Trích từ Dân Chúa

Bài phát biểu của Lm Nam Phong tại Sở Tài nguyên Môi trường và nhà đất Hà Nội 11.4.2008

Lm Nguyễn Ngọc Nam Phong, DCCT

Như mọi người biết, ngày 7/1/2008, tại Công văn số 104/UBND-VX, UBND thành phố Hà Nội đã lập Đoàn Thanh tra Liên ngành “để kiểm tra, xác minh làm rõ để kết luận và giải quyết đúng qui định của pháp luật.”

Sau ba tháng Đoàn Thanh tra Liên ngành – do ông Trịnh Kiên Dĩnh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội làm trưởng đoàn – thanh tra mà không có bất cứ liên hệ nào với Dòng Chúa Cứu Thế – giáo xứ Thái Hà, thì tới ngày 11/4/2008 – ba tháng sau, Đoàn Thanh tra Liên ngành đã tổ chức một cuộc họp tại Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội, với mục đích thông báo “kết luận tạm thời của Đoàn Thanh tra Liên ngành” cho Nhà thờ biết và yêu cầu Dòng Chúa Cứu Thế – giáo xứ Thái Hà có ý kiến để có kết luận chính thức.

Tuy nhiên, những ý kiến của nhà thờ đã không được quan tâm, cứu xét. Trái lại, Đoàn thanh tra Liên ngành, UBND thành phố Hà Nội đã tiếp tục áp đặt ý kiến của mình, khiến cộng đồng giáo dân bức xúc.

Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị bài phát biểu của linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong tại Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội, ngày 11/4/2008.

Thanh tra: Mời ông linh mục Phong

Cha Phong: Thấy ông nhắc tên tôi thì tôi xin anh Khải (cha Khải) có một chút ý kiến. Đây cũng chỉ là ý kiến của riêng cá nhân tôi, chứ chưa phải ý kiến của tập thể.

Trước khi nói, thì tôi cũng xin thưa chuyện với ông Trưởng đoàn một tí, có lẽ là không vui nhưng mà tôi cứ nghĩ trong bụng thì tôi phải nói: Đó là tôi nhận được cái giấy mời, tôi thấy ghi ở đấy là trưởng đoàn thanh tra là ông Phó Giám đốc Sở tài nguyên Môi trường. Tôi bảo thế này thì lại là bố thanh tra con rồi. Trước kia thì công văn nói là Sở tài nguyên Môi trường trả lời chúng tôi. Bây giờ vị ấy lại đứng lên làm trưởng Đoàn thanh tra liên ngành. Tôi cứ nghi ngờ hỏi là nó có khách quan không? Nó có thật tâm không? Nó có vì công lý không? Đấy thì tôi cũng xin thưa với ông, ông cũng vui lòng vậy. Vì tôi đi tu bụng có gì nói ngay, không có thì lại cứ ấm ức đến chết thì cũng khổ phải không ạ.

Thanh tra: Vâng, vâng. ông cứ nói

Cha Phong: Thế thì hôm nay nhân thể có đông đủ quý vị, có các cha. Con xin phép các Cha, con xin phép các cô chú để nói lên cái ý kiến cá nhân của mình.

Trước hết, lúc nãy mọi người cũng đã được ông Trưởng đoàn thanh tra cho biết về nguồn gốc lịch sử khu đất. Thế thì, vấn đề nguồn gốc mà được trình bày ở đây thì tôi nghĩ rằng nó cũng dài, rườm rà. Như lúc nãy chúng tôi đã nói là chúng ta chỉ đề cập đến những gì được đề cập trong giấy mời, đối thoại đến những vấn đề khiếu nại liên quan đến khu đất xí nghiệp dệt Thảm Len.

Vì có khi nhiều người ở đây cũng chưa nắm vững được đâu về nguồn gốc đất và bên đoàn thanh tra có lời nói về nguồn gốc thì chúng tôi cũng phải trình bày một chút. Tuy nhiên, ngắn gọn về nguồn gốc đất để tất cả cùng hiểu để cho cuộc đối thoại mới dẫn đến kết quả tốt đẹp.

Trước hết, thì tôi xin nói về nguồn gốc. Thứ hai là nói tại sao chúng tôi lại xin nhà nước giao lại khu đất này cho chúng tôi. Tất nhiên là việc chúng tôi xin lại là dựa trên cơ sở pháp luật, dựa trên cơ sở pháp lý, chứ không phải là dựa trên tình cảm thuần túy, tình cảm tôn giáo.

