Trích từ Dân Chúa
Vân Anh
RFA 04/02/2010 -- Hôm nay Giáo Hội công giáo Ba Lan tổ chức ngày tòan quốc Ba Lan hiệp thông cầu nguyện cho những người công giáo bị bách hại tại Việt Nam.
Nhân dịp này thông tín viên Vân Anh của ban Việt ngữ đài chúng tôi có cuộc nói chuyện về ngày toàn quốc Ba Lan cầu nguyện cho Việt Nam đó với Linh mục Stanisław Tasiemski, ông này chuyên trách Châu Á về Việt Nam của thông tấn xã công giáo Ba Lan trực thuộc hội Tổng Giám Mục Ba Lan.
Cảm thông và ủng hộ giáo dân Việt Nam
Vân Anh: Kêu gọi giáo dân toàn quốc hiệp thông với Giáo Hội công giáo ở nước khác có phải là hình thức phổ biến hay được áp dụng không thưa cha?
Linh mục Stanisław Tasiemski OP: Chiến dịch hiệp thông như vậy không phải là thường xuyên được tổ chức trên thế giới. Nhưng bởi Ba Lan là nước đã từng trải qua thể chế cộng sản nên chính người Ba Lan hiểu rõ mọi hạn chế do thể chế cộng sản chụp lên, ví dụ như không được công nhận tư cách pháp nhân và những thiệt thòi khác khởi nguồn từ việc xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng.
Vân Anh: Người Ba Lan sẽ làm gì, những gì sẽ tiếp diễn trong ngày 4 tháng hai này thưa cha?
Linh mục Stanisław Tasiemski OP: Chiến dịch không mang tính ồn ào, không có thể hiện ra ngoài đường phố, thế nhưng sẽ được nói tới tại tất cả các nhà thờ. Khi giáo dân tới đông hơn, vào chủ nhật gần nhất, Việt Nam sẽ lại được nhắc lại trong các lễ mi-sa.Thông tin về những gì đang xảy ra tại Việt Nam khiến chúng tôi vô cùng quan ngại và chúng tôi muốn lương tâm được đánh thức.
Vân Anh: Một số chính giới Ba Lan đã có phản ứng cụ thể, viết thư thỉnh cầu tới Bộ Ngoại Giao Ba Lan và Ba Lan cũng đã có động thái tại quốc hội Châu Âu. Thưa cha, phản ứng của các chính trị gia Ba Lan có làm Giáo hội hài lòng?
Linh mục Stanisław Tasiemski OP: Mục đích là làm sao các chính trị gia hành động hiệu quả trong việc gây sức ép với chính quyền Việt Nam, để nhà cầm quyền Việt Nam phải hiểu rằng tôn trọng các tiêu chuẩn phổ cập, trong đó có nhân quyền, là điều kiện tồn tại trên chính trường quốc tế. Dĩ nhiên trong chính trị có nhiều công cụ khác nhau, không phải công cụ nào cũng được nhìn thấy rõ mồn một. Ngoại giao là phương cách hiệu quả. Giáo hội Công Giáo cũng có phản ứng dẫu tất nhiên đây là đề tài nhạy cảm. Các cuộc viếng thăm của các nguyên thủ quốc gia Việt Nam thường gắn liền với những hứa hẹn, thế nhưng ngay sau đó lại có những diễn biến phản lại hứa hẹn đó. Việt Nam phải nhất quán trong hành động và lời nói.
Người công giáo Việt Nam không cô đơn
Vân Anh: Cha có nói về những tương đồng giữa Ba Lan với Việt Nam. Trước kia, cộng sản Ba Lan phản ứng thế nào trước những chiến dịch tương tự từng tổ chức trước kia tại Tây Âu nhằm vào Ba Lan thưa cha?
Linh mục Stanisław Tasiemski OP: Độc tài cộng sản thường tìm mọi cách để đối phó với những tình huống tương tự. Nói chung thì nhà cầm quyền độc tài luôn quan tâm tới lợi nhuận kinh tế mà nếu có lùi bước cũng không phải lùi bước bởi yêu quý gì Giáo hội.
Có một số khác biệt là những người cộng sản Ba Lan trước kia có người nhà theo đạo. Ở Việt Nam thì tình thế trắc trở hơn nhiều, người công giáo bị trù dập mạnh mẽ hơn. Ba Lan từ 20 năm nay đã được hưởng tự do, và đó là hi vọng cho Việt Nam . Chúng tôi hi vọng rằng tự do cũng sẽ tới với người công giáo tại Việt Nam để người công giáo được tự do hành đạo. Thế giới trông chờ giáo dân Việt Nam làm chứng cho đức tin, thực hành Kinh thánh ngay tại châu lục của mình.
Vân Anh: Cha sẽ khuyên nhủ điều gì với giáo dân Việt Nam. Điều gì là cần thiết nhất để vượt qua những thử thách trong lúc này thưa cha?
Linh mục Stanisław Tasiemski OP: Người công giáo Việt Nam phải hiểu rằng họ không cô đơn, rằng mọi nơi trên thế giới đều cầu nguyện cùng họ. Tiếp nữa, giáo dân Việt Nam cần y thức được rằng những yêu sách đưa ra là quyền lợi chính đáng của người Việt, là minh chứng phẩm giá con người, là tiêu chuẩn quốc tế, chứ không phải đặc ân do chính quyền ban phát. Người công giáo Việt phải tin rằng họ đang đấu tranh cho cái thiện và họ không đơn côi trong cuộc đấu tranh đó mà có chúng tôi luôn bên họ.
URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/ba-lan-to-chuc-ngay-toan-quoc-cau-nguyen-cho-giao-hoi-viet-nam/