Trích từ Dân Chúa
Ls Lê Quốc Quân
(Về phương diện Công bình và Đạo Lý)
Là một luật sư công giáo đã từng dấn bước trên con đường đấu tranh, chịu đựng tù đày như chính anh chị em, tôi tự nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc viết một bài bào chữa cho những hành vi của anh chị về phương diện công bình và đạo lý song song với những lời bào chữa pháp lý của các Luật sư đồng nghiệp.
Tôi bắt đầu viết từ khi có quyết định khởi tố, viết khi đứng trước bàn thờ Đức Mẹ, trước tượng Chúa Giê Su, bên ngoài hàng rào sắt, bên trong bức tường đổ, khi vui với gia đình cũng như lúc làm việc với công an…
Nhưng viết rồi lại xóa vì không tìm thấy ngôn từ nào có thể diễn tả nổi tình cảm của mình trước những người anh chị em đang bị bắt. Tôi thấy những điều mình viết đều trở nên nhỏ bé, tầm thường và chữ nghĩa không chứa nổi một tình yêu sâu xa và linh thiêng của anh chị em đối với Thiên Chúa và với giáo hội Việt Nam.
Khi hùng biện trước người Mỹ hay gào thét trước bá quyền phương Bắc tôi nói thật nhiều và thấy ngôn ngữ tràn trề nhưng hôm nay đứng trước những người anh em nhỏ bé của mình, tôi thấy bất lực. Tôi khóc khi ngước nhìn ảnh Mẹ, xót xa nhỏ lệ khi thấy những người anh em trên mặt báo trong trang phục tù nhân.
Tôi giận dữ với chính mình khi bị vây hãm trong căn nhà nhìn TV vu cáo và mạ lị những chủ chăn kính mến, thấy công an bấm chiếc còng số 8, cướp mất tự do, dẫn anh em đi dọc hành lang rồi đẩy vào sau song sắt nhà tù.
Thế nhưng trong khi ai đó đang say sưa chiến thắng, mê muội hát đồng ca trên vinh quang giả tạo, Thiên Chúa đã âm thầm triệu hồi từng phần một của những niềm tin đang tan tác, quy tụ và hợp nhất lại, tạo nên một đức tin mạnh mẽ. Sự hợp nhất đó cùng với hàng ngàn năm lịch sử phát triển của Giáo hội Công giáo thổi hồn nuôi dưỡng chúng ta, làm cho đức tin của ta được sống động mà khởi đầu là bằng hành vi của anh chị em.
Là chiên trong một đoàn chiên, tình nối kết đã trở thành máu thịt, thành suy tư của mỗi một người chúng ta, thúc giục chúng ta nói lên tiếng nói của yêu thương, hi vọng và sự sẻ chia với anh chị em khác trong thời điểm khó khăn.
Và Thiên Chúa thông qua các mục tử của Người đã cất lên tiếng nói mạnh mẽ. Đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, với cử chỉ đơn sơ nhưng cao cả đã đến thăm gia đình anh em bị tù đày; Giám Tỉnh của Dòng Chúa Cứu Thế Linh Mục Phạm Trung Thành, Cha Vũ Khởi Phụng, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Ngọc Nam Phong cùng các cha Dòng Chúa Cứu Thế đã liên tục khẳng định sự vô tội, chia sẻ trách nhiệm và kêu gọi thả tự do cho anh chị. Các Đức Cha PM. Cao Đình Thuyên, Cosma Hoàng Văn Đạt, FX.N guyễn Văn Sang, Giuse Vũ Văn Thiên, Giuse Đặng Đức Ngân… cùng với nhiều Đức Cha khác và các linh mục khắp nơi đã lên tiếng ủng hộ. Ông J.B Nguyễn Hữu Vinh đã cùng với các anh em khác, dù minh danh hay ẩn danh, đã làm việc ngày đêm để đem tin tức, sự thật và chân lý đến với mọi người. Hàng triệu tín hữu trên toàn thế giới háo hức nghe tin và thắp nến nguyện cầu.