1. Trước hết là nguồn gốc và lịch sử khu đất

Năm 1928, Đức tổng giám mục Hà Nội - Đức tổng giám quản tông tòa đã đứng tên mua giúp cho Nhà dòng chúng tôi khu đất nằm trên quốc lộ 6 - nay là phố Nguyễn Lương Bằng, có tổng diện tích là 61.455m2.

Chúng tôi có bằng khoán điền thổ đang lưu trữ tại văn phòng của Tỉnh dòng.

2. Thứ hai là ngày 22-05-1944, Đức Giám Mục đã làm giấy tuyên bố nhượng lại toàn bộ đất đai và bất động sản trên khu đất này cho Nhà dòng chúng tôi, có giấy biên nhận và biên bản chúng tôi cũng đang lưu trữ.

3. Thứ ba là tu viện dòng Chúa Cứu thế bắt đầu cư ngụ tại khu đất này từ ngày 29-06-1928, và sử dụng toàn bộ diện tích đất một cách bình thường cho đến năm 1959.

Hiện nay, quý vị đi vào bệnh viện Đống Đa (người ta nói đùa là vào Đống Đa ra Văn Điển) còn cây thánh giá của chúng tôi trên nóc nhà thờ và cái đó thì không ai phủ nhận được và tôi nghe nói ngày xưa có người muốn phá nó. Quý vị mà nhìn lên thì cây thánh giá còn nguyên ở trên đó. Nghe đâu bảo có người trèo lên đó ngã lộn xuống. Hồi bé, tôi còn chưa biết nhưng nghe nói như vậy. Nghĩa là đấy sự thánh thiêng vẫn còn đấy. Dấu tích của sự thánh nó còn đấy. Và đấy cũng là dấu chứng để khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên ngôi nhà đó. Và cái tài sản đó không bao giờ tước đi những sự kiện như là quận mượn để làm bệnh viện thì không có tước đi quyền sử dụng của chúng tôi. Thánh giá đó là dấu chứng.

4. Thứ tư là khoảng thời gian từ năm 1959 đến 1993, nhiều diện tích đất của Dòng Chúa Cứu Thế tại nhà thờ Thái Hà đã bị dân lấn chiếm. Nếu quý vị đến thì thấy tháp chuông cũng đã bị chiếm hết, nhà dân lẫn với cả tháp chuông. Nhưng mà tôi muốn quý vị xuống thực địa để thấy nó đau xót, chứ nhìn trên bản đồ thì không thấy được cái đau xót

Thanh tra: Nhưng mà tại sao các Cha ngày trước lại tặng bà con giáo dân?

Cha Phong: Cái đó thì bao giờ quý vị lên nghe lại cuộc nói chuyện của linh mục Bích ở trên nhà thờ nói rõ và nếu cần giấy thì quý vị cũng có. Thế thì hiện nay diện tích đất của nhà thờ Thái Hà được sử dụng chỉ còn 2.800 trong tổng só 61.455m2 . Đấy quí vị cũng có lẽ không biết được những chuyện như thế phải không ạ. Mà quý vị đến đó lễ một buổi. Có lễ từ 7 đến 10 ngàn người. Chúng tôi phải mở hết cả nhà ở. Mà chúng tôi đi tu Nhà dòng thì phải có nội vi. Nhưng bây giờ vì không đủ phần đất sử dụng mà chúng tôi phải cho người ta vào nội vi của chính chúng tôi.

Trong số những diện tích đất của nhà thờ Thái Hà mà cơ quan nhà nước đang sử dụng thì có phần diện tích đất xí nghiệp Thảm len Đống Đa được sở quản lý nhà nước giao năm 1961, nhưng trong cái công văn này (bản kết luận tạm thời của Đoàn Thanh tra liên ngành) thể hiện thì không nói đến công văn 1961 này. Tôi có cái công văn này của Sở Quản lý Nhà đất ra ngày 30-01-1961. Thế thì tôi cũng nêu lên như vậy, nêu lên như vậy để cho quý vị thấy và chúng tôi có cái văn bản này, chốc nữa tôi sẽ đọc cho quý vị.

Thanh tra: Thế thì số nó là.

Cha Phong: Số 76

Thanh tra: Là cái gì?

