Trích từ Dân Chúa

Ở nơi Chúa cũng ngậm ngùi

Lm Ðinh Thanh Bình

Trích Dân Chúa Úc Châu (Thứ Ba 20/8/2002)

Phần thứ nhất: Trung tâm Mai Hòa

Phóng sự đặc biệt của Lm Ðinh Thanh Bình

(Bài phóng sự này đã được phát thanh trên đài SBS, vì sự yêu cầu của nhiều thính giả, Dân Chúa Úc Châu xin đăng lại nguyên văn)

Quý bạn đọc thân mến,

Nói đến Củ Chi, tất cả mọi du khách về Việt Nam đều nghĩ ngay tới những địa đạo chằng chịt thời chiến tranh du kích của quân Cộng Sản. Bây giờ, Củ Chi trở thành một điểm nóng du lịch cho khách nước ngoài. Tuy nhiên, ít ai biết rằng trên tuyến đường gần địa đạo, có một trung tâm mới vừa được khánh thành. Tôi đã đến Củ Chi, không phải để đi tham quan địa đạo, nhưng là để viếng thăm Trung Tâm Mai Hòa, trung tâm chăm sóc bệnh nhân liệt kháng AIDS ở giai đoạn cuối cùng.

Sau nhiều tháng trời vất vả với việc tìm mua đất đai và giấy phép xây dựng, chắc chắn phải kèm theo những thủ tục 'đầu tiên' 'tiền đâu’ với mọi cấp chính quyền, Trung Tâm Mai Hòa chính thức được thành lập, dưới sự điều hành trực tiếp của dòng tu Công Giáo Nữ Tử Bác Ái. Nguồn vốn xây cất hoàn toàn do Nhật Bản và Gia Nã Ðại tài trợ. Chúng ta đừng vội cho rằng đã có nước ngoài đỡ đầu thì khoẻ re, chẳng cần gì phải lo về nhân sự và tài chánh nữa. Thật ra, nước ngoài chỉ giúp phần xây dựng cơ sở, còn phần điều hành, các sơ Nữ Tử Bác Ái phải tự kiếm tiền để trang trải mọi chi phí. Tôi thắc mắc hỏi: 'Nhưng chuyện này là nhiệm vụ của nhà nước mà, tại sao các sơ không xin nhà nước trợ cấp?' Sơ giám đốc trả lời: 'Nhà nước bận rộn lắm, chẳng có giờ đâu mà ngó ngàng tới cái bệnh liệt kháng xấu hổ này. Mình bỏ công sức ra lo lót chạy chọt, vận động xin xỏ khắp nơi, nấu ăn xong xuôi rồi đến bữa dọn ra, kính mời nhà nước tới sơi thì nhà nước chịu liền. Nhưng giao cho nhà nước, rồi nhà nước năn nỉ ỉ ôi nước ngoài, nước ngoài sẽ đổ tiền về giúp, nhưng có thể một triệu Ðô La Mỹ viện trợ, khi tới tay trung tâm may ra chỉ còn lại một triệu đồng Việt Nam. Ừ! thì cũng là một triệu thôi! Ðòi hỏi gì nữa! Ðòi hỏi thì không dám, nhưng số sai biệt khổng lồ giữa một triệu Ðô La Mỹ và một triệu Ðồng Việt Nam đi đâu thì chỉ có trời mới biết. Trời nhiều khi cũng lắc đầu chịu thua với cung cách hối lộ đã trở thành một 'nhân đức' trong giao tế tại Việt Nam, nên các Sơ dứt khoát không giao cơ sở cho nhà nước, thà tự mình đứng ra điều hành để khỏi mang tiếng với quí vị ân nhân đã chắt chiu từng đồng gởi về, với hy vọng sẽ mang lại những nụ cười hiếm hoi lần cuối, cho những bệnh nhân liệt kháng đang nằm chờ chết trong trung tâm Mai Hòa.

