Trích từ Dân Chúa

Gần Bùn Nhưng Chẳng Hôi Tanh Mùi Bùn (2)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Giuseppe Rivella chào đời ngày 15-8-1897 trong một gia đình Công Giáo nông dân có 9 người con ở Castagnole Lanze, thuộc miền Asti, Bắc Ý. Giuseppe là con thứ ba.

Ngay từ nhỏ, Giuseppe tỏ ra thông minh, lanh lẹ, hay giúp đỡ, dễ thương và nghiêng về đời sống đạo đức. Khi được mẹ dạy cho biết về Đức Chúa GIÊSU, tức khắc bé Giuseppe liền chọn Đức Chúa GIÊSU làm bạn tâm giao. Sau khi rước lễ lần đầu, Giuseppe siêng năng tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật để được rước Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể ngự vào lòng.

Cuộc đời thơ ấu và xuân trẻ trôi qua trong an bình với công việc đồng áng và cuộc sống gia đình êm ả. Giuseppe thương yêu và giúp đỡ mọi người. Đệ nhất thế chiến bùng nổ. Giuseppe lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự tại Albani rồi tại Ai Cập. Trong thời gian này, vì cách cư xử lịch thiệp của chàng các sĩ quan cao cấp thường chọn chàng làm hầu bàn trong các bữa tiệc lớn. Khi chiến tranh chấm dứt, Giuseppe trở về quê hương Ý. Chàng quyết định mở “quán cà phê” ở Savona.

Thời gian nơi quân ngũ làm chín mùi trong Giuseppe Rivella lòng kính mến Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA. Vốn là người có tính tình nhã nhặn, ưa thích trầm lặng và chuyên chăm cầu nguyện, lòng kính mến Đức Mẹ gặp thửa đất tốt và phát triển mạnh. Sau đó, chính lòng sùng kính Đức Mẹ đưa dẫn Rivella tiến nhanh, tiến mạnh và tiến sâu trên đường thánh thiện.

Ngoài ra, những liên hệ thân tình với các Linh Mục dòng Thương Khó sống trong thành phố cũng tạo cơ hội thuận lợi cho con đường tiến thân của Rivella. Anh bắt đầu học và nói thạo 5 thứ tiếng: Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hung Gia Lợi và Nga.

Con đường sự nghiệp thật rạng rỡ. Bước đi tình duyên cũng thật may mắn. Anh Giuseppe Rivella gặp một thiếu nữ duyên dáng yêu kiều và đoan trang đức hạnh. Đó là cô Jolanda Favre. Hai người hứa hẹn đính hôn. Nhưng con tim Rivella lại khát vọng một tình yêu vô biên.

Ngày 5-2-1929 anh tình cờ nhận giấy mời tham dự “Ngày Thánh Mẫu” nơi một thánh đường ở trung tâm thành phố Genova, miền Bắc nước Ý. Anh ghi tên tham dự. Và Rivella đã khám phá ra ơn gọi đích thực của mình: “tận hiến toàn thân cho Đức Chúa GIÊSU KITÔ qua đôi tay Hiền Mẫu MARIA”. Nhờ giáo huấn của thánh Louis-Marie Grignion de Montfort (1673-1716) anh cũng hiểu được lòng sùng kính đích thực đối với Đức Mẹ MARIA. Anh quyết định “sống tận hiến giữa đời”.

Anh tiếp tục hành nghề trong các nhà hàng và các khách sạn lớn, đồng thời sống trọn tinh thần của các đan sĩ chiêm niệm và thực thi các lời khuyên Phúc Âm. Anh chuyển đến làm việc cho quán cà phê nổi tiếng “Colonna” ở thủ đô Roma.

Từ đó, mọi người chú ý đến tư cách đặc thù của anh Giuseppe Rivella. Anh nhã nhặn và trong trắng như một thiên thần: Quả là sen mọc giữa bùn lầy. Gần bùn nhưng chẳng hôi tanh mùi bùn! Anh tận tâm phục vụ khách hàng. Cùng lúc, anh giúp đỡ mọi người, đặc biệt những người gặp thử thách về tinh thần. Anh thành công trong việc giúp đỡ người khác và thánh hóa chính mình. Nhiều người sống trong bùn nhơ tội lỗi nhưng khi tiếp xúc với anh đã thoát ra khỏi sình lầy và tìm được cuộc sống trong lành.

Mỗi động tác và việc làm của anh Giuseppe Rivella đều thấm nhuần lòng kính mến Đức Mẹ MARIA. Anh vừa đặt bàn, tiếp khách, dọn bàn, vừa đọc kinh KÍNH MỪNG, lần chuỗi Mân Côi. Trung bình mỗi ngày anh cầu nguyện 7 tràng chuỗi Mân Côi.

Chưa hết. Khi xong việc ban ngày nơi quán cà phê “Colonna” ở Roma, anh lại đi tìm gặp những người nghèo của thành phố. Anh chia sẻ cuộc sống với họ: thức ăn và áo mặc. Anh sống nghèo nàn nơi một căn phòng nhỏ dành cho người gác-dan. Sống nghèo nàn như thế anh còn chưa lấy làm đủ. Anh hãm mình nhiệm nhặt: ăn ít, ngủ ít và mang trong mình dây xích đền tội. Nhiều người thắc mắc hỏi tại sao anh không vào một đan viện Xitô nhặt phép để vừa sống đời chiêm niệm vừa thực hành khổ chế, anh vui vẻ trả lời:

- Thật tuyệt đẹp khi sống giữa đời để làm chứng cho sự dũng cảm trong cơn chiến đấu!

Anh Giuseppe Rivella bị kiệt sức và được đưa vào nhà thương. Trước khi nhắm mắt vĩnh viễn lìa bỏ cõi đời, anh chào anh Guido người bạn thân và nói:

- Tạm biệt bạn! Tôi đi về Thiên Đàng!

Hôm ấy là ngày 2-10-1942. Anh Giuseppe Rivella hưởng dương 45 tuổi.

... “Người bôn ba hiểu rộng biết nhiều. Kẻ giàu kinh nghiệm phát biểu thật thông minh. Ai không từng trải thì hiểu biết nông cạn, còn người bôn ba thì lanh lợi, tháo vát. Trong những chuyến du hành, tôi đã được thấy nhiều chuyện, đã hiểu nhiều điều mà không thể nói hết. Đã nhiều lần tính mạng tôi lâm nguy, nhưng nhờ kinh nghiệm, tôi đã thoát chết. Những người kính sợ THIÊN CHÚA sẽ được sống lâu dài, vì họ cậy trông vào Đấng cứu thoát họ. Ai kính sợ THIÊN CHÚA thì không sợ hãi gì, họ không run rẩy, vì chính nơi Người, họ hằng cậy trông. Phúc thay tâm hồn kẻ kính sợ THIÊN CHÚA! Họ nương tựa vào ai? Và ai nâng đỡ họ? THIÊN CHÚA để mắt trông nom những ai yêu mến Ngài. Ngài là khiên mộc vững chắc, là sức mạnh đỡ nâng, là tàn che gió nóng, là bóng mát giữa trưa. Ngài giữ gìn cho khỏi vấp ngã, và bảo vệ cho khỏi té nhào. Ngài nâng cao tâm hồn, sáng soi con mắt. Ngài ban sức khoẻ, sự sống và phúc lành” (Sách Huấn Ca 34,9-17).

(“Presenza Cristiana”, Dicembre/1997, trang 51)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, 15/07/2010

URL: http://danchuausa.net/guong-chung-nhan/gan-bun-nhung-chang-hoi-tanh-mui-bun-2/