Trích từ Dân Chúa

Báo Cáo Việc Giải Quyết Của UBND Tp Hà Nội Về Vấn Đề Nhà Đất Của Giáo Xứ Thái Hà

Lm Matthêu Vũ Khởi Phụng, DCCT

TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI
Giáo xứ Thái Hà-DCCT
180/2 Nguyễn Lương Bằng,
P. Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội

Hà Nội, ngày 27.07.2008

BÁO CÁO VIỆC GIẢI QUYẾT CỦA UBND TP HÀ NỘI
VỀ VẤN ĐỀ NHÀ ĐẤT CỦA GIÁO XỨ THÁI HÀ

Kính gửi : Đức Tổng Giám Mục Hà Nội
Đồng kính gửi : Cha Bề trên Giám Tỉnh DCCT Việt Nam

Giáo xứ Thái Hà đã phản đối việc công ty May Chiến Thắng chiếm dụng bất hợp pháp nhà đất của Giáo xứ. Từ hơn 7 tháng qua, Giáo xứ đã kiên trì cầu nguyện và gửi đơn đến chính quyền thành phố Hà Nội yêu cầu giải quyết.

Trước sự bức xúc của giáo dân trong Giáo xứ, ngày 7/1/2008 UBND Thành phố Hà Nội đã ra công văn số 104/UBND-VX và ngày 8/1/2008 lại ra tiếp công văn 122 UBND-ĐCNN, trong đó có quyết định lập Đoàn Thanh tra Liên ngành, để “kiểm tra, xác minh làm rõ và thông báo kết quả tới nhà thờ”.

Tuy nhiên, trong tư cách là một chủ thể có liên quan quyền lợi và trách nhiệm, Giáo xứ Thái Hà đã không được có đại diện trong Đoàn Thanh tra Liên ngành và cũng không được Đoàn Thanh tra gặp gỡ, trao đổi .

Hơn nữa, cho đến hôm nay 25.07.2008, Giáo xứ Thái Hà chưa nhận được bản kết luận chính thức của Đoàn Thanh tra. Chỉ có một lần vào ngày 11/4/2008 Đoàn Thanh tra mời một số đại diện Giáo xứ ra Sở Tài nguyên-Môi trường để thông báo kết luận tạm thời. Các đại diện Giáo xứ đã mạnh mẽ phản bác các kết luận tạm thời này.

Ngày 30/6/2008, dựa vào kết luận 313 KL-TTLN ngày 20/6/2008 của Đoàn Thanh tra Liên ngành, mà nội dung vẫn là các kết luận tạm thời đã bị phản bác ngày 11/4/2008, UBND Thành phố Hà Nội ra văn thư số 2476/ QĐ-UBND quyết định rằng: Việc Giáo xứ Thái Hà khiếu nại, đòi quyền sử dụng nhà đất 116 Nam Đồng, nay là 178 Nguyễn Lương Bằng, mà công ty Cổ phần May Chiến thắng đang sử dụng là không có cơ sở để giải quyết”.

Các giáo dân, tu sĩ, linh mục trong Giáo xứ Thái Hà kịch liệt phản đối quyết định bất hợp pháp của bản quyết định QĐ 2476/ QĐ-UBND. Vì bản quyết định này dựa vào các cơ sở không có thật, họăc mâu thuẫn nhau, họăc không thuộc phạm vi áp dụng vào vấn đề nhà đất của Giáo xứ Thái Hà. Cụ thể như sau:

1. Quyết định QĐ 2476 cho rằng ngày 24/10/1961 linh mục Vũ Ngọc Bích đã ký biên bản bàn giao cho Nhà nước toàn bộ nhà đất do Dòng Chúa Cứu Thế quản lý tại 116 Nam Đồng, trừ diện tích nhà thờ, trong đó có khu nhà đất do xí nghiệp Thảm len.

Nội dung trên đây hoàn toàn bịa đặt. Vì, trên nguyên tắc, cá nhân không có quyền bàn giao tài sản của Giáo Hội. Trên thực tế, cho đến khi qua đời, cha Vũ Ngọc Bích chưa bao giờ ký giấy bàn giao nhà đất cho nhà nước quản lý. Khi còn sống ngài đã tuyên bố điều này bằng lời và bằng văn bản nhiều lần trước các linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Nội dung của quyết định trên đây còn mâu thuẫn và sai thực tế. Theo QĐ 2476 thì ngày 24/10/1961 Linh mục Vũ Ngọc Bích “ký” giấy “bàn giao”. Tuy nhiên, trên thực tế, trước đó, ngày 30/1/1961 Sở Quản lý Nhà đất Hà Nội đã có văn bản giao phần đất trên cho Xí nghiệp Dệt Thảm len. Sở Quản lý Nhà đất không thể “giao” nhà đất Nhà thờ trước khi linh mục Vũ Ngọc Bích “ký” giấy “bàn giao”.

Hơn nữa, QĐ 2476 viết: “ngày 24/10/1961 Linh mục Vũ Ngọc Bích ký bàn giao toàn bộ nhà đất do dong Chúa Cứu Thế quản lý (trừ diện tích nhà thờ) gồm 3.905 m 2 nhà chính và 945 m 2 nhà phụ trên diện tích 60.000 m 2 …”. Thực tế không phải vậy. Cho đến năm 1973, linh mục Vũ Ngọc Bích ký vẫn cư trú tại toà nhà chính của Tu viện Thái Hà nằm sát nhà thờ, là một trong hai toà nhà chính của Tu viện mà nay cả hai được dùng làm bệnh viện Đống Đa.