Chỉ có 24 giường bệnh, mới khánh thành được vài tháng, đợt bệnh nhân đầu tiên 14 người đã vĩnh biệt cuộc đời. Chết mau như giấc ngủ, nhắm mắt lẹ làng như lá thu lìa cành. Một sơ vừa khóc vừa kể lại: 'Vừa cho cậu ta viên thuốc an thần, hứa sẽ trở lại để chuyện trò, đi ra ngoài mười phút, quay về cậu đã chết, đã thoát khỏi cõi đời đầy tủi nhục đau buồn nàỵ' Trong một trường hợp khác: 'Ðang bồng em trên tay, chăm chút lau khô từng mụn nhọt trên khuôn mặt em thất thần, em khép nhẹ bờ mi, tưởng là ngủ quên nào ngờ hơi thở vụt tắt, tim đã vội ngừng đập.' Liệt kháng HIV và AIDS không phân biệt danh vọng, địa vị, tôn giáo, giai cấp sang hèn, già lão hay trẻ thơ, có tội hay vô tội. Liệt kháng cứ tàn nhẫn lạnh lùng, vung tay chém giết tất cả bằng lưỡi hái tử thần. Theo sự nghiên cứu của các quốc gia Tây Phương, những người có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh nhất thường là dân xì ke ma túy chích chung kim, trai gái làm nghề mãi dâm, giới đồng tính luyến ái. Riêng ở Việt nam, nơi đi sau thế giới trong mọi lãnh vực, nhưng lại đi trước thế giới trong chuyện lây lan liệt kháng. Ngay cả những cặp vợ chồng khác phái tính giao hợp bình thường cũng bị nhiễm bệnh vô số, chơi bời chung chạ với bao cao su cũng chẳng an toàn, vì khẩu dâm cũng dính chùm liệt kháng. Cha mẹ mang tội đã đành, nhưng trả lời làm sao được với những đứa con vô tội vừa sinh ra mà cũng bị nhiễm bệnh di truyền. Tôi đã gặp một bé gái bốn tuổi, cả cha lẫn mẹ đều chết trước đó không lâu vì bệnh Aids, chính em cũng đang ở trong trung tâm để chờ chết. Em lanh lẹ lắm, hỏi câu nào trả lời rành mạch câu đó, em vẫn nhớ cầu nguyện cho cha mẹ, vẫn biết múa biết hát. Ðưa em cục kẹo, em hớn hở ra mặt, không ai biết em đang mang bệnh nếu không để ý đến nước da đen sần sùi nổi mụn từng cục của em. Không còn bao lâu nữa, rồi em cũng sẽ theo cha theo mẹ. Ðừng khóc cho em, bởi vì, em vẫn đang cười tươi, tíu tít hỏi tôi nước Úc ở đâu? Ủa sao người ở Úc mà vẫn biết nói tiếng Việt? Nếu cần khóc, chúng ta hãy khóc cho thế hệ trẻ Việt Nam ngây thơ đang có nguy cơ bị ma túy quyến rũ lọc lừa. Từ ma túy tới liệt kháng, là một xa lộ thênh thang dẫn đến tử địa. Bác sĩ Trung đã kể cho tôi nghe một câu truyện vô cùng đau lòng: Ban công nhà Bác Sĩ đối diện với một con hẻm nhỏ. Có hôm, chính mắt bác sĩ nhìn thấy một người nghiện xì ke gầy gò đang tiêm ma túy vào mạch máu cho hai em học sinh khỏe mạnh với đầy đủ đồng phục trên người, cặp sách trên tay. Tận mắt chứng kiến cảnh đó, vị bác sĩ hét lên hoảng hốt 'Trời ơi! Trời ơi!' Kêu Trời, nhưng biết rằng Trời cũng đành bó tay trước cái hình ảnh thương tâm cay nghiệt ấy.