Cha Phong: QL - NĐ ủy ban hành chính thành phố Hà Nội - Sở Quản lý Nhà đất, số 76/ QL - NĐ ngày 30-01-1961 bàn giao của sở quản lý nhà đất. Tôi nêu cái này lên để tí nữa tôi sẽ nói chuyện để cho quý vị thấy rằng là nó có những cái gì đấy không minh bạch trong chuyện lấy đất của chúng tôi. Rõ ràng là như thế, giao đất cho xí nghiệp dệt Thảm len này.

Rồi ngày 25-03-1994 Bộ Công nghiệp nhận quyết định sát nhập xí nghệp dệt Thảm len vào Công ty may Chiến Thắng. Chuyện này thì trong bản báo cáo của thanh tra thì tôi thấy có.

Cuối năm 2006 vừa qua, thì Công ty may Chiến thắng đã chuyển toàn bộ các trang thiết bị, phá rỡ các công trình vốn có trong khu đất, thì trong đó, tôi xin nói là còn một nhà thờ của chúng tôi, một nhà Hội quán và một nhà sát với bệnh viện Đống Đa.

Khi bên xí nghiệp phá, thì giáo dân của chúng tôi cũng có người làm ở đấy người ta bảo rằng là ‘các anh ấy bảo đừng có đụng vào chỗ này, đụng đến cái nhà này của nhà thờ là lửa đấy’. Bởi vì ngày xưa, cái nhà thờ ở trong ấy bị rỡ mái và từ khi rỡ mái thì Công ty dệt Thảm len không làm ăn gì được nữa - đụng đến cây thánh giá, thì không làm ăn được nữa. Đó là những chuyện ngoài lề, tôi nói để quý vị biết sự thánh thiêng nó ảnh hưởng ghê gớm lắm.

Thế thì, đấy Xí nghiệp Thảm len đã chuyển hết trang thiết bị đi rồi bán cái đó cho công ty Phú điền. Chúng tôi biết chuyện đó. Chính Ông Đào Trọng Sĩ đã nói với chúng tôi: “Các linh mục yên tâm, có hi vọng đấy, bởi vì nó đã bán trác rồi.” Ông Đào Trọng Sĩ nói với chúng tôi ngày 14- 01-2008. Tôi nhớ rõ hôm đó. Ông Đào Trọng Sĩ là Phó Giám đốc Công an thành phố.

Một điểm nữa tôi cần lưu ý với quý vị, đó là lúc sinh thời, thì linh muc Vũ Ngọc Bích đã không dưới hai lần làm đơn kiến nghị để xin lại khu đất, để sử dụng vào công việc từ thiện, bởi vì lúc đấy, thì người ta bán trác, thì ngài phát hiện ra thì ngài muốn triệt cái đó, nhưng mà chính phủ thì lại không lưu tâm đến đề nghị đó. Cụ thể là ngày 08-08-1996 và ngày 01-10-1996, linh mục Vũ Ngọc Bích đã kí đơn gửi các cấp chính quyền xin lại hai khu đất này nhưng không có cơ quan nào trả lời.

Đến ngày 5–01–2007, sau nhiều năm kiên trì chờ đợi, chúng tôi có đơn khiếu nại lên Thủ tướng và các cấp chính quyền, yêu cầu trao lại diện tích đất cho chúng tôi, nhưng phải tới 5 tháng sau tức ngày 07-05-2007. Cái này về luật khiếu nại là cũng sai, phía nhà nước cũng sai rồi bởi vì luật đã đề chỉ 30 ngày cơ, còn về thanh tra thì tôi biết là 45 ngày. Sau 45 ngày, đáng nhẽ là chúng tôi có quyền phản kháng bởi vì không dúng với Luật Tố cáo khiếu nại, nhưng mà vì chúng tôi tôn trọng pháp luật cho nên chúng tôi tin tưởng và kiên trì như vậy đấy. Ngày 07-05-2007, Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất có công văn số 1784.

Thanh tra: Tôi xin phép linh mục nhá, cái gì mà.

