Trích từ Dân Chúa

Rao Giảng Tin Mừng Cho Người Đã Khuất

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Xin lưu ý: bài này được đăng tải nhằm mục đích thông tin. Để hiểu rõ vấn đề, xin quý độc giả đọc thêm 2 bài sau:

Âm Hồn Nhập Xác, Rửa Tội Được Không? Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
Rửa Tội Cho Người Chết? Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

* * *

Nói đến truyền giáo, chúng ta thường nghĩ ngay đến những người còn sống chưa được biết Đức Kitô và đến sứ mạng loan báo Tin Mừng cho họ. Ít có ai nghĩ đến việc rao giảng Tin Mừng cho người đã khuất. Nhưng Tân Ước dạy rằng: “Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi, Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương, hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh. Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm, tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi…” (1Pr 3,18-20). Năm Thánh Truyền giáo và tháng tưởng nhớ các linh hồn như mời gọi chúng ta thử suy nghĩ xem liệu chúng ta có thể rao giảng Tin Mừng cho những người đã khuất hay không?

Tôi xin kể lại một vài sự kiện đã gặp trong cuộc sống thường ngày để chúng ta cùng suy nghĩ về vấn đề này.

Câu chuyện mới nhất xảy ra vào ngày 5-9-2004 vừa qua. Sáng Chúa nhật, như thường lệ, sau khi dâng Thánh lễ tại nhà thờ Huyện Sĩ, một phụ nữ gặp tôi ngay trước cửa Thánh đường và xin tôi chữa cho một người bệnh sẽ được đưa từ Phan Rang vào TP. Hồ Chí Minh. Tôi đồng ý và nói sẵn sàng cầu nguyện cho bệnh nhân. Buổi chiều, vừa về đến nhà sau thánh lễ tại Nhà thờ Bàn Cờ (Q. 3), tôi gặp lại người phụ nữ ban sáng. Chị báo tin gia đình người bệnh đang nóng lòng chờ và đang cầu nguyện tại Đài Thánh Giuse bên nhà thờ Huyện Sĩ.
Cô Phương Quỳnh với Mẹ và người cô

Vừa lên đến phòng, tôi đã thấy một đoàn rước, người cầm nến, kẻ cầm hoa, người khác cầm những lọ nước thánh… vừa hát thánh ca vừa đẩy một cô gái vào phòng. Trên cổ cô đang mang nào là dây ảnh Áo Đức Bà, tràng chuỗi Mân Côi, kèm thêm một tượng Đức Mẹ Lộ Đức có đựng nước thánh. Nhìn thấy họ, thoạt tiên, tôi cảm thấy buồn cười và quên đi những dự tính ban đầu: tôi định mặc áo dòng, đeo dây các phép (stola) và nhân Danh Chúa để trừ tà theo yêu cầu của gia đình bệnh nhân. Ông chú của bệnh nhân, cũng là người lái xe, kể với tôi:

- Con nhỏ này bị ma ám, nên la hét, vùng vẫy trên suốt quãng đường hơn 300 cây số về đến đây. Chúng con đã phải vất vả lắm mới đưa được nó lên đây.

Cô gái nhìn tôi, nét mặt hiền từ, lộ vẻ mệt mỏi.

- Con tên gì, tôi hỏi?

- Con là Maria Trần Thuỵ Phương Quỳnh, 26 tuổi, đã lập gia đình và có 1 cháu gái.

Người mẹ thêm vào:

- Từ hơn 3 tháng nay, cháu nó không ăn ngủ gì được. Chỉ cần một chút thịt, cá là nôn thốc nôn tháo. Ép lắm nó mới có thể ăn được một vài muỗng cơm trắng hay chút sữa. Lúc nào cũng kêu nhức đầu kinh khủng. Xin cha cứu con của con với!

Tôi bắt đầu cầu nguyện và xin toàn thể gia đình cùng hợp ý với tôi. Cô gái bắt đầu quằn quại, thở dốc, mắt nhắm nghiền. Cổ cứ rướn lên và nấc từng cơn như bị nghẹt thở. Thỉnh thoảng mở mắt lén nhìn tôi với ánh mắt sợ hãi, nghi ngờ. Tôi thầm xin Chúa thương cứu cô. Cô gái lại mở mắt nhìn tôi lâu hơn, ánh mắt bớt nghi ngại. Tôi nói thầm bằng ý nghĩ của mình:

- Con ơi, cha rất thương con. Cha muốn cứu con. Hãy nói cho cha biết về con. Cô gái mở mắt nhìn thẳng vào tôi, người vẫn quằn quại, thở dốc. Tôi hỏi:

- Con là ai?

- Con là Trần Đình Sang, 63 tuổi. Con chết ngày 13-12-1973.

- Con làm nghề gì và chết như thế nào?

- Con đi lính, làm trung đội trưởng, đánh trận và chết trên mảnh đất mà gia đình cô Quỳnh đang thuê để làm các bếp gaz. Con thương nó nên nhập vào nó.

