Trích từ Dân Chúa

Phỏng vấn Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, giám mục Hưng Hóa, về “Cuộc rước Đức Mẹ ở giáo phận Hưng Hoá”

WHĐ

WHĐ (1.7.2010) – Gần đây có những người hỏi về vài vấn đề được viết trong một trang mạng, liên hệ đến giáo phận Hưng Hóa, chẳng hạn về “Một cuộc rước Đức Mẹ ở giáo phận Hưng Hóa”, về Tết Trung Thu 2009 ở Yên Bái, và về một linh mục được thuyên chuyển. Để tìm hiểu vấn đề, Trang tin điện tử Hội đồng Giám mục Việt Nam (WHĐ) đã liên lạc với Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, giám mục giáo phận Hưng Hóa và thực hiện bài phỏng vấn sau đây. Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả.

WHĐ: Gần đây có thông tin trên mạng về “Một cuộc rước Đức Mẹ ở giáo phận Hưng Hoá”. Xin Đức cha cho biết thực hư như thế nào ?

Đức Giám mục Vũ Huy Chương (Gm.VHC): Tôi nghĩ rằng nếu muốn thông tin đầy đủ về cuộc rước Đức Mẹ tại giáo xứ Dị Nậu thì không nên thông tin như thế vì có thể làm cho người khác hiểu theo một định hướng của người thông tin!

Bấm vào hình để xem toàn tập
ruoc_02.jpg

Tôi đã tiếp xúc với cha xứ và Hội đồng giáo xứ Dị Nậu và đã xem toàn bộ DVD về cuộc rước, và thấy rất rõ Thánh giá nến cao dẫn đầu cuộc rước (xin xem hình). Những hình ảnh trong trích đoạn video là vài quang cảnh chuẩn bị cuộc rước, còn chính cuộc rước thì không thấy trích!

Giáo dân giáo xứ Dị Nậu, thuộc xã Dị Nậu, sống chen lẫn với lương dân, chiếm khoảng 30% dân số trong xã. Khi có rước Đức Mẹ quanh làng xã, thì bà con lương dân cũng hưởng ứng theo kiểu của người lương dân, chẳng hạn thấy rất rõ trong video có biểu ngữ phía trên bàn đặt tượng HCM trước cổng đình, nguyên văn 3 hàng như sau: “LƯƠNG DÂN THÔN DỊ - CHÀO MỪNG LỄ RƯỚC HOA KÍNH ĐỨC MẸ - HỌ GIÁO DỊ 2010” (xin xem hình chụp không bị cắt bỏ hàng chữ “LƯƠNG DÂN THÔN DỊ”). Phong tục tập quán ở nhiều làng xã miền Bắc gọi việc đó là “bái vọng” như được viết trong quyển “Chứng Từ Của Một Giám Mục”, hồi ký của Đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng, Giám mục Phụ tá Hà Nội:  “Trên đoạn đường kiệu đi ngang, có những bàn thờ gọi là 'bái vọng' do dân chúng trong làng làm ra. Đó là một cái bàn, trên đặt Thánh Giá nếu là của bên đạo, hoặc đặt lư hương nếu là của bên lương. Bên nào cũng có người ăn mặc chỉnh tề đứng chực....” (trang 28). Đây là do lòng thành kính của dân chúng đối với cuộc rước và họ bày tỏ theo cung cách của họ (xin xem vài hình bái vọng). Nếu họ không có cờ Nước Vatican (mà có người gọi là cờ Toà Thánh), thì trong dịp lễ hội dân gian miền Bắc, người ta thường treo hoặc cầm cờ Tổ quốc. Thậm chí có người bên lương ôm tượng Đức Mẹ trên xe và cầm cờ Tổ quốc cho xe chạy quanh làng vài ngày trước ngày rước Đức Mẹ để cổ động (trong trích đoạn video, cảnh chuẩn bị cuộc rước thấy có xe cầm cờ đi ban ngày, trong khi cuộc rước bắt đầu vào chiều tối với thánh giá dẫn đầu – xin xem hình). Đấy là còn nhiều cảnh đẹp chưa được giới thiệu, như cảnh người bên lương dựng cây đuốc cao 14 mét ngay trước ao đình làng để đốt lên trong đêm rước Đức Mẹ, cảnh các cụ ông cụ bà bên lương đến chúc mừng tại nhà xứ v.v. (xin xem hình).