Cha Phong: Không để tôi nói. Còn nhiều vị ở đây không nắm được vấn đề bởi vì lúc nãy tôi biết, ông nói có nhiều vị bấm điện thoại di động rồi nhắn tin. Sở dĩ nhắn tin như vậy là không nắm chắc được vấn đề. Tôi tin chắc là như thế. Tôi xin phép được trình bày cho nó đầy đủ ngọn ngành để tôi cũng an tâm phải không ạ. Khi được nói thì cũng hiếm lắm mới được nói trước mặt quý vị chứ đâu phải lúc nào cũng nói đâu.

Trong Công văn trả lời đó (Cv 1784), thì Sở Tài nguyên Môi trường đã trả lời chúng tôi: trong thời kì nhà nước thực hiện các chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà đất trước đây, ngày 24-11 (tôi lưu ý cái chỗ đó), Linh muc Vũ Ngọc Bích người quản lý đã bàn giao nhà cho Nhà nước khu đất trên. Lúc nãy tôi có nêu đến cái Công văn này là ngày 30-01-1961, đã giao cho Xí nghiệp Thảm len rồi, mà đây ngày 24-11 linh mục Vũ Ngọc Bích mới kí giao là thế nào? Có đúng không ạ? Ngày 24 mới kí giao, nhưng công văn nói ngày 30-01 thì Sở Quản lý Nhà đất Hà Nội đã cho Xí nghiệp thảm len rồi có đúng không ạ? Quý vị thấy có mâu thuẫn không ạ? Và còn nhiều mâu thuãn nữa rồi tôi sẽ nói để quý vị thấy là còn nhiều mâu thuẫn nữa.

Thanh tra: cứ nói

Cha Phong: Vâng! Tôi lưu ý chỗ nào cần lưu ý.

Tiếp theo, ngày 16-05-2007; 31-05-07; 30-07-07; 03-10-07; 07-01-08; 11-01-08, chúng tôi liên tục gửi đơn lên các cấp chính quyền để xin trao lại cho chúng tôi khu đất này để sử dụng vào việc phục vụ cộng đồng và phụng sự và đấy là lý do tôi nghĩ là chính đáng với hoàn cảnh của chúng tôi lúc này.

Trong khi chúng tôi tin tưởng vào pháp luật, kiên trì chờ đợi, thì ngày 05-01-08, Công ty may đã hiên ngang vi phạm pháp luật, cho công nhân tới xây dựng tường bao và nhà cấp 4 trên diện tích đất đang có tranh chấp. Cái đó ông Quang là cán bộ phường Quang Trung thì có lẽ ông cũng biết cái đó phải không ạ? Ông biết chuyện đó, nhưng chúng tôi thì rất là buồn vì không có sự minh bạch trong những thông tin, luôn nói một chiều, áp đặt cho chúng tôi những tội lỗi. Chúng tôi buồn lắm. Chúng tôi đi tu, đã bỏ hết cả gia đình, chẳng có vợ con, một tấc đất không có, nhưng mà cũng bị, có nhưng người đang tâm vu cáo một cách trắng trợn như vậy. Vì thế, chúng tôi rất buồn. Thế thì vì cái sự vi phạm của Công ty May Chiến Thắng mà giáo dân họ bức xúc, bức xúc vì pháp luật bị vi phạm.

Chúng ta phải hiểu cái chuyện đó đầu tiên các ông bà có đúng không ạ?

Vì pháp luật bị vi phạm, bởi vì theo luật xây dựng là đất đang tranh chấp thì không xây bất cứ cái gì. Thế thì bây giờ lại vi phạm: xây tường rào, rồi san cái nền trong kia; rồi dựng nhà lên và vì thế mà giáo dân chúng tôi bức xúc, và vì bức xúc như vậy, nên giáo dân đã rỡ bỏ tường rào xây vi phạm thôi, chứ không rỡ những chỗ kia. Ông xuống thì ông thấy, chứ ở đây nói chúng tôi rỡ tường rào là oan uổng, không rỡ tường rào đã xây trước mà chỉ rỡ những chỗ vi phạm pháp luật. Chúng ta phải thống nhất và rõ ràng như vậy: rỡ cái chỗ vi pham pháp luật chứ không phải rỡ chỗ kia phải không ạ?

