Trích từ Dân Chúa

Phá thai: Một tội ác

Lm Phêrô Hồng Phúc

Tôi bị đánh động qua đề tài “Bảo vệ sự sống” do cha Nguyễn Hồng Phước DCCT thuyết trình trong ngày gặp mặt đồng hương Phát Diệm – Thanh Hóa 01/05/2009 tại nhà thờ Phát Diệm – Phú Nhuận, Sài Gòn.

Những hình ảnh, những con số khoảng hai triệu ca phái thai trong một năm tại Việt Nam như ám ảnh, day dứt trong tôi. Đi giữa Tp HCM, nơi thu hút sức trẻ của cả nước, một nhịp sống công nghiệp mạnh mẽ, sôi động, tiềm năng nhưng cũng đang ẩn chứa trong mình bóng tối ngày càng dày của tội ác phá thai là một tội ác được cha thuyết trình sánh ví là tương đương với tội diệt chủng vì tính chất dã man và có hệ thống của nó, hy vọng và thất vọng xen lẫn trong tôi.

Bị kẹt giữa dòng người từ Đà Lạt đổ về thành phố, hầu hết là các học sinh, sinh viên, công nhân, các đôi nam nữ trên xe máy, các gia đình trẻ đi trên ôtô đủ các loại, tôi bỗng rùng mình nghĩ đến lời cha Hồng Phước thuyết trình: “Kinh nghiệm cho thấy, cứ sau dịp 30/04 đi chơi về thì ngày 19/05 sẽ là tăng vọt những con số phá thai…” Biết mình đang bị ám ảnh, tôi tìm đến thánh Phaolô để bám víu: “ Ở đâu tội lỗi tràn đầy thì ở đó ân sủng càng chan chứa” ( Rm 5, 20) Trong trí tôi bỗng sáng lên hình ảnh về GÓC LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA mà cha thuyết trình đã minh họa bằng hình ảnh được chụp tại Tu viện DCCT Sài Gòn, tôi quyết định tới viếng thăm Tu viện.

Cha Giám tỉnh đón tiếp chúng tôi cách ân cần, nồng hậu. Phong cách của ngài khiêm tốn, giản dị, nhưng kiến thức trao đổi lại rất chuyên sâu thể hiện một nền học vấn uyên bác. Ngài dẫn tôi đi xem một công trình xây dựng đang đi vào giai đoạn hoàn thiện. Đúng ra, đây là một tổng thể công trình kiến trúc do chính ngài định hướng thiết kế. Từ tầng hầm để xe sẽ được quản lý bằng một hệ thống camera điều khiển bằng kỹ thuật vi tính hiện đại nhất thành phố, đến các tầng dành làm lớp học, làm dịch vụ, các hội trường tầm trung tới hội trường lớn hàng ngàn người có thể tham dự. Tất cả vì mục đích truyền giáo và đáp ứng nhu cầu mục vụ, nhất là mục vụ di dân của thành phố.

Còn đang đi trong thán phục thì tôi gặp lại được cha Hồng Phước, ngài vui vẻ sẵn sàng dẫn tôi tới GÓC LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA hiện đặt tạm tại một góc hành lang tầng hai của Tu viện.

Những tấm đá nhỏ ghi tên thánh và tên của bào thai bị phá, gắn đầy lên tường. Chính giữa là ảnh lòng thương xót Chúa. Dưới chân ảnh là một bàn nhỏ trên đặt lư hương, khói tỏa nghi ngút giữa hai cây nến cháy. Sát góc tường là một bình sứ to, lót sẵn túi nilon màu đen. Theo cha Hồng Phước, mỗi ngày thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1000 bào thai bị phá. Nhóm tình nguyện của DCCT gom về đây được khoảng vài trăm. Những bào thai này được đem hỏa thiêu, than được dồn vào 2 lỗ gạch thông rồi vít hai đầu gạch lại. Dự định sắp tới, số gạch này sẽ xây thành một lăng lớn. Đây thật là một sáng kiến mà Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh cho là có một không hai trên thế giới, nó vừa là cách an táng các bào thai vô tội, vừa là một thông điệp mời gọi các bà mẹ tương lai suy tư: hãy tôn trọng và bảo vệ sự sống !