- Nhưng con là người đã chết, còn Quỳnh là người đang sống, lại có chồng, có con. Khi con nhập vào cô ấy là con gây hoạ cho mình và làm khổ cho người. Càng làm khổ Quỳnh con càng mang tội và càng không thể siêu thoát. Cha rất thương con. Thứ Hai nào trong tuần, cha cũng dâng lễ cầu cho các linh hồn mồ côi. Cha xin giới thiệu với con Chúa Giêsu Kitô. Chỉ có Người mới cứu con thoát khỏi trầm luân và mang lại cho con hạnh phúc đời đời. Cha đã từng gặp những trường hợp như con và cha thấy rằng những ai tin vào Chúa Kitô đều được Người cứu thoát.

Người bệnh lắng nghe tôi nói về Đức Giêsu Kitô. Sau đó, tôi làm phép Xức dầu Bệnh nhân cho cô gái.

Theo lời kể của gia đình cô Quỳnh, họ là bổn đạo gốc, ở ngay bên cạnh nhà thờ Mẫu Tâm, hạt Xóm Chiếu. Cô gái này đã nhuốm bệnh được một năm. Gia đình đã đưa cô đi nhiều bác sĩ và nằm bệnh viện nhưng cũng không tìm ra bệnh. Có người mách bảo bệnh này do hồn ma ám ảnh nên gia đình đưa cô vào chùa Tân Long (gần nhà thờ Mẫu Tâm) để cho các vị sư cầu siêu trong 2 tuần (tuần 9 và tuần 7). Bệnh không thuyên giảm nên gia đình quyết định đưa cô ra Phan Rang theo sự mách bảo của người sui gia để gặp một thầy pháp, rồi đến cầu cứu với vị trụ trì ở am Bà Chung suốt 17 ngày, sau đó mới đến thầy pháp 75 tuổi, người Chăm, ở Phan Rang, Ninh Thuận.

Ông này đã bày cỗ bàn trong một cánh rừng vào giữa trưa, ếm bùa và đeo đầy bùa vào người cô Quỳnh, cả người chồng và đứa con. Chưa hết, thầy pháp lại vào TP.HCM để cúng tại căn nhà cô Quỳnh đang thuê. Sau đó, cả gia đình ra lại Phan Rang. Trưa thứ Bảy, ông lập bàn cúng, chém đứt đôi cây chuối và nói rằng tà ma đã bị chém đầu rồi. Tiếng la hét của người bệnh vang động núi rừng, nhưng ông Sang vẫn nói, qua miệng cô Quỳnh là ông không thể ra được, nên buổi chiều gia đình đã bỏ về Sài Gòn. Trên đường về, cô Quỳnh lại quậy phá dữ hơn nên mẹ cô đã đưa cô trở lại nhà của thầy pháp để làm phép thêm một lần nữa vào đêm hôm đó. Suốt đêm, cô Quỳnh quậy phá, la hét nên người chú đã gọi điện cho vợ mình ở Sài Gòn để xin tôi giúp đỡ vì không còn tin vào những bùa phép nữa.

- Sáng thứ Ba, ngày 7-9-2004, ngay từ lúc 6g00, cả gia đình lại kéo đến để xin tôi cầu nguyện. Sau vài phút thinh lặng, cô gái bắt đầu thở dốc và ông Sang lại hiện lên. Ông xin tôi đến làm phép nhà vì chỗ ông đang ở có nhiều linh hồn tụ về. Chỗ này trước đây là trận địa nên có nhiều người chết ở đó. Ông cho tôi biết từ 3 năm nay, gia đình cô Quỳnh thuê căn nhà này để kinh doanh. Các thợ làm công tại đây ăn nói tục tĩu, chửi thề luôn miệng nên ông muốn gia đình cô gái dọn đi nơi khác. Tôi giải thích cho ông một khi đã tin vào Chúa thì không cần ở cố định vào một nơi chốn nào. Ông hứa với tôi sẽ để yên cho cô gái và không quấy phá cô nữa. Sau khi cầu nguyện cho cô, tôi theo gia đình đến căn nhà ở số 46/5C Chu Văn An, Q. Bình Thạnh.
Mỗi dây bùa đều có miếng chì cuốn tròn,trên ghi tên người đeo, có cuốn lá ngải bên trong

Căn nhà đầy những người thợ đang lắp ráp hàng trăm chiếc bếp gaz Rinai. Gia đình đưa tôi vào văn phòng làm việc. Tôi cầu nguyện cho cô gái. Cô lại bắt đầu thở dốc và ông Sang hiện lên và nói ông muốn ra khỏi cô gái nhưng không thể được. Tôi liền hỏi xem cô Quỳnh có đeo bùa gì không. Người nhà cho biết đã cất đi sợi dây bùa đeo ở cổ cô ngay từ sáng nay, nhưng khi tôi gặng hỏi thì người chị tháo ra thêm 5 sợi dây bùa ở 2 tay, 2 chân và bụng của bệnh nhân. Lúc này ông Sang cho biết ông cảm thấy dễ chịu hơn nhưng vẫn chưa thể xuất ra khỏi cô Quỳnh được. Ông nói với tôi: “Con đang ở lầu 3, tầng trên”. Tôi lên lầu và thấy ở trên cao có 3 hũ nhỏ, 3 bát nhang. Tôi rảy nước thánh cho tất cả các phòng. Trong khi làm phép, người chồng của cô Quỳnh, tên Tuấn, chỉ thỉnh thoảng đến ngó một chút, rồi lại bận bịu với việc buôn bán, giao hàng.