Và hôm nay, tôi với tư cách một luật sư và là một tín hữu, xin đặt tay lên bàn phím trải lòng mình cùng với những người anh chị em bị xét xử trước tòa với 2 nhận định chính:
I. Họ là những công dân tốt và là tín hữu tốt.
Để hiểu rõ những người anh em của chúng ta là ai xin hãy cùng nhau nhìn về từng người một theo thứ tự trong quyết định xét xử:
1. Chị Nguyễn Thị Nhi
Chị là chiến sĩ của Đức Ki Tô trong việc đòi hỏi công lý.
Hãy nhìn chị Nhi, Người đã trèo tường vào dâng hoa cho Đức Mẹ ở Khâm Sứ hôm nào. Ngày 25/1 đó, trước mắt tôi không còn là bức hàng rào sắt của tòa khâm sứ mà chỉ thấy hình ảnh một người phụ nữ, mặc áo dân tộc mường, ôm một bó hoa vào tặng Mẹ. Chị bị ngăn cản, bị xô đẩy và đuổi ra khỏi khu vực Tòa Khâm Sứ.
Đó là lần đầu tôi biết Chị và nghe tiếng cồng chiêng của Chị. Chị mang tiếng cồng chiêng từ rừng sâu núi ngàn Kontum cho đến nơi đô hội thị thành Hà Nội, từ Tòa Khâm Sứ đến xứ Thái Hà. Như tiếng trống kêu oan ngàn năm xưa treo trước cửa quan, hôm nay tiếng chiêng ca ngợi Chúa, tiếng chiêng tố giác sự bất công của chị vang xa, bay cao đến cùng với Đức Mẹ tại Linh địa Thái Hà.
Những người giáo dân ở vùng Phú Xuyên, Hòa Bình vẫn nhớ mãi hình ảnh của chị khi chị đã cùng với rất nhiều hội đoàn đấu tranh giành lại đất đai, lấy lại được nhiều tài sản cho giáo xứ, cho địa phận. Chính tinh thần đấu tranh của chị đã làm thức dậy lòng khát khao đòi hỏi công lý và sự thật ở nhiều người. Tinh thần đó đã làm cho nhiều xứ đạo hồi sinh.
Với tư cách là chiến sỹ của Đức Kitô ở đâu có bất công, áp bức là Chị đến và Chị đã bị cường quyền bắt ngay tại chiến trường. Vâng, chị bị bắt ngay tại chính nơi chị đang bảo vệ, nơi linh địa Đức Bà. Chị đến đó để bảo vệ và để sống chết cùng giáo hội, cùng mẹ Maria và cũng tại căn lều dựng tạm đó, người ta ngang nhiên vào bắt chị đi vào lúc 11h trưa ngày 28 tháng 8.
Khi viết những dòng này, tôi mong chị dù đang trong song sắt xà lim vẫn đồng cảm được với những oan ức của những người dân xung quanh, vẫn lắng nghe âm thanh đẹp đẽ của cồng chiêng, của sự thật và công lý vang vọng khắp nơi nơi.
2. Chị Ngô Thị Dung.
Chị là người cứng rắn trong đời thường, gan dạ trong đấu tranh cho giáo hội.
Có lẽ người can trường nhất hôm nay đứng trước mặc chúng ta đây chính là Chị Ngô Thị Dung. Như luôn có thánh thần thôi thúc đòi hỏi phải bảo vệ sự thật và công lý, Chị đã không thể chấp nhận được khi các nhân viên công lực đánh người và chị đã vào can. Chị đã phản ứng lại dữ dội khi truyền thông đã cố tình bóp méo sự thật, vu cáo anh chị em và chủ chăn của mình.
