đến địa phương tức tốc điên cuồng lao vào cuộc đấu tố theo chỉ đạo với những bài bản sẵn có trong một chế độ coi thường luật pháp: Vu cáo, xuyên tạc, dựng hiện trường giả, đưa nhân chứng giả, đánh lạc hướng vấn đề, mượn mặt đưa các linh mục và giáo dân ngây ngô vào bẫy tham gia đấu tố. Song bài này chỉ lừa gạt được người không biết chứ đối với bản thân giáo dân Thái Hà thì bài này không hiệu quả. Giáo dân biết rõ sự thật thuộc về ai.

Bài triệu tập để “khuyên bảo” và làm áp lực: Trong tư cách bề trên, chính quyền triệu tập các linh mục nhà thờ Thái Hà lên các cơ quan nhà nước để trao đổi mà thực chất là để áp đặt ý chí của chính quyền lên nhà thờ. Điều này xem ra cũng khó có thể có kết quả. Các cán bộ tham ăn lo tìm kiếm lợi lộc hơn là lo học tập cho nên khó có đủ lý lẽ để thuyết phục được các linh mục và giáo dân đang đấu tranh vô vị lợi. Kết cục là việc cầu nguyện cho công lý ở khu đất vẫn tiếp tục và các phương tiện truyền thông vẫn không ngừng bêu xấu các các linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Bài đe doạ và sử dụng bạo lực: Những biện pháp trên đây mà không khuất phục được Giáo xứ Thái Hà thì chính quyền sẽ dùng “tay chân” với những phương tiện sẵn có trong tay để “dạy bảo” các linh mục, tu sĩ và giáo dân ở đây. Những ngày vừa qua đài, báo, ti vi không ngừng kêu gọi phải trừng trị thích đáng những kẻ vi phạm pháp luật trong vụ này. Giáo dân tham gia cầu nguyện cũng như các tu sĩ, linh mục, tu sĩ cho biết nhiều cú điện thoại đã được gọi tới các gia đình và tới tu viện để đe doạ. Trên mạng internet, trên các diễn đàn, ngay cả trên diễn đàn của BBC, không thiếu các lời kêu gọi bạo lực. Còn trên thực tế thì một số giáo dân đã bị gọi đi thẩm vấn, một số khác đã bị bắt giữ và nhiều người, trong đó có cả các linh mục và tu sĩ, đã bị trấn áp bằng dùi cui điện và bằng hơi cay.

Thế nhưng biện pháp này cũng không thể khiến Giáo xứ Thái Hà từ bỏ ý chí của mình trong việc đòi lại khu đất. Thực tế thì xưa nay việc đe dọa sử dụng và sử dụng bạo lực khó có thể có hiệu quả đối với các tín hữu đã xác tín về niềm tin và chân lý của mình , cũng như đối với những nhà tu hành có niềm tin và tình yêu sãn sàng xả thân vì nghĩa. Càng khi bị gian khó, chết chóc, người ta càng cố kết với nhau hơn và sẵn sàng hy sinh cho nhau. Không biết có phải vì thế không mà nhiều linh mục và tu sĩ ở các nơi đã về Thái Hà, chiều ngày 02.09.2008 chúng tôi đếm được đến hơn 2 chục linh mục đồng tế và khoảng 20 chục tu sĩ nam nữ hiện diện và cầu nguyện.

Các biện pháp thông thường mà chính quyền thường áp dụng để trấn áp các vụ việc khiếu kiện tương tự, dường như đã được chính quyền áp dụng hết đối với Thái Hà. Thế nhưng chính qyuền vẫn chưa đạt được ý mình muốn và Giáo xứ Thái Hà cũng chưa nao núng trong việc bảo vệ công lý của mình. Chưa biết cuộc tranh chấp ở Thái Hà đi về đâu. Người ta hy vọng là như mọi cuộc tranh chấp: Sau bạo lực sẽ là đối thoại. Còn hiện tại anh hưởng của vụ này đối với dân chúng Việt Nam là rất lớn nhờ các phương tiện truyền thông trong nước loan tin. Dòng người các nơi bất kể lương giáo đang tấp nập đổ về Thái Hà để hiệp thông ủng hộ hoặc để chứng kiến thực hư.

Nguyễn Y Vân

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/bao-luc-da-duoc-su-dung-cuoc-tranh-chap-o-thai-ha-di-ve-dau/