- Sáng thứ Tư, ngày 8-9-2004, lễ Sinh nhật Đức Maria. Ngay từ sớm, gia đình bệnh nhân lại đến và ông Sang hiện lên xin tôi cầu nguyện. Ông kể cho tôi mọi việc xảy ra nơi gia đình cô Quỳnh, khi họ đi cầu siêu, đến cầu cứu với các thầy pháp như thế nào và ông nói: “Tất cả những người đó không thể bắt được con, buộc con ra khỏi cô Quỳnh”. Tôi giải thích cho ông về công cuộc cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Đột ngột, ông xin phép và quỳ mọp xuống đất, gập đầu lạy trước bức ảnh Đức Giêsu khổ lớn treo trên tường nhiều lần và nói: “Lạy Chúa, con tin Chúa. Con tin Chúa Ba Ngôi. Xin Chúa tha tội cho con. Xin Chúa cứu thoát con”.

Cùng lúc đó, ông xin phép ẩn đi và cô Quỳnh hồi tỉnh, nét mặt cô tươi tỉnh trở lại. Nhưng chưa đầy 5 phút sau, ông lại nhập vào cô Quỳnh, nhăn mặt lắc đầu và nói: “Con còn nhiều vướng mắc nên không đi được”. Và ông cứ nài nỉ tôi nhớ cầu nguyện luôn cho ông. Tôi hứa coi ông là người thân và sẽ cầu nguyện hằng ngày cho tới khi ông được giải thoát. Lúc đó, ông mới đứng dậy, bắt tay từ giã và ẩn đi.

Buổi tối, khi về đến nhà, tôi nghe gia đình cô Quỳnh nói qua máy nhắn tin: gia đình cám ơn tôi vì tâm thần cô đã ổn định, ăn được thịt cá bình thường. Tuy nhiên, lúc 20g30, tôi lại nhận được điện thoại khẩn cấp:

- Cha ơi, xin cha cứu con Quỳnh, nó đang bị hành hạ khổ sở lắm.

Tôi rất ngạc nhiên vì vừa nghe lời nhắn chỉ trước đó vài phút. Người chị tên Nguyệt giải thích:

- Thằng Tuấn, chồng con Quỳnh, đâu có tin. Trưa nay, nó thử cho con Quỳnh ăn gan chó để xem có phải con Quỳnh bị bùa ngải hay không. Thế là ông Sang vật con Quỳnh rất dữ tợn. Thằng Tuấn vội đưa vợ lên ông thầy pháp ở Bình Dương, nhưng chữa không được; rồi đưa về Đức Mẹ Bình Triệu để cầu nguyện cũng không xong. Xin cha cứu gia đình chúng con.

Tôi nén giận trả lời:

- Như thế là gia đình chưa hoàn toàn tin vào Chúa. Nếu gia đình muốn tôi cầu nguyện, xin đưa cả người chồng lên cùng với cô Quỳnh.

9g00 tối hôm đó, cả gia đình lại kéo đến. Mỗi người kể lại việc xảy ra. Ông Sang lại xuất hiện, chỉ thẳng vào mặt người chồng đang buồn bã với chiếc mũ đội trên đầu từ lúc vào đến giờ:

- Thằng Tuấn này, nó đâu có tin. Nó cho con Quỳnh ăn gan chó nên tôi hành hạ vợ nó cho nó biết mặt.

- Nhưng cô Quỳnh đâu có tội gì mà ông hành hạ người ta. Ai làm người nấy chịu, tôi nói lại.

- Cha biết không, bà mẹ con Quỳnh này cũng chẳng tin Chúa bao nhiêu. Có đạo mà đâu chịu đi lễ, đi nhà thờ. Còn ông chồng bà ta thì theo bè bạn uống rượu say xỉn, chơi bời…

Ông Sang lần lượt kể tội của những người đang hiện diện. Tôi an ủi họ:

- Tôi thật tình không biết những điều này. Tất cả chúng ta đều là những người bất toàn và tội lỗi. Có lẽ, Chúa ban cho ta dịp này để nhìn lại mình và thay đổi đời sống. Việc linh hồn ông Sang nhập vào cô Quỳnh, xét về một phương diện nào đó, là một ơn phúc cho gia đình để ăn năn trở lại và cảm nghiệm được tình thương của Chúa hơn. Đây cũng là một ân phúc cho ông Sang vì Chúa muốn cứu vớt ông.