Không chỉ hy sinh hôm nay mà từ lâu Chị đã vất vả nấu ăn, lau chùi, dọn rửa cho nhà dòng. Chị là người phụ bếp, nấu những món ăn đơn sơ, chắt lọc chăm lo phần lương thực hằng ngày cho các Cha Dòng trong những lúc còn khó khăn cả về tài chính và eo hẹp về thời gian. Dù chị đang trong trại giam, nhưng khi ngồi bên chồng Chị tâm sự ngay giữa sân nhà thờ hay lắng nghe lời con Chị qua đài radio, tôi thấy được quyết tâm sắt đá và sự hy sinh cao độ của những thành viên gia đình Chị cho công việc chung của giáo hội.
Đã từng có những bất hòa, nhưng rồi nhờ có Chúa soi đường, có Cha hướng dẫn anh chị đã đến với nhau. Năm nay có lẽ anh chị lại phải cách xa, các con sẽ đón Noel không có mẹ, nhưng đây là sự hi sinh cao cả, những mất mát khó khăn này rồi sẽ qua đi và giữa bốn bức tường nhà giam, có lẽ tất cả tình cảm của gia đình, của giáo dân sẽ đến cùng với chị ngập tràn trong hân hoan mừng lễ Chúa Giáng sinh.
Cuối cùng, đối với Chị, điều có ý nghĩa lớn lao nhất là hôm nay Chị vẫn xác tín rõ ràng rằng hành động của mình là đúng đắn và là nhằm để bảo vệ công lý. Chị chưa hề phạm tội cũng như xưa chưa bao giờ công nhận tiền sự về tội “đầu cơ” trong một cơ chế bóp nghẹt tư thương vào thập niên 1980s mà bây giờ xã hội đã thừa nhận là sai.
3 Chị Nguyễn Thị Việt
Chị Việt là tấm gương về sự kiên trì và phó thác trong cầu nguyện.
Vinh dự thay, cáo trạng đã buộc tội Chị là ngày nào cũng ra khu vực đất để cầu nguyện và tích cực tham gia vào mọi hoạt động của giáo xứ.
Vào ngày đó, hàng chục công an đã đến nhà và đọc lệnh, Chị tiếp nhận nó bình thản và phó thác mọi sự trong tay Chúa bởi chính Chị đã có kinh nghiệm sâu xa về việc cầu nguyện. Chị vất vả nuôi con bệnh tật suốt nhiều năm dài, cho đến khi phải có những quyết định khó khăn nhất Chị đã cầu nguyện trong sự hướng dẫn của Cha Hiên, Thiên Chúa như đã đáp lời Chị trong sự cầu nguyện liên lỉ để có được hoa trái của sự sống mầu nhiệm cho con Cháu của Chị.
Chị đến nhà thờ, xoay xở, lo toan, thuyết phục, trình bày..Chị là một nhân chứng sống động về lời Chúa, đã dấn thân hết mình cho công việc nhà Chúa. Ngay cả khi biết mình có thể phải đối mặt với tù tội, gia đình Chị chấp nhận nó như một niềm vui, một sự cậy trông và phó thác.
4. Chị Lê Thị Hợi
Chị Hợi là tấm gương hy sinh lớn lao cho mọi công việc nhỏ bé của giáo hội.
Có lẽ khó ai trong chúng ta có thể sánh được với người phụ nữ trước tòa hôm nay về sự siêng năng đi lễ nhà thờ, cầu nguyện đọc kinh và làm công tác bác ái. Chị Hợi giống như người được chính Đức Mẹ chọn để sống cùng Đức Mẹ, thao thức cùng mẹ cả những đêm lạnh nhất và những ngày nóng nhất.
Hằng đêm, Chị ngủ trong túp lều dựng trước bức tường ô nhục đã bị phá. Chị đã ở đó cùng với Đức Mẹ từ sáng sớm cho đến đêm khua. Khi những giọt sương lạnh đổ xuống, Chị không quên dâng lời cầu nguyện cuối ngày lên mẹ trước khi ngủ trong bình an giữa túp lều nhỏ.