Trung Tâm Mai Hòa mới xây xong, chưa vội xuống cấp, nên phòng ốc rất sạch sẽ khang trang. Âu cũng là một an ủi cuối cùng cho một kiếp người cả đời đã bị sống như một kiếp vật. Mà cũng chưa chắc được như một kiếp vật, vì con vật người ta còn sẵn sàng nuôi ăn để giúp ích cho chủ, đằng này kiếp vật liệt kháng đã bị mọi người xua đuổi, tránh né, khinh bỉ, mỉa mai. Vào được Mai Hòa là một may mắn vì bệnh nhân sẽ được đối xử tử tế, được chăm sóc lo lắng, được khám bệnh, cho thuốc, được ăn uống đàng hoàng, được ngủ nghỉ yên lành trong một môi trường thoáng mát vệ sinh. Năm nay anh 46, có một vợ hai con, nhiễm bệnh không rõ lý do, người gầy trơ xương, lở loét toàn thân. Mỗi ngày anh chỉ cần hai ngàn đồng Việt Nam, khoảng ba mươi cent Úc để sống, buổi sáng một ly sữa đậu nành, buổi tối thêm một ly nữa là đủ. Vợ con xa lánh, mà thật sự anh cũng không muốn hai đứa con nhìn thấy cảnh ông bố thảm thương chờ chết. Lê lết tới bệnh viện, người ta sợ hãi đuổi anh ra, trung tâm Mai Hòa đưa anh về. Hỏi anh ở đây có cảm thấy thoải mái hay không, anh trả lời: 'Ở đây là thiên đàng, tôi có chết, tôi cũng chỉ mong linh hồn được sống thoải mái như thế này là cùng.' Anh đã chết rồi! Ngay ngày hôm sau, tôi nhận được điện thoại của các sơ báo tin.

Chủ trương của trung tâm, không phải chỉ là chăm sóc các bệnh nhân liệt kháng, nhưng còn giúp họ hòa giải với bản thân, với gia đình và xã hội để tâm hồn được an bình trong những ngày cuối đời. Cô ta mới 23 tuổi, làm nghề bán thân nuôi miệng. Cô nhờ bà ngoại nuôi giùm đứa con 7 tuổi dưới quê rồi lên Sài Gòn một mình kiếm ăn. Cô bị bắt khi đang hành nghề, bị vất vào trại Phục Hồi Nhân Phẩm, mấy tháng sau, cơn bệnh hoành hành, người ta lại vất cô ra ngoài đường, Công An tìm thấy chở cô vào trung tâm. Tiếp chuyện với tôi, cô cúi gầm mặt, không một lần ngước lên. Người con gái Việt Nam da vàng đã từng bị đời xỉa xói hất hủi, cô không còn phân biệt được người đến thăm là nhân viên cứu trợ hay là công an hỏi cung tra khảo. Mấy năm nay chưa được gặp con, cô ao ước được thấy con một lần trước khi nhắm mắt. Tôi nhờ sơ Giám Ðốc lo giùm chuyện đó, cô không khóc nhưng tôi bật khóc. Giọt nước mắt năm nào đổ xuống cho quê hương điêu tàn vì chiến tranh, đến bây giờ, hòa bình rồi mà, nhưng tại sao giọt nước mắt vẫn chảy dài cho những cảnh đời thê thảm, như cảnh đời của người con gái Việt Nam da đen vì bệnh liệt kháng, không thể yên tâm ra đi, khi chưa được gặp mặt đứa con lần cuối cùng.