Tôi đặt tay trên đầu cầu nguyện cho ông, cho cô Quỳnh. Sau đó, ông ẩn đi. Cô Quỳnh lại trở nên tươi tỉnh và âu yếm ôm hôn đứa con mình. Tôi nhận thấy khi ông Sang xuất hiện, đứa con gái 5 tuổi của cô Quỳnh đến cầm tay mẹ nó lôi kéo, nhưng cô Quỳnh lúc đó hoàn toàn lãnh đạm, coi như không có nó bên cạnh.
Các dây bùa trên người cô Quỳnh, chồng và em gái

Lúc này, anh Tuấn mới bỏ mũ ra. Tôi thấy đầu anh cạo trọc, anh hối hận và nói với gia đình rằng mình sẽ đi học giáo lý và theo đạo vì đã chứng kiến tận mắt quyền năng của Chúa nơi người vợ, khi cô Quỳnh lên gặp tôi. Dù quậy phá rất dữ tợn lúc ở nhà nhưng khi đến đây, cô lại là một người rất hiền lành. Còn ông Sang thì hiện lên nói chuyện rất lễ độ. Anh đã tự tay tháo sợi dây bùa do ông thầy người Chăm ban cho trước đây, kèm theo 3 sợi dây đeo ở cổ vợ, con và người em gái. Như thế, tổng cộng tất cả là 9 sợi dây bùa.

Gia đình xin tôi làm phép những chai nước cho cô Quỳnh uống, sau đó cả nhà ra về lúc 10g00 đêm.

Sáng ngày 9-9-2004, lúc 6g00, gia đình lại đến vì ông Sang ngỏ ý muốn tôi cầu nguyện cho ông mỗi ngày. Ông hiện lên, chào và lần đầu tiên cười với tôi. Tôi hỏi ông tại sao mỗi lần nói chuyện, ông như bị nghẹn ở cổ và cứ phải rướn người lên như vậy. Ông trả lời:

- Thưa cha, con bị bắn vào cổ nên khi thở hơi cuối cùng rất đau đớn và khó khăn.

- Hôm nay, ông muốn tôi làm gì cho ông?

- Xin cha đặt tên thánh cho con.

Nước mắt tôi chực trào ra khi nghe lời yêu cầu này. Tôi nhớ đến hình thức rửa tội bằng “lửa”, bằng lòng ao ước, bằng tình yêu và lời tuyên xưng đối với Đức Kitô của những người không biết Người, nhưng lại sống theo chân lý của Người vì Người là “Sự Thật và là Sự Sống”. Tôi giới thiệu với ông các vị thánh: Giuse, Phêrô, Phaolô và Antôn. Ông xin nhận tên Thánh Giuse.

- Vậy từ nay con là Giuse Trần Đình Sang.

- Vâng, cám ơn cha.

- Cha sẽ dâng lễ cầu cho con ngày mai. Cha sẽ nói với các nữ tu để cầu nguyện nhiều cho con.

- Cha ơi, xin cha chữa bệnh cho con Quỳnh vì con ở lâu trong đó nên nó đau và lạnh lắm.

- Được rồi, con yên tâm, cha sẽ chữa cho Quỳnh.

- Cha ơi, con muốn ra khỏi Quỳnh lắm nhưng chưa được, nhưng con không làm hại nó nữa đâu. Nó ăn được, ngủ được rồi. Cha bảo thằng Tuấn phải thương con Quỳnh, bảo cha mẹ nó phải biết thương yêu, hoà thuận với nhau vì con Quỳnh rất khổ tâm vì chuyện này…

- Bây giờ, cha sẽ cầu nguyện cho con.

Tôi đặt tay trên đầu, đọc mấy kinh quen thuộc như Kinh Xin ơn Chúa Thánh Thần, Lạy Cha, Kính mừng, Sáng danh. Ông Sang chào từ biệt tôi. Cô Quỳnh lắc nhẹ đầu và trở về lại con người bình thường. Cô tươi cười kể lại cho tôi nghe khi ông nhập vào cô, bắt cô hút thuốc liên miên, cứ vài phút một điếu, lại còn chửi thề luôn miệng. Buồn cười nhất là khi cô em ruột, tên Vi, thay mẹ canh chừng chị vẫn bị ông Sang gọi ra, bật quẹt đốt thuốc, dù cô đã trốn sau cánh cửa, cô run tay đến nỗi bật mãi không được. Khi ông bắt đầu đến với tôi, ngày Chủ nhật vừa qua, cô Quỳnh không còn bị ông thôi thúc hút thuốc và ăn nói tục tằn nữa.

