Trích từ Dân Chúa

6- Cầu nguyện Thánh Thể trong Tương Quan và Hiện Diện

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Có lẽ hơn bất cứ hình thức cầu nguyện nào khác, cầu nguyện trước Thánh thể là lời đáp lại đối với sự hiện diện.

Cầu Nguyện và Hiện Diện

Có những vấn đề về cầu nguyện và hiện diện. Tại sao tôi phải cầu nguyện? Những nơi chốn nào Thiên Chúa đặc biệt hiện diện cho tôi và tôi cho Thiên Chúa?

Phải chăng tôi cầu nguyện để gây ấn tượng với Chúa bằng nhiều công việc tốt đẹp? - hoặc để an ủi Chúa Giêsu và để Người không cô độc trong nhà tạm? (cách đến gần Chúa của thế kỷ thứ mười chín mà ngày nay chúng ta khó có thể chấp nhận.) Hay là tôi cầu nguyện vì Thiên Chúa mời gọi, tiếp đón, và soi sáng tôi?

Cầu nguyện thỏa mãn một nhu cầu; đó là một tìm kiếm để gần gũi với vương quốc Thiên Chúa. Như vậy việc cầu nguyện phải được làm trong những tương quan và yêu thương. Chúng ta đứng trước sự hiện diện của Thiên Chúa, và chúng ta tìm kiếm khuôn mặt của Người. Như Thánh vịnh 46 khuyến khích chúng ta cố gắng “hãy sống và hãy biết rằng Ta là Thiên Chúa.”

Cha thánh Phêrô Giulianô Eymard đã nhấn mạnh đến việc hiến tặng bản thân mình; Karl Rahner coi việc cầu nguyện như một hình thức của việc từ bỏ:

“Nhìn yếu tính của việc cầu nguyện như một hình thức lâu đời và gần như huyền thoại để làm chủ bản thân, ngày nay hoàn toàn không phù hợp. Nhìn yếu tính của việc cầu nguyện như là một nỗ lực tâm lý điều trị trong việc làm chủ bản thân, một nỗ lực để đạt tới sự thanh thản tâm hồn, một sự rà xét lại và vạch ra kế hoạch sống, vv… là hiểu lầm vấn đề. Tất cả những việc ấy có thể do cầu nguyện mà có; nhưng chỉ khi chúng không là đối tượng trực tiếp, chỉ khi việc cầu nguyện không được coi như một phương tiện để hoàn thiện bản thân, và chỉ khi người ta từ bỏ chính mình cho Thiên Chúa trong đức tin, hy vọng và yêu thương; để sau cùng không còn trở về với chính mình nữa. Những quy tắc áp dụng cho tình yêu giữa con người được áp dụng cho việc cầu nguyện. Tình yêu giải thoát và làm thỏa mãn chỉ khi người khác thật sự được yêu, và tình yêu không nhắm đến lợi ích bản thân. Vậy một người cầu nguyện thật sự có thể từ bỏ ngay cả bản thân, và sự hoàn thành của “tính chủ thể” cốt ở trong việc từ bỏ này cho “tính khách thể” của Thiên Chúa và những người lân cận đang kêu gọi chúng ta đến chính điều ấy. Đó là một mầu nhiệm mà người cầu nguyện và thật sự yêu thương cảm nghiệm như một ân sủng: phép lạ của sự tự do thực sự.” (The Religious Life Today, New York: Seabury Press, 1976, tr.48).

Một yếu tố đóng góp quan trọng khác đó là nơi chỗ mà chúng ta cầu nguyện. Nhiều người cầu nguyện tốt nhất khi chiêm ngưỡng công trình tạo dựng của Thiên Chúa; họ vào trong núi rừng, sa mạc, đại dương để cảm nghiệm Thiên Chúa đang ở gần với họ. Những người khác cầu nguyện tốt nhất trong phòng hoặc nơi ẩn cư thinh lặng. Một số người khác thích phóng chiếu việc cầu nguyện của họ vào khung cảnh của biến cố Tin Mừng hoặc đem Tin Mừng vào đời sống thường ngày của họ.

Và dĩ nhiên, có việc cầu nguyện Thánh Thể trong một nhà thờ hay nhà nguyện –đối với những người thích một “nơi thánh”. Đó cũng là nơi mà có lẽ chúng ta đến cử hành Thánh Thể ban sáng trong ngày. Việc cầu nguyện ấy có thể chính là việc suy niệm về mầu nhiệm Thánh Thể, hoặc một đề tài thiêng liêng khác, hay đơn giản chỉ là “ở với Thiên Chúa” trong một thể thức chiêm niệm. Tương quan của chúng ta với Thiên Chúa càng sâu xa bao nhiêu, thì việc tham gia của chúng ta vào Thánh Thể ở mọi bình diện càng sâu xa bấy nhiêu. Johannaes H. Emminghaus nhận xét tương quan giữa việc cầu nguyện và phẩm chất của việc chúng ta đáp lại Thánh Thể khi ông viết:

“Việc suy niệm, đọc Thánh Kinh, cầu nguyện cá nhân, thờ phượng Thánh Thể bên ngoài thánh lễ, và những thực hành khác là cần thiết để nâng đỡ việc cử hành phụng vụ và hoàn thành việc cho phụng vụ bằng đời sống cá nhân của chúng ta. Việc cử hành thánh lễ biệt lập tự nó không thể hoàn thành mọi nhiệm vụ của chúng ta, đặc biệt khi thời gian giới hạn thường khống chế việc cử hành phụng vụ. Chỉ trên một bối cảnh và khuôn khổ rộng lớn hơn, thánh lễ mới thật sự là trung tâm của mọi lòng sùng kính và cam kết sống động với Thiên Chúa.”