Tôi đã từng dẫn một người ngoại giáo vào tận lều của Chị để cầu nguyện, thăm hỏi và cảm nhận được sự ân cần của Chị. Chị an ủi và động viên cho một người ngoại đạo và cuối cùng không quên dặn dò rằng: “Hãy gửi lại mọi lo âu cho Đức Mẹ”.
Không chỉ Chị Hợi, mà hầu hết tất cả thành viên trong gia đình Chị đều có hy sinh lớn lao vì đạo Chúa. Một mình Chị đã chịu khủng bố về mặt tinh thần, cương quyết chống lại việc bắt giam, bảo vệ đức tin của mình trong khi chồng đang bị bắt giữ và hàng chục công an đột ngột ập vào nhà.
Trong đêm khuya, tôi bước đến nhà Chị –vợ chồng ở một căn nhà nhỏ trong một hẻm nhỏ đầy những khó khăn của Hà Nội khi xung quanh vẫn lởn vởn nhiều gương mặt lạ. Bỏ qua sự lo âu thoáng đến bề ngoài là tình cảm lớn lao của một người tín hữu dành cho tha nhân từ trong đáy lòng của gia đình Chị.
5. Anh Lê Quang Kiện.
Anh là ngọn lửa của đời sống công chính Kitô hữu hôm qua và hôm nay.
Anh là người giáo dân đã kiên gan bám trụ tại xứ Hàng Bột qua suốt những năm dài khó khăn nhất. Anh là học trò, là đệ tử chân thành của Cha Gìa Chiểu, người đã từng vác ba lô theo Việt Minh đi cứu nước và khi đã nhận thấy đứng sau nó là một chủ thuyết vô thần liền từ bỏ tất cả những mời chào ngọt ngào khác. Cha đã trở về với Chúa và đấu tranh đến tận cuối đời cho tự do tôn giáo, duy trì ngọn lửa tại xứ Hàng Bột qua những thời kỳ bách hại nhất. Cha đã để lại một người đệ tử, một người anh em giữa chúng con hôm nay là anh Kiện.
Suốt hơn 50 năm sống kiên trung giữa giáo xứ Hàng Bột, Anh đã liên tục bị bách hại, chứng kiến nhiều cảnh các Cha các Thầy bị bắt suốt nhiều thập niên. Năm 1963, Anh cùng với nhiều người bạn đã bị đuổi khỏi lớp học để chính quyền lấy trường tư thục công giáo ở Xứ Hàng Bột ngay giữa giờ giảng bài.
Giữa cuộc đời, anh sống giản đơn nhưng bền bỉ như ánh sáng, trong cả khu phố chưa nặng lời hay to tiếng với ai. Thế mà vào sáng chớm thu, khi Anh đang đạp xe đi trên phố thì bỗng nhiên bị hô toáng lên “tên Kiện” và sau đó bị bắt cóc ngay giữa đường, Anh bị ép lên xe, mang đi lòng vòng qua mấy dãy phố trước khi đi về nhà và đọc lệnh bắt ngay giữa lòng đường trước nhà trong sự bủa vây của hàng chục công an với đủ loại phương tiện vũ trang và công cụ hỗ trợ. Họ đã đến như quân dữ để bắt một người con chiên hiền lành đơn sơ. Đây là vết nhơ lâu dài cho chính quyền.
Chính tấm lòng khiêm nhường của mình, nên khi bị giam thì tất cả những người tù thường phạm đều gọi anh là Bố và hết sức tôn trọng anh. Anh đã dạy họ hát bài “Mẹ Fatima”. Có những lúc cả phòng giam gồm 28 người đều hát vang: “Mẹ Maria ôi, sớm chiều cùng nhau sám hối…”. Chính Anh đã khơi gợi lên được những tình cảm tốt đẹp và sự ăn năn thống hối ở những con người mà Nhà nước đã coi là tội phạm. Bao giờ người trưởng buồng cũng dùng chính hai tay trân trọng trao lại cho Anh cỗ tràng hạt mà anh đã gửi lại mỗi khi phải “đi cung” về.