Thứ Bảy, ngày 11-9-2004, 6g15, gia đình cô Quỳnh lại đến. Ông Sang hiện lên và lần này ông cho biết cuộc sống trước đây của ông: ông học xong lớp 12, đi lính. Tôi tiếp tục cầu nguyện cho ông. Ông xin tôi chữa lưng và ngực cho cô Quỳnh. Sau khi ông ẩn đi, tôi hỏi cô Quỳnh về bệnh trạng, cô cho biết lưng và ngực rất đau, cổ cứng nhắc. Tôi cầu nguyện, thoa dầu và cầm thánh giá áp vào chỗ đau. Cô cho biết như có một luồng khí nóng, rất dễ chịu truyền vào mình và cảm nhận được hình ảnh của Chúa Giêsu đầu đội mão gai ẩn hiện trong mình.
Cô M. Trần Thụy Phương Quỳnh

Hôm sau, Chủ nhật 24 Mùa Thường Niên, ngày 12-9-2004, cả gia đình cô Quỳnh cùng đến tham dự thánh lễ lúc 6g30 sáng tại Nhà thờ Chợ Đũi (Huyện Sĩ), Q.1. Bài đọc 1 của sách Xuất hành 32, 7-11 kể tội dân Israel thờ lạy con bò vàng và bài Tin mừng theo thánh Luca 15, 1-32 nói về lòng thương xót Chúa. Tôi đã kể chuyện xảy ra với gia đình cô Quỳnh cho cộng đồng dân Chúa trong bài giảng như một thí dụ về việc thờ lạy ngẫu tượng, tìm đến bùa ngải, phù phép và việc Chúa cứu chữa cô Quỳnh để biểu lộ lòng thương xót của Người. Kết thúc bài giảng, hai chị em Quỳnh và Nguyệt đứng lên chào cộng đoàn như những nhân chứng sống. Nhiều người trong thánh đường đã bật khóc vì cảm động.

Sau thánh lễ, cả gia đình cô Quỳnh tụ tập bên nhà tôi. Ông Sang lại hiện lên và lần đầu tiên ông nói với tôi là ông sẽ tự động ra đi mà Quỳnh không hay biết. Tôi hỏi ông tại sao lại ở trong cô Quỳnh mà không thể thoát ra được dù ông rất muốn. Ông cho biết lần ở Phan Rang khi ông thầy pháp người Chăm trừ tà, ông có lo sợ và la hét dữ lắm, nhưng nhất định không ra. Trước đây ông chỉ ám bên ngoài cô Quỳnh, nhưng chỉ từ chiều ngày thứ bảy, khi cô Quỳnh có một lúc đã thất vọng và mất niềm tin vào Chúa, cùng với bà mẹ, cô đã yêu cầu quay ngược đầu xe để trở lại nhà ông thầy người Chăm. Chính lúc đó, ông liền nhập sâu vào tâm hồn cô Quỳnh và không ra nổi. Tôi đã ghi nhận điểm này và nói riêng với cô Quỳnh để cô chuẩn bị xưng tội, hoà giải với Chúa.

Ngày thứ Tư, 15-9-2004, lúc 18g, cả gia đình cô Quỳnh lại đến. Ông Sang xin gặp riêng tôi để yêu cầu một số việc. Ông kể cho tôi nghe về tình trạng sống của cô Quỳnh, từ cha mẹ, các chị em, chồng Quỳnh đến cả bà cô đi theo và xin tôi lựa lời khuyên nhủ họ. Ông nói mình dạo này nhập vào Quỳnh khó lắm chứ không còn dễ như trước và báo rằng mình sắp ra khỏi Quỳnh thật sự. Tôi đã lựa lời khuyên nhủ từng người trong gia đình Quỳnh thay ông. Cũng chiều hôm đó, một bà cụ trong xóm Đạo họ Chợ Đũi dẫn người con trai (là công nhân tải điện) khoảng 36 tuổi đến xin chữa bệnh. Anh kể khi sang Nhà Bè chôn các cột điện, anh đã nhặt được xương của người chết. Anh vừa nói giỡn vừa lấy xương gõ vào cột điện mới trồng, rồi đem vứt xuống ao gần đó. Khi trở về nhà, anh có những triệu chứng bất thường, ban đêm không thể nào chợp mắt, luôn bị nỗi sợ ám ảnh và nhiều lần muốn tự tử. Tôi đã cho anh ngồi chung với gia đình Quỳnh. Khi mọi người ra khỏi phòng, tôi hỏi ông Sang về tình trạng bệnh tật của người thanh niên đó, ông nói anh này đang bị hồn người chết ám ảnh. Tôi đã cầu nguyện cho ông Sang, cô Quỳnh và cả người thanh niên này. Mọi người an tâm ra về và hẹn chiều hôm sau lên gặp tôi lần nữa.