Cha Hồng Phước chia sẻ câu chuyện khó mà tin lại trở thành khó mà phải tin: Ban đầu có người khắc tên thánh và tên gọi cho bào thai bị phá, nói rằng cháu thúc giục phải làm như vậy và đưa đến xin đặt tại Tu viện. Cha Quang Uy không tin nên bảo họ muốn đặt đâu thì đặt. Họ đem đến đặt ở góc nhỏ này. Rồi những viên đá khắc tên mỗi ngày một nhiều thêm. Nhiều người phá thai đều kể lại bị thúc giục như thế, và khi họ đã đặt viên đá ở góc lòng thương xót ra về thì họ được bình an.

Một bà mẹ đã từng tới đây cầu nguyện trong u sầu, bà đã nghe lời bác sĩ chẩn đoán là thai nhi đã chết trong lòng mẹ, cần được phá để cứu mẹ. Đau đớn thay đó là một chẩn đoán sai lầm. Thai nhi còn sống và khi bị phá đã ngáp hồi lâu trước khi chết hẳn. Từ đó mỗi năm tới ngày phá thai, hình ảnh đứa bé lại xuất hiện khiến người mẹ vốn đã đau đớn vì sau khi phá thai bị vô sinh, nay lại chứng kiến cảnh đứa bé xuất hiện.

Cũng tại GÓC LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA này, tôi may mắn được gặp chị Trần Thị Liễu, trưởng nhóm tình nguyện “Bảo vệ sự sống”của DCCT. Chính chị đã chia sẻ từng thấy như người níu kéo bên hông khi chị đi xe và đeo trên lưng các bào thai bị phá. Chị đến đây cùng với một vài cặp gia đình để cảm hóa họ không phá thai nữa và bình tâm cầu nguyện trước GÓC LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA.

Cha Hồng Phước có lý khi nhận định rằng giới trẻ 8x, 9x là thế hệ hưởng thụ, không phải trải nghiệm chiến tranh, họ bị ảnh hưởng nền văn hóa Tây phương lao vào sống gấp, sống hưởng thụ. Họ lầm lẫn giữa tình yêu và tình dục nên lấy tình dục để thử tình yêu. Một số lấy cớ là thuê nhà chung, góp gạo thổi cơm chung để giảm chi phí tiền nghìn, nhưng hậu quả dẫn đến phá thai, phản bội, lừa đảo là thiệt hại tiền triệu và thiệt hại cả đời.

Chưa nói đến niềm tin vào sự sống đời đời, chỉ chung quanh vấn đề phá thai đã làm nên một học thuyết xã hội học. Một nền giáo dục nhân bản đang ở vào tình trạng báo động: phá thai, bạo lực học đường, đã bắt đầu như hệ quả tất yếu của nhận thức xã hội thời đại mới.

Thiết nghĩ, cuộc gặp mặt đồng hương Phát Diệm – Thanh Hóa đã thành công khi đề cập đến vấn đề yêu hay sống thử, nạn phá thai. Đó là một trong những motifs giáo dục cần được quan tâm và phát triển. Những băng hình “Bảo vệ sự sống” tố cáo sự tàn bạo của việc phá thai cần được phổ biến tới giới trẻ. Tuy nhiên những hình thức hoạt động trên mới chỉ là khởi điểm và mang tính địa phương. Năm “ Chấn chỉnh môi trường giáo dục gia đình Kitô giáo” cần có một suy tư thực tế, mạnh mẽ, phổ cập để có thể giáo dục sâu rộng hơn tới từng bạn trẻ.

Lm Phêrô Hồng Phúc

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-viet-nam/pha-thai-mot-toi-ac/