Trích từ Dân Chúa

Ngày 9/7: Kính Thánh Agostino Triệu Vinh (Zhao Rong) và Các Bạn Tử Đạo Trung Hoa

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Tháng 4 năm 1785, Đức Cha Jean-Gabriel Taurin Dufresse (1750-1815), thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP) và là đại diện tông tòa giáo phận Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt và bị giải về Bắc Kinh, vì tội dám rao giảng Kitô Giáo trên vương quốc Trung Hoa.

Trên đường đi, Đức Cha được một nhóm binh sĩ hộ tống. Trong nhóm binh sĩ có một người ngoại giáo tên Triệu Vinh (Zhao Rong). Thái độ điềm tĩnh và hiền từ, khiêm tốn của vị Giám Mục thừa sai ngoại quốc đã đánh động sâu xa tâm lòng chàng trai Triệu Vinh.

Sau cuộc hành trình đó, chàng xin giải ngũ và tìm hiểu học hỏi về Kitô Giáo, một tôn giáo mà theo chàng có thể trao ban cho con người sức mạnh vô song, thực thi được những nhân đức anh hùng.

Sau khi được rửa tội dưới tên thánh Agostino, Triệu Vinh không ngừng lại ở địa vị một giáo dân. Chàng tiến một bước xa hơn. Agostino xin gia nhập chủng viện và sau đó thụ phong Linh Mục.

Cha Agostino Triệu Vinh (1742-1815) được chỉ định coi sóc một giáo xứ Quảng Nguyên (Guangyuan), cũng thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Cha nhiệt thành rao giảng Lời Chúa, trao ban bí tích và đưa rất nhiều người ngoại giáo theo Kitô Giáo.

Cha có một chương trình mục vụ rất đặc biệt. Cha lần lượt đi từ làng này sang làng khác. Cứ mỗi lần đến một làng, Cha dành ra ba ngày đầu để giải thích Lề Luật Chúa, nói về 7 mối tội đầu, về các ân xá và về các bí tích. Cha cũng đặc biệt nói về cuộc Khổ Nạn của Chúa Cứu Thế. Lời giảng của Cha vừa hùng hồn vừa chân thành đến độ làm cho mọi người nghe, ai nấy đều cảm động đến rơi nước mắt. Sau ba ngày giảng dạy là đến thời gian Cha ngồi tòa giải tội. Đây là lúc Cha lắng nghe từng tín hữu, khuyên bảo và chỉ dạy họ những điều khôn ngoan, những cách thức phải cẩn trọng trong lúc đạo Công Giáo bị cấm cách và bị bắt bớ trong toàn nước Trung Hoa. Sau cùng, Cha Agostino Triệu Vinh ban bí tích rửa tội cho các tân tòng và cử hành Thánh Lễ cho tất cả các tín hữu.

Vào cuối năm 1814, Cha Agostino Vinh có linh cảm sẽ đổ máu đào làm chứng cho đạo Công Giáo. Cha nói với Cha Benedetto Dương (Yang):

- Giờ tôi đã già lại bị bệnh tật nên có lẽ tôi không trốn thoát khỏi cuộc lùng bắt của các binh lính. Xin Cha cầu nguyện nhiều cho tôi. Xin THIÊN CHÚA cho tôi can đảm chịu đau khổ để làm vinh danh Ngài.

Sang đến đầu năm 1815, Cha Agostino Triệu Vinh ngã bệnh nặng. Tuy thế, Cha vẫn tiếp tục chu toàn nhiệm vụ chủ chăn. Một ngày, có người đến mời Cha đi kẻ liệt. Dầu liệt giường, Cha vẫn nhận lời, nhờ người cáng Cha đến nhà người hấp hối. Sau khi ban các bí tích sau hết và bệnh nhân êm ái trút hơi thở cuối cùng, Cha lại lên cáng ra về.

Giữa đường, Cha gặp một nhóm lính đi tuần. Người dẫn đầu toán lính tỏ dấu nghi ngờ. Ông ra lệnh chặn cáng Cha lại và hỏi:

- Ông có phải tín hữu Công Giáo không?

Cha Agostino Triệu Vinh điềm tĩnh trả lời:

- Phải, tôi là Linh Mục Công Giáo.

Lời thú nhận quá tốt và quá đủ để bọn lính ập tới, lôi Cha xuống cáng và còng tay Cha lại.. Cha bị giải về Thành Đô. Tại đây, Cha bị đánh đập tàn nhẫn. Bọn lính tìm đủ mọi cực hình để làm cho Cha nản lòng bỏ đạo. Nhưng Cha già Vinh vẫn kiên vững như đá. Bọn lính tức giận hét lớn:

- Sao Chúa của ông không xuống đây để bảo vệ ông?

Cha hiền từ trả lời:

- THIÊN CHÚA che chở linh hồn tôi, ban cho tôi đủ sức mạnh để tôi có thể chịu khổ vì Ngài. Các ông là những kẻ phàm tục và điên rồ, các ông không thể nào hiểu niềm an bình và hạnh phúc mà THIÊN CHÚA tuôn đổ vào tâm lòng con người đâu!

Nghe Cha Agostino Triệu Vinh nói thế, bọn lính càng hăng máu dữ tợn hơn. Chúng giáng xuống thân xác đau yếu và già cả của Cha những trận đòn khủng khiếp. Cha yên lặng chịu đựng, không hé môi nói nửa lời than trách. Đánh chán rồi, bọn lính lại lôi Cha về phòng giam và bỏ Cha nằm đó, thập tử nhất sinh.