Bấm vào hình để xem toàn tập
ruoc_06.jpg ruoc_07.jpg

WHĐ: Còn việc rước tượng HCM vào nhà thờ Yên Bái như thông tin trên mạng: “Ngày tết Trung thu 2009, trong thánh lễ dành cho các cháu thiếu nhi, linh mục quản nhiệm nhà thờ Yên Bái, giáo phận Hưng Hóa, đã long trọng rước tượng HCM vào thánh đường giáo xứ để các thiếu nhi chiêm bái” ?

Gm.VHC: Đó cũng là một hình thức thông tin không đầy đủ. Tôi đã hỏi cha xứ và HĐGX Yên Bái.  Họ cho biết từ trước đến nay, chưa bao giờ có linh mục quản nhiệm nào đã làm như thế! Vậy thì có gì không? Được biết, Thánh Lễ thì thuần túy tôn giáo trong nhà thờ; sau Thánh Lễ có thiếu nhi bên lương cùng vui Trung Thu với thiếu nhi công giáo tại sân nhà thờ, chứ không tổ chức rước xách gì.

WHĐ: Cũng xin hỏi Đức cha về một thông tin viết rằng: “Một linh mục đã cất lên tiếng nói tố cáo tội ác và động viên giáo dân hiệp thông với những điểm nóng đã bị ĐGM Hưng Hóa thuyên chuyển với hình thức nhục mạ hơn một án kỷ luật”?

Gm.VHC: Đây cũng là một thông tin không đầy đủ! Việc thuyên chuyển linh mục trong giáo phận là việc làm thông thường. Một linh mục tốt cũng nên cho giáo xứ khác được hưởng. Cụ thể, “một linh mục” trong bản tin nói trên đã nhận được văn thư thuyên chuyển từ một giáo xứ lớn trong tỉnh Yên Bái đến một giáo xứ lớn trong tỉnh Phú Thọ. Thủ tục hành chính đã xong và đã định ngày nhận xứ mới (ngày 04.3.2010). Nhưng trước đó 4 ngày (ngày 27.02.2010), HĐGX thuộc giáo xứ cũ đã đề nghị giám mục bổ nhiệm linh mục mà họ yêu mến đến một giáo họ thuộc giáo xứ cũ “để có cơ hội làm việc mục vụ giúp người nghèo dân vùng này, nhất là những người dân tộc thiểu số”. Chính vị linh mục đó cũng làm đơn thỉnh nguyện: “Sau khi đã suy nghĩ và cầu nguyện, con viết đơn này để trình lên Đức cha: nếu Đức cha cho phép chọn giữa LL (tên giáo xứ mới) và LT (tên giáo họ thuộc giáo xứ cũ), thì con xin chọn chuyển tới LT… Qua kinh nghiệm làm việc với người dân tộc thiểu số tại vùng này, con nhận thấy họ thật nghèo cả về tinh thần lẫn vật chất”. Tôi đã làm văn thư bổ nhiệm mới, ký ngày 28.2.2010, trong đó có viết: “Nay, theo 'đơn trình' của Cha ký ngày 27 tháng 2 năm 2010, bày tỏ nguyện vọng cao đẹp của Cha muốn ở lại LT và muốn 'làm việc với người dân tộc thiểu số', tôi quyết định…”.

Tôi e rằng bản tin đánh giá việc “thuyên chuyển với hình thức nhục mạ” có thể trở thành một lời nhục mạ đối với chính vị linh mục là người “đã suy nghĩ và cầu nguyện” rồi bày tỏ một nguyện vọng cao đẹp như thế! Thật đáng tiếc!

Tôi là “chức sắc có trách vụ trong Giáo phận” được mời lên tiếng, và tôi rất tâm đắc với đoạn Thánh Kinh được trích dẫn trong đoạn kết của trang mạng: “Thiên Chúa đã giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí. Trái lại, chúng tôi khước từ những hành động ám muội, đáng xấu hổ, và không dùng mưu mô mà xử trí, cũng chẳng xuyên tạc lời Thiên Chúa; nhưng chúng tôi giãi bày sự thật” (2 Cr 4, 1-2).

WHĐ: Xin cám ơn Đức cha.

WHĐ

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-viet-nam/phong-van-duc-cha-anton-vu-huy-chuong-giam-muc-hung-hoa-ve-cuoc-ruoc-duc-me-o-giao-phan-hung-hoa/