Không ai biết được con số thống kê chính thức của những người nhiễm bệnh liệt kháng tại Việt Nam, bao nhiêu là HIV, bao nhiêu đã bước sang giai đoạn AIDS. Nhưng dù có chăng nữa, thì con số đó cũng chỉ là một sự phỏng đoán rất mơ hồ, vì chẳng có cơ quan đoàn thể nào chịu đi tìm tòi điều tra tường tận. Mà tại sao lại phải tốn công tốn của như thế? Ðứa nào ngu thì chết, đáng đời đứa đó. Ðèn nhà ai nấy rạng, đèn nhà nước còn chưa đủ điện để thắp sáng, nói gì đến đèn nhân dân, mà lại là thứ nhân dân báo hại bệnh Aids. Bởi vậy, mầm mống liệt kháng tha hồ sinh sôi nẩy nở trong bóng tối, để tiêu diệt dần dần con người Việt Nam, mà không bị Công An Nhà nước hỏi thăm. Trước khi người con gái bán thân nuôi miệng bị bắt, để rồi khám phá ra, mình đã mang bệnh trong giai đoạn cuối cùng, cô đã từng đi khách với bao nhiêu người? Cậu thanh niên đẹp trai 21 tuổi từ Trung vào Nam đi làm thợ hồ, mới dính vô ma túy được 2 năm, giờ đang nằm chờ chết trên giường. Cậu kể lại, một cái kim chuyền tay nhau 5,6 thằng là chuyện thường, lúc đó đang thèm, chẳng còn biết sợ. Trong mười thằng bạn chung nhóm, tám thằng đã nhiễm liệt kháng. Người đàn ông làm nghề đánh cá, thuyền tình đã đậu lại, ngủ đêm với nhiều bến bờ, về đến bến vợ, ông cũng vừa chết, vợ ông lây bệnh cũng chết, đứa con mấy tháng vừa sinh ra cũng chết. Những bến bờ ông đã đi qua, hỏi rằng sẽ rước thêm bao nhiêu con thuyền khác? Bình thường, từ lúc nhiễm siêu vi trùng HIV đến lúc trở thành AIDS, cũng phải năm bẩy năm, nếu có thuốc men đầy đủ. Ðằng này, tại Việt Nam, chẳng hề có một loại thuốc men nào để cầm cự. Mà dù có tiền đi nữa, người ta cũng chẳng dùng để trợ giúp cho những kẻ đáng phải chết, sống làm gì chỉ tổ chật đất, mà đất bây giờ còn đắt đỏ hơn vàng. Cộng thêm với môi trường vệ sinh quá thấp kém dơ bẩn, thế nên, ở Việt Nam, bệnh nhân HIV nhanh chóng trở thành AIDS chỉ trong vòng vài tháng cho đến một năm, là đã bước sang giai đoạn cuối cùng.

Trung tâm Mai Hòa cũng không có thuốc cầm cự HIV, ba vị bác sĩ tình nguyện làm không lương chăm sóc các bệnh nhân, cũng chỉ dùng những loại thuốc căn bản để làm giảm bớt cơn đau của những loại bệnh lao, nấm da, nấm não, nấm miệng, những loại vi trùng dễ dàng xâm nhập cơ thể khi sức đề kháng của con người đã bị liệt hoàn toàn. Bốn nữ tu đang làm việc tại đó, là bốn vị thánh của lòng nhẫn nhục, khiêm nhường và can đảm chịu đựng. Không phải bệnh nhân nào cũng im lặng chờ chết, có người đã la hét vùng vẫy vì sợ hãi, có người đã đòi dây thừng để thắt cổ tự tử, đòi dao lam để cứa tay, có người đã hăm dọa cào cấu, cắn xé để trả thù đời, tôi chết thì người khác phải chết theo tôi. Với ý nghĩ còn nước còn tát, mặc dù biết chắc rằng nước sẽ cạn khô, bệnh nhân đau đớn cần mổ, các sơ lật đật chuyển đi bệnh viện. Kêu xe cũng phải kín đáo, vì chẳng ai dám chở người bệnh. Ðến nhà thương, vừa nghe nói tới AIDS, các bác sĩ chạy làng. Cuối cùng, đành phải đem về mổ dã chiến. Cũng chẳng được bao lâu, ngay hôm sau, bệnh nhân cũng chết. Bao nhiêu công lao khó nhọc, chỉ để giúp bệnh nhân sống trên đời được thêm ít tiếng đồng hồ, vậy mà các sơ không hề quản ngại. Có những lúc nửa đêm về sáng, bệnh nhân vội vã qua đời, hai nữ tu bật dậy, lau chùi thân xác, bọc ny lông cuốn lại, rồi vất vả chân thấp chân cao khiêng ra nhà xác trên quãng đường đất gập ghềnh sỏi đá. Ở đó, sẽ có xe đem đi hỏa thiêu, tro tàn vùi sâu, ngay cả tro tàn, người ta cũng sợ lây bệnh. Chẳng ai dại dột gì đâm đầu vào làm việc cho trung tâm, với đồng lương khi có khi không, với nguy cơ nhiễm bệnh dễ dàng. Chẳng ai dám hy sinh nếu không phải là những nữ tu với một tấm lòng bác ái độ lượng, sẵn sàng phục vụ theo lời Mẹ Têrêsa: 'Họ đã sống như những con vật, thì ít nhất ra, các con hãy chăm sóc họ, để họ được chết như những con người'.

