Trích từ Dân Chúa

Bần nông chúng em lên tiếng!

Cô Tèo

Mấy chục ngày gần đây báo chí rùm beng vụ việc bà con giáo dân Thái Hà đòi đất, bần nông em đây cũng đọc thông tin từ nhiều nguồn cũng muốn nói một tiếng cho phong phú thêm. Nếu chỉ đọc báo nhà nước thì càng đọc, càng nghe càng thấy bực mình.

Thưa với các Bác là em sinh ở “Bùi Chu - Phát Diệm”: Gia đình em từ cụ tổ đến giờ là bần nông, thuế điện - đường - trường - trạm năm nào chúng em cũng đóng đủ cả, ấy thế chẳng hiểu lí do gì dạo này điện bảy ngày cắt sáu thành thử ra thông tin đến chậm, đấy là chưa kể chúng em thuê xe muốn đến thẳng Thái Hà hiệp thông cầu nguyện, “giữa đường đứt gánh” phải đi xe ôm mới vào được đến nơi. Muốn nói một tiếng cho sự thật và công lý à? Đừng có mơ, “mảnh đất cắm dùi” còn không giữ được thì làm gì có chỗ cho bần nông chúng em lên tiếng.

Ôi giời, ầm ĩ quá: mấy cái ông truyền thông nhà nước ra rả xuất ngày như “ve vào hè” về vụ Thái Hà, nào là “phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa”, “gây rối trật tự công cộng”, “chửi bới cán bộ”, … nói chung những câu đó em nghe từ bé nên quen rồi, chỉ duy có cái này thì em bực thật: giáo dân bị “lôi kéo, kích động”. Giáo dân ở đây là ai vậy, là ngu dân à? Là bầy chuột sao? Không, là “bầy” bần nông chúng em đấy. Trong lý lịch nhà nước quản lý chúng em tất là bần nông. Nhưng nói thật với các bác chứ chúng em đây thuộc đủ mọi thành phần: Sinh viên, học sinh, kỹ sư, công nhân, cử nhân, bác sĩ, nông dân,… Bần nông đấy nhưng đố kẻ nào kích động được “bầy” chúng em đây. Ví dụ nhé, chúng em đi cầu nguyện bị trà bị đạp (bị giáo dan đạp thật đấy), bị xịt hơi cay chúng em cũng vẫn ôn hòa cầu nguyện với lòng tha thiết nè!

Không biết quí vị có còn nhớ không chứ em thì em thuộc lòng bài này từ lúc còn bé:

Chú mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú Chuột đi đâu vắng nhà
Chú Chuột đi chợ đồng xa
Mua mắm mua muối giỗ Cha chú Mèo

Thế đấy, thân phận “chuột đồng” nên phải “cống nạp” cho “Mèo” là chuyện đương nhiên lẽ thường. Thế nên chuyện nhà nước “ân sủng” cho Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội xây nhà bảy tầng đối với chúng em là “Điềm lạ”, được “chúng em tâm đắc” lắm nói mãi không mỏi mồm nhé. Nói thật nhé bần nông chúng em muốn xây nhà hai tầng thôi phải “xin phép” vất vả rồi nè. Tất nhiên Nhà Dòng cũng phải xin phép, nhưng cái “xin phép” của bần nông chúng em phải có cả phong bao xanh đỏ mới xong.

Tiện đang thao thao bất tuyệt đây bần nông em xin dãi bày luôn cái quyền lợi sống còn của nông dân chúng em nhé: Cái vụ “dồn điền đổi thửa” là sáng kiến tuyệt vời của nhà nước đó các bác. Một ông “cựu xích lô” và bà “ cựu đồng nát” như bố mẹ em văn hóa mới học hết lớp hai cũng nhận ra được tấm lòng “vì dân” của “cán bộ” trong sáng kiến này. Đương nhiên rồi, dân làng em nô nức làm đơn xin được dồn điền đổi thửa, mấy năm trời nhà nào nhà nấy đơn chất đầy góc tủ và “phải biết chờ đợi chứ!”. Cứ thế, trong khi đó con cháu cán bộ trong xã sau khi được dồn điền đổi thửa trang trại rộng thênh thang, lợn, gà, cá, tôm, cả ô tô nữa chạy ầm ầm nhìn thấy mà thèm. Bần nông chúng em không phải ghen ăn tức ở mà nói chuyện này đâu nhé, để minh chứng ta nói chuyện khác thành phố hơn đi:

Chuyện vòi tiền của dân, cái này hay đây em kể ra các bác cũng đừng có ngạc nhiên nhé vì nó rõ như ban ngày ở Việt Nam ai mà chả biết, những câu chuyện này thật 100% đó các bác ạ, nhưng đố tìm thấy ở trên báo nhà nước đâu nhé:

Số là đầu năm 2006 sau khi “quanh quẩn” ngót chục năm ở Thủ Đô bần nông em cùng mấy đứa bạn đua đòi mở cái công ty còi làm thử. Cái đầu tiên là “đăng ký kinh doanh”, cũng tìm hiểu luật đàng hoàng lắm, nhờ cả mấy đứa bạn là luật sư chỉnh sửa hồ sơ lên xuống mất cả tháng trời, tự tin lắm vác đến Sở Kế Hoạch Đầu Tư Thành Phố Hà Nội cách lăng Bác mấy bước. Đập vào mắt bảng hiệu “Bộ phận một cửa”, “Hoàn thành thủ tục trong 5 ngày” làm bần nông em cũng an tâm hơn. Ở phòng nhận và trả hồ sơ có nhiều bàn dành cho các Quận Huyện khác nhau, khâu nhận hồ sơ ok, giấy hẹn 5 ngày lên nhận kết quả. 5 ngày sau thằng em nên nhận lại hồ sơ + giấy trả lời hồ sơ không hợp lệ (trang 1 sai chính tả chữ …). Đem về chỉnh sửa hôm sau nên nộp hẹn 5 ngày sau đến lấy kết quả, lần này giấy báo “Phường phải đứng trước Phố” về sửa lại, lần sau lên “Phố phải đứng trước Phường”…

Ngót hai tháng trôi qua, lần này bần nông em hết kiên nhẫn nên nhờ người trả hồ sơ chỉ cho cách giải quyết. Anh ta chỉ cho bần nông em nên gặp “lãnh đạo” ở tầng 5 phòng A. Cái trò này bần nông em tuy không thông minh nhưng cũng biết là người ta cần gì rồi, thế là thằng em chui tọt vào toalet nhét vội mấy tờ 100 ngàn vào phong bì dự phòng sẵn, bổ xung vào hồ sơ cho xong chuyện để thời gian mà làm việc khác cho đỡ đau đầu. Sau khi kiểm tra hồ sơ vị “ lãnh đạo” ký cái suyẹt hẹn chiều lên lấy “Đăng ký kinh doanh”.

Xong, quá nhanh, thế đấy! Sự việc này làm bần nông em cũng bất bình lắm, có gửi bài viết về việc nhũng nhiễu này cho mấy báo, có báo gửi 3 lần cho chắc ăn sợ thất lạc, Nhưng chẳng có “ma” nào đăng cả, phí cả công sức tiền bạc của em nó đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Hành trình sau đó còn gian lan hơn nhiều bần nông em mà kể ra chắc phải mấy trăm trang mất, khi nào có dịp em sẽ kể hầu các bác nghe.

Để kiểm nghiệm xem tình hình đã khá hơn trước chưa, tháng 5 vừa qua em có “tốt bụng” đi lo hồ sơ “đăng kí kinh doanh” cho thằng bạn chí cốt, tưởng tình hình khá hơn, ai dè tệ hơn lần trước là vì phải mất 2 phong bì - thời gian thì có nhanh hơn vì em cũng đã có tí “kinh nghiệm”: một phong bì như lần trước, một nữa là sau khi nhận đăng ký kinh doanh về nhà phát hiện chưa có dấu đỏ của Sở Kế Hoạch Đầu Tư, nên xếp hàng, lạy lọt một lúc, đành rút phong bì ra cho người “có trách nhiệm” mà thấy tiếc “đứt ruột” mới được “chiếu cố giải quyết” cho cái dấu. Em không nói điêu như mấy “cò” truyền thông của nhà nước đâu, bác nào muốn kiểm chứng cứ đi thực tế sẽ biết ngay, lên Sở Kế Hoạch Đầu Tư Thành Phố Hà Nội nhé, Phòng đăng ký kinh doanh.

Thôi nhé “lảm nhảm” vấn đề này vậy thôi không lại bị cho là “nói xấu, bôi nhọ cán bộ”, “bị giật dây bởi các thế lực bên ngoài” có mà tù mọt gông.

Bây giờ nói sang vấn đề mà ta hay gặp nhé: đó là chuyện em gặp ở bệnh viện. Sự việc thế này: bần nông chúng em sợ nhất là ốm! Tại sao? Đầu năm vừa rồi mẹ em có bị ốm thập tử nhất sinh phải nhập viện mổ cấp cứu. Đang lúc nguy cấp gặp ai nhờ đấy – nông dân là thế, gặp bác sĩ khám bệnh tư vấn cho có các hình thức: Một là mổ chỉ định – chỉ định một bác sĩ quen và được mổ ngay tức thì, đương nhiên phí đắt gấp mấy lần. Hai là mổ xếp hàng theo thứ tự (phải chờ) – “mình nguy kịch còn có người nguy kịch hơn”.