Dĩ nhiên Cha già Agostino Triệu Vinh không sống lâu với những trận đòn dữ tợn như thế. Ngày 27-1-1815, Cha êm ái trút hơi thở cuối cùng trong phòng giam, hưởng thọ 73 tuổi, trước khi chính thức nhận lãnh bản án tử hình do nhà vua châu phê.

Ngày 27-5-1900, Cha Agostino Triệu Vinh được Đức Giáo Hoàng Leo XIII (1878-1903) tôn phong chân phước cùng với Đức Cha Jean-Gabriel Taurin Dufresse và 8 vị tử đạo Trung Hoa.

Chúa Nhật 1-10-2000, trong khung cảnh Đại Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) tôn phong 120 vị Tử Đạo Trung Hoa lên bậc Hiển Thánh với danh tánh dẫn đầu là Cha Agostino ZHAO RONG (Triệu Vinh) và Các Bạn Tử Đạo Trung Hoa.

120 Vị Tử Đạo Trung Hoa đổ máu đào làm chứng cho Đức Tin Công Giáo trong thời gian từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX dưới 3 triều đại: nhà Nguyên (1281-1367), nhà Minh (1606-1637) và nhà Thanh (1648-1907).

Trong số 120 thánh Tử Đạo có 87 vị người Hoa gồm 5 Linh Mục, 12 nữ tu và 70 giáo dân. 33 thánh Tử Đạo khác là các Thừa Sai Âu Châu gồm 6 Giám Mục, 19 Linh Mục, 1 tu huynh và 7 nữ tu Phan-Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. 86 trong số 120 thánh Tử Đạo Trung Hoa chịu chết vì Đạo vào năm 1900.

... Kinh ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI CẦU CÙNG ĐỨC BÀ TẮC-SAN (TRUNG QUỐC)

Lạy Đức Nữ Trinh Rất Thánh, Mẹ Ngôi Lời nhập thể và là Mẹ chúng con, được tôn kính nơi đền thánh Tắc-San dưới tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu”, Mẹ là Đấng mà toàn thể Giáo Hội tại Trung Quốc ngước nhìn với lòng trìu mến sâu xa, ngày hôm nay chúng con đến trước nhan Mẹ để khẩn cầu ơn che chở đặc biệt của Mẹ. Xin Mẹ ghé mắt nhìn đến dân Chúa với mối quan tâm từ mẫu và dẫn dắt dân Chúa bước đi trên con đường sự thật và tình yêu, hầu cho trong mọi hoàn cảnh đều có mối chung sống hòa điệu giữa mọi công dân. Nhờ tiếng “THƯA VÂNG” Mẹ thuần thục đáp lại ở Nazareth mà Con THIÊN CHÚA đã nhập thể làm người trong cung lòng vô nhiễm của Mẹ và khởi đầu công trình cứu chuộc trong lịch sử loài người, công trình mà Mẹ mau mắn hợp tác cách tận tụy khi chấp nhận lưỡi đòng đau đớn đâm thủng hồn Mẹ, cho đến giờ phút tối cao của Thánh Giá, khi, trên đồi Can-Vê, Mẹ đứng bên Thánh Giá Con Mẹ, chịu chết để cho loài người được sống.

Từ đó, Mẹ trở thành, theo cách thức mới, Người Mẹ của tất cả những ai đón tiếp trong Đức Tin Đức Chúa GIÊSU Con Mẹ và sẵn sàng bước theo Ngài khi chấp nhận vác Thánh Giá trên vai. Lạy Mẹ của niềm Hy Vọng, khi trong đêm đen của Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, với trọn lòng tin tưởng phó thác không lay chuyển, Mẹ đã can đảm tiến bước cho đến buổi sáng Phục Sinh, xin Mẹ ban cho con cái Mẹ khả năng biết phân biệt trong mọi hoàn cảnh, cho dù đen tối nhất, vẫn nhận ra những dấu chỉ sự hiện diện ưu ái của THIÊN CHÚA.

Lạy Đức Bà Tắc-San, xin Mẹ nâng đỡ sự dấn thân của tất cả mọi người, tại Trung Quốc, giữa những khó khăn hàng ngày, vẫn tiếp tục tin, cậy, mến, hầu cho họ không bao giờ sợ hãi nói về Đức Chúa GIÊSU cho thế giới và nói về thế giới với Đức Chúa GIÊSU. Nơi bức tượng Mẹ đặt trong đền thánh, Mẹ giơ cao Con Mẹ để giới thiệu cho thế giới với đôi tay giang rộng trong cử điệu đầy yêu thương. Xin Mẹ hãy giúp các tín hữu Công Giáo được luôn luôn là những chứng nhân đáng tin cậy về tình yêu thương này. Xin Mẹ gìn giữ các tín hữu Công Giáo luôn hiệp nhất với Đá Tảng là Phêrô, trên đó được xây dựng Hội Thánh. Lạy Mẹ là Hiền Mẫu của Trung Quốc và của Á Châu, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con bây giờ và mãi mãi. Amen!

(“I martiri Annamiti e Cinesi, 1798-1856”, Tipografia Vaticana, 1900, trang 359-362)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, 08/07/2010

URL: http://danchuausa.net/guong-chung-nhan/ngay-97-kinh-thanh-agostino-trieu-vinh-zhao-rong-va-cac-ban-tu-dao-trung-hoa/