18 giờ ngày thứ năm, 16-9-2004, cô Quỳnh cùng mẹ, chị và hai mẹ con cậu thanh niên hôm trước đến gặp tôi. Tôi đã nhắc Quỳnh về lý do tại sao ông Sang đã nhập sâu vào trái tim cô và kêu gọi mọi người ý thức về tội lỗi đã xúc phạm đến Chúa. Hai mẹ con Quỳnh và người thanh niên xin được xưng tội. Tôi mời tất cả vào nhà nguyện để giải tội, sau đó, tôi lấy sách nghi thức rửa tội cho người lớn, làm nghi thức xức dầu trừ tà cho họ sau khi họ tuyên xưng đức tin. Tất cả đều nhận thấy sức mạnh kỳ diệu của Chúa tác động lên thân xác và tâm hồn mình. Tôi để ý thấy hôm đó là ngày đầu tiên ông Sang không hiện lên nói chuyện với tôi, tất cả mọi hành động đều do Quỳnh thực hiện.

Anh thanh niên rơm rớm nước mắt nói với tôi: “Cha ơi, con cảm thấy mình hoàn toàn khoẻ mạnh và tỉnh táo. Sau khi con xưng tội và được xức dầu trừ tà, con thấy tâm trí mình sáng suốt, đầu óc nhẹ nhàng khác hẳn trước đây”. Bà mẹ già cám ơn tôi rối rít khiến tôi phải nhắc bà cám ơn Chúa và luôn nhớ cầu nguyện cho các linh hồn, nhất là các linh hồn mồ côi mà con bà cũng như nhiều người bằng cách này hay cách khác đã xúc phạm đến họ.
LM Antôn Nguyễn Ngọc Sơn và bệnh nhân

Thứ sáu, ngày 17-9-2004, lúc 18 giờ, cả gia đình Quỳnh lên cám ơn tôi. Bà mẹ Quỳnh cho biết người con trai ông thầy pháp người Chăm ở Phan Rang vào Sài Gòn nói rằng “ông già” của anh đã cúng tổ và chắc sẽ bỏ nghề.

Ngày 21-9-2004, tôi đã gọi điện trực tiếp cho ông thầy người Chăm. Ông rất vui khi biết tin cô Quỳnh và gia đình được Chúa chữa lành. Ông ngỏ ý với tôi hãy cùng ông xin Chúa cứu đời.

Hiện nay, cuộc sống gia đình cô Quỳnh đã đổi khác. Cả gia đình sống đạo đức hơn và tối nào cũng cùng nhau đọc kinh chung. Anh Tuấn, chồng Quỳnh, dù chưa theo đạo cũng tích cực tham gia. Ông bố Quỳnh bớt nhậu hơn trước và luôn cố gắng về kịp giờ kinh tối của gia đình. Bà mẹ Quỳnh không dấu được niềm vui: “Gia đình chúng con tạ ơn Chúa vì Người đã thương cứu chúng con. Không có Người cứu chữa, chắc giờ này mộ con Quỳnh đã xanh cỏ rồi. Nhớ lại, chúng con thấy thời gian trước thật kinh hoàng. Suốt mấy tháng liền, cả nhà không ai dám bỏ riêng con Quỳnh lấy một giây cho dù là đêm hay ngày vì lúc nào ông Sang cũng giục nó chết để bắt hồn nó”. Người em tên Vi thì nhớ lại: “Bố con thương chị Quỳnh đến nỗi khi thấy chị ấy bị như vậy đã vào nhà tắm và khóc hu hu như một đứa trẻ. Con nhớ mãi cảnh bật lửa châm thuốc cho ông Sang, mặt chị con lúc đó ngầu lắm, lại luôn miệng nói tục và chửi thề”.

KẾT LUẬN:

Khi nghe câu chuyện này, có lẽ nhiều người sẽ cho rằng đây là câu chuyện hoang đường, mang dáng dấp của sự mê tín và có thể gây hiểu lầm. Tuy nhiên, đây chỉ một trong những câu chuyện có thật mà tôi muốn chia sẻ để bạn đọc và nhất là các nhà thần học giải đáp cho chúng tôi những thắc mắc xoay quanh những vấn đề như:

1. Trong xã hội Việt Nam hôm nay, bùa ngải, thư yểm là chuyện có thật, nhất là nơi những người buôn bán, như ta từng nghe nói: “ngậm ngải tìm trầm” hay “bùa yêu” của một vài người thỉnh về. Bùa ngải này dựa trên nền tảng nào? Quyền lực này bắt nguồn từ đâu: từ ma quỷ hay chỉ là một điều kỳ diệu mà khoa học chưa khám phá?

2. Theo niềm tin chung của người tín hữu Công giáo, các linh hồn sau khi chết sẽ ra trước toà Chúa phán xét để rồi hoặc sẽ lên thiên đàng, vào luyện ngục hay xuống hoả ngục. Vậy phải giải thích như thế nào về những linh hồn vất vưởng như ông Giuse Trần Đình Sang và các bạn bè của ông?

3. Ma quỷ có thể tác động vào những người vô tội và nhập vào họ để gây nên bệnh tật, đau đớn bất kể tự do và ý muốn của người bị nhập?

4. Làm sao ma quỷ lại có thể ở lâu trong những người đó như vậy, trong khi miệng họ vẫn cầu kinh, dự lễ, rước Mình Thánh Chúa?