Bần nông nhà em nào có quen ai làm bác sĩ đâu, chỉ bừa một cái tên trên danh sách trên tường để mẹ em được mổ ngay. Chuyện có vậy thì em cũng chẳng nói, sau khi “chọn” bác sĩ mổ cho mẹ em xong thì phải phong bì cho bác đồng ý mổ cho, cho y tá trưởng phụ trách, cho bác sĩ chủ trì hội trẩn trước mổ, cho người chuẩn bị hồ sơ cho hội trẩn … Bần nông em mệt bở hơi tai mới được ê kíp mổ gật đầu “chiếu cố mổ luôn cho”. May mắn ca mổ thành công, mấy ngày sau đó phong bì cũng tốn ra phết, mỗi lần tiêm phải phong bì không “y tá” cầm mũi tiêm phang thẳng không thương tiếc, bôi thuốc cho vết mổ cũng phải phong bì không “y tá” làm mạng tay có mà đau khóc hu hu!, thay ca bác sĩ cũng phong bì, thay ca y tá cũng phong bì. Ngày nào cũng lặp đi lặp lại như vậy, còn viện phí trả cho nhà nước đương nhiên khi vào phải tạm ứng cả chục triệu ra viện tính sau. Sáu giường bệnh nhân một phòng cũ cũ, cứ “phang” đều 120 nghìn một bệnh nhân một ngày chưa kể tiền thuốc men + các dịch vụ khác – thế mà cứ oang oang trên truền hình là “thu không đủ chi”.

Khổ là thế, nhưng cũng có cảnh để mà cười: Là thế này, hôm mẹ em đã đi lại được mấy bước thì có đoàn quay film nhà nước về bệnh viện làm film phỏng vấn “bà con bệnh nhân có bức xúc, hài lòng gì thì cứ nói”: Người nhà của bện nhân bị “lùa” ra ngoài hết, phòng bệnh mẹ em còn 2 dường trống, thì có hai người “bệnh nhân giả”- nói như các bà, các mẹ ở phòng bện đó- được bố trí vào để trả lời phỏng vấn, còn bệnh nhân thật được đạo diễn tập cho là trước ống kính phải tỏ ra “tươi tỉnh, hớn hở”. Đương nhiên cuộc phỏng vấn diễn ra tốt đẹp, cái gì cũng tốt, cái gì cũng hài lòng … Sau khi đoàn làm film nhà nước đi, mẹ em nói thế này “đau bỏ mẹ đi nó còn bắt cười”!

Em dài dòng để nói lên một điều rằng, thực trạng đời sống của dân nghèo nó thế, ngay cả ở các bệnh viện nơi mà rất cần lương tâm, lòng nhân ái của con người thì cũng bị mua bán bởi đồng tiền. Rồi truyền thông để nói lên sự thật thì cũng bị “đạo diễn”, những vấn đề không “nhạy cảm” có tiền thì đưa tin, không có phong bì thì thôi. Còn những vấn đề “nhạy cảm” thì phải theo “chỉ đạo”, theo hướng có lợi cho tham quan.

Qua đây lý giải tại sao các báo đài đều lên tiếng về “Vụ Thái Hà” theo cùng một luận điệu là kết án các Cha các Thầy và Giáo dân là những “tội phạm” không hiểu biết pháp luật. Qua đây cũng cho thấy rằng xã hội Việt Nam còn vô vàn bất công mà không riêng gì người công giáo, cứ là thảo dân thì ai cũng phải è lưng gánh chịu.

Cũng phải nói thêm rằng vụ việc Thái Hà bị vỡ lở không bán được đất thì “ta” xung vào làm công trình công cộng – đây là bài chung, một số ý kiến cho rằng sau mấy năm êm chuyện thì “ta” sẽ biến công trình công cộng thành của riêng chia chác. Các bác lí giải như thế thì có phần hơi liều, các “cán bộ” nhà ta có “gan to bằng trời” cũng chẳng làm như thế. Chỉ có điều cái thấy trước mắt là nếu việc biến đất đó thành công trình công cộng thành công thì các “cán bộ” có liên quan cũng nhận món to “lại qủa” của đơn vị trúng thầu – cái này không nhỏ đâu nhé, thường thì không ít hơn 30% giá trị hợp đồng. Vậy đấy, ai cũng thấy, nhưng ít người dám nói.

Chỉ có một điều phải nhấn mạnh là cho dù có dùng truyền thông “bố láo”, hơi cay, dùi cui điện, súng đạn thì bần nông chúng em vẫn cứ đi cầu nguyện, cầu nguyện trong ôn hòa, cầu cho đất nước có công bằng thật sự, cho dân nghèo chúng em bớt khổ, thế thôi!

Có dịp bần nông em sẽ hầu các bác chuyện “khuyên bảo, giải thích” bằng dùi cui điện, xịt hơi cay mà bần nông em chứng kiến, rồi những chuyện cười ra nước mắt: từ ngành giáo dục, đăng kí tạm trú, nhập hộ khẩu, đi xin con dấu của xã – phường, mua bán đất đai, công an khu vực thăm cửa hàng, cảnh sát giao thông hỏi thăm sức khẻo …

Xin mọi người thêm cầu nguyện và hiệp thông với Thái Hà!

Cô Tèo

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/ban-nong-chung-em-len-tieng/