Những căn cứ trên đây chứng minh không có chuyện linh mục Vũ Ngọc Bích ký bàn giao toàn bộ nhà đất cho nhà nước. Quyết định QĐ 2476 đã dựa trên một điều không có thật để không giải quyết việc giao lại nhà đất cho Nhà thờ Thái Hà.

2. Quyết định 2476 viết: “Trong thời kỳ thực hiện chính sách cải tạo nhà cửa năm 1960, thực hiện Thông tư số 73/TTg ngày 7/7/1962 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý đất của tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị, đã quy định “đất cho thuê của các tôn giáo, các hội dù diện tích cho thuê nhiều hay ít, đều do Nhà nước trực tiếp quản lý. Nhà nước không bồi hoàn cho họ một khoản tiền nào”.

Trích dẫn trên đây mà QĐ 2476 lấy làm cơ sở để quyết định không thuộc phạm vi áp dụng cho vấn đề nhà đất của Giáo xứ Thái Hà.

Bởi vì, Thông tư 73/TTg trên đây đề cập đến “đất cho thuê của các tôn giáo”, hiểu rằng các tôn giáo là chủ sở hữu đất và đang cho một chủ thể khác thuê mướn. Đến lúc thực hiện chính sách cải tạo nhà cửa năm 1960, Nhà nước lấy mảnh đất đang cho thuê này và nhà nước không bồi hoàn cho các tôn giáo hoặc cho người thuê đất của các tôn giáo. Tuy nhiên, trên thực tế, Giáo xứ Thái Hà không cho Xí nghiệp Dệt Thảm Len thuê nhà đất của mình, cũng không cho bất cứ chủ thể nào khác thuê mướn khu nhà đất trên đây trước, trong và sau khi Xí nghiệp Dệt Thảm len chiếm dụng.

Quyết định QĐ 2476 viết: “Trong thời kỳ thực hiện chính sách cải tạo nhà cửa năm 1960, thực hiện Thông tư số 73/TTg ngày 7/7/1962 của Thủ tướng Chính phủ…” Không thể có vấn đề thực hiện chính sách trước rồi mới lấy cái thông tư có sau đến 2 năm mà áp dụng cho việc “thực hiện” này.

Như thế hiển nhiên, QĐ 2476 lấy Thông tư 73/TTg mà áp dụng cho trường hợp nhà đất Nhà thờ Thái Hà là một sự cố ý hiểu và áp dụng sai luật pháp.

3.QĐ 2476 cũng căn cứ Điều 1 Nghị quyết số 23/2003/QH 11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khoá XI: “Nhà nước không xem xét lại chủ trương chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất đã ban hành trước ngày 1/7/1991. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất; nhà nước hoàn thành thủ tục pháp lý về sở hữu toàn dân đối với các loại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách cải tạo nhà, đất cho thuê; cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh; quản lý nhà đất trong từng thời điểm nhất định về nhà đất của đoàn hội tôn giáo, quản lý nhà đất của những người di tản chuyển vùng hoặc ra nước ngoài”.

QĐ 2476 cũng căn cứ vào nội dung trên đây của Nghị quyết 23 để không giải quyết việc giao lại đất công ty May Chiến Thắng đang chiếm dụng cho Giáo xứ Thái Hà. Tuy nhiên, sự thật là nhà đất Giáo xứ Thái Hà chưa bao giờ thuộc diện cải tại xã hội chủ nghĩa, chưa bao giờ bị Nhà nước trưng thu, trưng mua. Nhà nước cũng chưa bao giờ có một quyết định quản lý nhà đất của Giáo xứ.

Giáo xứ chưa bao giờ nhận được một công văn về việc quyết định cải tạo XHCN, hay trưng thu, trưng mua khu nhà đất của Giáo xứ đến từ các cơ quan chính quyền. Không có cơ quan nào có các quyết định loại này để gửi lại cho Giáo xứ. Cũng không có công văn nào của chính quyền đã căn cứ vào các quyết định loại này để giải quyết vấn đề nhà đất của Giáo xứ. Điều này hiển nhiên, vì thực tế đã không có các quyết định cải tạo XHCN, trưng thu, trưng mua nhà đất của Giáo xứ.

Từ những căn cứ trên đây, Giáo xứ Thái Hà phản đối nội dung quyết định QĐ2476. Giáo xứ tiếp tục cầu nguyện và làm đơn kháng nghị và cho đến khi công lý được tôn trọng và Giáo xứ được quản lý và sử dụng hợp pháp nhà đất của mình.

Giáo xứ Thái Hà xin báo cáo và giải trình như thế để Đức Tổng Giám Mục và Cha Bề
Trên Giám Tỉnh được biết rõ sự vụ.

Kính chúc Đức Tổng Giám Mục và Cha Bề Trên Giám Tỉnh được tràn đầy ơn Chúa./.

Linh mục Bề trên-Chính xứ
Matthêu Vũ Khởi Phụng DCCT

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/bao-cao-viec-giai-quyet-cua-ubnd-tp-ha-noi-ve-van-de-nha-dat-cua-giao-xu-thai-ha/