5. Các tôn giáo khác có những nghi thức, bài kinh để trừ tà ma, diệt quỷ như trong tông phái Mật Tông của Phật giáo ở Việt Nam, Tích Lan, Ấn Độ hay Chân Ngôn Tông ở Nhật Bản. Nhiều người tín hữu hình như muốn đồng hoá các nghi thức này của tôn giáo với sự mê tín dị đoan. Vậy cần phải hiểu thế nào trong tinh thần đối thoại liên tôn của Kitô giáo?

6. Có cần phải phân biệt “ma” khác với “quỷ” để có thái độ thương xót hơn đối với “ma” và đúng đắn hơn với “quỷ”?

“Ma” theo nghĩa dân gian là sự hiện hình của người chết, còn “quỷ” là con vật tưởng tượng dưới âm phủ, hình thù kỳ dị dữ tợn, hiện lên quấy nhiễu và làm hại con người (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2002). Quan niệm này còn được phong phú thêm nhờ giáo lý của Phật giáo về “ma” (Màra, Ma-la): chỉ lũ ác quỷ làm hại nhân mạng, gây nhiễu loạn, phá hoại thiện sự của loài người (x. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tự điển Phật học Hán Việt, Hà Nội 1992) và “quỷ” là linh hồn người thác, âm hồn ác độc thường phá hoại người (x. Đoàn Trung Côn, Phật học Từ Điển, quyển 2, NXB TP. HCM, 1992).

Trong khi đó theo niềm tin Kitô giáo, “ma” có thể được hiểu là linh hồn người đã khuất, chưa được siêu thoát, cần lời cầu nguyện và sự hy sinh của người còn sống, còn “quỷ” là những thiên thần sa ngã hay linh hồn của những người chết đã hoàn toàn từ chối và cắt đứt sự thông hiệp với Thiên Chúa. Như thế, chúng ta vẫn có thể tiếp tục cứu thoát ma là những người đã khuất bằng việc rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu cho họ như Người đã thể hiện trong cái chết của mình.

Thư 1Pr 3, 19-22 nói rõ: vì Đức Kitô chết cho mọi người, nên mọi người đều có thể được cứu độ bằng những cách thế không ai có thể ngờ được. Hơn nữa, vì Đức Kitô là Đấng “phán xét kẻ sống và kẻ chết”, mà tiêu chuẩn để phán xét là Tin Mừng, nên trước đó, kẻ chết cũng cần được nghe công bố Tin Mừng (x. 1Pr 4, 5-6; x. F. Gomez, Kitô học, Chương Đức Giêsu xuống ngục tổ tông, Tập II, tr. 135tt).

Đức Kitô rao giảng Tin Mừng cho cả kẻ chết có nghĩa là Người đã hoàn tất sứ mạng cứu độ đối với mọi người. Những người đã chết cũng cần được “rửa tội” bằng cách tuyên xưng lòng tin và tình yêu đối với Đức Kitô. Do đó, vào thời các Kitô hữu thế hệ đầu tiên, ở Côrintô chẳng hạn, người ta đã có nghi thức chịu phép rửa thay cho kẻ chết (x. 1 Cr 15, 29). Hành động của ông Sang hay những linh hồn khác đã khiến tôi nhớ đến sứ mạng phải truyền giáo cho cả những người đã khuất. Như thế có lẽ ta không nên nói trừ ma, diệt quỷ mà phải cứu ma, trừ quỷ theo nghĩa Kitô giáo chăng?

7. Nhưng sứ mạng này hiện nay thuộc về ai?

Bộ Giáo luật mới, năm 1983, điều 1172 xác định:

Tiết 1: “Không ai có thể trừ tà cách hợp pháp cho những người bị quỷ ám, nếu không được Bản Quyền địa phương ban phép đặc biệt và minh nhiên.

Tiết 2: Bản Quyền địa phương chỉ được ban phép này cho linh mục nào đạo đức, có kiến thức, khôn ngoan cũng như có đời sống vẹn toàn”.

Về những chuyện ma quỷ, bùa chú, thư yểm…, nhiều người Kitô giáo, nhất là ở Tây Phương, cũng đã có nhiều thái độ khác nhau: hoặc người ta cho tất cả những hiện tượng kinh dị đều là mê tín dị đoan dưới ánh sáng của khoa học kỹ thuật; hoặc người ta quy hết tất cả những triệu chứng bệnh tật không tìm ra nguyên nhân vào loại bệnh tâm thần. Nhưng đồng thời phim ảnh Tây Phương cũng như Đông Phương lại triệt để khai thác các đề tài kinh dị này với các kiểu phim Dracula, Frankenstein, Liêu Trai Chí Dị… Theo quan điểm này, không cần người đảm nhận việc trừ tà, giải bùa… cho ai cả.