6. Anh Phạm Chí Năng:
Người nông dân nghèo dám chấp nhận hy sinh đặc biệt !
Dù nhà xa Đền thánh hàng chục cây số anh vẫn đến Thái Hà đi lễ vào hầu hết các ngày lễ kính Đức Mẹ. Anh không phải thuộc xứ Thái Hà nhưng anh đã đến với Đền Đức Mẹ hằng cứu giúp nhằm cầu nguyện để xin lời che chở luôn luôn.
Vốn là một nông dân thật thà, chất phác quanh năm chỉ biết làm ruộng, đời sống hết sức khó khăn nhưng anh Năng vẫn hết lòng hy sinh vì việc nhà Chúa. Với năm người con thì đang 2 người đang bị bệnh não nhưng anh “không hề cảm thấy ân hận và sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh”. Anh hiểu và tông trọng các giá trị đạo đức và tinh thần, anh tin vào sự mầu nhiệm của Thiên Chúa và sự thật không thể bóp méo. Anh phó thác cho Mẹ những khó khăn hàng ngày và sẵn sàng đứng lên để cầu nguyện, để bảo vệ công lý và sự thật.
Ngày 15/8/2008, hòa mình cùng với giáo dân Thái Hà, không một tấc sắt trong tay, chỉ có một tấm lòng trong sáng dâng lên Đức Mẹ, Anh đã góp công phá vỡ “bức tường bất công” để cho mọi người có thể đến gần hơn với Mẹ.
Chính vì có lòng can trường và phó thác như vậy, anh chấp nhận ngồi tù nếu như buộc phải như vậy. Con của anh hiểu rõ sự dấn thân và dám hy sinh của Bố nên đã không viết giấy bảo lãnh vì sợ khi ra Bố sẽ mắng rằng“Việc mình làm là đúng, không việc gì phải thừa nhận tội”. Cuối cùng chính UBND xã phải đứng ra làm giấy bảo lãnh cho anh được tại ngoại. Ngay khi ra khỏi nhà giam, anh đến Thái Hà gặp gỡ bề trên, xác tín vào việc mình làm và phó dâng hoàn toàn cho cho Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
7. Anh Nguyễn Đắc Hùng.
Cuộc sống khó khăn trăm bề, anh vẫn dấn thân tận hiến !
Chính anh đã từng tìm hiểu về đời tu và tinh thần đó vẫn thấm đẫm trong anh. Từ ngày lấy vợ sinh con anh phần nhiều phải xa vợ. Một mình anh phải làm những việc làm nhỏ nhặt nhất trong gia đình để chăm lo cho con cái. Dù xa xôi cách trở, anh vẫn thường ra hành hương kính Đức Mẹ hằng cứu giúp hàng tuần và ngày thứ 6 tốt lành đó anh đã không quản ngại đường xa để đến với đức Mẹ.
Cũng bằng sự tham gia vào buổi lễ đó, anh rơi vào những bủa vây của pháp luật côn đồ. Anh đã phải lánh đi trốn tránh bạo quyền một thời gian nhưng lòng dũng cảm đã thúc giục anh bước ra đối diện với sự thật và xác quyết nói lên tiếng nói lương tâm của mình.
Anh có đời sống khó khăn, nhưng tinh thần Kitô hữu và khát khao tân hiến cho Chúa vẫn trào dâng mỗi lần có cơ hội. Anh đang chạy ngược chạy xuôi lo toan cơm áo và chuyện học hành cho các con nhưng không phải vì vậy mà anh trốn tránh hoặc bỏ qua. Anh vẫn kiên trung đứng cùng giáo hội, bước đi trong đau khổ nhưng đầy hào quang phía trước.
8. Anh Thái Thanh Hải
Người trẻ nhất với tấm lòng trong sáng sẻ chia !
Sinh năm 1987, anh là người trẻ nhất trong tất cả những anh em bị chính quyền bách hại.