Bởi vì các ông đến thì vẫn thế. Vì bức xúc thế thì dân mới dựng lều để canh chừng. Nếu trả thì họ bỏ lều thôi, không vấn đề gì. Họ chỉ tạm để đấy, để lấy chỗ trú mưa, trú nắng. Các ông chẳng nhẽ lại đang tâm để những bà già 80 tuổi phải phơi nắng. Nếu không có lều, họ ngồi ở đấy cả ngày, cả đêm. Các ông có chịu được không? Không thể chịu được đâu! Mẹ mình đấy! Bố mình đấy, vì thao thức pháp luật với nhà nước mà ngồi ở đấy canh chừng cho pháp luật được thực thi. Chúng tôi cũng không đang tâm để cho họ ở bên ngoài, vì chắc chắn, nếu không, họ cứ ngồi ở ngoài đường ấy, la liệt đấy, thì còn khổ hơn ấy, cho nên là chúng tôi, bà con có dựng lều thì chúng ta phải cảm thông, phải ủng hộ.

Một vài cái về lịch sử khu đất, tôi ngắn gọn như vậy và nói qua như thế để cho quý vị hiểu thêm hoàn cảnh, để mà giúp đỡ chúng tôi, giúp đỡ một bộ phận người dân cũng rất là quan trọng, trong xã hội, để xây dưng một quốc gia pháp quyền và một quốc gia văn minh dân chủ, thế là cái thứ nhất.

2. Cái thứ hai: là cái kiến nghị của chúng tôi

Đây là quan điểm riêng của tôi. Sở dĩ chúng tôi từ 10 năm nay và nhất là những năm gần đây, chúng tôi lên tục gửi đơn lên các cấp chính quyền là bởi vì chúng tôi có cơ sở pháp lý.

Trước hết, cơ sở thứ nhất: khu đất này thuộc quyền sở hữu của chúng tôi từ 1928. Tỉnh dòng chúng tôi và nhà thờ Thái Hà còn giữ được những bằng chứng về địa bạ với diện tích trên, thuộc sở hữu Dòng chúng tôi.

Bản văn quyết định giao đất của Sở Nhà đất Hà Nội số 76/QL-NĐ, ngày 30-01, cho Xí nghiệp dệt Thảm len cũng khẳng định rằng diện tích đất và nhà sẵn có đó, nằm trong khu vực nội tự của nhà thờ Nam Đồng.

Lúc nãy tôi thấy trong công văn có một câu tôi thấy là nó bất công: đó là công văn của quý vị đây này. Tôi xin đọc lại: “trong thời kì thực hiện chính sách cải tạo nhà cửa năm 60 và thực hiện thông tư 73/TTg, ngày 07-07-1962 của Thủ tướng chính phủ về việc quản lý đất của tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang. Tôi xin khẳng định là đất nhà chúng tôi không bao giờ vắng chủ cho đến lúc này.

Quý vị ở đây lâu năm rồi, xin quý vị phải rất thành tâm ở chỗ này, không bao giờ vắng chủ cả. Vì thế, không thể áp dụng cái này vào được, không thể áp dụng cái này vào đây mà không trao lại cho chúng tôi được.

Thứ hai: kể từ năm 1961 đến nay, Uỷ ban Hành chính Quận bàn giao khu đất dệt Thảm len Đống Đa, thì nhiều lần Dòng chúng tôi đã kê khai tài sản với Sở Quản lý Nhà đất Hà Hội về quyền quản lý nhà đất của chúng tôi, trong đó có khu đất Công ty May Chiến Thắng, khu đất đó. Cái này có ở trong văn thư của quý vị, có lưu trữ những lần đăng kí đất theo chỉ thị của Thủ tướng, cái đó thì có, quý vị có thể tham khảo ngay ở trong đó. Điều tôi muốn nói ở đây là chúng tôi đã dăng ký bấy nhiêu lần nhưng không có một văn bản nào của chính quyền các cấp phản bác về chuyện đó, phải không ạ? Đáng nhẽ phải phản bác chứ? Phải nói là anh đăng ký thế là không đúng, phải không ạ? Nhưng không có một cái phản bác, chúng tôi kê khai theo chỉ thị của Thủ tướng.

Thanh tra: Nhưng có nộp về chính quyền, về cơ sở không?

Cha Phong: Có ạ. Chúng tôi có nộp. Tôi nói, tôi nói cái chuyện này. Ngài cứ yên tâm. Tôi trình bày với cái lòng của tôi. Tôi trình bày với cái tâm của tôi, trình bày để chúng ta đi đến một quyết định tốt.