Kinh nghiệm của những tín hữu Công Giáo đã tìm thấy nhà thờ là nơi cầu nguyện thích hợp, và Thánh Thể được lưu giữ là trọng tâm của việc cầu nguyện. Một không gian thánh không tự động tạo nên việc cầu nguyện thánh thiện, nhưng nó đem lại một bầu khí để suy tư về ân sủng và sự hiện diện của Đấng Thánh.

Hiện Diện với Thiên Chúa

Cầu nguyện Thánh Thể có nghĩa là hiện diện với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và ngược lại các Ngài cũng hiện diện với chúng ta. Chúng ta không thể cầu nguyện mà không hiện diện. Dù trên núi cao hay trong nhà thờ, mọi việc cầu nguyện đều đòi hỏi một sự ở gần, một sự hiện diện với Thiên Chúa.

Có nhiều thứ hiện diện. Một đôi khi hiện diện có thể chỉ được coi như chiếm chỗ trong không gian. Theo nghĩa này, mỗi người (hay mỗi vật) lấp đầy một khoảng không gian nào đó, và không một ai khác có thể chiếm lấy cùng chỗ ấy trong cùng thời gian ấy. Ở bình diện này, các vật dụng như bàn quỳ hoặc các cửa sổ đúng là cũng “hiện diện” trong nhà thờ như người ta vậy.

Nhưng khi chúng ta nói về hiện diện với Thiên Chúa, chúng ta nói về tương quan với một đấng khác trong phương thế ngôi vị. Có những bậc thang đi lên của những tương quan, ví dụ như tương quan giữa người bán hàng và khách hàng, giữa thầy giáo và học sinh, giữa cha mẹ và con cái, giữa chồng và vợ. Rồi chúng ta đi đến một sự thân mật hơn đó là tương quan tình yêu. Đó là sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta, và chúng ta phải ở trên bình diện cao cả ấy của tình yêu. Tôi thích nghĩ rằng khi chúng ta nói “Chúa ở cùng anh chị em,” thì chúng ta muốn nói đúng như thế !

Sau cùng có sự cho và nhận giữa người thờ phượng và Chúa Thánh Thể của người ấy. Bánh và rượu là tặng vật của sự sống. Các thánh và các nhà thần bí luôn luôn nhận ra điều ấy.

Julian Norwich sống ở nước Anh vào thế kỷ XIV. Sự nhận xét của bà sắc bén đến nỗi có người muốn ghép tên bà vào tên của các thánh nữ Têrêsa Avila và Catarina Siena như một nữ tiến sĩ hội thánh.

Donald MacDonald, thuật lại một trong những hình ảnh mà Julian ưa thích, trong đó Julian so sánh Đức Giêsu với một người mẹ đang cho con bú. Ông nói, “Người mẹ tự nhiên có thể cho con mình bú, nhưng người mẹ cao quý Giêsu nuôi chúng ta bằng chính mình Người. Người làm điều đó rất nhã nhặn và dịu dàng với Thánh Thể…”

Kế đó ông viết những lời này làm nên một kết luận thích hợp cho bất cứ suy tư nào về cầu nguyện Thánh Thể:

“Vì thế Bí Tích Thánh Thể - một khi được miêu tả như ‘Thánh lễ cử hành trong chiêm niệm’ - phản ảnh yếu tính của tình mẫu tử mà Julian đã nhìn thấy một cách lý tưởng là ‘thân mật, nồng nhiệt, và đáng tin cậy vì đó là tình mẫu tử chân thật nhất.”….

“Trước Thánh Thể, chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa sự hiện diện. Sự hiện diện của tôi ở đó trong nhân tính và đức tin là một ơn huệ của Thiên Chúa. Tôi hiện hữu vì Thiên Chúa hiện hữu. Sự hiện diện của tôi có thể là một hành động thờ phượng. Tôi chỉ mong ước hiện diện với Thiên Chúa của tôi với tất cả những gì tôi là. Mỗi hơi thở của tôi đều là ơn huệ của Thiên Chúa. Tôi ước ao sử dụng nó trong sự hiện diện toàn tâm toàn ý của tôi.

Robert Lussier, SSS

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS
Lược dịch

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/gop-banh-cho-doi/6-cau-nguyen-thanh-the-trong-tuong-quan-va-hien-dien/