Với truyền thống gia đình Công giáo đã cư ngụ rất nhiều năm tại số 42 Nguyễn Lương Bằng, nên ngay từ tấm bé, anh Hải đã biết rất rõ nguồn gốc khu đất và sau này là âm mưu tham nhũng, chia lô đất bán cho tư nhân.
Chính tâm hồn trong sáng, lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và lòng yêu mến sự thật, chàng thanh niên đã không nỡ nhìn thấy các cụ già vất vả, anh đã sẻ chia và gánh vác từng phần trách nhiệm cho bản thân với lòng thanh thản. Anh đã lăn xả vào với những người già để dỡ bỏ bức tường ô nhục.
Vì đơn sơ lương thiện, đã có lúc phải đấu tranh quyết liệt chống lại những thủ đoạn cản trở, đe dọa đến từ chính quyền và cả Nhà trường. Có những lúc vì sự đe dọa và theo dõi quá gắt gao nhiều quá nên tinh thần anh tưởng như chùng xuống. Nhưng cuối cùng, khi ý thức rõ ràng về hành vi của mình là nhằm bảo vệ công lý và sự thật, anh đã quyết tâm khẳng định việc làm của mình là đúng đắn và sẵn sàng đối mặt với những khó khăn phải đến.
2. Việc họ làm là tốt đẹp cả đối với Thiên Chúa và Nhân dân !
Trong sự khát khao công lý chúng ta hãy dành một phút để cùng hình dung về việc họ làm trong sự thúc đẩy của thánh linh và tình cảm dạt dào với Chúa Mẹ:
Cắt! Chúng ta hãy cùng nhau cắt tất cả thép gai đang chằng buộc xung quanh. Chúng ta cắt những công cụ chiến tranh đã rào kín linh địa vốn là gia bảo của Dòng. Cắt những thứ đang trói chặt chúng ta trong nô lệ, khổ cực và bần hàn. Hãy cắt đứt những sợi dây tội lỗi đang trói chặt những người dân trong sự hạn hẹp của một chủ thuyết vô thần. Tự do, sự thật sẽ giải phóng được tất cả chúng ta và sẽ đem lại hoa trái cho toàn dân Việt chúng ta.
Dỡ bỏ! Chúng ta hãy dỡ bỏ bức tường ngăn cách, những sách nhiễu, những phiền hà hơn 40 năm qua. Phía bên kia là nơi Mẹ đứng, như Mẹ đã từng đứng trong suốt hơn 60 năm. Mẹ không chỉ ngự ở những nơi cao sang mà mẹ vẫn còn đó, nơi lịnh địa mà từ năm 1943. Mẹ vẫn tồn tại mãnh liệt trong hoa lá, cỏ cây. Mẹ hòa mình trong đám cỏ hoang vu như ngọn nến nhỏ với lửa thiêng ẩn mình đang đợi những người anh em. Và anh em đã dỡ bỏ sự ngăn cách đó.
Bước qua! Chúng ta hãy cùng nhau bước qua bức tường đổ để đến ùa đến với Mẹ. Khi bước qua bức tường để tiến vào linh địa, là lúc chúng ta bước qua sự sợ hãi, bước qua bóng tối của tâm hồn để tiến đến sự sáng, đến với sự thật. Chúng ta đến với mảnh đất được Chúc phúc. Bước qua những ngăn cách có nghĩa là chúng ta nỗ lực vươn lên hội nhập với phần còn lại của thế giới, chúng ta đến với những giá trị văn minh, dân chủ và phú cường. Những người anh em đã bước những bước chân đầu tiên trong một tiến trình của dân tộc tất yếu sẽ đến.