Một lí do nữa mà chúng tôi muốn nêu lên, trong suốt quá trình sở hữu cho đến nay Dòng Chúa Cứu Thế chúng tôi chưa hề nhận được bất cứ một quyết định trưng dụng nào của Nhà Nước theo các quyết định của pháp luật đối với các khu đất trên. Trong khi đó bất cứ một đơn vị cá nhân nào muốn xây cơ sở lớn nhỏ gì đó trên toàn bộ tổng diện tích 61 nghìn mét vuông thì đều được cơ quan chức năng yêu cầu phải có sự đồng ý của nhà thờ thì mới được.

Cái này Bác Quang làm cán bộ chủ tịch phường lâu năm ở đây rồi thì hồi trước ủy Ban Nhân Dân phường xây thì cũng phải vào xin nhà thờ. Đúng không ạ?

Đấy là một chứng từ (có tiếng nói chen vào ...). Tôi phải nói cho hết. Thế thì theo công văn, theo kết luận ở đây của Đoàn Thanh tra Liên ngành: “Trong thời kì Nhà nước thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà đất trước đây, ngày 24/11/1961, Linh mục Vũ Ngọc Bích người quản lý và đã bàn giao khu đất trên; vì thế việc nhà thờ xin lại không có cơ sở pháp lý.”

Như linh mục Khải đã nói, chúng tôi cũng đồng quan điểm như vậy. Đó là chúng tôi được biết trong thời kì nhà nước thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa chưa bao giờ có chính sách cải tạo đất của các cơ sở tôn giáo.

Hơn nữa, việc bàn giao nhà đất phải có quyết định trưng thu, trưng mua hay trưng dụng. Vậy, tôi hỏi đâu là quyết định thu hồi đất năm 1961 của các tôn giáo. Quý vị có, xin cho chúng tôi. Nói cách khác, diện tích đất của nhà này không thuộc đối tượng trưng thu, trưng mua theo các quy định của pháp luật.

Hiện nay, tôi có luật cải cách ruộng đất ngày 04/12/1953, ở điều 9 và điều 10 nói thế này:

“Điều 9: Trưng thu công điền, công thổ, ruộng hậu, ruộng họ, ruộng môn sinh. Đấy không có đât tôn giáo trong đó.”

“Điều 10: Ruộng đất của tôn giáo (nhà chung, nhà chùa, thánh thất, tu viện) thì trưng thu và trưng mua. Trường hợp có mua chính đáng thì trưng mua.”

Bây giờ nếu có thì phải xin lại cho chúng tôi. Cho đến nay thì theo hồ sơ của chúng tôi cũng như các văn bản trả lời của các cơ quan thẩm quyền của thành phố Hà Nội, thì chính quyền giai đoạn đó không có bất cứ một quyết định trưng thu hay trưng mua nào đối với diện tích đất nêu trên.

Chúng tôi cũng xin lưu ý rằng điều 4 của Sắc lệnh ngày 30/11/1945 của chủ tịch Hồ Chí Minh có quy định mệnh lệnh trưng thu, trưng dụng hoặc trưng tập phải viết trên phiếu xé ở một quyển sổ có cuống. Trong mệnh lệnh ấy, phải biên rõ tên họ chức vụ của người đã ra lệnh trưng thu, trưng dụng, hoặc trưng tập. Tên của người bị trưng thu trưng dụng hoặc trưng tập, ngày và nơi thi hành trưng thu, trưng dụng hoặc trưng tập; mặt hàng trưng thu, trưng dụng hoặc trưng tập hoặc số người bị trưng thu, trưng dụng hoặc trưng tập. Nhà chức trách ra lệnh trưng thu, trưng dụng hoặc trưng tập phải ký vào phiếu ấy.

Cái này chúng tôi cũng thấy là để cho minh bạch thì phải có cái phiếu đấy, phiếu xé cuống đàng hoàng.

Đối với những ý kiến cho rằng diện tích trên đã được nhà thờ Thái Hà bàn giao cho nhà nước quản lí thì cũng không có cơ sở.

Thứ nhất là Sở Tài nguyên Môi trường căn cứ vào đâu để nói Cha Bích đã giao đất trên cho nhà nước quản lý. Và như lúc nãy chúng tôi cũng đã đưa ra cái này để nói cho quý vị rồi: quyết định 76/QL-NĐ, nó không có đồng nhất với câu trả lời của Sở Tài nguyên Môi trường.