Người Kitô hữu vượt qua thái độ mê tín như một sự tin tưởng mù quáng vào các thần thánh, ma quỷ để xác định rằng: việc ma nhập, quỷ ám là một sự kiện có thật được Kinh Thánh nhiều lần nhắc đến và chính Đức Giêsu đã nhiều lần trừ quỷ để cứu chữa những người bất hạnh ở Capharnaum (x. Mc 1, 21-28; Lc 4, 31-37), ở Gađara (x. Mt 8, 28-34; Mc 5, 1-20), ở Tyrô (x. Mc 7, 24-30). Hơn nữa, nhiều khi việc ma nhập quỷ ám tạo nên bệnh tật, nên khi xua được ma, trừ được quỷ thì người bệnh được khoẻ mạnh (x. Mt 9, 32-34; 12, 22-45; Mc 9, 14-29; Lc 13, 10-17…).

Đức Giêsu giao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ cho Giáo Hội, cho tất cả các môn đệ của Người và việc trừ quỷ là một dấu hiệu chỉ quyền năng cứu độ của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ… Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ và nếu họ đặt tay trên những người bệnh thì những người này sẽ được mạnh khoẻ… Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16, 15-20; x. Mt 28, 18-20).

Các tông đồ và các tín hữu thời Giáo hội sơ khai nói về tác động của ma quỷ, của Satan trong thế giới để nhắc nhở người tín hữu phải chiến thắng tội lỗi và quỷ dữ (x. Ep 2, 1-2; 6, 11-16; 2 Tx 2, 7.11; 2 Cr 4, 4; Gl 5, 17; Rm 7, 23-24; 16, 20).

Công đồng Lateran IV năm 1215 cũng đã minh xác về vấn đề này. Giáo luật điều 1172 không giới hạn việc trừ tà như một sứ mạng chung của người Kitô hữu, nhưng muốn giúp cho việc trừ tà có hiệu quả, thiết thực, nên đã đưa ra một số tiêu chuẩn cho sứ mạng đặc biệt này.

Tuy nhiên do hiểu lầm tính cách dành riêng và các tiêu chuẩn khá cao của việc trừ tà, nên nhiều linh mục, tu sĩ Công giáo đã từ chối, không dám cứu chữa người bệnh bị ma ám, quỷ nhập khiến cho nhiều tín hữu đã phải chạy đến cầu cứu các vị sư của phái Mật tông, hoặc các thầy pháp, thầy phù thuỷ của các tôn giáo khác như đạo Lão… Các vị này quả thực đã có nhiều kinh nghiệm hơn Công giáo để phân biệt và cách cứu chữa từng loại bệnh.

Vậy người Công giáo chúng ta có nên tìm hiểu sâu xa về các loại hoạt động thần bí này để sứ mạng cứu độ của Đức Kitô được thể hiện cách cụ thể hơn? Cách đây 30 năm, chúng tôi nghe nói có hai linh mục dòng Tên đã tìm hiểu về vấn đề này nhưng không biết kết quả ra sao? Người Công giáo, nhất là các linh mục, tu sĩ có nên có một nhận thức mới mẻ và thái độ huynh đệ đối với các vị sư, đạo sĩ, thầy bùa, thầy pháp… chân chính để cùng với họ cứu đời trong lĩnh vực này?

Sứ mạng của người môn đệ Đức Kitô như đang thôi thúc chúng ta tiếp tục công trình cứu độ của Thiên Chúa giữa lòng xã hội Việt Nam hôm nay. Dưới ánh sáng và quyền năng của Đức Kitô, chúng ta vẫn còn khám phá ra nhiều điều bí ẩn nơi những người con người khốn khổ, tật bệnh mà khoa học dù có tiến bộ tiến bộ đến đâu, cũng chưa thể cứu chữa được họ. Hơn nữa, ánh sáng ấy còn xuyên thủng bức màn tăm tối của thế giới những người đã khuất để nhận ra bao linh hồn đang mong chờ ta loan báo Tin Mừng cứu độ.

Hàng triệu vong linh sẽ được giải thoát nhờ những lời cầu nguyện, hy sinh thường ngày của ta. Dù chỉ là người nội trợ cả ngày lo việc bếp núc ở nhà hay là người già yếu bệnh tật không đi xa được, ta vẫn có thể trở thành những nhà truyền giáo vĩ đại cho muôn vàn người đã khuất. Rồi khi những người này được hưởng hạnh phúc trọn vẹn bên Chúa, họ lại trở thành các vị thánh chuyển cầu cho ta.

Như thế, mầu nhiệm các thánh cùng thông công sẽ càng được thể hiện rộng hơn trong Thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô là Giáo Hội.

(Trích từ Bản tin Hiệp Thông của Hội đồng Giám mục Việt Nam số 26-27, tháng 10-2004).

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, 21/10/2004

Đọc thêm:
Âm Hồn Nhập Xác, Rửa Tội Được Không? Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
Rửa Tội Cho Người Chết? Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-viet-nam/rao-giang-tin-mung-cho-nguoi-da-khuat/