Dọn dẹp sửa sang! Chúng ta theo chân những người anh chị em của mình bắt đầu công việc dọn dẹp và sửa sang linh địa. Nhiều cánh tay đã cùng nhau vươn ra nhổ cỏ, khiêng đá vứt đi, cào đất san lấp, nhấc ván kê đường…Chúng ta đã đến cùng mẹ sửa sang lại một chỗ dẫu còn tạm bợ cho Mẹ ngự. Không chỉ bằng hành động vật chất, Chúng ta theo chân những anh chị em, sửa đổi chính mình, canh tân đời sống để đón mừng Mẹ Hằng Cứu giúp. Từ một khu đất hoang vu, cỏ mọc um tùm, chúng ta đã dọn dẹp và tân trang lại để đứng. Và từ đó Người bắt đầu tỏa ánh sáng linh thiêng huyền diệu.
Thắp nến nguyện cầu! Và cuối cùng, đỉnh điểm cao nhất của việc làm là chúng ta thắp nến cầu nguyện. Từ đó, hằng đêm, có biết bao nhiêu con chiên đã đến hát vang lời Kinh Hòa Bình hay lặng thinh cầu nguyện. Nhiều người đã chứng kiến những sự lạ, những vui mừng đến nghẹt thở, những biến cố xót xa... Ngọn nến sáng của đức tin đã được đốt lên nơi linh địa, bắt đầu một hành trình tỏa sáng khắp Việt Nam và cả địa cầu.
Vâng ! Những người anh em của tôi đã làm tất cả những việc đó với tấm lòng trong trắng, với sự thúc giục của lương tâm và sự thật, của tiếng nói tự đáy lòng mà Thiên Chúa đã trao ban. Họ in dấu chân nhỏ nhoi của mình trong tiến trình Kitô Hữu dấn thân cầu nguyện cho công lý, cho hòa bình.
Vâng ! Những người chị em hôm nay có thể đi tù nhưng rõ ràng bất cứ sự cáo buộc hay tuyên án đối với họ chỉ là một bản án không có công lý, không được nhân dân ghi nhận. Mãi mãi sẽ là như vậy, bản án không bao giờ được xem như là một phán quyết có giá trị bảo lưu trong đời sống ngoài sự áp đặt thô bạo của chính quyền hiện hành. Chưa cần đến một chính quyền mới mà bản án ngày hôm nay đối với anh chị tự nó đã trở nên vô hiệu.
Và rồi, phiên tòa sẽ khép lại. Cơ thể những người anh chị em hôm nay có thể bị nhốt nhưng lương tâm không thể bị cầm tù. Anh chị có thể bị tước mất tự do nhưng khát khao công lý đến từ sâu thẳm trong tâm hồn không thể ai tước đoạt được. Người ta có thể bóp méo và tiếp tục đưa tin tức sai trái, nhưng những gương mặt bình thường như lẽ phải của anh em sẽ đang và sẽ có người lên tiếng bảo vệ. Ai đó có thể sẽ cảm thấy cô đơn nhưng hàng ngàn lời nguyện cầu trong yêu thương và hy vọng vẫn âm thầm đồng hành trong mỗi giờ khắc khó khăn của anh chị và gia đình.
Ở tầm vóc quốc gia, trước mắt chúng ta là một Việt Nam yêu quý, với những con người đầy yêu thương chia sẻ nhưng trước mắt chúng ta cũng là một Việt Nam đang bị phá nát bởi đói nghèo và tham nhũng. Chúng tôi sẽ theo bước chân của anh chị bước qua những đổ vỡ, bất công, tìm đến một nền công lý và hòa bình thực sự trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Thành quả đầu tiên cho nhân dân hôm nay là đã đập tan một âm mưu tham nhũng lớn và ít nhất cũng đã trả lại cho công chúng một chỗ để ngồi và suy tư về lẽ công bình giữa cuộc sống muôn vàn khó khăn.
Rõ ràng rằng công lý đã, đang và mãi mãi thuộc về Anh Chị !
Hà Nội, ngày 4.12.2008 bốn ngày trước phiên sơ thẩm
URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/bai-bao-chua-cho-cong-ly-o-thai-ha-ve-phuong-dien-cong-binh-va-dao-ly/