Ở Việt Nam, có quá nhiều kiếp người đang phải sống như những con vật, và bởi vậy, họ ao ước được chết như những con người. Mặc dù, với khả năng giới hạn, các nữ tu chỉ có thể nhận vào những đối tượng bệnh nhân liệt kháng ở giai đoạn cuối cùng, nhưng đôi khi, cũng đành nhắm mắt buông xuôi. Tiếng xe dừng trước cổng, người ta đẩy vội một thân xác thoi thóp xuống, rồi rồ ga phóng đi. Không lẽ lại vực thân xác dậy, rồi đuổi đi như đuổi tà? Các bệnh viện đã làm thế, các cơ quan nhà nước đã làm thế, nhưng các sơ không thể làm thế. Những bệnh nhân bất ngờ này là mối bận tâm nhức đầu của các thiên thần Nữ Tử Bác Ái. Lấy tiền đâu ra nuôi họ? Người đâu ra chăm sóc cho họ? Thôi thì cật lực làm thêm giờ, thôi thì lương người gác cổng kiêm luôn việc bảo trì cơ sở vài chục đô một tháng tạm ngưng lại tháng sau. Cứ như thế, cả người chăm sóc lẫn người bệnh, đều ngắc ngoải mệt mỏi như nhau. Tuy nhiên, cho dù có mệt mỏi cả thân xác lẫn tinh thần, nhưng tấm lòng thì lại không biết mệt mỏi. Chính vì vậy, các nữ tu, sau giấc ngủ vội vàng, lại thức dậy vội vàng để chuẩn bị sẵn sàng cho những thử thách đang chờ đợi trong một ngày mới. Trước khi giã từ Trung Tâm, tôi trao tận tay Sơ Giám Ðốc một số tiền, như một chút quà cho quê hương đói khổ, như một đóng góp nhỏ nhoi cho công việc chăm sóc những kiếp người đã phải sống như kiếp vật, để ít ra cuối cùng họ còn được chết như những con người. Sơ mừng rỡ, rối rít cảm ơn quí vị ân nhân. Chưa gì Sơ đã có dự tính tăng chất lượng khẩu phần bằng chút thịt cá mừng Xuân, tết này anh gác cổng và hai người hộ lý sẽ được trả lương đầy đủ. Phần các sơ thì sao? 'Ủa! Người khác vui thì mình vui rồi! Còn cần gì nữa'

Quý bạn đọc thân mến,

Bây giờ ở Sài Gòn, thiên hạ đang hối hả mua sắm đồ Tết, hàng quán đông nghẹt, chỗ nào có siêu thị, có trung tâm ca nhạc, chỗ ấy xe cộ kẹt cứng, khói xe mù mịt, tiếng còi vang lên inh ỏi. Người ở đâu nhiều thế mà chỗ nào cũng đầy người, tiền ở đâu lắm thế mà chỗ nào cũng ăn nhậu giải trí, phủ phê thừa mứa thả dàn. Sài Gòn hồ hởi phấn khởi đón xuân, năm nay con ngựa thương ước Mỹ Việt tha hồ rong ruổi đường xa để đem về nhiều hy vọng cho một nền kinh tế chỉ biết hưởng thụ tiêu dùng. Sài Gòn đón chờ xuân sang, không cần biết đến Củ Chi, nơi có những con người đang khắc khoải đón chờ thần chết. Trong những phút giây nôn nao đếm số chầm chậm: mười, chín, tám, bẩy, sáu... để chấm dứt năm cũ của Sài Gòn, tự nhiên lòng tôi lại liên tưởng đến những số giây còn lại: năm, bốn, ba, hai, một, kết liễu cuộc đời của người con gái Việt Nam da vàng bị biến dạng thành da đen liệt kháng vừa nhắm mắt lìa trần tại Củ Chi, trong trung tâm Mai Hòa. Sẽ có nhiều tiếng cười hả hê đón mừng năm mới tại Sài Gòn, nhưng cũng sẽ có một tiếng khóc ngậm ngùi cho thân phận con người ở quê hương.

Lm Ðinh Thanh Bình
(Melbourne, Úc Châu)

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-viet-nam/o-noi-chua-cung-ngam-ngui/