Thế thì tôi nghĩ quý vị có cái đó thì cho chúng tôi để chúng tôi tham khảo. Ngay cả có cái đó, thì bảo chúng tôi cũng nói rằng là chúng tôi tin thì không có, vì Cha Bích là người thánh thiện, trước giáo dân ngày 19/03/2004, Ngài đã nói rằng là không hề bàn giao khu đất này cho bất cứ ai. Tất cả đều do người ta vào lấy và không có ý kiến của tôi. (có tiếng nói chen vào..)

Vâng, ngay cả việc linh mục Bích có bàn giao thì tôi nghĩ là nó không có giá trị pháp lý, bởi vì một người quản lý như trong công văn thể hiện (mở ngoặc đơn) quản lý thì không có danh gì ạ. Quý vị ở đây có ai dám cắt đất của Sở Tài nguyên đi cho không ạ?

Đấy, tôi đang nói quan điểm mà! (có nhiều tiếng chen vào) Quí vị để chúng tôi nói, sao anh cứ cắt lời tôi.

Tôi nói là tôi nói có lý chứ không phải tôi nói bậy có đúng không ạ? Có lý chứ không phải nói bậy, nên vì cái lý đó mà để yên cho chúng tôi nói.

Thứ nhất là theo Luật của Giáo hội và của Dòng tôi thì chỉ có Đức Giám mục mới là người có quyền quyết định. Với nhà dòng chúng tôi thì Cha giám tỉnh với hội đồng cố vấn và được sự đồng ý của Rôma. Dòng chúng tôi là dòng đặc miễn trụ sở chính ở bên Rôma chứ không phải ở Việt Nam. Thế cho nên vấn đề đất đai của tôn giáo chúng tôi nhiều nút thắt lắm. Giống như Cha Phụng nói có nhiều nút thắt lắm. Thế thì Cha Bích thì không thể nào là người có cái quyền đó. Hoặc là cái quyền bàn giao ấy có giá trị khi được sự ủy quyền của các cấp lãnh đạo trong nhà dòng. Từ năm 54 đến giờ thì không có sự ủy quyền đó, không hề có giấy ủy quyền của các cấp lãnh đạo chúng tôi cho linh mục Vũ Ngọc Bích. Và vì thế, hành vi của linh mục Vũ Ngọc Bích nếu có, tôi thì nghĩ các vị hàm oan cho Ngài, chứ tôi nghĩ là không có, còn nếu có thì nó không đúng pháp luật, không đúng với Giáo luật của chúng tôi.

Thế thì đấy là một vài điều tôi xin thưa lại.

Tóm lại là chúng tôi thấy rằng chuyện mà chúng tôi đề nghị với quý vị hoàn toàn dựa trên cơ sở pháp luật, trên cái quyền, trước là quyền sở hữu bây giờ là quyền sử dụng lâu dài của chúng tôi.

Chúng tôi chưa có bị tước mất cái quyền sở hữu đấy bao giờ cả.

Vì thế, chúng tôi, giáo dân chúng tôi, trước hết, vì nhu cầu phục vụ, vì sự bành trướng của thời toàn cầu hóa, bùng nổ đô thị. Quý vị thấy sát nhập Hà Tây vào đấy vì nó bùng nổ quá và người công giáo cũng rất là bùng nổ. Và vì thế số đất 2.800m không đủ để chúng tôi phục vụ. Mà quý vị tin chắc chúng tôi sẽ phục vụ tốt hơn nhiều khi chúng tôi có đủ cơ sở để góp phần làm cho nhà nước, nhất là cho dân tộc được sống một cuộc sống hòa bình ấm no.

Thế thì đấy, chúng tôi cũng tha thiết đề nghị nhất là quý vị ở Đoàn Thanh tra có tiếng nói, hãy đề cập với cấp trên những nguyện vọng tha thiết đó của chúng tôi, để người công dân Việt nam - quý vị không tin có trời, chúng tôi tin có trời, chúng tôi sẽ cầu nguyện cho quý vị - để cho con cháu chúng ta có được cuộc sống an lành.

Xin cám ơn tất cả quý vị lắng nghe tôi.

Tôi xin nhường lời lại cho các Cha.

Lm Nguyễn Ngọc Nam Phong, DCCT

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/bai-phat-bieu-cua-lm-nam-phong-tai-so-tai-nguyen-moi-truong-va-nha-dat-ha-noi-1142008/